Chương 3. ĐÊM HỘI LONG TRÌ – NHỮNG HỒI ĐÁP MANG TÍNH CẢI BIÊN CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG ĐỐI VỚI HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ
3.3. Cải biên thế giới nhân vật
3.3.1. Hoàn thiện bức chân dung các nhân vật có nguồn gốc từ tác phẩm nguồn
Các nhân vật có nguồn gốc từ tác phẩm nguồn được khảo sát ở đây bao gồm Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Đặng Mâu Lân và Quận chúa Quỳnh Hoa. Sự cải biên của Nguyễn Huy Tưởng được thể hiện trước hết là qua việc thay đổi đôi nét trong tên gọi của nhân vật. Sự thay đổi này xuất hiện ở trường hợp của Đặng Mậu Lân đổi thành Đặng Lân, công chúa Ngọc Lan đổi thành Quận chúa Quỳnh Hoa. Tuy nhiên, như đã trình bày ở mục 1.2.2, việc thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến quá trình đọc của độc giả vì những điểm đặc trưng trong cuộc đời, số phận, phẩm chất của nhân vật cơ bản vẫn không thay đổi, vẫn giúp người đọc tạo được mối liên hệ với tác phẩm nguồn. Vì thế, nói đến thành công của Nguyễn Huy Tưởng trong việc cải biên nhân vật trong Đêm hội Long Trì là phải nói đến tài năng của tác giả trong việc tạo dựng lại một bức chân dung hoàn chỉnh về ngoại hình lẫn nội tâm của nhân vật. Nhân vật của Hoàng Lê nhất thống chí có thể nói là được miêu tả hết sức “điển hình”. Các tác giả đã chọn lọc, chớp lấy những hành động, cử chỉ “điển hình” nhất của nhân vật trong những hoàn cảnh điển hình. Xét ở khía cạnh phẩm chất, nhân vật không có sự phức tạp về đặc trưng tính cách, phẩm chất của nhân vật cơ bản thống nhất trong xuyên suốt tác phẩm, nhân vật hầu hết chỉ được miêu tả thông qua các hành động và phát ngôn trực tiếp, các yếu tố nội tâm không
được quan tâm đúng mức. Đây không chỉ là đặc trưng nhân vật trong Hoàng Lê nhất thống chí mà còn là điểm chung trong cách xây dựng nhân vật trong các tác phẩm trung đại.
Từ những yếu tố có sẵn đó, Nguyễn Huy Tưởng đã “đẩy” các nhân vật này trượt dần về phía đầu mút bên phải của thang đo. Trước hết là ở việc xây dựng lại chân dung nhân vật.
Ở đây chúng ta sẽ so sánh cách tác giả xây dựng ngoại hình nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Hoàng Lê nhất thống chí miêu tả về ngoại hình của Thị Huệ là người “mắt phượng mày ngài, vẻ ngoài mười phần xinh đẹp”, Nguyễn Thiệu Luật trong Bà chúa chè thì viết:
Mặt nàng trái xoan, đôi mắt hơi xếch điểm bộ lòng đen đen ngời. Cái vẻ sáng như gương, sắc như dao của khoé mắt được cái sắc đen thẫm của lòng đen làm dịu lại.
Thật là sáng như tia chớp mà êm đềm như nước hồ thu. Nàng cúi gầm mặt xuống, thì như đem cả làn thu ba chìm tận đáy lòng, mà khi nàng ngước mắt nhìn lên thì như đem hết tinh hoa bật lên một tia sáng làm chóa mắt người xem.
Dù là chính sử hay dã sử thì người ta đều thống nhất cho rằng, Đặng Thị Huệ là một trang tuyệt thế giai nhân, sở hữu một vẻ đẹp hồng nhan họa thủy. Đến Nguyễn Huy Tưởng, bằng tài năng của mình, tác giả một lần nữa khiến người đọc phải trầm trồ thừa nhận giá trị nhan sắc của Thị Huệ. Trước khi Tuyên phi xuất hiện, tác giả đã không tiếc lời ngợi ca vẻ đẹp mong manh, thanh khiết của quận chúa Quỳnh Hoa, ấy vậy mà khi Tuyên phi bước đến thì “bao nhiêu cung nữ, kể cả Quỳnh Hoa bị lu mờ vì phi trông rực rỡ, toàn thắm, toàn tươi. Đẹp mà không nhạt nhẽo, hơi đẫy mà không thô, nồng nàn mà không lơi lả. Phi là một người đàn bà có một sắc đẹp quyến rũ yêu quái. Người phi là tiếng gọi của dục tình” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Như vậy, bằng thủ pháp đòn bẩy, giống như khi Nguyễn Du lấy Thúy Vân tô đậm Thúy Kiều, mọi lời ngợi khen trước nhan sắc của Quỳnh Hoa cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là “làm nền” cho Tuyên phi. Nhưng không dừng lại ở đó, vẻ đẹp của Tuyên phi không phải đơn giản chỉ để nhìn ngắm, để thỏa mãn mà đó còn là một sắc đẹp mang tính điềm báo. Ngay lần đầu tiên Nguyễn Mại diện
kiến Tuyên phi trong đêm trung thu bên hồ Long Trì, người anh hùng này đã cảm khái:“Người đẹp thế kia làm gì mà chẳng gây vạ”. Nguyễn Mại đã nhìn thấu cái
“họa thủy” ẩn sau “hồng nhan” và tất cả các sự việc tiếp diễn cũng đã minh chứng cho nhận định đó của nhân vật.
Đối lập với một Đặng Thị Huệ với vẻ đẹp của dục vọng và tội ác thì quận chúa Quỳnh Hoa hiện lên bằng một nhan sắc mong manh, yếu đuối như vận mệnh tội nghiệp của nàng. Công chúa Ngọc Lan trong Hoàng Lê nhất thống chí được miêu tả: “Ngọc Lan vóc người yếu đuối, từ nhỏ vẫn ở trong cung thủy tinh, kiêng nắng kiêng gió” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Trong đêm hội trung thu, Quỳnh Hoa
“hơi xanh dưới ánh trăng thu, người hơi gầy nhưng vẻ thanh tú. Nàng bận chiếc áo vải đồng lầm, chít khăn vuông mỏ quạ” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Sự mỏng manh của nàng tựa như một bông hoa nhỏ sống trong lồng kính, chỉ cần một cơn gió mạnh của có thể xé toan vận mệnh tội nghiệp ấy.
Hoặc như khi miêu tả Cậu Trời Mậu Lân, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Đấy là một gã trai trẻ, người tầm thước, mắt diều hâu, lông mày rậm, râu ria nhiều nhưng cạo nhẵn, ăn mặc rất sang” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Trong sự miêu tả này, Nguyễn Huy Tưởng cũng lồng vào đó rất nhiều thông tin rằng Mậu Lân là một kẻ có quyền, có tiền nhưng nhân cách hết sức thối nát. Ngoại hình ấy phù hợp với cách y xuất hiện giữa đêm hội: “Đi sau là một lũ gia nhân, thảy đều cầm dao, cầm gậy”.
Đó là một lũ ô lại, một đám lưu manh coi thường vương pháp, coi rẻ mạng người.
Như vậy, đối với các nhân vật ít nhiều được miêu tả trong tác phẩm nguồn, người cải biên luôn có ý thức bám sát các đặc trưng cơ bản về ngoại hình rồi tiếp tục miêu tả chi tiết, toàn diện hơn để người đọc có thể có được sự hình dung chính xác nhất về nhân vật, từ sự hình dung về ngoại hình có thể bước đầu dự đoán về tính cách và số phận của họ.
Bên cảnh việc tái hiện bức chân dung ngoại hình, tác giả còn chú trọng tăng thêm tính hư cấu qua việc xây dựng bức chân dung tinh thần hay chính là thế giới nội tâm của nhân vật. Thế giới nội tâm vốn là điểm yếu của các tác phẩm văn xuôi trung đại nói chung và một tác phẩm như Hoàng Lê nhất thống chí nói riêng. Việc các tác giả trung đại thường chỉ chú trọng đến sự kiện và hành động mà bỏ qua
những biến chuyển trong tâm lý khiến người đọc đôi khi cảm thấy “hụt hẫng” thậm chí là phi lý trong việc lý giải hành động của nhân vật. Vì thế Nguyễn Huy Tưởng hết sức chú trọng việc quan sát và miêu tả những biến chuyển tâm lý của các nhân vật của mình.
Trước hết, Nguyễn Huy Tưởng nhìn nhận nhân vật Chúa Trịnh Sâm - Tĩnh đô vương Trịnh Sâm trong một trạng thái lưỡng cực. Nếu Trịnh Sâm trong Hoàng Lê nhất thống chí là kẻ nhất mực u mê, chìm đắm trong nhan sắc và dục vọng thì trong Đêm hội Long Trì, người đọc lại vừa giận vừa thương nhân vật này. Trịnh Sâm vốn được biết đến là kẻ có thực tài. Trong Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng phục dựng lại hình ảnh con người minh triết ấy thông qua việc chúa biết trọng người tài, mà trước hết là cách ứng xử với Nguyễn Mại trong lần về kinh báo công. Khi Nguyễn Mại còn căng thẳng khi đối diện với ngôi chúa, Trịnh Sâm lại xuất hiện trong thái độ thân thiện, hòa ái. Nguyễn Mại một mực xin được đứng hầu chuyện, nhưng Trịnh Sâm lại cười và nói: “Con nhà võ mà còn khách sáo. Đây là trong nhà, không phải giữ lễ vua tôi”. Chính thái độ ấy của Tĩnh đô vương khiến cho Nguyễn Mại đạt được một nhận thức mới về nhân vật này: “Chàng tự hỏi, ai cũng bảo Chúa nghiêm nghị và đa sát, nay mới biết thiên hạ đồn sai cả”. Nhận thức mới về chúa Trịnh của Nguyễn Mại đồng thời cũng mở ra cho người đọc một cách nhìn với về “vị chúa đa tình nhất nhà Trịnh”. Trịnh Sâm yên lặng lắng nghe Nguyễn Mại thuật lại tình hình chiến trận, những khó khăn gian khổ mà tướng sĩ phải vượt qua. Người đứng đầu nhà chúa đích thân pha trà vì “chén trà này là ta mừng cho ta, và chén trà này ta thưởng cho tráng sĩ”. Trịnh Sâm trao cho Nguyễn Mại chức Hộ thành binh mã sứ như một sự khẳng định trong quan điểm trị nước của ông, người tài ắt sẽ được trọng dụng. Vậy nên, với một Trịnh Sâm uy quyền và minh triết ấy, vấn đề đặt ra với Nguyễn Huy Tưởng là làm sao dung hòa với hình ảnh đó với một Trịnh Sâm u mê trước nhan sắc, sa đọa cùng men say ái tình? Câu trả lời chính là việc tác giả đi sâu miêu tả những xung đột trong nội tâm – yếu tố mà một tiểu thuyết lịch sử như Hoàng Lê nhất thống chí khó lòng bao quát.
Việc gả công chúa Ngọc Lan cho Đặng Mậu Lân, các tác giả Ngô gia chỉ gói gọn trong mấy chữ: “chúa sợ mất lòng ả ta, bất đắc dĩ mà phải gượng nhận lời”.
Nguyễn Huy Tưởng mở rộng sự kiện để người đọc có thể thấu hiểu triệt để lí do dẫn đến quyết định của Trịnh Sâm. Lần đầu tiên khi nghi Đặng Thị Huệ đề cập đến việc cầu thân, Trịnh Sâm dẫu đang say trong ái tình vẫn “giật bắn người lên, hoang mang như một người bị ngã”. Tuyên phi đã nhìn thấy những biến chuyển nội tâm của chúa thông qua nét mặt thể hiện “sự giận dữ, đau đớn, hoài nghi xen lẫn với một vẻ kiêu ngạo không bờ bến”. Ngay thời điểm đó, chắc hẳn Trịnh Sâm vẫn đủ sáng suốt để nhận thấy sự vô lý của lời đề nghị này. Một bên là tình yêu, một bên là tình thân, Trịnh Sâm rơi vào trong trạng thái vô cùng khó xử, cho đến khi chứng kiến “khổ nhục kế” của Tuyên phi, chúa mới nhanh chóng đưa ra quyết định, chấp nhận cuộc hôn nhân này. Ở đây, Nguyễn Huy Tưởng đã cài cắm những chi tiết để lí giải cho quyết định của Trịnh Sâm. Khác với các tác phẩm khác coi Đặng Thị Huệ là “yêu nữ” hại nước hại dân, là minh chứng cho sự u mê của chúa Trịnh thì trong Đêm hội Long Trì, Đặng Thị Huệ không những là tình yêu mà còn là tình thân của chúa Trịnh. Tuyên phi cho chúa những giây phút sống như một đôi vợ chồng bình thường, cho ngài “những giây phút đầm ấm nhất đời”, lại sinh cho chúa người có thể lo cho cơ nghiệp ngàn năm. Tất cả điều đó cộng với nét đẹp và mưu kế của Đặng Thị Huệ thì việc chúa Trịnh chấp thuận trở nên hợp lý hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, việc quyết định ấy không thể nào xóa đi sự áy náy của Trịnh Sâm dành cho con. Khi nghe tin Quỳnh Hoa vì hoảng hốt mà đổ bệnh, Trịnh Sâm không còn là vị chúa thượng cao quý mà chỉ còn lại người cha với “nét mặt như bị cày bừa vì đau khổ”. Khi Quỳnh Hoa chấp thuận số phận,“Chúa thở dài, vừa bằng lòng, vừa hối hận. Ngài vừa thương con lại vừa giận con quá phục tùng”. Dòng nước mắt rỏ xuống mặt Quỳnh Hoa là giọt nước mắt của sự bất lực, của chua xót, đau đớn của người cha dành cho đứa con tội nghiệp của mình.
Sự áy náy của Trịnh Sâm được Nguyễn Huy Tưởng xây dựng trong việc chúa sắp xếp chuyện kết hôn cho Quỳnh Hoa. Không chỉ bù đắp cho con bằng vật chất (viên dạ quang châu), trao cho con quyền lợi (không cần phải quỳ lạy), chúa còn cho mời Đặng Lân vào gặp để dặn dò, sắp đặt cho Lê Trung Hầu và Lương Khánh Bảo trông nom quận chúa ở nhà chồng như một cách thức để bảo vệ con gái.
Chúa khi nói chuyện với Lê Trung Hầu là một người cha lo lắng cho con mong nhờ
sự giúp đỡ của người khác chứ không phải là một ông vua quyền uy ra lệnh sắp đặt cho kẻ dưới: “Ta có việc này phải nhờ đến nhà ngươi”, “ngươi cũng biết rằng ta bất đắc dĩ mà gả quận chúa cho Đặng Lân”. Chúa ân cần: “Ngươi cố giúp ta nhé!”
rồi còn cầm tay Lê Trung Hầu, đặt vào tay hắn một lượng vàng: “Ta biếu riêng ngươi, người đừng từ chối”. Tất cả những hành động ấy cho thấy những nỗ lực bù đắp của chúa Trịnh dành cho Quỳnh Hoa vì chúa hiểu, đứng ở địa vị của một người cha, hành vi của mình đối với con là tàn nhẫn đến dường nào. Chúa cũng như bao người cha khác khi làm điều không phải với con cái, cố gắng bù đắp để đổi lấy một ít thanh thản trong lòng, để tự dối mình trước những bi kịch mà con cái phải nếm trải vì sự u mê của bản thân, để rồi khi tiễn con ra cửa, “không gắng gượng được nữa, vị Tổng nguyên súy, Nhiếp chính quốc, Thái sư Thượng phụ, uy quyền hống hách, cầm cân nảy mực cho muôn dân” lại “thổn thức như một đứa con nít”
(Nguyễn Huy Tưởng, 1942).
Như vậy, Trịnh Sâm trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng đã có độ
“trượt” lớn trong sự phức tạp về tâm lý. Nhân vật được nhìn nhận ở trạng thái lưỡng cực với những dằn vặt trong nội tâm, liên tục phải đứng trước những sự chọn lựa giữa trách nhiệm và bản năng. Cách nhìn nhận này của Nguyễn Huy Tưởng không chỉ khác với tác phẩm được cải biên mà còn khác với các tác phẩm viết về nhân vật Trịnh Sâm cùng thời.
Đứng sau toàn bộ bi kịch nhà chúa, không thể không nhắc đến vai trò của Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Nguyễn Huy Tưởng mong muốn xây dựng một Tuyên phi không chỉ có “sắc” mà còn có “hương”, có “tài năng” thật sự. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, việc Đặng Thị Huệ xin chúa gả Ngọc Lan cho Mậu Lân xảy ra khi phe cánh của nàng ta ngày một phát triển mạnh, bản thân nàng cũng ngày căng được chúa trọng dụng. Vì sợ mất lòng người đẹp, chúa đành gượng nhận lợi. Đến Đêm hội Long Trì, việc ban hôn này không diễn ra đơn giản chỉ qua một vài câu nói, Nguyễn Huy Tưởng dành cả một chương để Đặng Thị Huệ phô bày hết những mưu kế của mình.
Trước hết, Tuyên phi biết cách sử dụng những lợi thế của mình, bao gồm nhan sắc và khả năng thấu hiểu nhân tâm. Vẻ đẹp của Tuyên phi khiến chúa Trịnh
say đắm bởi “mỗi lần ngắm là một vẻ đẹp khác”, “mắt chúa không thấy gì khác ngoài vẻ đẹp vinh quang kia” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Sau khi để chúa say trong ái tình, Tuyên phi mới dùng thái độ cầu khẩn, vừa rụt rè, e sợ, vừa ủy khuất, đáng thương để bày tỏ mong ước “trèo cao” của chị em mình. Phi quả thật là người tài, dùng mĩ nhân kế hết sức điêu luyện và thuần thục, lại đánh vào lòng hư vinh cố hữu của đàn ông trước mĩ sắc, luôn muốn chứng tỏ mình là kẻ toàn năng trước người đẹp. Chúa bị chính lời của mình khóa chặt đường lui: “Ta là chúa tể nhân gian, cầm quyền thiên hạ, chỉ trừ có trời, còn cái gì ta không cho ái phi được”
(Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Không những thế, Tuyên phi còn là người “biết tiến, biết lùi”. Nàng tinh ý phát hiện sự thay đổi trong chớp mắt trên gương mặt chúa:
“Thoáng một cái, nàng đã nhận thấy trong nét mặt dễ thay đổi kia, vẻ giận dữ, vẻ đau đớn, vẻ hoài nghi xen lẫn với một vẻ kiêu ngạo không bờ bến” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Biết việc không thể thành một cách đơn giản, Thị Huệ nhanh chóng chấm dứt câu chuyện bằng việc gọi tì nữ mang đàn đến, dạo một khúc nhạc trong cảnh hữu tình để làm dịu lòng chúa. Chính âm nhạc du dương dìu dặt với vẻ đẹp trời sinh của nàng khiến chúa từ trạng thái giận dữ trước mong muốn “khó tin” của chị em Mậu Lân lại cảm thấy “ái ngại, hối hận” vì không chiều lòng người ngọc.
Chỉ bằng một khúc nhạc, chị em Thị Huệ từ vai trò kẻ có tội vì mạo phạm đến danh dự của nhà chúa lại trở thành “kẻ bị hại”, chúa từ vị trí của kẻ phân xét lại cảm thấy thân như mang tội. Thuật dụng tâm của nàng sử dụng thật khéo léo và nhuần nhuyễn làm sao! Mưu kế của Tuyên phi đương nhiên không thể dừng lại bởi nàng vẫn chưa đạt được mục đích. Thị Huệ đánh cược vào sự say đắm của chúa dành cho mình. “Chúa thượng…Khoan dung. – Thôi, em đừng mơ tưởng hão…chị cũng…
khổ lắm…Nhà có hai chị em, em có làm sao thì chị cũng chết mất” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Trong lời của Thị Huệ bày ra sự khó xử của nàng, một bên là chồng, một bên là em, cả hai đều vô cùng quan trọng, hơn nữa, Mậu Lân vì “mong nhớ”
quận chúa mà đổ bệnh, nhưng quan trọng hơn hết, nếu Mậu Lân có mệnh hệ gì thì nàng cũng khó lòng sống tiếp. Lời này thực chất cũng là một dạng “uy hiếp” với chúa Trịnh, buộc chúa phải đưa ra sự chọn lựa giữa tình yêu và tình thân. Cuối