Kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non

Một phần của tài liệu Quản lí hoạt động tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường mầm non quận bình tân thành phố hồ chí minh (Trang 29 - 32)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN Lí HOẠT ĐỘNG TỰ ĐÁNH GIÁ

1.2. Những khái niệm cơ bản

1.2.1. Kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non

* Chất lượng

Chất lượng luôn là một vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội. Việc phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội… luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mọi tổ chức quản lí. Tuy nhiên, chất lượng vẫn là một khái niệm khó đánh giá, khó xác định vì nó luôn được xem xét từ những góc độ, bình diện khác nhau.

Trong một nghiên cứu khá nổi tiếng của Harvey và Green (1993) nhằm tổng kết những quan niệm chung của các nhà GD, chất lượng được định nghĩa như tập hợp các thuộc tính khác nhau: Chất lượng là sự xuất sắc (vượt một tiêu chuẩn bắt buộc và đạt tiêu chuẩn cao hơn); Chất lượng là sự hoàn hảo (thể hiện qua việc “không mắc lỗi” và “đúng ngay lần đầu tiên” tạo thành văn hóa chất lượng); Chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu; Chất lượng là sự đáng giá với giá trị đồng tiền (thông qua năng suất và hiệu quả); Chất lượng là sự chuyển đổi về chất (sự thay đổi định lượng).

Theo Crosby P. (1984) “Chất lượng được đo bởi sự thoả mãn nhu cầu”. Nếu một sản phầm vì lí do nào đó mà không được nhu cầu chấp nhận thì phải bị coi là không đạt chất lượng, cho dù trình độ công nghệ để chế tạo ra sản phẩm đó có thể rất hiện đại. Đây là một kết luận then chốt và là cơ sở để các nhà chất lượng định ra chính sách, chiến lược kinh doanh của mình.

- Do chất lượng được đo bởi mức độ thoả mãn nhu cầu, mà nhu cầu luôn luôn biến động nên chất lượng cũng luôn luôn biến động theo thời gian, không gian, điều kiện sử dụng…

- Các nhu cầu liên quan đến đánh giá chất lượng rất đa dạng, không chỉ là nhu cầu của khách hàng mà còn là các yêu cầu mang tính pháp chế, nhu cầu của cộng đồng xã hội.

- Nhu cầu có thể được công bố rõ ràng dưới dạng các quy định, tiêu chuẩn nhưng cũng có những nhu cầu không thể miêu tả rõ ràng, người sử dụng chỉ có thể cảm nhận chúng, hoặc có khi chỉ phát hiện được chúng trong quá trình sử dụng.

- Chất lượng không chỉ là thuộc tính của sản phẩm, hàng hoá hiểu theo nghĩa hẹp; chất lượng còn là thuộc tính của một hệ thống, một quá trình…

Theo những đặc điểm trên, quan niệm cho rằng “chất lượng là mức độ đáp ứng mục tiêu” hiện đang là một trong những quan niệm được phổ biến và sử dụng rộng rãi nhất. Trong luận văn này, chúng ta có thể chấp nhận và hiểu một cách khái quát:

“Chất lượng là mức độ đáp ứng mục tiêu”. Mục tiêu ở đây được hiểu một cách rộng rãi, bao gồm các sứ mạng, mục đích…còn sự phù hợp với mục tiêu được hiểu là sự đáp ứng mong muốn của những người quan tâm, là đạt, không đạt hay vượt qua các tiêu chuẩn đặt ra…

* Chất lượng giáo dục

Chất lượng giáo dục là vấn đề luôn được xã hội quan tâm vì tầm quan trọng của nó đối với sự nghiệp phát triển đất nước nói chung, phát triển giáo dục nói riêng. Mọi hoạt động giáo dục được thực hiện đều hướng tới mục đích góp phần đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục. Nền giáo dục ở bất kỳ quốc gia nào bao giờ cũng phải phấn đấu để trở thành một nền giáo dục chất lượng cao.

Từ quan niệm "Chất lượng là mức độ đáp ứng mục tiêu" có thể hiểu "Chất lượng giáo dục là mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục". Ở đây, mục tiêu giáo dục được hiểu một cách toàn diện, bao gồm cả triết lí giáo dục, định hướng mục đích của cả hệ thống giáo dục và sứ mạng, các nhiệm vụ cụ thể của cơ sở giáo dục. Nó thể hiện những đòi hỏi của xã hội đối với con người - nguồn nhân lực mà giáo dục có nhiệm vụ phải đào tạo.

Có bốn thành tố cơ bản tạo nên chất lượng giáo dục: Bối cảnh, đầu vào, quá trình giáo dục, đầu ra.

Sơ đồ 1.1. Các thành tố cơ bản tạo nên chất lượng giáo dục Bối cảnh

Đầu vào Quá trình giáo dục Đầu ra

* Chất lượng giáo dục trường mầm non

Từ quan niệm "Chất lượng giáo dục là mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục", có thể hiểu "Chất lượng giáo dục mầm non là mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục mầm non". Hiện nay, ở Việt Nam, quan niệm này đã được đông đảo các nhà nghiên cứu quản lí giáo dục chấp nhận.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục được đánh giá trên các cấp độ khác nhau (cấp độ cá nhân người học, cấp độ nhà trường, cấp độ ngành giáo dục). Đối với giáo dục mầm non, ở cấp độ cá nhân người học, theo Thông tư 28 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2016) thì: “Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ; hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1, hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời”.

Như vậy, xã hội đã đặt ra những yêu cầu về chất lượng giáo dục trẻ mầm non và đòi hỏi ngành giáo dục phải đáp ứng. Một nhà trường chỉ được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng khi mà trường đó đáp ứng được yêu cầu của xã hội và các mục tiêu theo quy định.

Tuy nhiên, mỗi nhà trường ở các vùng miền có sứ mạng khác nhau, do đó mục tiêu của các nhà trường cũng khác nhau. Mỗi nhà trường phải xác định được sứ mệnh và mục tiêu của chính mình, sứ mệnh và mục tiêu đó phải phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thực hiện được sứ mệnh, mục tiêu của mình, vai trò của công tác bảo đảm chất lượng là rất quan trọng. Đó là hoạt động của chính nhà trường, hướng tới việc bảo đảm các điều kiện, các cơ chế, quy trình và quá trình được sắp xếp hợp lí nhất để đạt được chất lượng giáo dục.

* Kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non

- Kiểm định được xác định là “một quá trình xem xét chất lượng từ bên ngoài, được giáo đại học sử dụng để khảo sát đánh giá các cơ sở giáo dục cao đẳng và đại học và các ngành đào tạo đại học nhằm đảm bảo và cải tiến chất lượng” (CHEA, 2003).

- Kiểm định chất lượng là “một quá trình đánh giá ngoài nhằm đưa ra một quyết định công nhận một cơ sở giáo dục đại học hay một một ngành đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đáp ứng các chuẩn mực quy định” (SEAMEO, 2003).

Như vậy, KĐCLGD là một giải pháp quản lí chất lượng giáo dục nhằm mục tiêu đánh giá hiện trạng các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn đề ra, xác định chính xác các điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó xây dựng kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để bảo đảm chất lượng và không ngừng phát triển.

Kiểm định chất lượng mang lại cho cộng đồng, đặc biệt là học sinh sự đảm bảo chắc chắn một trường đã được chứng minh thỏa mãn các yêu cầu và tiêu chí đáng tin cậy và có đủ cơ sở để tin rằng cơ sở giáo dục này sẽ tiếp tục đạt các yêu cầu và tiêu chí đã đề ra.

Kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non là quá trình đánh giá (gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài) nhằm đưa ra quyết định công nhận trường mầm non đáp ứng các chuẩn mực quy định (Hoàng Đức Minh, Nguyễn Thị Mỹ Trinh, 2018).

Đây là một giải pháp quản lí chất lượng nhằm các mục tiêu: đánh giá hiện trạng của trường mầm non có chất lượng và hiệu quả như thế nào; những điểm mạnh, điểm yếu của trường mầm non so với các tiêu chuẩn quy định. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phát huy, điểm mạnh khắc phục điểm yếu để không ngừng duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phù hợp với hoàn cảnh, sứ mạng và mục tiêu chất lượng của mỗi nhà trường.

Một phần của tài liệu Quản lí hoạt động tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường mầm non quận bình tân thành phố hồ chí minh (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)