Khái niệm cải biên và các vấn đề liên quan

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 22 - 26)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

1.1. Lí thuyết cải biên và vấn đề cải biên trong sáng tác văn học

1.1.1. Khái niệm cải biên và các vấn đề liên quan

1.1.1.1. Khái niệm cải biên

Như đã trình bày, những năm gần đây, lý thuyết cải biên nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước, điều đó vừa là một thuận lợi khi lý thuyết này được tiếp cận với số đông nhà nghiên cứu, vừa là một khó khăn khi cách hiểu về khái niệm còn chưa nhận được sự đồng thuận. Ở đây, chúng tôi không có tham vọng đưa ra một khái niệm chuẩn xác về “cải biên” mà chỉ cố gắng tìm kiếm điểm tương đồng trong nội hàm các khái niệm về “cải biên” đang được sử dụng hiện nay của giới nghiên cứu.

Trong bài luận án “Lý thuyết cải biên học: từ tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh - Trường hợp Kurosawa Akira” của mình, TS. Đào Lê Na đã nghiên cứu xem cải biên như “một quá trình cụ thể liên quan tới việc chuyển đổi từ một loại hình nào đó thành thể loại khác: tiểu thuyết thành phim, kịch thành nhạc, kịch hóa văn xuôi tự sự và văn xuôi tiểu thuyết hoặc những chuyển động ngược của việc làm phim thành văn xuôi tự sự” [Đào Lê Na, 2015]. Bản thân “cải biên” (adaptation) có nguồn gốc từ cụm “adaptio” trong tiếng Latin “vốn thường được gắn với một hình thức đặc thù của dịch thuật cho phép một mức độ sáng tạo nhất định, chuyển thể mang nét nghĩa của ý niệm về biến đổi, điều chỉnh và chiếm dụng (appropriation)”

(Corrine, L. 2009). Theo từ điểm Oxford, cải biên là “làm cái gì đó phù hợp với việc sử dụng hoặc mục đích mới, hay nói cách khác hơn đó là biến đổi, thay đổi”.

Về mặt chiết tự, “cải” viết là , có nghĩa là “thay đổi”, “biên” viết là 編, có nghĩa là “sắp xếp, xếp đặt”, từ đó cũng có thể hiểu “cải biên” là “sửa đổi, biên soạn lại cho phù hợp với yêu cầu mới”, thường dùng trong các trường hợp nhắc đến các tác phẩm nghệ thuật như cải biên tuồng cổ, cải biên tục ngữ… Như vậy, tuy có cách diễn giải khác nhau, nhưng tựu trung lại, khái niệm “cải biên” mô tả hành vi tổ chức lại nội dung, kết cấu hoặc hình thức của một đối tượng có sẵn, mang đến cho nó

diện mạo, phẩm chất mới phù hợp với nhu cầu của người cải biên hoặc bối cảnh xã hội. Quá trình cải biên vì thế gắn với ba yếu tố cơ bản: đối tượng được cải biên, người cải biên, đối tượng cải biên.

Như vậy, trong phạm vi nghệ thuật, đặc biệt là văn học, có thể hiểu cải biên là sự làm khác đi so với tác phẩm gốc ban đầu, có thể về nội dung hoặc hình thức thể hiện, mà nhận thấy rõ ràng nhất là sự dịch chuyển từ thể loại này sang thể loại khác trong các loại hình nghệ thuật như tiểu thuyết thành phim (trường hợp Chùa Đàn của Nguyễn Tuân thành phim Mê thảo – thời vang bóng; một số tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua thành các bộ phim cùng tên), truyện thành kịch bản cải lương (như Truyện Kiều của Nguyễn Du và truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)…

Không dừng lại ở đó, trong nội bộ các tác phẩm văn học cũng cho thấy sự tiếp nối về nội dung, tư tưởng giữa các tác phẩm như một biểu hiện của sự cải biên văn học.

Điều đó thể hiện rõ nét trong việc các tác phẩm văn học dân gian được “viết lại”

bằng ngòi bút của người sau như trường hợp bài thơ Tâm sự của Tố Hữu và Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ. Cùng lấy cảm hứng từ truyền thuyết An Dương Vương và Mị Chậu, Trọng Thủy, mỗi một bài thơ mang đến một cái nhìn khác nhau cho bi kịch nước mất nhà tan. Nếu Tố Hữu khép tội Mị Châu như một nguyên do cho sự lụi tàn của triều đình Âu Lạc thì Lưu Quang Vũ nhìn Mị Châu như một nạn nhân, như một con cờ bị sắp đặt trong ván cờ quân quyền. Rõ ràng, yếu tố cải biên xuất hiện khá rõ nét, nhưng cải biên như thế nào là tùy thuộc vào người cải biên - ở đây là tác giả.

1.1.1.2. Phân biệt cải biên và dịch thuật, chuyển thể

Từ những năm nửa sau thế kỉ XX, lý thuyết dịch thuật bắt đầu có những bước chuyển mình trong nền văn học cả phương Đông lẫn phương Tây với các công trình mang tính tổng hợp các khái niệm và lí thuyết thuộc lĩnh vực này mà có thể kể đến như bài luận Dịch thể loại (Translating Genre) của Susan Bassnett hay “Về vấn đề các quan hệ văn học” của Konrat. Ở giai đoạn đầu tiên, khái niệm “cải biên” và

“dịch thuật” có sự chồng chéo lên nhau trong cách hiểu và sử dụng, cùng nằm chung trong nhánh nghiên cứu về dịch thuật. Ở giai đoạn này, “dịch thuật” được

hiểu dưới ánh sáng của các nhà ngôn ngữ học. Với họ, “dịch thuật” là sự chuyển đổi một cách trung thành từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác của một tác phẩm nghệ thuật. Mối quan tâm của những người nghiên cứu ở giai đoạn này là làm sao thể hiện trọn vẹn nội dung, ngữ pháp của văn bản gốc. Mọi hành vi làm chệch đi nguyên tác sẽ bị coi là “diệt”. Khi ấy, “cải biên” cũng được hiểu như một cách “sao chép”, “đạo văn” bởi yếu tố sáng tạo của người cải biên không được xem trọng. Tuy nhiên, đến những năm 70 của thế kỉ XX, nghiên cứu dịch thuật có bước chuyển mình khi đặt dịch thuật trong bối cảnh văn hóa, “những nghiên cứu này đã chuyển từ nghiên cứu dịch thuật với tư cách là hoạt động chuyển ngữ sang nghiên cứu bối cảnh văn hóa xuất hiện hành vi dịch thuật và nghiên cứu những nhân tố tương quan khác khống chế dịch thuật” (Đỗ Văn Hiểu, 2012). Cùng với lý thuyết so sánh văn hóa, trong bài viết của mình, Konrat đã cho thấy, không chỉ dừng lại ở dịch thuật với ý nghĩa là hoạt động chuyển ngữ, trung thành với nội dung bản gốc mà dịch thuật còn chịu sự chi phối từ những cách lĩnh hội nguyên tác khác nhau, do “yêu cầu của thời đại” nên “quan hệ văn học” còn được hình thành bởi những hành động khác – những kiểu dịch sáng tạo. Chính từ cách đặt vấn đề có Konrat đã tạo tiền đề cho sự phân tách giữa “dịch thuật” và “cải biên”. “Cải biên” có thể được coi như một kiểu dịch sáng tạo. Sự sáng tạo đó có thể xuất phát từ việc phóng họa lại các yếu tố như nội dung, đề tài của văn bản gốc dựa trên bối cảnh văn hóa, xã hội, thời đại của người đọc. Tác phẩm cải biên có thể “vay mượn” và “sửa đổi” một số vấn đề liên quan đến cốt truyện, hệ thống nhân vật hoặc các chi tiết bằng các yếu tố khách sao cho phù hợp với thị hiếu của người tiếp nhận.

Như vậy, trên cơ sở phân tách “cải biên” và “dịch thuật”, có thể thấy, cả hai khái niệm này đều tựu trung lại ở việc cùng xuất phát từ tác phẩm “nguồn”. Tuy nhiên, nếu “dịch thuật” là quá trình chuyển ngữ của các tác phẩm thuộc các ngôn ngữ khác nhau thì “cải biên” có thể xảy ra đối với các tác phẩm cùng một ngôn ngữ.

Nếu “dịch thuật” coi trọng việc chuyển tải trọn vẹn tinh thần của văn bản nguồn thì

“cải biên” coi trọng sự biến đổi của người tiếp nhận với tác phẩm nguồn. Nếu “dịch thuật” phát triển tác phẩm theo cách mở rộng về bề ngang không gian thì “cải biên”

phát triển tác phẩm theo cả chiều ngang không gian và chiều dài thời gian. Qua từng

tác phẩm cải biên, người ta có thể thấy sự vận động của lịch sử, văn hóa, hệ tư tưởng của từng quốc gia, từng thời kì.

Henry Whittlese trong công trình A Typology of Derivatives: Translation, Transposition, Adaptation (Hệ thống các loại hình phát sinh: dịch thuật, chuyển vị, cải biên), đăng trên Tạp chí Khoa học Dịch thuật (Translation Journal) tháng 6/2012, cho rằng “trong giai đoạn hậu hiện đại, sự cải biên (adaptation) trở thành một hiện tượng phổ biến: cải biên trong văn chương, trong âm nhạc và trong điện ảnh”. Theo đó, hoạt động dịch thuật này có thể bao gồm các dạng thức: cải biên nội dung; cải biên hình thức; cải biên nội dung và hình thức; cải biên tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu hay một thể loại truyền thông khác. Theo TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc trong bài nghiên cứu Chuyển thể và liên văn bản (Trường hợp tác phẩm Long Thành cầm giả ca) thì khái niệm “chuyển thể” có thể có hai cách hiểu:

cách thứ nhất coi tác phẩm như một sản phẩm phụ thuộc vào tác phẩm gốc, là sự sao chép lại tác phẩm gốc bằng một hình thức nghệ thuật khác. Cách thứ hai, coi tác phẩm chuyển thể độc lập với tác phẩm văn học do chuyển thể liên quan đến tái diễn giải, tái sáng tạo (Bùi Trần Quỳnh Ngọc, 2017).

Chính từ đó, chúng ta có thể hiểu “chuyển thể” là một nhánh của nghiên cứu cải biên học. Chuyển thể có thể xảy ra trong nội bộ văn học, tức là chuyển thể từ tác phẩm văn học này sang tác phẩm văn học khác, nhưng cũng có thể xảy ra ở dạng liên thể loại, tức là từ văn học sang các loại hình nghệ thuật khác như kịch bản sân khấu, kịch bản phim. Về cơ bản, “chuyển thể” cũng là một dạng “cải biên”, nhưng khác với “cải biên”, các tác phẩm “chuyển thể” bắt buộc phải có sự đồng ý của tác giả văn bản gốc (đối với trường hợp các tác phẩm văn học viết, có xác định được tác giả), do sử dụng phần lớn hoặc gần như toàn bộ khung tác phẩm gốc (trường hợp chuyển thể tiểu thuyết thành phim), mọi sự thay đổi trong tác phẩm chuyển thể cần có sự đồng thuận từ phía tác giả của tác phẩm gốc, trong khi đó, các tác phẩm

“cải biên” thường chỉ sử dụng một số ít chất liệu, chi tiết, khung sườn của tác phẩm gốc để tạo nên một sản phẩm nghệ thuật gần như hoàn toàn mới, đậm dấu ấn chủ quan của người cải biên.

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 22 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)