Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
1.2. Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng như là một sáng tác cải biên từ Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái
1.2.1. Tương quan cốt truyện và sự kiện
Hoàng Lê nhất thống chí (chữ Hán: 皇黎一統志) tên nguyên là An Nam nhất thống chí (chữ Hán: 安南一統志), hay Lê quý ngoại sử (chữ Hán: 黎季外).
Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm văn xuôi chữ Hán với quy mô lớn, gồm 17 hồi, lần lượt được chấp bút bởi các thành viên của Ngô gia văn phái. 7 hồi đầu của tác phẩm cho Ngô Thì Chí – con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ viết. Từ hồi 8 đến hồi 14 là do Ngô Thì Du tiếp nối. 3 hồi cuối tương truyền do Ngô Thì Thuyết chấp bút.
Trong quá trình lưu truyền, Hoàng Lê nhất thống chí xuất hiện nhiều dị bản. Hiện nay, sau quá trình sưu tầm, giới học thuật tìm được 12 dị bản của Hoàng Lê nhất thống chí đều ở dạng viết tay.
Lấy bối cảnh xã hội Việt Nam những năm thế kỉ XVIII với những mâu thuẫn, xung đột bị đẩy lên tới đỉnh cao giữa giai cấp cầm quyền thối nát và nhân dân khổ cực, lầm than, Hoàng Lê nhất thống chí đã phản ánh những “sự thật”, “việc thật” của một giai đoạn lịch sử. Dòng thời gian của tác phẩm bắt đầu từ sự kiện khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa, Đặng Thị Huệ lộng quyền, cho đến khi Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, lập nên triều đại nhà Nguyễn (từ 1768 đến 1802). 17 hồi của tác phẩm đã tạo nên một bức tranh toàn diện và bao quát về xã hội Việt Nam đương thời với những mảng màu sáng tối chồng lấp lên nhau. Mảng tối phơi trần ra với bộ mặt thối nát, rệu rã, mục nát, suy tàn và phản động của các tập đoàn phong kiến, mọi nền nếp, kỉ cương bị quật ngã, sợi dây đạo lý ngàn đời bị giật tung trong cuộc chiến quyền lực khốc liệt. Mảng sáng hiện lên khí thế hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn với những chiến công hiển hách, vang dội cả thời đại trong sự nghiệp thống nhất đất nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Có thể thấy, Hoàng Lê nhất thống chí được chấp bút bởi những con người làm công tác “chép sử”, nhưng rõ ràng, tác phẩm đã vượt lên trên việc ghi chép những sự kiện đơn thuần, những con số vô tri, trở thành cuốn tiểu thuyết lịch sử đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của tiểu thuyết chương hồi Việt Nam thời trung đại.
Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, chúng tôi chỉ tập trung đi sâu vào nội bộ hồi thứ nhất và thứ hai của tác phẩm. Được xây dựng trên khung của một quyển tiểu thuyết chương hồi, ở đầu mỗi hồi, các tác giả sử dụng hai câu thơ để nêu lên trọng tâm nội dung của hồi. Ở chương thứ nhất, tác giả viết:
“Đặng Tuyên phi được yêu dấu, đứng đầu hậu cung, Vương Thế tử bị truất ngôi, ra ở nhà kín”
Trong hồi này, các tác giả đề cập đến việc Trịnh Kiểm phụ chính nhà Lê, giúp dẹp họ Mạc. Họ Trịnh đời đời kế tiếp làm chúa, chuyên quyền khiến vua Lê trở thành bù nhìn. Đến đời Thịnh Vương (Trịnh Sâm) đã có thế tử Trịnh Tông do thái phi Dương Ngọc Hoan sinh, tuy nhiên Trịnh Sâm thờ ơ với mẹ con Dương thái phi mà yêu mến mẹ con tuyên phi Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán sinh sau. Trịnh Tông lo không được truyền ngôi đã chiêu tập người, sắm sửa binh khí để phòng bị, nhưng
bị tố giác và truất ngôi, phe cánh yếu dần trong khi phe cánh Đặng Thị Huệ ngày một lớn mạnh.
Sang hồi thứ hai, các tác giả viết:
“Lập Điện Đô, bảy quan nhận di chúc Giết Quận Huy, ba quân phò Trịnh Vương”
Hồi này kể tiếp về việc Trịnh Cán được lập làm thế tử. Trịnh Sâm trở bệnh, có quận Huy Hoàng Đình Bảo và tuyên phi Đặng Thị Huệ hầu cận ở bên, đến khi hấp hối cho truyền 6 quan cùng với quận Huy để ủy thác việc tôn phò Trịnh Cán lên ngôi. Chưa được bao lâu, quân lính thân với phe Trịnh Tông nổi lên (kiêu binh) giết quận Huy, trừ khử phe cánh Đặng Thị Huệ, phò Trịnh Tông lên ngôi.
Như vậy, qua nội dung của hai hồi đầu tiên có thể thấy một số vấn đề cơ bản trong nội bộ phủ chúa Trịnh đương thời. Thứ nhất, phủ chúa chuyên quyền, tuy xưng “chúa” nhưng thực chất nắm trong tay toàn bộ thực quyền lúc bấy giờ. Thứ hai, vì say mê Đặng Thị Huệ và dung túng cho những việc làm của “người đẹp” mà chính Trịnh Sâm đã đẩy nhanh tốc độ “tan rã” của phủ chúa. Cuối cùng, cái chết của Trịnh Sâm trở thành ngòi nổ dẫn đến sự “nội loạn” vốn đã cháy trong phủ chúa bấy lâu.
Không hướng sự quan tâm đến các sự kiện lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng đã lựa chọn một không gian phát triển khác cho các sáng tác nghệ thuật của mình khi lựa chọn khai thác một sự kiện xuất hiện ở nửa sau hồi một và phần đầu tiên ở hồi hai: chúa Trịnh Sâm gả công chúa Ngọc Lan cho Đặng Mậu Lân – em trai Đặng Thị Huệ. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, các tác giả đưa sự kiện này vào nhằm mục đích tô đậm sự say mê nàng Thị Huệ của chúa, bởi nếu không quá mức đắm say nàng thì không có người cha nào lại chấp nhận gả con gái của mình cho một kẻ như Đặng Mậu Lân, “một tên hung bạo”, “ỷ thế chị làm việc càn rỡ” (Ngô gia văn phái, 2014). Hắn thường xuyên trở thành nỗi khiếp đảm của dân chúng kinh thành “hễ gặp xe kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho họ nhục nhã”, “gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ trông người nào vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền”
(Ngô gia văn phái, 2014). Đối lập với Đặng Mâu Lân hung tàn và đê tiện là công
chúa Ngọc Lan “yếu đuối, từ nhỏ vẫn ở trong cung thủy tinh, kiêng nắng kiêng gió”, mỏng manh yếu ớt như một làn hơi mỏng. Ấy vậy mà, chỉ vì sợ làm phật lòng Đặng Thị Huệ, chúa Trịnh đã chấp nhận cuộc hôn nhân đầy vênh lệch này. Tuy nhiên, có lẽ, tận sâu trong lòng, chúa Trịnh vẫn thương cô công chúa này, vì thế, khi gả con gái, chúa cho Nội sai là Sử Trung theo hầu, lấy lí do công chúa còn nhỏ để không cho hành lễ hợp cẩn. Nhưng rõ ràng, một Sử Trung không thể nào thắng được sự ngang ngược của Đặng Mậu Lân. Khi không được gần gũi với công chúa, Mậu Lân bực tức, thậm chí không ngại buông những lời phạm thượng với chúa.
Chúa bảo con gái chúa là tiên dưới trần, nhưng ta coi ra thật không bằng con bé ở xách giày nhà ta, có quý hóa gì ? Đây ta không phải ham gì nhan sắc của nó, nhưng tốn kém mất bao nhiêu tiền của mới lấy được con vợ, nếu không cho ra hồn thì cũng phải vần một trận cho ra nẫu nhừ như bún, để đền đáp lại phí tổn, rồi bấy giờ sẽ tống cổ nó đi (Ngô gia văn phái, 2014).
Mặc kệ sự can gián của Sử Trung, Mậu Lân nổi giận đùng đùng: “A, mày đem chúa để dọa tao phỏng? Chúa là cái quái gì? ” rồi giết chết cả Sử Trung. Những tưởng với những hành vi và tội trạng như thế, Mậu Lân phải chịu án tử, nhưng một lần nữa, sự sủng ái của chúa Trịnh với Đặng Thị Huệ lại khiến người ta ngỡ ngàng.
Chỉ với một vài giọt nước mắt, một kẻ phỉ báng vua, giết sứ giả lại chỉ bị đi đày ở châu xa.
Toàn bộ sự kiện chúa Trịnh gả công chúa được kể qua rất gọn, như đã nói, chỉ như một dẫn chứng giúp người đọc nhìn thấy sự sủng ái vô tận mà chúa Trịnh dành cho Đặng Thị Huệ, một sự ủng ái “vô pháp vô thiên”, và chính sự sủng ái đó đã đẩy nhanh sự suy sụp của toàn bộ phủ chúa, cho thấy sự vô năng của kẻ đứng đầu, đồng thời còn là sự tan vỡ, đạp đổ của các chuẩn mực đạo lý. Nhưng, Nguyễn Huy Tưởng lại có cái nhìn khác. Từ sự kiện “nhỏ” ấy, Nguyễn Huy Tưởng nhìn thấy một “chân trời” còn trống cho sự sáng tạo. Việc “chuyên quyền” của Đặng Thị Huệ không phải chỉ đến Nguyễn Huy Tưởng mới có người hứng thú mà thật ra nó đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều cây bút, được khai thác trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ đến Bà chúa chè của Nguyễn Triệt Luật, Tuyên phi Đặng
Thị Huệ của Ngô Văn Phú, Người đàn bà có khuôn mặt trăng rằm của Hoàng Tiến… nhưng Nguyễn Huy Tưởng lại có cách tiếp cận khác biệt. Sự khác biệt đầu tiên là ở việc tác giả xử lý tốt những “khoảng trống” mà tác phẩm được cải biên để lại, mà trước hết là việc hoàn thiện lại một cốt truyện hoàn chỉnh. Sự mở rộng cốt truyện thể hiện rõ nét nhất thông qua dung lượng của tác phẩm. Nếu sự kiện gả công chúa của chúa Trịnh trong Hoàng Lê nhất thống chí chỉ diễn ra trong độ 5 trang giấy thì Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng thành một quyển tiểu thuyết hoàn chỉnh gần 200 trang. Các sự kiện cơ bản được nhắc đến trong Hoàng Lê nhất thống chí đều được Nguyễn Huy Tưởng giữ lại như việc Đặng Thị Huệ lợi dụng sự sủng ái của chúa Trịnh Sâm để cầu thân cho em trai là Đặng Mậu Lân, Trịnh Sâm gả công chúa nhưng đồng thời cho người theo giám sát, Đặng Mậu Lân giết chết sứ giả và bị trừng trị thì sang Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng đã mở rộng thêm các chi tiết khác để hoàn thiện cốt truyện. Đêm hội Long Trì bắt đầu bằng đêm hội trung thu bên hồ Long Trì. Trong không gian “bồng lai mộng ảo, cách biệt với phàm trần”
ấy, người ta thấy cảnh dân chúng, quan lại nô nức đi chơi hội mà không có sự phân biệt, theo như ý Chúa “trong đêm duy nhất này, người ta sẽ sống thực tự do, nô đùa suồng sã, không biết tôn ti trật tự là gì nữa” (Nguyễn Huy Tưởng, 2015). Và trong cuộc vui hân hoan nơi tao nhân mặc khách tương ngộ, trai tài gái sắc tương phùng ấy, xuất hiện một tên phá đám tự xưng là Cậu Trời – Đặng Lân. Nguyễn Huy Tưởng đã “sử dụng” lại các tính cách của nhân vật này như trong Hoàng Lê nhất thống chí - một kẻ cậy sự sủng ái của chị mà không coi vương pháp, thậm chí là Chúa Trịnh ra gì. Sự xuất hiện của hắn khiến buổi dạ hội bên hồ mất vui, người ta ra về trong sự hoảng hốt, lo sợ và cả phẫn hận. Và cũng chính buổi hội hè ấy đã bắt đầu cho mối “nghiệt duyên” giữa công chúa Quỳnh Hoa và Cậu Trời. Đây là sự phát triển thêm về cốt truyện của Nguyễn Huy Tưởng mà các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí không đề cập tới. Từ đó, Nguyễn Huy Tưởng phát huy sự sáng tạo của bản thân. Ông xây dựng đoạn hội thoại của các nhân vật “cũ” như việc Mậu Lân ép chị cầu thân, Đặng Thị Huệ bày kế khiến Chúa phải chấp thuận gả công chúa, Chúa phân vân giữa tình yêu và tình phụ tử, sự lựa chọn của công chúa Quỳnh Hoa. Bên cạnh đó, do xây dựng thêm hệ thống nhân vật mới nên tác phẩm của Nguyễn Huy
Tưởng cũng mở rộng thêm các chi tiết tương ứng với sự xuất hiện của họ, như mối tình của công chúa Quỳnh Hoa và chàng thi sĩ Bảo Kim, kế hoạch của Bảo Kim và đám bạn văn sĩ, quan hộ thành Nguyễn Mại và việc diệt trừ Cậu Trời.
Về cơ bản, chúng tôi so sánh cốt truyện của hai tác phẩm theo bảng sau:
Bảng 1.1. So sánh cốt truyện Hoàng Lê nhất thống chí và Đêm hội Long Trì
Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)
Đêm hội Long Trì (Nguyễn Huy Tưởng) Trịnh Kiểm sau khi giúp vua Lê dẹp yên họ
Mạc thì ngày càng “ngông cuồng”, vua Lê dần trở thành bù nhìn.
Đến đời Thịnh Vương Trịnh Sâm, do mê đắm sắc đẹp của Tuyên phi Đặng Thị Huệ mà phế thế tử Trịnh Tông (do Thái phi Dương Ngọc Hoan sinh), lập con thứ là Trịnh Cán.
Trịnh Tông vì không được truyền ngôi nên sinh ra lo sợ, đồng thời có ý tiếm quyền nên quy tụ lực lượng, vũ khí. Sự việc bị phát giác, Trịnh Tông bị truất ngôi.
- Đêm hội Trung thu bên hồ Long Trì
- Sự xuất hiện của các nhân vật: thi sĩ Bảo Kim và nhóm bạn văn nhân, quận chúa Quỳnh Hoa, chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Nguyễn Mại, Quốc cữu Đặng Lân
- Trường bút chiến “Quần anh hội” và mối tình trong sáng mới nảy nở giữa Bảo Kim và quận chúa Quỳnh Hoa
- Quốc cữu Đặng Lân xuất hiện, bày trò càn rỡ, ức hiếp dân phụ khiến đêm hội tan rã không vui - Đặng Lân vừa ý trước nhan sắc của quận chúa Quỳnh Hoa
- Nguyễn Mại ra tay trừng phạt Đặng Lân - Thế tử Tông bị truất ngôi, phe cánh Đặng Thị
Huệ mỗi ngày một mạnh.
- Nhân dịp ấy, Thị Huệ bèn hỏi con gái chúa là
- Chúa Tĩnh Đô phong tước cho Nguyễn Mại là Quan Hộ thành binh mã sứ.
- Đặng Lân xin chị mình buộc Chúa gả Quận
Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)
Đêm hội Long Trì (Nguyễn Huy Tưởng) quận chúa Ngọc Lan cho em trai là Đặng Mậu
Lân
- Chúa đồng ý nhưng lấy cớ công chúa chưa từng lên đậu sở để không cho phép hợp cẩn - Chúa phái viên Nội sai là Sử Trung theo hầu làm Giám chế
chúa cho. Thị Huệ vờ ngả bệnh để buộc chúa chấp thuận.
- Chúa đồng ý song ra điều kiện động phòng hoa chúc phải hoãn đến năm Quận chúa tròn 18 tuổi - Chúa cho Khê Trung Hầu và Lương Khánh Bảo theo hầu Quận chúa
- Đặng Lân giết chết Sử Trung, Chúa vô cùng tức giận nhưng vì Đặng Thị Huệ van xin nên chỉ đày Đặng Lân đi ải xa.
- Đặng Lân phá bỏ chỉ dụ của của Chúa, giết đại thần, định cưỡng ép Quỳnh Hoa. - Bảo Kim cùng các bạn đột nhập phủ Phò mã tìm cách giải cứu Quận chúa và bị Đặng Lân bắt được. Lo sợ người yêu bị tra tấn, Quỳnh Hoa chấp nhận để Đặng Lân giày vò thân xác
- Nguyễn Mại giải thoát cho nhóm Bảo Kim khỏi phủ Đặng Lân.
- Đặng Lân vẫn tiếp tục nghênh ngang, càn rỡ, bức hại dân lành, hãm hiếp phụ nữ ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
- Nguyễn Mại giết chết Đặng Lân.
- Quận chúa Quỳnh Hoa chết, Chúa vô cùng ân hận.
Trịnh Sâm chết. Kiêu binh nổi loạn giết chết Quận Huy và tiêu diệt phe cánh Đặng Thị Huệ.
Trịnh Tông được phò lên ngôi chúa nhưng cũng bị kiêu binh kìm hãm.
Anh em nhà Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt nhà chúa, trao quyền cho vua Lê.
Vua Lê lo ngại sự lớn mạnh của nhà Tây Sơn nên “đem voi giày mả tổ”, cầu viện nhà Thanh đánh tan Tây Sơn.
Nguyễn Huệ lên ngôi, kéo đại quân ra Bắc, đánh tan quân Thanh. Vua tôi nhà Lê bỏ thành Thăng Long mà chạy, về sau lưu lạc đến Trung Quốc, chết xa quê hương.
Trọng tâm của Hoàng Lê nhất thống chí là khoảng thời gian 30 năm cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX, nội dung chủ yếu miêu tả sự rối ren trong xã hội Việt Nam đương thời đồng thời ngợi ca cuộc khởi nghĩa nông dân với sự lãnh đạo của anh em nhà Tây Sơn. Trong khi đó, Đêm hội Long Trì lại xoáy sâu vài một lát cắt thời gian khoảng năm 1780, sau sự kiện thế tử Trịnh Tông tạo phản, thời điểm phe cánh Đặng Thị Huệ vô cùng lớn mạnh. Từ bảng so sánh có thể thấy, Nguyễn Huy Tưởng tập trung khai thác nội dung ở cuối hồi 1 và đầu hồi 2 của Hoàng Lê nhất thống chí, tuy nhiên, người cải biên đã mở rộng cốt truyện trong việc thêm vào các sự kiện trước và sau các sự kiện cốt lõi. Bên cạnh đó, ngay trong nội bộ các sự kiện chính đó, người cải biên cũng có ý thức làm cho chúng cụ thể và chi tiết hơn cách diễn đạt trong nguyên tác. Nguyễn Huy Tưởng đã giữ nguyên cách trần thuật theo thời gian tuyến tính ở Hoàng Lê nhất thống chí trong sáng tác của mình, đồng thời lồng ghép vào đó là thời gian tâm trạng của nhân vật. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở các sự kiện lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng còn thêm vào trong Đêm hội Long Trì cách lí giải sự việc từ cách nhìn của bản thân nhà văn. Những tương đồng trong cốt truyện cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Hoàng Lê nhất thống chí và Đêm hội Long Trì từ góc độ của tác phẩm được cải biên và tác phẩm cải biên trong khi sự mở rộng cốt truyện ở tác phẩm cải biên cho thấy sự nỗi lực vượt thoát và năng lực sáng tạo của cá nhân người cải biên. Có thể thấy, tới Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng đã biến một sự kiện mang tính lịch sử - chính trị thành một cốt truyện tiểu thuyết toàn vẹn và hoàn thiện. Sự hoàn thiện trong cốt truyện của Đêm hội Long Trì còn thể hiện ở việc nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho việc cải biên tác phẩm thành các thể loại khác như chèo, cải lương và đặc biệt, năm 1989, đạo diễn Hải Ninh đưa cuốn tiểu thuyết lên màn ảnh rộng càng góp phần phổ biến tác phẩm.
Bộ phim đã trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam, không chỉ về mặt nội dung, nghệ thuật, mà còn được đánh là một trong những bộ phim cổ trang thành công nhất từ trước đến nay.