CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
2.3. Đổi mới phương pháp dạy học môn Toán trong các trường Tiểu học hiện nay29 1. Một số định hướng đổi mới phương pháp dạy học môn Toán ở Tiểu học
Dạy học rập khuôn, người học thụ động và kiến thức xa rời thực tế chính là đặc điểm của nền giáo dục nước ta trước đây. Những hạn chế này đã đưa đến sự trì trệ trong ý thức và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước. Giữa thực trạng trên, đổi mới giáo dục là con đường duy nhất để đưa nền giáo dục Việt Nam bước sang một trang mới. Đổi mới ở đây tức là trên nền tảng những cái đã có, chọn lọc những ưu điểm để kế thừa và sáng tạo thêm theo hướng tích cực. Đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới phương pháp dạy học nói riêng đều hướng đến sự chủ động của người học, khắc phục lối mòn thụ động, tạo nên lớp người lao động có đầy đủ phẩm chất, năng lực, có tiềm năng cạnh tranh trí tuệ, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của xã hội.
Đổi mới phương pháp dạy học không chỉ là phát huy những mặt ưu điểm của các phương pháp truyền thống, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại, phối hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa các phương pháp trong từng tiết học cụ thể; mà còn thông qua các phương pháp, phát triển được các năng lực học tập cho người học.
Mỗi giáo viên sẽ có những biện pháp riêng để phát huy tính tự giác chủ động sáng tạo của học sinh.
Mục đích của việc đối mới phương pháp dạy học Tiểu học là thay đổi lối dạy học truyền thụ một chiều sang dạy học theo “phương pháp dạy học tích cực” nhằm giúp học sinh phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo, rèn luyện khả năng tự học, phát triển năng lực hợp tác của học sinh.
Định hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh, khơi dậy và phát triến khả năng tự học nhằm hình thành cho học sinh tư duy tích cực, độc lập, sáng tạo; nâng cao năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề; năng lực hợp tác, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.
Như vậy, giáo viên cần biết kế thừa và phát triển những mặt tích cực trong các phương pháp dạy học truyền thống đồng thời áp dụng những phương pháp hiện đại thích hợp. Để thực hiện tốt định hướng đổi mới trên đòi hỏi người giáo viên cần phải :
1. Xác lập vị trí chủ thể của người học, đảm bảo tính tự giác, tích cực chủ động và sáng tạo của hoạt động học tập được thể hiện độc lập.
2. Tri thức được cài đặt trong những tình huống có dụng ý sư phạm.
3. Dạy việc học, dạy tự học thông qua toàn bộ quá trình dạy học.
4. Tự tạo và khai thác những phương tiện dạy học để tiếp nối và gia tăng sức mạnh của con người.
5. Tạo niềm lạc quan học tập dựa trên lao động và thành quả của bản thân người học.
6. Xác định vai trò mới của người thầy với tư cách người thiết kế, uỷ thác, điều khiển và thể chế hoá.
2.3.2. Đổi mới phương pháp dạy học môn Toán theo hướng phát triển năng lực cho học sinh Tiểu học
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa,
nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”. Để thực hiện tốt mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, cần có nhận thức đúng về bản chất của đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học và một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học theo hướng này.
Đổi mới phương pháp dạy học đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc HS học được cái gì đến chỗ quan tâm HS vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối
"truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn cần bổ sung các chủ đề học tập tích hợp liên môn nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp.
Phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực như: năng lực tự học (sử dụng sách giáo khoa, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin...), năng lực phát hiện và giải quyết tình huống có vấn đề, năng lực hợp tác,… Trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy. Có thể chọn lựa một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức(tự chiếm lĩnh kiến thức) với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.
Việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực thể hiện qua bốn đặc trưng cơ bản sau:
Một, dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. GV là người tổ chức và chỉ đạo HS tiến hành các hoạt động học tập phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn...
Hai, chú trọng rèn luyện cho HS biết khai thác SGK và các tài liệu học tập, biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới...
Định hướng cho HS cách tư duy như phân tích, tổng hợp, đặc biệt hoá, khái quát hoá, tương tự, quy lạ về quen… để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo.
Ba, tăng cường phối hợp học tập cá thể với học tập hợp tác, lớp học trở thành môi trường giao tiếp GV - HS và HS - HS nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân, của tập thể trong giải quyết các nhiệm vụ học tập chung.
Bốn, chú trọng đánh giá kết quả học tập theo mục tiêu bài học trong suốt tiến trình dạy học thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập (đánh giá lớp học). Chú trọng phát triển kỹ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của HS với nhiều hình thức như theo lời giải/đáp án mẫu, theo hướng dẫn, hoặc tự xác định tiêu chí để có thể phê phán, tìm được nguyên nhân và nêu cách sửa chữa các sai sót (tạo điều kiện để HS tự bộc lộ, tự thể hiện, tự đánh giá).