CHƯƠNG 3. KHẢO SÁT THỰC TRẠNG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỢP TÁC TRONG MÔN TOÁN CHO HỌC SINH LỚP 4
3.3. Phân tích kết quả khảo sát
Để tìm hiểu nhận thức của GV và HS lớp 4 về NLHT, chúng tôi đặt câu hỏi
“Theo thầy/cô (em) thế nào là NLHT?”.
Tổng hợp ý kiến của GV (kết hợp với phỏng vấn sâu), chúng tôi nhận thấy có một số ý kiến chủ yếu sau: “NLHT là NL biết phối hợp với các thành viên trong nhóm để giải quyết nhiệm vụ học tập được giao”, “là khả năng trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các cá nhân trong một tập thể”, “là năng lực của mỗi con người trong việc tham gia vào một hay nhiều công việc chung của tập thể”,…
Còn đối với HS lớp 4, khả năng diễn đạt ngôn ngữ của các em còn hạn chế nên chưa thể nêu ra quan điểm nhất định về NLHT, tuy nhiên, đa phần HS đều có cách hiểu nôm na rằng: “NLHT là sự đoàn kết giữa các bạn trong nhóm khi tham gia thảo luận nhóm” hay “là khả năng làm việc chung với người khác”
Như vậy, có thể khẳng định, GV và HS lớp 4 đều có những hiểu biết nhất định về khái niệm NLHT, đây là cơ sở giúp họ đánh giá mức độ HT của HS trong quá trình hoạt động.
Nội dung đánh giá
Đánh giá
GV HS
Tốt Đạt Chưa đạt Tốt Đạt Chưa đạt
Thái độ HT của HS khi hoạt động
nhóm
8 (13,79%)
19 (32,76%)
31 (53,45%)
80 (22,54%)
167 (47,04%)
108 (30,42%) Bảng 3.1. Bảng đánh giá thái độ HT của HS lớp 4 trong làm việc nhóm
Bảng 3.1 cho thấy sự đánh giá về thái độ HT giữa GV và HS có sự chênh lệch đáng kể. Nếu như tỷ lệ GV đánh giá thái độ HT của HS ở mức Đạt là 32,76% thì tỷ lệ HS đánh giá ở mức Đạt cao hơn (47,04%). Còn tỷ lệ GV đánh giá thái độ HT của HS ở mức Chưa đạt là 53,45% thì tỷ lệ HS đánh giá ở mức này lại thấp hơn nhiều (chỉ có 30,42%). Điều này có thể xuất phát từ những tiêu chí GV đặt ra cho HS cao hơn so với tiêu chí các em tự đặt ra cho mình (GV quan sát HS dựa vào nhiều tiêu chí hơn, đòi hỏi cao hơn, quan sát trên diện rộng hơn). Ngược lại, HS thường quan sát trong phạm vi hẹp hơn, thậm chí câu trả lời chỉ xuất phát từ việc tự đánh giá thái độ HT của bản thân. Kêt quả trên cho thấy thái độ HT của HS đều được đa số GV và HS đánh giá ở mức “Đạt” và “Chưa đạt”, còn mức “Tốt” thì vẫn có phần hạn chế hơn. Điều đó đỏi hỏi cần phải có biện pháp nhằm cải thiện thái độ HT cho HS, làm cơ sở phát triển NLHT cho các em.
STT Nội dung
Nhận thức của GV Số GV thực tế có thực hiện Cần thiết Không
cần thiết
Không có ý kiến
Thường xuyên
Thỉnh thoảng
1
Quan sát, đánh giá thái độ HT khi làm việc
nhóm của HS
52
(89,66%) 0 6
(10,34%)
40 (68,97%)
18 (31,03%)
2
Chọn lọc các nội dung toán học để lồng ghép phát triển NLHT cho
HS
38 (65,52%)
20
(34,48%) 0 25
(43,1%)
13 (22,41%)
3
Nâng cao nhận thức cho HS về việc HT
nhóm
46 (79,31%)
5 (8,62%)
7 (12,07%)
21 (36,21%)
32 (55,17%)
4
Khuyến khích HS nhận xét về quá trình
HT của bản thân và của các thành viên
trong nhóm
39 (67,24%)
12 (20,69%)
7 (12,07%)
27 (46,55%)
19 (32,76%)
Bảng 3.2. Bảng khảo sát nhận thức của GV và thực tế thực hiện phát triển NLHT trong dạy học toán học cho HS
Từ bảng thống kê trên, ta thấy đa số giáo viên có nhận thức đầy đủ về việc thực hiện phát triển NLHT trong dạy học toán học nhưng trên thực tế lại chưa chú trọng đúng mức đến việc phát triển NL này cho học sinh lớp 4. Nội dung có tỷ lệ giáo viên cho rằng không cần thiết nhất là nội dung 2 (Chọn lọc các nội dung toán học để lồng ghép phát triển NLHT cho HS) là 34,48% và nội dung 4 (Khuyến khích HS nhận xét về quá trình HT của bản thân và của các thành viên trong nhóm) là 20,69%. Nội dung có tỷ lệ giáo viên cho rằng cần thiết nhất là nội dung 1 (Quan sát, đánh giá thái độ HT khi làm việc nhóm của HS) là 89,66% và nội dung 3 (Nâng cao nhận thức cho HS về việc HT nhóm) là 79,31%. Tuy nhiên, các nội dung được nhiều giáo viên cho là cần thiết thì số giáo viên thực tế đã thường xuyên thực hiện lại không nhiều (nội dung 3 có 36,21%). Do vậy, có thể thấy được giáo viên Tiểu học đã ý thức được sự cần thiết của việc phát triển NLHT cho HS trong các tiết học nhưng tỷ lệ giáo viên thực hiện còn thấp.
Ngoài ra, bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp các giáo viên dạy Toán lớp 4 về vấn đề phát triển NLHT cho HS trong dạy học Toán, chúng tôi thấy rằng: đa phần giáo viên trả lời rằng không có điều kiện để lồng ghép dạy học phát triển NLHT cho HS trong môn Toán, một phần vì thời lượng của một tiết học (40 phút) hạn chế, phần lớn hơn là gặp khó khăn khi xây dựng các hoạt động phát triển NLHT phù hợp với kiến thức bài học và đặc điểm tâm lý lứa tuổi của HS.
* Những khó khăn của giáo viên khi thực hiện dạy học phát triển NLHT trong môn Toán cho HS ở Tiểu học
Để điều tra những khó khăn của giáo viên khi thực hiện dạy học phát triển NLHT trong môn Toán cho HS ở Tiểu học, chúng tôi tiến hành điều tra bằng phiếu đối với các giáo viên trên, tập trung vào một số vấn đề chính sau:
STT Các khó khăn Số ý kiến
1 Bản thân chưa có thói quen tìm hiểu, chọn lọc các nội dung bài học để lồng ghép phát triển NLHT cho HS.
16 (27,59%) 2 Thiếu các tài liệu tham khảo để khai thác và mở rộng
kiến thức về dạy học phát triển NLHT cho HS.
32 (55,17%) 3 Chưa biết cách thiết kế, tổ chức các hoạt động dạy học
phát triển NLHT cho HS và tổ chức các hoạt động ngoại khóa Toán học.
39 (67,24%) 4 Chưa biết cách khuyến khích tinh thần HTHT cho HS khi
tham gia hoạt động nhóm.
31 (53,45%) 5 Không đủ thời gian trên lớp để thực hiện dạy học phát
triển NLHT cho HS.
42 (72,41%) Bảng 3.3. Bảng điều tra khó khăn thường gặp của giáo viên khi thực hiện các định hướng phát triển năng lực HT cho học sinh Tiểu học trong dạy học Toán
Từ các số liệu khảo sát trên và qua phỏng vấn bổ sung chúng tôi thấy: Hầu hết giáo viên dạy Toán ở Tiểu học chưa có thói quen thực hiện dạy học phát triển NLHT cho HS trong dạy học Toán, thể hiện ở chỗ họ chưa khai thác được các nguồn tài liệu tham khảo nhằm mở rộng kiến thức về dạy học phát triển NLHT, chưa chú trọng đầu tư trong việc tổ chức các hoạt động DH và ngoại khóa Toán học, việc tạo hứng thú, khuyến khích tinh thần HTHT của HS cũng chưa được quan tâm.
Đồng thời qua thực tế giảng dạy Toán ở trường tiểu học, chúng tôi có nhận thấy rằng hiện nay GV có thực hiện DHHT thông qua dạy học theo nhóm, nhưng phần lớn GV chỉ nghĩ đó là quy trình của một tiết dạy, chứ không xem hoạt động đó như một cơ hội giúp HS phát triển NLHT của bản thân. Họ cho rằng mục tiêu của một tiết dạy là HS nắm được kiến thức bài học, đặc biệt đối với môn Toán thì HS giải được càng nhiều dạng bài tập càng tốt. Từ quan niệm đó của giáo viên mà học sinh chỉ làm được bài tập trên sách vở. Còn khi thực hiện các hoạt động đòi hỏi NLHT của từng cá nhân
thì các em trở nên lúng túng, đôi khi không thể hòa hợp để cùng nhau giải quyết nhiệm vụ học tập..
Nhiều giáo viên cũng cho rằng hiện nay HS Tiểu học còn nhiều hạn chế về việc hợp tác, trao đổi, thảo luận nhóm, cả về kiến thức, kỹ năng... HS thường ngần ngại và gặp khó khăn khi cùng các bạn khác thảo luận một vấn đề hay giải một bài toán; nhiều em chỉ quen làm bài tập một mình, không muốn chia sẻ hoặc giúp đỡ các bạn khác,...
Theo chúng tôi, thực trạng trên tồn tại do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Việc dạy học Toán chủ yếu nhằm đảm bảo đủ theo nội dung chương trình. Nếu tổ chức các hoạt động để thực hiện dạy học phát triển NLHT cho HS thì GV sẽ phải thay đổi một số nội dung và cách tổ chức dạy học. Vì vậy GV ngại thực hiện.
Trong quá trình tìm hiểu kiến thức mới, GV chưa có sự tin tưởng đúng mức vào vốn kiến thức và năng lực của HS, cũng như ngại hướng dẫn từng nhóm nên GV không cho HS thảo luận, trao đổi; mà chọn cách “truyền đạt một chiều” cho cả lớp.
Đặc biệt, trong chương trình Toán Tiểu học, sau mỗi tiết lý thuyết thường có tiết luyện tập. Trong tiết luyện tập, nhiều giáo viên chỉ cho học sinh làm bài tập và chữa bài một cách thuần tuý (GV yêu cầu một HS nêu cách làm và lên làm bài, lớp làm bài vào vở), chưa giúp HS phát huy được NLHT của bản thân.
Thứ hai: Sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo hiện nay mà giáo viên có chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc phát triển NLHT cho HS. Nội dung có thể phát huy được NLHT cho HS trong SGK Toán 4 còn hạn chế nên việc bồi dưỡng cho các em ý thức và NLHT là chưa tốt. Đồng thời, chương trình sách giáo khoa hiện nay vẫn có nhiều bài mang nội dung thuần tuý Toán học và kiến thức dành cho mỗi tiết học là khá nhiều nên giáo viên chỉ lo làm sao cho hoàn thành kế hoạch bài giảng.
Thứ ba: Giáo viên chưa có thói quen tìm hiểu, chọn lọc các nội dung bài học để lồng ghép phát triển NLHT cho HS. Giáo viên còn thiếu các tài liệu tham khảo để khai thác và mở rộng kiến thức về dạy học phát triển NLHT cho HS nên không xây dựng được các nội dung phù hợp để, cũng như không khơi gợi được ở HS niềm hứng khởi, thái độ tích cực khi tham gia hợp tác.
Thứ tư: Vấn đề đánh giá kết quả học tập môn Toán của HS chủ yếu quan tâm mặt kiến thức, ít quan tâm tới việc đánh giá năng lực, thái độ hợp tác của các em. Do áp lực, cách đánh giá trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục nên GV chỉ chú ý
giảng dạy những phần kiến thức trên sách vở. Từ đó đã dần tạo thành “lối mòn” trong nhận thức của HS và phụ huynh rằng: chỉ cần làm tốt các bài tập trong chương trình, không cần xem trọng việc rèn luyện, phát triển các năng lực, kĩ năng của bản thân.
Thứ năm: Chương trình và cách thức đào tạo ở các trường sư phạm cũng chưa chú trọng đến việc phát triển NLHT cho HS. Khi đang ngồi trên giảng đường, các giáo viên tương lai cũng chỉ học Toán trên lý thuyết là nhiều và cũng luyện giải các dạng toán để phục vụ thi cử cho tốt, chứ chưa được đào tạo bài bản để có thể dạy học phát triển các năng lực cho HS.
Tiểu kết chương 3
Chương 3 làm rõ thực trạng của việc dạy học môn Toán với việc phát triển NLHT cho HS. Từ kết quả khảo sát bằng phiếu điều tra, chúng tôi nhận thấy rằng: đa phần GV và HS đều nhận thức được vị trí của việc dạy học phát triển NLHT cho HS thông qua môn Toán ở Tiểu học, nhưng GV chưa thực sự nghiêm túc thực hiện dạy học theo định hướng này, còn HS thì chưa có thái độ tích cực khi tham gia học hợp tác. Trong quá trình dạy học phát triển NLHT cho HS Tiểu học nói chung và HS lớp 4 nói riêng, GV gặp không ít khó khăn như: chưa có thói quen tìm hiểu, chọn lọc các nội dung bài học để lồng ghép phát triển NLHT cho HS, thiếu các tài liệu tham khảo về vấn đề này, còn nhiều lúng túng trong cách thiết kế, tổ chức các hoạt động dạy học phát triển NLHT, chưa biết cách khuyến khích tinh thần HTHT cho HS khi tham gia hoạt động nhóm, không đủ thời gian trên lớp để thực hiện. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng các biện pháp nhằm phát triển năng lực hợp tác trong dạy học toán học cho học sinh lớp 4 được trình bày trong chương 4.
CHƯƠNG 4. CÁC BIỆN PHÁP SƯ PHẠM NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỢP TÁC TRONG MÔN TOÁN CHO HỌC SINH LỚP 4