Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
1.2. Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng như là một sáng tác cải biên từ Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái
1.2.2. Tương quan trong thế giới nghệ thuật
Từ việc mở rộng, cơi nới cốt truyện, Nguyễn Huy Tưởng mở rộng thế giới nghệ thuật của tác phẩm mà tiêu biểu nhất là thông qua không gian – thời gian và hệ
thống nhân vật của tác phẩm. Hoàng Lê nhất thống chí chủ yếu xoay quanh phủ chúa và các âm mưu, toan tính chốn cung đình cũng như không gian rộng lớn của chiến trường ác liệt. Tuy nhiên ở Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng chỉ gói gọn trong không gian của kinh thành Thăng Long. Vì thu hẹp về phạm vi nên Nguyễn Huy Tưởng đã đi sâu, miêu tả chi tiết hơn về không gian, từ không gian trong cung cấm (phủ chúa, phủ Tuyên phi) đến không gian của kinh kì, của hội hè đình đám qua đêm trung thu bên bờ hồ Long Trì, không gian phủ phò mã. Trong tiểu thuyết, tác giả dành nhiều trang viết để nói về đêm hội với những diễn biến, vẽ nên bức tranh Long Trì đêm Trung thu với tất cả sắc màu của nó:
Hồ Long Trì đã thành một nơi bồng lai mộng ảo, cách biệt với phàm trần. Hồ rộng hơn nửa dặm, thả rất nhiều sen ấu. Bên hồ có đắp những ngọn giả sơn to bằng đất hoặc bằng đá. Trong hang, trong hốc, hoặc trên đỉnh, hoặc dưới chân, hoặc trước hoặc sau ẩn ẩn, hiện hiện có những chàng Tương Như, hay những gã Tiêu Lang ngồi hòa nhạc, ăn mặc ra vẻ tiên phong đạo cốt. Núi vọng ra những tiếng bổng tiếng chìm, tiếng ti, tiếng trúc, nghe lả lướt du dương. Bờ hồ, trên cành hàng mấy trăm gốc phù dung, dương liễu có treo muôn thứ đèn lồng bằng gấm vóc. Những đèn ấy đều do chúa Tĩnh Đô sai cũng nữ chế ra, tinh khéo tuyệt vời, mỗi chiếc đáng giá mấy lạng bạc. Xa trông như muôn vàn sao lốm đốm sáng”
Trong cái không gian mở rộng ấy, Nguyễn Huy Tưởng thêm thắt các chi tiết để làm rõ tính cách của nhân vật như tâm hồn trong sáng, đầy mơ mộng của công chúa Ngọc Lan, sự “đê tiện” của Đặng Mậu Lân và nỗi căm giận của dân chúng kinh thành với chị em Đặng Thị Huệ, những mâu thuẫn trong mối quan hệ của mẹ con chúa Trịnh. Nguyễn Huy Tưởng một mặt giữ nguyên hệ thống nhân vật có sẵn, đồng thời xây dựng thêm các nhân vật hư cấu tiểu thuyết của mình. Về cơ bản, hệ thống nhân vật của hai tác phẩm được hệ thống hóa lại trong bảng sau:
Bảng 1.2. Hệ thống nhân vật trong Hoàng Lê nhất thống chí và Đêm hội Long Trì
Hoàng Lê nhất thống chí Đêm hội Long Trì
Nhóm 1 Chúa Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm
Đặng Thị Huệ Tuyên phi Đặng Thị Huệ
Công chúa Ngọc Thuyên (Ngọc Lan) Quận chúa Quỳnh Hoa
Đặng Mậu Lân Quận mã Đặng Lân
Sử Trung Khê Trung Hầu và Lương Khánh Bảo
Nhóm 2 Thi si Bảo Kim và nhóm bạn văn nhân
Quan hộ thành Nguyễn Mại
Ở nhóm 1 bao gồm các nhân vật đã xuất hiện trong tác phẩm được cải biên, đóng vai trò là hiện lên hiện trạng trong nội bộ nhà chúa. Các nhân vật này được giữ nguyên hoặc có thay đổi đôi nét khi được đưa vào tác phẩm cải biên, tuy nhiên những thay đổi này về cơ bản vẫn không ảnh hưởng đến quá trình đọc của độc giả.
Tức là người đọc vẫn có thể đoán định, nhận biết và tiến hành so sánh được với tác phẩm được cải biên. Người đọc vẫn có thể nhận ra một Trịnh Sâm chìm đắm trong nhan sắc mà quên đi bổn phận của người đứng đầu. Nếu trong Hoàng Lê nhất thống chí, chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành Thị Huệ khi “trót” nhắc nàng nhẹ tay đừng làm ngọc xây xát, khi nàng có thai thì đi trăm chùa để cầu có con trai thì trong Đêm hội Long Trì, Chúa bỏ ngoài tai mọi sự can gián, những lời tố cáo tội trạng của Cậu Trời chỉ để Tuyên phi không đau buồn. Hoặc như đối với Tuyên phi, trong cả hai tác phẩm, người đọc đều có thể nhận thấy ở nàng sự yêu chiều em trai hết mực. Nếu trong Hoàng Lê nhất thống chí, khi Đặng Mậu Lân giết chết sứ giả, nàng vội vã khóc lóc xin tha cho em thì trong Đêm hội Long Trì, khi Mậu Lân bị quan hộ thành giết chết, nàng vô cùng căm phẫn đòi giết Nguyễn Mại để trả hận cho em. Tuy ở hai tác phẩm có sự khác nhau đôi chút về chi tiết nhưng rõ ràng, về cơ bản không làm thay đổi bản chất nhân vật.
Ở nhóm 2 là các nhân vật hoàn toàn do sự hư cấu của tác giả, không có mối liên hệ nào với tác phẩm được cải biên. Những nhân vật này được đưa vào trong tác phẩm nhằm mục đích hoàn thiện cốt truyện mới theo tư duy của tác giả, mang lại màu sắc độc đáo, riêng biệt cho tác phẩm cải biên, cho thấy sự sáng tạo của người
cải biên, từ đó cho thấy bức tranh của xã hội đương thời một cách toàn diện. Trong Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng xây dựng thêm hai nhân vật hư cấu chính là thi sĩ Bảo Kim và quan hộ thành Nguyễn Mại. Mỗi nhân vật đều đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển cốt truyện. Nếu Bảo Kim là “người tình trong mộng” của Quỳnh Hoa, là nhân vật khiến cho người đọc càng thương cảm cho nàng quận chúa bất hạnh thì quan hộ thành Nguyễn Mại là tiếng nói công lý, là người đóng vai trò tiêu diệt cái ác, cái xấu trong tác phẩm, tạo nên kết cục “hơi hướng có hậu” cho bị kịch nhà chúa. Tuy là nhân vật mới nhưng rõ ràng, các nhân vật này không hề có sự xung đột với hệ thống nhân vật cũ và cả cốt truyện cũ, không những thế, các nhân vật này còn khiến người đọc cảm nhận toàn diện, đa chiều hơn về các nhân vật đã quen thuộc. Cả Bảo Kim và Nguyễn Mại trở thành những nhân vật chính có vai trò làm thay đổi cấu trúc nội dung, hình thức của tác phẩm nguồn.
Tóm lại, thông qua việc so sánh, chúng tôi nhận thấy rằng, hoàn toàn có thể xem Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng như là một tác phẩm cải biên từ Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn phái. Tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng vừa sử dụng cốt truyện và thế giới nghệ thuật của Hoàng Lê nhất thống chí, đồng thời mở rộng thêm để sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân của tác giả.
Tiểu kết Chương 1
Trong phạm vi văn học nghệ thuật, cải biên là quá trình tái cấu trúc lại tác phẩm văn học nhằm mục đích thể hiện thái độ, quan điểm của tác giả, không chỉ với tác phẩm nguồn mà còn là các yếu tố văn hóa – chính trị – xã hội tác động lên văn học nghệ thuật. Lý thuyết cải biên có mối liên hệ với nhiều lý thuyết nghiên cứu văn học giai đoạn nửa sau thế kỉ XX và nửa đầu thế kỉ XXI. Trong phạm vi luận văn chúng tôi nhận thấy lý thuyết cải biên có sự giao thoa với lý thuyết liên văn bản, lý thuyết tiếp nhận, nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu diễn ngôn trần thuật. Sự tương đồng này được thể hiện trong một số luận điểm sau.
Thứ nhất, tác phẩm cải biên được xem như một dạng “liên văn bản” của tác phẩm nguồn. Trong quá trình nghiên cứu tác phẩm cải biên, một mặt cần truy tìm những dấu ấn của tác phẩm nguồn, một mặt đề cao sự “phản hồi” của người cải biên, ghi nhận sự sáng tạo của người cải biên trong việc xử lý các yếu tố có sẵn của tác phẩm được cải biên. Khi ấy, tác phẩm cải biên không phải là sự “sao chép” tác phẩm nguồn mà có vị thế ngang hàng, đồng đẳng, được xem xét như một tác phẩm độc lập với tác phẩm được cải biên.
Thứ hai, tác giả cải biên cũng là một dạng độc giả. Tác phẩm cải biên vì thế chính là một kiểu phản hồi của người đọc với tác phẩm nguồn. Khi nghiên cứu tác phẩm cải biên, người nghiên cứu không chỉ nêu ra sự thay đổi giữa tác phẩm cải biên và tác phẩm được cải biên mà còn phải lí giải cho sự thay đổi đó. Cần đặt tác phẩm cải biên trong một bối cảnh văn hóa cụ thể, tìm hiểu sự chi phối của các yếu tố văn hóa - chính trị - xã hội lên quá trình hình thành tác phẩm cải biên.
Thứ ba, quá trình cải biên các tác phẩm văn học là một xu thế vận động tất yếu của văn chương. Mỗi một tác phẩm văn học đều bị chi phối bởi một/nhiều thể loại trần thuật. Mỗi một thể loại trần thuật sẽ phục vụ cho một mục đích giao tiếp riêng của tác giả trong tác phẩm. Chính vì thế trong quá trình cải biên, tùy theo mục đích của người cải biên, mô thức tự sự của tác phẩm cũng sẽ có thay đổi.
Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng có những nét tương đồng trong hệ thống cốt truyện, sự kiện và thế giới nhân vật. Cụ thế, nội dung tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng được xây dựng dựa trên nội dung của hồi 1 và 2 của Hoàng Lê
nhất thống chí, đặc biệt chú trọng đến sự kiện chúa Trịnh Sâm gả công chúa Ngọc Lan cho em trai Tuyên phi Đặng Thị Huệ là Đặng Lân. Sự kiện này không chỉ cho thấy sự sủng ái của Trịnh Sâm dành cho người quý thiếp mà còn cho thấy sự mục ruỗng trong bộ máy chính quyền của phủ chúa Trịnh đương thời. Tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng cũng giữ lại hệ thống các nhân vật chính trong tác phẩm nguồn, bên cạnh đó cũng xây dựng thêm những nhân vật mới để hoàn thiện thế giới nghệ thuật. Sự thay đổi đó vừa giúp cho người đọc nhận thấy mối quan hệ cải biên giữa hai tác phẩm, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân của người cải biên.