CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
2.6. Các yêu cầu để dạy học hợp tác có hiệu quả
Việc dạy học theo hướng phát triển NL cho HS đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học, điều kiện về tổ chức, quản lý.
2.6.1. Yêu cầu đối với HS
- HS cần phải ý thức được trách nhiệm của mình trong hoạt động của nhóm. Tất cả các em đều phải nỗ lực vì mục đích hoàn thành nhiệm vụ chung của cả nhóm hoặc là sẽ thất bại nếu một người trong nhóm không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Các em phải dùng thái độ tích cực, lời nói lịch sự để trao đổi ý tưởng, chia sẻ thông tin với nhau, phải giao tiếp, giải thích và khi cần thiết phải thảo luận với nhau để giải quyết những mâu thuẫn. Đặc biệt, tránh cáu giận và những lời nói làm tổn thương các thành viên khác trong nhóm khi xuất hiện các quan điểm khác nhau.
- Các thành viên trong nhóm hợp tác cần có nhiệm vụ, vai trò rõ ràng, luôn thay đổi vị trí cho nhau, tránh tình trạng mỗi thành viên chỉ đóng một vai trò trong một thời gian quá lâu.
- Sau khi thảo luận, các thành viên trong nhóm cần phải trao đổi để đánh giá kết quả làm việc của nhóm mình (của bản thân và của các thành viên khác). Từ đó, rút ra kinh nghiệm cho bản thân khi tham gia thảo luận nhóm.
2.6.2. Yêu cầu đối với GV
- GV cần phải hiểu rõ nội dung dạy học và có kinh nghiệm trong việc thiết kế các hoạt động hợp tác cho HS. Nhiệm vụ học tập cần phải đủ khó để DHHT (không nên tổ chức HTHT với những nhiệm vụ đơn giản, ít khó khăn).
- GV hiểu rõ bản chất của DHHT, biết căn cứ vào mục đích, nội dung từng bài học để có cách chia nhóm cho hợp lí, tránh hình thức, hời hợt.
- Biết tạo cho HS thói quen HTHT, phát hiện và phát triển năng lực hợp tác cho HS.
- GV cần có và thường xuyên rèn luyện các kĩ năng DHHT như: kĩ năng thiết kế bài học, kĩ năng thành lập nhóm, kĩ năng tổ chức hoạt động nhóm, kĩ năng giải thích mục tiêu và nhiệm vụ của HS trong DHHT, kĩ năng nhận xét đánh giá HS trong quá trình học hợp tác nhóm, kĩ năng sử dụng kĩ thuật DHHT...
2.6.3. Điều kiện cơ sở vật chất
Một trong những yếu tố không thể thiếu được để hoạt động DHHT thành công là cần phải đảm bảo điều hiện cơ sở vật chất cần thiết phục vụ cho hoạt động học hợp tác trong nhóm nhỏ. Lớp học phải đủ rộng và đủ ánh sáng, bàn ghế HS phải thuận tiện cho di chuyển để sắp xếp vị trí các nhóm sao cho mỗi nhóm có một không gian riêng để trao đổi, thảo luận với nhau mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các nhóm khác. Bên cạnh đó, các học liệu phục vụ cho hoạt động nhóm như: giấy, bút, keo dán, bản đồ, tranh ảnh, số liệu...phải đầy đủ, có như vậy DHHT mới đạt hiệu quả cao.
2.6.4. Môi trường học tập
Môi trường học tập không tự có sẵn mà giáo viên cần phải tạo lập, phát triển, duy trì và nuôi dưỡng nó. Đối với người học, việc xây dựng và duy trì một môi trường hỗ trợ cho việc học tập của cả cá nhân và tập thể là rất quan trọng.
- Xem trọng HS và kinh nghiệm của các em
Một khía cạnh cơ bản của môi trường trường học tập là xem trọng HS, xem trọng các kinh nghiệm, kiến thức, khả năng học hỏi và phát triển của các em. Hiểu được giá trị và tôn trọng HS là dấu hiệu của việc tạo lập một môi trường học tập hiệu quả.
Cụ thể hơn, GV trong các tiết dạy phải chú ý quan tâm đến HS, cố gắng hiểu những điều HS muốn chia sẻ và xem xét làm sao để hỗ trợ các em một cách tốt nhất.
- Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân
Kiến thức mới được hình thành dựa trên vốn kiến thức đã có, do đó phải tạo điều kiện để HS được học trong một môi trường thân thiện, cởi mở, có thể chia sẻ một cách có hệ thống và hiệu quả những kiến thức đã có. Việc chia sẻ phải tập trung liên quan đến những mục tiêu học tập cụ thể. Mục đích của việc chia sẻ là để thúc đẩy khả năng tư duy phân tích và thử nghiệm các ý tưởng và hành động mới. Quá trình chia sẻ không chỉ đơn thuần giữa HS với nhau, mà GV cũng cần tham gia chia sẻ thông tin về bản thân và các kinh nghiệm của mình.
- Tính thách thức
Một đặc trưng nữa của môi trường học tập là phải tạo được tính thách thức đối với HS. HS phải được gợi mở, gây hứng thú, khen ngợi và thách thức. Lớp học không phải là một môi trường bị động, mà đây là môi trường để đặt câu hỏi, nhận xét, yêu cầu và khơi gợi sự hứng thú. Cần phải tạo điều kiện kích thích HS tìm tòi, giúp HS vượt qua giới hạn của khả năng hiện tại, sử dụng tiềm năng một cách sáng tạo, tận dụng khả năng của mình, giải phóng bản thân và nhận ra được khả năng suy nghĩ độc lập của mình.
- Hỗ trợ:
Một khía cạnh liên quan là sự hỗ trợ: hỗ trợ về tinh thần, trí tuệ, tạo điều kiện để HS có thể hỗ trợ lẫn nhau cũng như GV có thể hỗ trợ HS. Sự hỗ trợ này cần được duy trì cả trong và ngoài giờ học. GV cần khuyến khích HS hỗ trợ lẫn nhau.
Tiểu kết chương 2
Từ quan niệm DHHT và kết quả nghiên cứu những đặc trưng của dạy học hợp tác, chúng tôi quan niệm rằng: DHHT là một hình thức DH, trong đó, HS được học tập trong nhóm có sự hợp tác giữa các thành viên và với sự tương tác của GV để đạt một mục đích chung.
Như vậy, DHHT là một PPDH trong đó GV tổ chức HS thành những nhóm nhỏ.
GV điều khiển các nhóm HS tiến hành hoạt động học tập, khuyến khích các em cùng làm việc, cùng giúp đỡ nhau để giải quyết vấn đề và hoàn thành nhiệm vụ học tập được giao.
DHHT không đơn thuần là chia HS trong lớp ra thành các nhóm nhỏ để thảo luận một hoặc một số vấn đề. Nó cũng không có nghĩa là HS ngồi với nhau thành
nhóm rồi giải quyết vấn đề chung một cách riêng lẻ hoặc chỉ có một vài thành viên trong nhóm giải quyết vấn đề của cả nhóm. DHHT đòi hỏi sự hướng dẫn của GV đối với HS, nhằm tạo động lực chung cho cả nhóm, phát triển năng lực làm việc theo nhóm mà HS cần có. DHHT cần tập hợp được sự đóng góp của mỗi thành viên trong nhóm, khuyến khích sự tương tác lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm. Tổ chức hoạt động học tập mang tính hợp tác là thiết yếu trong quá trình dạy và học. Qua đó, trong quá trình DH, GV không những cần phải hướng HS tự làm chủ kiến thức mới mà còn cần phát triển NLHT cho HS.