Chương 2. TÍNH KHẢ THI CỦA VIỆC CẢI BIÊN TRUYỆN LỊCH SỬ HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ THÀNH TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ ĐÊM HỘI LONG TRÌ
2.2. Hoàng Lê nhất thống chí và những gợi ý khả thi cho việc sáng tác Đêm hội Long Trì
2.1.2. Chất thế sự và tiểu thuyết trong Hoàng Lê nhất thống chí
Việc xác định thể loại của Hoàng Lê nhất thống chí cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi trong giới học thuật. Trước hết, nếu dựa vào nhan đề thì có thể thấy, ngay từ đầu, các tác giả Ngô gia đã xác định tính chất “ghi chép lịch sử” cho tác phẩm của mình, hay nói cách khác Hoàng Lê nhất thống chí là một dạng sử kí. Bao trùm lên 17 hồi là những sự kiện lịch sử, những không - thời gian có thật, con người - sự việc có thực. Tác phẩm đã ghi lại từ quá trình sụp đổ của giai cấp cầm quyền, mà đại diện là sự mục ruỗng của phủ chúa, đến sự phản kháng tất yếu của nhân dân thông qua các cuộc khởi nghĩa mà đại diện là khởi nghĩa Tây Sơn. Có thể thấy, “tất cả con người, sự kiện, năm tháng ở đây đều có thực, chính xác, tác giả cố ý ghi chép một cách trung thành mà không bịa đặt một điều gì” (Nguyễn Lộc, 2005), vì thế có cơ sở để kết luận, Hoàng Lê nhất thống chí là một dạng kí sự.
Tuy nhiên, Hoàng Lê nhất thống chí không chỉ dừng lại ở mức độ của một tác phẩm ghi chép lịch sử khô khan. Kết cấu tác phẩm chia thành 17 hồi, đầu mỗi hồi là hai câu thơ, những câu văn nối với nhau bằng các cụm từ như “lại nói”, “lại nói về”, cuối mỗi hồi lại thêm câu chuyển tiếp “chưa biết việc này ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ”, “chưa biết việc tới ra sao, chờ xem hồi sau phân giải”. Những dấu hiệu này cho thấy các tác giả có dụng ý xây dựng tác phẩm theo kiểu tiểu thuyết chương hồi - một hình thức chịu ảnh hưởng bởi văn học cổ Trung Hoa. Xen giữa
các sự kiện, tác giả đã thêm vào đó những mẩu chuyện, lời đối thoại giữa các nhân vật. Các sự kiện trong tác phẩm cũng được nén chặt hoặc kéo dãn tùy thuộc vào dụng ý của tác giả. Các tác giả Ngô gia không chỉ ghi chép các sự kiện lịch sử đơn thuần mà dường như còn mong muốn xây dựng nhân vật với những đặc điểm điển hình. Bên cạnh các sự kiện “chính sử”, các tác giả còn thêm thắt vào trong tác phẩm những chi tiết ít nhiều mang dấu ấn chủ quan. Đó có thể là những lời lan truyền đầu đường xó chợ như “Trăm quan ít sáng, nhiều mờ/ Để cho Huy Quận vào rờ Chính cung” khi nói về những đồn đoán về mối quan hệ giữa Quận Huy và Đặng Thị Huệ, hay đến cả các chi tiết đậm màu sắc hư cấu như trái tim không nát của Lê Chiêu Thống ở cuối tác phẩm. Tuy là tác phẩm lịch sử nhưng các tác giả Ngô gia vẫn ít nhiều đặt vào trong đó tình cảm cá nhân mà một trong đó là tâm trạng hoài cố của những trung thần nhà Hậu Lê. Sự xuất hiện của “hư cấu sáng tạo” đã cho thấy tinh thần tiểu thuyết trong một tác phẩm lịch sử.
Bên cạnh đó, B.L.Riptin đề xuất thuật ngữ tiểu thuyết - biên niên sử , tức là
“sự ghi chép tuần tự những sự kiện của cuộc sống đương thời đang diễn ra trước mắt tác giả” (B.L.Riptin, 1984). Ông cho rằng, mặc dù mục đích của tác phẩm là sự ghi chép lịch sự nhưng sự ghi chép ấy không phụ thuộc vào dòng chảy tuyết tính của thời gian - biên niên sử - mà lại gắn chặt với sự kiện. Các sự kiện được kể trọn vẹn và tuần tự theo sự hoàn kết của chúng. Trong các sự kiện đó, trọng tâm chính là nhân vật. Các tác giả Ngô gia mang vào trong một quyển sách sử những nhân vật có cuộc đời, số phận, tính cách, nhân phẩm trọn vẹn và đa dạng mang tính tiểu thuyết.
Như vậy, cho đến nay, việc xác định thể loại của Hoàng Lê nhất thống chí vẫn chưa đạt đến sự đồng thuận tuyệt đối, chủ yếu vẫn xoay quanh việc nên xem đây là một tác phẩm thuần túy lịch sử hay xếp nó vào hệ thống các tác phẩm văn học mang yếu tố lịch sử. Cá nhân người viết cho rằng, để xem xét việc một tác phẩm viết về đề tài lịch sử có phải là tác phẩm văn học hay không phụ thuộc vào mức độ hư cấu của nhà văn đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử. Về mặt hình thức, Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm chịu ảnh hưởng của lối viết tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa tuy nhiên, nếu xem xét ở khía cạnh nội dung, đây hoàn toàn là những ghi chép về sự thật lịch sử. Nhưng, nói như thế không có nghĩa toàn
bộ những gì hiện lên trong Hoàng Lê nhất thống chí đều là lịch sử. Rõ ràng, các tác giả Ngô gia đã luôn có ý thức cá nhân hóa, cá thể hóa hệ thống nhân vật trong tác phẩm của mình. Họ không chỉ kể lại các sự kiện, các hành động của nhân vật mà còn coi trọng quá trình nhân vật thực hiện hành vi đó. Họ bước đầu tìm hiểu nguyên nhân nhân vật có hành động đó, nhân vật đã nghĩ gì, các yếu tố bên ngoài nào tác động lên quyết định của nhân vật. Ở đây, các tác giả chưa có ý thức về việc khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật nhưng cũng đã khước từ cách miêu tả nhân vật rập khuôn, đơn giản như các truyện Nôm trung đại vẫn làm.
Khi đề cập đến một sự kiện cốt lõi, các tác giả thường thêm thắt vào các chuỗi đối thoại của nhân vật. Việc trao quyền phát ngôn cho nhân vật khiến cho mọi hành vi của họ trở nên thuyết phục hơn trong mắt người đọc. Khi đó, tác giả đã làm tăng tính chất hư cấu, tưởng tượng; từ đó làm tăng tính văn học cho văn bản, trong trường hợp này là Hoàng Lê nhất thống chí.
Trên cơ sở đó, người viết cho rằng, có thể xếp Hoàng Lê nhất thống chí vào nhóm tiểu thuyết lịch sử trung đại. Cụm từ “tiểu thuyết” ở đây phản ánh ảnh hưởng của tác phẩm về mặt hình thức từ các tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa, đồng thời ghi nhận những nỗ lực (dẫu không ý thức rõ rệt) của Ngô gia văn phái trong việc mang lại tính nghệ thuật cho sáng tác của mình. Cụm từ “lịch sử” cho thấy yếu tố cốt lõi làm nên tác phẩm, tính phi hư cấu của hệ thống nhân vật và sự kiện. Trong tác phẩm, tính hiện thực chiếm ưu thế, yếu tố lịch sử lấn át yếu tố văn chương.
Chính hạt nhân phi hư cấu này đã khiến Hoàng Lê nhất thống chí trở thành nguồn tài liệu tham khảo có giá trị không chỉ cho văn học mà còn là sử học, văn hóa học.
Cuối cùng, cụm từ “trung đại” có nhiệm vụ phân tách tác phẩm với các sáng tác tiểu thuyết lịch sử hiện đại của giai đoạn từ đầu thế kỉ XX trở về sau, đặc biệt là giai đoạn sau 1930. Hoàng Lê nhất thống chí nói riêng và các tiểu thuyết của giai đoạn này vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của tư duy văn học trung đại về văn tự, cốt truyện, kết cấu, ngôi kể…
Tóm lại, bản thân Hoàng Lê nhất thống chí là một ví dụ điển hình cho hiện tượng văn - sử - triết bất phân của văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm trước hết là những ghi chép về người thật, việc thật của một giai đoạn đầy bão tố trong lịch sử
nước nhà nhưng đồng thời cũng là sự kết hợp hài hòa giữa sử bút và văn bút. Tính văn học của tác phẩm được thể hiện trong việc xây dựng những hình tượng nhân vật toàn diện, thống nhất về hành động và phẩm chất, mỗi một nhân vật trong tác phẩm đều mang một nét độc đáo riêng biệt. Bên cạnh đó, tác phẩm vượt lên trên việc ghi chép các cứ liệu lịch sử một cách đơn thuần, thay vào đó, người viết chú trọng vào việc xây dựng sự kiện gắn với nhân vật cụ thể. Tuy nhiên, không nên phân định rạch ròi về trọng lượng của yếu tố sử - văn trong tác phẩm. Như đã nói, đây là sản phẩm của một nền văn học dung hòa cả văn và sử vì thế tầm quan trọng của hai yếu tố này là như nhau. Điều này khác với các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử hiện đại (như trường hợp khảo sát là Đêm hội Long Trì) ở chỗ yếu tố lịch sử được các nhà văn hiện đại sử dụng chỉ như một “chất liệu”, lịch sử hiện lên thông qua cái nhìn chủ quan của nhà văn.
Nếu so sánh với một số tác phẩm văn học trung đại trước đó như Vũ trung tùy bút, Thượng kinh ký sự thì Hoàng Lê nhất thống chí “dường như kết tinh được những thành tựu nghệ thuật của các tác phẩm truyền kỳ, tùy bút, ký sự từ thế kỷ XVIII trở về trước” (Phan Cự Đệ, 1978). Xét về mặt quy mô thì Vũ trung tùy bút hay Thượng kinh kí sự chỉ mới tạo nên một lát cắt nhỏ, một vài nhân vật với số lượng ít các sự kiện trong một khoảng thời gian hạn hẹp nhưng Hoàng Lê nhất thống chí thì khác. Việc tác phẩm được chấp bút bởi nhiều cây bút của Ngô gia khiến tác phẩm có khả năng ghi lại cả một quãng dài lịch sử từ khi Trịnh Sâm lên ngôi (1767) đến Quang Trung đại phá quân Thanh và cuối cùng bị Nguyễn Ánh đoạt lại cơ đồ (1802). Không chỉ dừng lại ở việc tái hiện không khí vừa bi thương vừa hào hùng của một giai đoạn lịch sử, tác phẩm còn mang đến những suy nghĩ, chiêm nghiệm về con người và cuộc đời.
Đằng sau những âm mưu, tranh đoạt, người đọc hoàn toàn có thể nhìn thấy sự sụp đổ của những hệ giá trị. Nho giáo quy định rõ ràng và chặt chẽ về vai trò, trách nhiệm của con người. Nho giáo sử dụng “chính danh” như một nguyên tắc để quản lý xã hội, vua - tôi, cha - con, vợ - chồng nên ứng xử với nhau như thế nào đều có
“đạo” của nó, ứng xử đúng “đạo” thì xã hội mới ổn định và phát triển. Nhưng nhìn vào cách ứng xử giữa các thành viên trong phủ chúa Trịnh thì có thể thấy, yếu tố
“chính danh” ở đây hoàn toàn không được thực thi đúng mực. Trước hết là trong
hành vi chuyên quyền của phủ chúa. Sau khi Trịnh Kiểm giúp Lê Trang Tông dẹp yên họ Mạc thì dần nắm giữ quyền lực, chèn ép khiến hoàng gia ngày càng suy yếu.
Việc này kéo dài đến đời của Lê Cảnh Hưng thì vua Lê trở thành “bù nhìn”, chỉ có thể “chắp tay rũ áo” mặc cho Trịnh Kiểm chuyên quyền. Hành động đó của họ Trịnh khiến bộ máy triều đình lúc này hoạt động theo thể chế lưỡng đầu. Trong quan hệ vua tôi, Khổng Tử chủ trương “Vua sử dụng bề tôi phải theo lễ, bề tôi phụng thờ vua phải theo trung”. Nho giáo đề cao sự trung thành đối với nhà nước quân chủ, ấy vậy mà kẻ làm “tôi” như họ Trịnh lại hoàn toàn không xem trọng “vua Lê”, chuyên quyền, độc đoán. Tuy chỉ xưng “chúa” nhưng rõ ràng, từ cách xây dựng phủ đệ đến việc thay đổi kỉ cương triều đình, chúa Trịnh đều không hề che giấu “dã tâm” của bản thân.
Sự “chính danh” còn bị đạp đổ trong những mối quan hệ bên trong phủ chúa.
Đầu hồi một của Hoàng Lê nhất thống chí các tác giả viết:
Đặng tuyên phi yêu dấu đứng đầu hậu cung Vương thế tử bị truất ngôi, ra ở nhà kín
Qua hai câu thơ, bước đầu người đọc đã có thể nhìn thấy sự sụp đổ của các giá trị đạo đức đang diễn ra bên trong phủ chúa. Nếu hành vi chuyên quyền của chúa Trịnh là một kiểu “ăn hiếp thiên tử” thì trong phủ chúa, việc chúa nuông chiều Đặng Thị Huệ cũng đi ngược với những kỉ cương, lề lối vốn tồn tại cố hữu trong các đất nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Theo nho giáo, tôn ti trật tự gia đình luôn phải tuân thủ các quy định về trưởng - thứ, nam - nữ, nội - ngoại hết sức chặt chẽ để tạo nên chế độ gia trưởng tông tộc bền vững. Chính vì vậy người đứng đầu gia đình phải có đạo đức tốt vì "tự bản thân mình không tu dưỡng tốt thì không lấy gì chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc được” (Tứ thư). Gia đình bình thường đã vậy, gia tộc như họ Trịnh thì việc ấy càng phải nên nghiêm ngặt, ấy vậy mà, chỉ vì nụ cười của người đẹp mà chúa Trịnh không từ một việc gì để làm Đặng Thị Huệ vui lòng.
Thị Huệ càng ngày càng được nhà chúa yêu quý, ả nói gì chúa cũng nghe và hễ có việc gì là chúa cũng bàn với ả. Rồi ả được ở chung một nơi với chúa, y như một cặp vợ chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của ả cũng đều được sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa (Ngô gia văn phái, 2014).
Chính sự thiên vị của chúa cũng chính là nguyên nhân đẩy Trịnh Tông vào con đường tạo phản. Khi Thị Huệ mang thai, chúa cho người đi lễ khắp trăm chùa để xin con thánh, còn lấy câu “Sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung” làm đề thi Hương năm Trịnh Cán ra đời. Chúa yêu quý Cán hết mực, đặc biệt quan tâm dạy dỗ, cũng từ đó mà nhen nhóm trong Thị Huệ ý muốn cướp ngôi. Trong khi đó, thế tử Trịnh Tông tuy đã lớn, dung mạo khôi ngô nhưng lại không được chúa yêu chiều. Việc học của Tông cũng không được chúa chú tâm, quá 12 tuổi nhưng lại không được ra ở Đông cung. Hành vi đó của chúa Trịnh dường như muốn thông báo về việc ngôi vị Đông cung còn bỏ ngỏ. Người nối ngôi chưa định vì thế việc chia bè kéo cánh trong phủ chúa là chuyện không thể tránh khỏi. Sự hấp dẫn của quyền lực khiến những kẻ trong cuộc hoàn toàn mất đi lí trí, không ngại bày mưu lập kế để triệt hạ đối thủ, cho dù đó là kẻ cùng chung máu mủ với mình. Cuộc tranh đoạt trong phủ chúa nhìn từ góc độ đất nước là tranh quyền đoạt lợi khi người cầm quyền không đủ minh triết, nhưng nhìn từ góc độ gia đình thì lại là bi kịch anh em đấu đá, tàn hại lẫn nhau mà nguyên do đến từ sự u mê của người làm cha, rộng hơn là do sự sụp đổ các giá trị cốt lõi của xã hội.
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, từ sự hỗn loạn trong phủ chúa, người đọc có thể hình dung toàn bộ diện mạo của xã hội đương thời. Đặng Mậu Lân là em trai của Đặng Thị Huệ. Dựa vào sự sủng ái của chúa Trịnh dành cho Thị Huệ, Mậu Lân trở thành ác bá chốn kinh kì. Không những thường xuyên gây sự, đánh nhau với quan quân triều đình, tội ác của Đặng Mậu Lân được tô đậm qua hành vi hãm hiếp đàn bà, con gái.
“Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ thấy người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quay màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Ai không chịu Lân xẻo luôn đầu vú”.
Đứng trước hành vi ngang ngược, bạo tàn, vô nhân tính của y, người khắp kinh thành không ai không run sợ nhưng cũng không dám lên tiếng. Sự “dung túng”
của Thị Huệ khiến Mậu Lân không kiêng dè bất cứ ai, thậm chí là chúa Trịnh Sâm.
“À, mày đem chúa ra dọa tao đấy phỏng? Chúa là cái quái gì?”. Lời đe dọa ấy của
Mậu Lân không phải chỉ là lời nói bật ra lúc tức giận mà nó phản ánh chính xác nhất suy nghĩ sâu trong nội tâm của hắn, Mậu Lân thật sự không coi trọng vương pháp, không coi trọng quyền uy của nhà chúa. Vì sao vị thế của kẻ đứng đầu lại trở nên “rẻ rúng” như thế? Bởi suy cho cùng, đó là hệ quả tất yếu của một triều đình không “chính danh”, của những hành vi đi ngược lại lễ giáo, đạo đức của kẻ đứng đầu. Sự lộng quyền của Mậu Lân càng khiến phủ chúa trở nên kệch cỡm, lố lăng, càng khiến người ta tin chắc vào sự suy vong của một triều đại mà ngay cả các giá trị cốt lõi cũng không nắm giữ được.
Hơn cả một tác phẩm sử học, Hoàng Lê nhất thống chí còn là một thành công của Ngô gia văn phái trong khía cạnh văn chương. Tuy nhiên, nên nhận thấy rằng, nếu các dấu ấn thế sự hiện hữu khá rõ trong tác phẩm thì yếu tố tiểu thuyết chỉ xuất hiện ở dạng thức khai sơ. Mặc dù các tác giả đã cố gắng khám phá tâm lý, tư tưởng, tình cảm con người, tuy nhiên, do sự trói buộc của quan điểm “văn - sử - triết bất phân” và hạn chế của thời đại cho nên trong Hoàng Lê nhất thống chí, nhân vật vẫn chỉ là đối tượng để phản ánh lịch sử, nhân vật ở đây có cá tính, nhưng chưa được
“gia công” về nội tâm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Hoàng Lê nhất thống chí là một trong những tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện và phát triển thể loại tiểu thuyết của văn học nước nhà.
Như vậy, với tính chất là một sáng tác ghi chép về lịch sử, Hoàng Lê nhất thống chí là một tư liệu có giá trị, đủ khả năng cung cấp cho người cải biên một bộ khung lịch sử hoàn thiện và chính xác về bối cảnh nghệ thuật mà anh ta muốn tạo dựng trong tác phẩm của mình. Nguyễn Huy Tưởng giữ lại trong tác phẩm cải biên các sự kiện quan trọng, tiêu biểu, đủ khả năng khiến cho độc giả liên hệ với tác phẩm nguồn. Bên cạnh đó, vì chú trọng đến sự ghi chép sự thật nên Hoàng Lê nhất thống chí chưa tập trung vào việc xây dựng hoàn thiện thế giới nghệ thuật. Trong tác phẩm nguồn còn rất nhiều điểm trống để người cải biên có thể “lấp đầy” bằng tài năng của mình.
Bên cạnh đó câu chuyện về gia đình chúa Trịnh Sâm với những âm mưu, tranh giành quyền lực rõ ràng có khả năng thu hút sự tò mò từ người đọc. Không phải ngẫu nhiên mà các sáng tác lấy bối cảnh cung đình, đặc biệt là “cung đấu” luôn là