2.1. Di sản văn hóa vật thể
2.1.3. Nghề và làng nghề truyền thống
Về góc độ văn hóa, làng nghề phản ánh cuộc sống cư dân nông thôn gắn liền với cơ chế sản xuất mùa vụ, mang đặc trưng của chế độ làng xã, trong đó bao gồm cả yếu tố dòng họ; đặc trưng vị trí, giao thông để làng nghề hình thành cụ thể đó là vùng nguyên liệu và điều kiện giao thông, bên cạnh đó còn chứa đựng những giá trị tinh thần thể hiện qua những tập tục, tín ngưỡng, lễ hội. Sản phẩm làng nghề là kết tinh những thành quả sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân.Không chỉ thế môi trường tồn tại và phát triển của làng nghề chính là không gian văn hóa vật thể làng nghề từ những điều kiện tự nhiên: cây đa, bến nước đến nhà thờ tổ nghề, cổng làng… Môi trường tồn tại và phát triển của làng nghề chính là không gian văn hóa phi vật thể của làng nghề, đó là những nếp sinh hoạt cộng đồng (tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán…). Hệ thống làng nghề là một trong những nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, việc gắn kết làng nghề với du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh con người, thiên nhiên và văn hóa điểm đến.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch ở Vĩnh Long còn nhiều hạn chế do thiếu sự gắn kết giữa làng nghề và hoạt động du lịch. Vị trí một số làng nghề chưa thuận lợi trên tuyến du lịch, các làng nghề chưa thấy được giá trị tinh thần từ hoạt động sản xuất của họ mà chỉ thấy được đơn thuần là sản phẩm vật chất được tạo ra nhưng chính những giá trị tinh thần đó lại là cơ sở thu hút khách du lịch. Các nghề truyền thống dân gian tiêu biểu tại Vĩnh Long có thể phần làm hai nhóm, bao gồm:
(1) Nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ 1. Nghề đương/đan đát
2. Nghề dệt chiếu 3. Nghề chằm nón
4. Nghề làm gạch gốm mỹ nghệ
(2) Nghề truyền thống phục vụ ẩm thực 5. Nghề làm tương chao, tàu hủ ky 6. Nghề làm bánh tráng giấy
7. Nghề quết cốm dẹp
Trong đó, tính riêng các làng nghề đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận, tính đến năm 2013 Vĩnh Long đã có 25 làng nghề đạt tiêu chí theo quy định. Khi sắp xếp các làng nghề thành cụm địa phương để khảo sát xây dựng tuyến điểm du lịch đối với những làng nghề và nghề truyền thống nổi bật, ta có bảng kết quả sau:
Bảng 2.4: Danh sách làng nghề và nghề truyền thống nổi bật
STT TÊN ĐỊA CHỈ GHI
CHÚ 1 Làng nghề gạch gốm mỹ nghệ Huyện Mang Thít
2 Nghề đan đát và dệt chiếu Tp. Vĩnh Long, huyện Mang Thít, huyện Vũng Liêm 3 Xóm chằm lá, chằm nón Huyện Long Hồ, huyện
Mang Thít
4 Làng nghề tàu hủ ky Thị xã Bình Minh 5 Làng nghề bánh tráng nem cù
lao Mây Huyện Trà Ôn
6 Làng Mai Vàng Phước Định Huyện Long Hồ
Cả 06 làng nghề thu hút khách du lịch nói trên đều nằm trên trục con đường thủy Măng Thít - Trà Ôn nối thông sông Tiền và sông Hậu qua các điểm thành phố Vĩnh Long - huyện Mang Thít - huyện Tam Bình - huyện Trà Ôn, đồng thời cũng từng là con đường giao thông cơ bản thời tiền hiện đại, nhất là giai đoạn khai khẩn cho đến giai đoạn thuộc Pháp. Theo dọc con đường thủy này, lúa gạo và nông sản đồng bằng sông Cửu Long theo ghe thuyền đến cửa Mỹ Tho rồi theo sông Bảo Định - rạch Chợ Đệm đến Sài Gòn -Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng dọc theo con đường này nhiều di tích dân sự - thương mại quan trọng một thời hiện hữu cho đến hôm nay, đó là chợ Cái Vồn (song đôi với chợ Cái Răng ở Cần Thơ), chợ Trà Ôn (đặc biệt là chợ nổi Trà Ôn), các chợ phố ven sông Mang Thít - Trà Ôn và thành phố Vĩnh Long; đó là hệ thống các đền miếu người Hoa và người Việt chứng nhận các bước thăng trầm của lịch sử vùng đất Tầm Bào - Long Hồ - Vĩnh Long xưa và nay: Miếu Thiên Hậu Cái Vồn, Miếu Ông Bổn, miếu Quan Thánh Trà Ôn, miếu Thiên Hậu Ba Kè, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Minh Hương hội quán, miếu Quan Đế và miếu Thiên Hậu Vĩnh Long... Do vậy, sự kết hợp giữa loại hình làng nghề và loại hình du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương gắn với trục đường thủy này là một hạt ngọc cần được rèn giũa cho sáng sủa.
Trong phần nội dung tiếp theo chúng tôi đi vào phân tích hiện trạng và đặc trưng truyền thống làng nghề tiêu biểu, coi đó là cơ sở xây dựng các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch, nhất là dưới góc nhìn kinh tế - văn hóa.
(1) Nghề làm gạch gốm mỹ nghệ
Vào đầu thế kỷ thứ XIX một nhóm người Hoa từ Trung Quốc sang định cư tại các vùng cặp mạn sông Cổ Chiên như Tân Hội, Tân Hòa, Sơn Đông, Đông Đức Đông, Hòa Mỹ, Hòa Long (huyện Mang Thít)... Nhóm người này đầu tư xây lò sản
xuất gạch ngói, quy mô sản xuất còn thô sơ, chủ yếu sản xuất thủ công. Đặc điểm vùng đất Vĩnh Long do phù sa bồi đắp hình thành nên các lớp trầm tích. Vĩnh Long nổi tiếng với các sản phẩm gốm đỏ, xuất khẩu vào các thị trường Châu Mỹ, Châu Úc.Gốm Vĩnh Long được làm từ đất sét, sau khi nung gốm có sắc màu đặc trưng là màu đỏ tự nhiên và đất phèn vân trắng. Ngoài ra, một số mặt hàng như gốm xi măng, gốm giả cổ, gốm trang trí men... được một số doanh nghiệp nghiên cứu phát triển làm phong phú sản phẩm cho làng nghề gốm đỏ Vĩnh Long.
(2) Nghề đan đát và dệt chiếu
Theo tư liệu, nghề đan đát và dệt chiếu vào đầu thế kỷ XVIII đã được hình thành. Các vùng trồng láctrên các cù lao ven sông Tiền điển hình là cù lao Dài (huyện Vũng Liêm), vùng trồng tre, trúc ở Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) và các vùng lân cận. Từ đó, các xóm nghề xuất hiện từ nông thôn đến thị thành như xóm dệt chiếu cù lao Dài huyện Vũng Liêm, xóm đan đát xã Hòa Tịnh huyện Mang Thít, hay rải rác ở xã Thành Lợi, huyện Bình Tân hay ngay tại đường Ngô Quyền, phường 2, thành phố Vĩnh Long. Dệt chiếu hiện nay chủ yếu nổi bật ở hai xã Quới Thiện, Thanh Bình của huyện Vũng Liêm. Nơi đây có những cánh đồng lác lớn, vật liệu có sẵn.
(3) Nghề chằm nón, chằm lá
Xóm chằm nón Long Hồ: thuộc khóm 5, khóm 6, thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.Nón lá Long Hồ không nổi tiếng dày, chắc như nón lá Bình Định, hay nên thơ, duyên dáng như nón lá Huế. Không biết hình thành từ năm nào (có thể hơn trăm năm), nghề nón theo chân người đàn ông gốc Huế đến đây, người làng gọi ông là ông Dố. Ông không vợ không con, ông dùng nghề nón làm kế sinh nhai và dạy người dân nơi đây cách chằm nón.
Xóm chằm lá Long Mỹ: thuộc xã Long Mỹ, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Đối diện xóm chằm nón thị trấn Long Hồ. Ra đời từ vài chục năm nay, gồm một phần ấp Long Khánh, Long Định 1, Long Định 2.
(4) Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa: thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Là một trong những làng nghề truyền thống hoạt động trên 60 năm.
Năm 2013, làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh”.
Xuất xứ nghề này ở Mỹ Hòa: vào thế kỷ XVIII- XIX,người Hoa từ Trung Quốc xuống phương Nam, họ mang theo nhiều ngành nghề thủ công truyền thống đến vùng đất này, trong đó có nghề tàu hủ ky. Năm 1912 ông Châu Xường người Quảng Đông cùng vợ và hai người con trai là Châu Khoánh (1894- 1974), Châu Sầm (1900-1937) sang Việt Nam làm ăn sinh sống và nghề làm tàu hủ ky là nghề gia truyền. Ban đầu, họ sống ở vùng Sa Đéc, sau họ chuyển về Cái Vồn và chọn Mỹ Hòa để sinh cơ lập nghiệp. Lúc đầu nghề chỉ được truyền trong dòng họ nhưng dần dần người Việt cũng theo nghề học kỹ thuật và bí quyết của nghề này từ đó hình thành nên xóm nghề khá đông đúc.
(5) Làng nghề bánh tráng nem Cù lao Mây: thuộc ấp Tân Thạnh, xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Làng nghề có tiếng từ lâu đời với nhiều loại bánh tráng, được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận làng nghề truyền thống năm 2009.
Xuất xứ làng nghề: nghề này đã có trên 100 năm và tồn tại cho đến nay. Theo lời kể của cụ Bùi Văn Tường (chánh bái đình Phú Mỹ- Thuộc Nhàn, xã Phú Thành tách ra từ xã Lục Sỹ Thành), tại ngôi đình cổ Hậu Thạnh có bệ thờ Tổ nghề thủ công, sản xuất có thể trong đó có tổ nghề bánh tráng. Gần cầu Chữ Y có ngôi miễu nhỏ thờ bà Trần Thị Vạn, theo truyền khẩu cách đây 100 năm bà theo gia tộc từ Quảng Ngãi vào đây quần tụ cư dân khai khẩn đất đai sinh cơ lập nghiệp. Khi bà mất bà con tưởng nhớ nên lập miếu thờ coi như Tiền hiền khai khẩn. Có thể bà là người cải biên món bánh đa miền Bắc thành báng tráng miền Trung rồi mang vào miền Nam phổ biến cho cư dân gắn liền với cuộc sống bà con ở vùng đất này.
(6) Làng Mai Vàng Phước Định: thuộc ấp Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây nổi tiếng nghề chơi kiểng cổ, đặc biệt kiểng mai vàng chưng Tết, có trên 55 năm. Tháng 8/2009, Ủy ban nhân dân Vĩnh Long đã công nhận làng nghề truyền thống “hoa kiểng - cây giống”. Tổ làng nghề trên 160 hộ thành viên, bình quân mỗi hộ có khoảng từ 400 tới 1.000 cây mai các
loại. Chẳng những mang lại giá trị kinh tế, giá trị thẩm mỹ mà nơi đây hứa hẹn sẽ là một địa điểm tham quan hấp dẫn cần được quan tâm phát triển.
Các nhà quản lý văn hóa và du lịch của tỉnh có kế hoạch lựa chọn địa điểm trưng bày các sản phẩm làng nghề của tỉnh tại các khu lưu niệm kết hợp việc xây dựng các sản phẩm lưu niệm, biểu tượng của tỉnh trưng bày tại các địa điểm tham quan du lịch. Có thể thấy các nghề nằm ở những khoảng cách khá xa nhau dù cùng lấy trục đường thủy làm trung tâm, để kết nối chúng lại với nhau thành một tuyến du lịch, việc khai thác phối hợp với các cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo và câu chuyện lịch sử - văn hóa địa phương là hết sức quan trọng quyết định sự thành bại của du lịch làng nghề ở Vĩnh Long.