Chương 3. ĐÊM HỘI LONG TRÌ – NHỮNG HỒI ĐÁP MANG TÍNH CẢI BIÊN CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG ĐỐI VỚI HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ
3.2. Cải biên cốt truyện
Yếu tố cơ bản để xây dựng nên một tác phẩm tự sự chính là cốt truyện.
Trong “150 thuật ngữ Văn học”, tác giả viết: “Cốt truyện là sự phát triển hành động, tiến trình các sự việc, các biến cố trong tác phẩm tự sự và kịch, đôi khi là cả trong tác phẩm trữ tình” (Lại Nguyên Ân, 2017). Cần có sự phân biệt khái niệm
“truyện” (story) và “cốt truyện” (plot). Truyện là chuỗi các sự kiện diễn ra theo trật tự thời gian, theo trình tự quan hệ nhân quả, không chịu tác động sắp đặt của người kể trong khi đó “cốt truyện" chứa đựng tính thẩm mĩ trong sắp xếp trình tự, không tuân theo quy luật biên niên hay quan hệ nhân quả một cách nghiêm ngặt. Các sự kiện được kể trong cốt truyện được chọn lọc, sắp xếp sao cho làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Để làm được điều đó, cốt truyện phải tạo nên một “môi trường hành động cho các nhân vật và cho phép tác giả thể hiện và lý giải tính cách của chúng” (Lại Nguyên Ân, 2017). Chức năng quan trọng của cốt truyện là thể hiện các mâu thuẫn đời sống, hay còn gọi là “xung đột”. Như vậy, với vị thế là một tác phẩm tự sự, việc nghiên cứu Hoàng Lê nhất thống chí và Đêm hội Long Trì đều không thể bỏ qua việc tìm hiểu về cốt truyện. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, cải
biên cốt truyện là một trong những yêu cầu cần thiết của quá trình cải biên các tác phẩm tự sự nói chung và tác phẩm được nghiên cứu nói riêng.
3.2.1. Cốt truyện có sự hòa trộn giữa tiểu thuyết phương Đông và phương Tây
Cốt truyện của Đêm hội Long Trì được xây dựng dựa trên các sự kiện, chia thành 7 chương. Quá trình phát triển của cốt truyện đi từ mở đầu cho đến thắt nút, cao trào và cuối cùng là giải quyết mâu thuẫn. Cốt truyện được xây dựng dựa trên các sự kiện, mỗi chương là một sự kiện được đẩy lên tới cao trao rồi bỏ ngỏ chứ không giải quyết triệt để, khiến người đọc buộc phải theo dõi các nội dung tiếp sau nhằm giải quyết thắc mắc của mình. Kiểu kết cấu này gợi liên tưởng đến kiểu viết theo lối tiểu thuyết chương hồi của Hoàng Lê nhất thống chí, tuy nhiên, Nguyễn Huy Tưởng đã lược bỏ dòng ghi chú “hạ hồi phân giải” quen thuộc, kéo tất cả các chương trong tiểu thuyết thành một khối thống nhất. Các chương tiếp sau triển khai, đẩy các mâu thuẫn, xung đột giữa chính và tà lên đỉnh điểm, để đến những chương cuối giải quyết bằng nhát gươm của Nguyễn Mại. Cách kết thúc ấy khiến người đọc vừa bất ngờ vì khác với hiểu biết có sẵn ở nguyên tác, vừa khiến người đọc hài lòng vì sự chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa.
Tuy nhiên, mạch thời gian trong tác phẩm được nới lỏng, không xác định cụ thể về thời gian. Chương một là không gian đêm hội bên hồ Long Trì cùng những biến cố xảy ra, đến chương hai, thời gian tiếp tục dòng chảy tuyến tính ấy khi Nguyễn Mại được vời vào gặp chúa cho đến khi anh rời kinh về quê thăm gia đình.
Tuy nhiên đến chương ba khi đối tượng tập trung miêu tả là nhân vật Đặng Mậu Lân thì thời gian lại quay ngược về quá khứ để nói về gốc gác của chị em bà chúa, rồi tiến đến hiện tại khi y muốn nhờ chị hỏi cưới Quỳnh Hoa. Trong chương này còn có cả sự thay đổi không gian từ nơi ở của Mậu Lân đến chốn cung cấm của phủ chúa. Tuy nhiên chương bốn lại quay lại tiếp nối mạch thời gian được gợi nên ở chương một thông qua cuộc hội thoại của Trịnh Sâm và Quỳnh Hoa về đêm hội trên hồ. Sự thay đổi này là do nội dung chương này xoay quanh nhân vật Quỳnh Hoa và diễn biến tâm lý của nàng khi biết bản thân bị hứa gả cho tên dâm loạn Mậu Lân.
Như vậy, không – thời gian trong tác phẩm gắn chặt với nhân vật, xoay quanh nhân
vật chứ không hề được phân định, đong đếm bằng những cột mốc năm tháng hay sự kiện. Đặc điểm này cho thấy tác giả đã bắt đầu phá vỡ kết cấu mạch thời gian biên niên thường gặp trong mô hình tiểu thuyết truyền thống, tiến gần hơn với cách xây dựng kết cấu của tiểu thuyết hiện đại.
Kết cấu cốt truyện này khiến người đọc liên tưởng đến những vở bi kịch cổ điển phương Tây, như Romeo và Juliet, Hamlet… Có thể thấy, cốt truyện của Đêm hội Long Trì là sự kết hợp giữa cốt truyện cổ điển phương Tây và tiểu thuyết chương hồi phương Đông để tạo nên một kết cấu vừa cổ điển vừa hiện đại.
3.2.2. Cốt truyện với kết thúc mang “hơi hướng có hậu”
Bên cạnh đó, việc xây dựng Đêm hội Long Trì ở hình thức một tiểu thuyết luận đề, Nguyễn Huy Tưởng đã can dự vào việc xử lý sự phát triển của cốt truyện sao cho phù hợp với luận đề mà tác giả muốn phản ánh. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, sau khi chém chết viên Nội sai là Sử Trung hầu, Đặng Mậu Lân bị Quận Huy bắt về phủ chúa, giao cho triều đình xử tội. Các quan đều cho rằng hành vi của Lân đánh phải xử chết nhưng đứng trước sự van xin và những giọt nước mắt của Đặng Thị Huệ, chúa chỉ xử phạt Lân bị đày đi ải xa. Trong Tang thương ngẫu lục cũng đề cập đến sự kiện này, cụ thể là Mậu Lân bị đày đến An Quảng. Tuy nhiên, thử nhìn vào “hành trang” đi đày của Lân, người ta thực sự hoài nghi về mức độ răn đe, nghiêm minh trong hình phạt này: “Nhà chức sự sắm sẵn ghe thuyền ở bến sông Nhị Hà, y đem theo nàng hầu vợ lẽ rất nhiều, tiếng đàn sáo véo von không dứt. Ra đến nơi, quan địa phương phải làm nhà cho y ở” (Phạm Đình Hổ). Mậu Lân rõ ràng không phải đi chịu tội, việc y bị đày đi xa thực chất chỉ là đổi một không gian khác để lộng hành, nhiễu nhương, gây tai vạ cho dân chúng. Rõ ràng, thực tế lịch sử đã bất lực trước tội ác của Đặng Mậu Lân, ít nhất là ngay thời điểm hắn không phải trả giá cho những hành vi ngông cuồng, bạo ngược của mình. Chính điều đó dấy lên sự căm phẫn của dân chúng, khiến mâu thuẫn giai cấp ngày căng trở nên gay gắt đến mức không thể dung hòa, là một trong những “giọt nước tràn ly” dẫn đến cơn nguy biến trong phủ chúa. Tang thương ngẫu lục ghi chép về kết cục của Đặng Mậu Lân là bị bỏ ngục, nhịn ăn mà chết. Tuy nhiên cái chết của y không phải vì trả giá cho những hành vi tàn độc của mình mà chỉ bởi “cái ô” to lớn che chở cho hắn – Tuyên phi không còn đắc thế. Kết cục đó của Đặng Mậu Lân rõ ràng không khiến người
đọc cảm thấy được “hả dạ”, bởi lẽ nó đến quá chậm, quá nhẹ nhàng. Cái chết của hắn không thể nào bù đắp sự đau đớn, hoảng sợ mà những con người vô tội đã bỏ mạng vì sự cuồng loạn của y, cũng không thể nào thỏa mãn tư tưởng “ác giả ác báo”
vốn hằn sâu trong tâm thức người Việt.
Để giải quyết cho bất công ấy, Nguyễn Huy Tưởng đã thay đổi kết cục của tác phẩm. Để đòi lại công bằng, Nguyễn Huy Tưởng đã bắt Đặng Mậu Lân chết dưới lưỡi kiếm của Nguyễn Mại. Nguyễn Mại có lẽ là người sáng suốt nhất tác phẩm khi nhìn thấu căn nguyên của sự ngông cuồng ở Đặng Mậu Lân. Nếu những người khác luôn e sợ trước cường quyền thì Nguyễn Mại lại nhìn thẳng, nhìn sâu vào bản chất của cường quyền. Khi Nguyễn Mại dự định trừng trị Mậu Lân ở gần cuối tác phẩm, vợ chàng đã khuyên can: “Thế nhờ Chúa thượng…nhỡ Tuyên phi…”, chàng đáp: “Ấy cũng vì có Chúa thượng và Tuyên phi nên ta phải giết nó”
(Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Người ta vốn e ngại Mậu Lân là bởi thế lực đứng sau hắn nhưng với Nguyễn Mại, người anh hùng này luôn tin vào chính nghĩa, vào sự thắng thế tất yếu của lẽ phải thì cần phải tiêu diệt kẻ ác, càng không để cái ác bám víu vào quyền lực để tiếp tục sinh sôi vào phát triển. Chàng nhận ra con đường duy nhất để bảo vệ mọi người đó là giết chết Đặng Mậu Lân: “Tôi phải giết nó mình ạ.
Phải trừ tiệt nọc. Bắt nó, Chúa lại tha, nó lại càng hoành hành, nhân dân lại càng khổ sở. Giết nó đi là xong” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Khi lưỡi kiếm của Nguyễn Mại vung lên cùng tiếng quát “Cậu Trời cũng chém!”, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ trả lại công bằng cho nàng Quỳnh Hoa bạc mệnh, cho những người phụ nữ bị Mậu Lân hãm hiếp và giết hại, cho những người dân kinh thành bấy lâu phải sống trong lo sợ, hoảng hốt mà còn thực thi lý tưởng công bằng của nhân dân. Cái ác phải bị hủy diệt, ác giả ác báo, tác phẩm mang đến cho người đọc sự thỏa mãn và thắp lên niềm tin về sự bất diệt của lẽ phải và công bằng. Tinh thần đó còn thể hiện trong cách xử lý của chúa Trịnh trước hành động của Nguyễn Mại: “Nguyễn Mại là một nghĩa sĩ chân chính. Ai cũng có tấm lòng hào hiệp như Nguyễn Mại thì làm chi nước không yên, dân không mạnh”. Tiếng reo vang lừng như dậy sóng ngoài cửa phủ là minh chứng rõ ràng cho sự đồng thuận của số đông trước cách hành xử của chúa Trịnh, mang đến cho tác phẩm một cái kết mang xu hướng có hậu, mang màu sắc của một câu chuyện cổ tích đời thường.
Tuy nhiên, cách xử lý kết thúc truyện như vậy đồng thời cũng cho thấy những hạn chế về mặt tư tưởng đương thời của Nguyễn Huy Tưởng. Như đã nói, Đêm hội Long Trì không tập trung khai thác mối quan hệ giữa Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ như một số sáng tác lấy bối cảnh phủ chúa. Nhìn vào hệ thống nhân vật có thể thấy, Đặng Lân mới là trung tâm của tiểu thuyết này. Đặng Lân đứng giữa là mối nối giữa các cặp nhân vật:
- Bảo Kim – Mậu Lân – Quỳnh Hoa (I) - Tuyên phi – Mậu Lân – Trịnh Sâm (II) - Nguyễn Mại – Mậu Lân – Trịnh Sâm (III)
Ở cặp nhân vật (I), Mậu Lân cho thấy sự đối lập kệch cỡm giữa cái đẹp thánh thiện, tình yêu trong sáng, cao đẹp với dục vọng, ham muốn đê hèn, thô bỉ. Ở cặp nhân vật (II), Mậu Lân làm rõ sự đối lập trong dục vọng và trách nhiệm. Ở cặp nhân vật (III), sự xuất hiện của Mậu Lân cho thấy sự đối lập giữa tội ác và công lý. Nhân vật Mậu Lân xuất hiện trong cảnh “thái bình thịnh trị” của kinh thành Thăng Long, và cùng chính y khiến cho cuộc sống kinh thành trở nên hỗn loạn, rối ren, nghẹt thở.
Phải chăng Nguyễn Huy Tưởng đã cho rằng, nếu không có Mậu Lân thì triều đình của Trịnh Sâm vẫn sẽ là một chính quyền thịnh trị, có kỉ cương, có nền nếp? Điều đó hoàn toàn có cơ sở khi ở cuối tiểu thuyết, tác giả buộc Mậu Lân chết dưới lưỡi kiếm của Nguyễn Mại. Mậu Lân vừa chết, Trịnh Sâm đã quay lại là một ông vua minh triết: “Ta vì việc công mà tha tội cho Nguyễn Mại, để tỏ cho thiên hạ cái lẽ vì nghĩa lớn mà bỏ tình riêng”. Mậu Lân vừa chết, kinh thành như được hồi sinh, được rút khỏi thứ áp lực bủa vây từ trước. Mậu Lân chết trong tiếng reo vang lừng của dân chúng, trong lời ngợi ca reo ầm: “Quan Hộ được tha, Vương gia muôn tuổi!”. Tuy nhiên, kết cục này chỉ mới giải quyết được “bề nổi của tảng băng chìm”.
Mậu Lân chết, nhưng Tuyên phi vẫn còn, những mâu thuẫn âm ỉ trong xã hội đương thời vẫn còn. Cái kết của Nguyễn Huy Tưởng chỉ có thể tạm gọi là có hậu trong nội bộ tác phẩm, nó chưa phản ánh bao quát được nhưng mâu thuẫn rộng rãi, chưa mang tính phổ quát toàn bộ xã hội như cách mà Ngô gia văn phái đã thể hiện trong Hoàng Lê nhất thống chí.
Nguyên nhân của hạn chế này có lẽ là do Nguyễn Huy Tưởng viết tác phẩm này khi còn chịu chi phối bởi khuynh hướng lãng mạn của văn học đương thời. Giai
đoạn này, mặc dù nhà văn đã bắt đầu nhận thức vai trò, trách nhiệm của công dân, của người cầm bút trong bối cảnh đất nước bị giày xéo nhưng Nguyễn Huy Tưởng cũng chưa tiếp cận với một lí tưởng, một đường lối mang tính phổ quát, toàn diện.
Đây cũng là thời điểm nhà văn chưa tiếp cận với Đề cương văn hóa của Đảng vì thế Đêm hội Long Trì chủ yếu được viết bằng tình yêu nước chân thành, tha thiết của một thanh niên yêu nước, căm phẫn trước những thế lực bất công trong xã hội, khao khát một xã hội công bằng, phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân.