Chương 3. ĐÊM HỘI LONG TRÌ – NHỮNG HỒI ĐÁP MANG TÍNH CẢI BIÊN CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG ĐỐI VỚI HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ
3.4. Cải biên trong giọng điệu và ngôn ngữ
3.4.2. Ngôn từ nghệ thuật
Nếu coi tác phẩm văn chương là một cơ thể sống thì ngôn ngữ chính là diện mạo của cơ thể ấy. Nhờ có ngôn ngữ (hay đúng hơn là ngôn từ nghệ thuật) mà người đọc mới có thể hình dung về diện mạo, phẩm chất nhân vật, mới có công cụ thể tiếp cận cốt truyện, diễn biến của một tác phẩm. Trong 150 thuật ngữ văn học, Lại Nguyên Ân định nghĩa ngôn từ nghệ thuật là “dạng ngôn ngữ dùng để biểu đạt nội dung hình tượng của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ”. Ngôn từ nghệ thuật không chỉ là phương tiện để mô tả thế giới thực tại mà nó còn đóng vai trò là đối tượng của sự miêu tả. Để thực hiện các chức năng đó, ngôn từ nghệ thuật cần sự hỗ trợ của các phép tu từ cú pháp, tu từ từ vựng…. Theo cuốn sách Lý luận văn học, tác giả Phương Lựu cho rằng: “Ngôn từ là lời nói viết mà người ta dùng làm chất liệu để sáng tác văn học. Nếu ngôn ngữ là tổng thể tất cả các đơn vị, phương tiện, các kết
hợp mà lời nói sử dụng (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, các phương pháp tu từ), lời nói là hình thức tồn tại thực tế của ngôn ngữ vốn phong phú, sinh động, đa dạng, thì ngôn từ là lời nói được sử dụng với tất cả phẩm chất thẩm mĩ và khả năng nghệ thuật của nó”. Như vậy, ngôn từ có thể xem là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định thành bại của một tác phẩm. Cùng sở hữu một hệ thống ngôn từ toàn dân nhưng sử dụng, chỉnh lý, tổ hợp hệ thống ấy như thế nào để thôi vào những con chữ “quen” ấy nét “lạ” đầy nghệ thuật, đó là yếu điểm của một nhà văn đích thực.
Nguyễn Huy Tưởng đến với văn học bằng trái tim của một con người ý thức về trách nhiệm của công dân với đất nước, khao khát sử dụng văn học, đặc biệt là đề tài lịch sử để đánh thức tình yêu, nhận thức về vai trò của công dân với vận mệnh dân tộc. Chính từ quan điểm đó, nhà văn đã tạo nên cho mình một phong cách sáng tác văn học riêng, song hà nh với đó cũng là một phong cách ngôn ngữ đậm chất Nguyễn Huy Tưởng.
Ngôn ngữ nghệ thuật trong Đêm hội Long Trì trước hết là thứ ngôn ngữ mang hơi hướng cổ điển. Tính cổ điển trong ngôn ngữ trước hết thể hiện trong cách tác giả gọi tên các sự vật, sự việc. Ngay từ chương I, tác phẩm mở ra khung cảnh đêm hội trung thu bên hồi với các nhân vật đi kèm với vị thế xã hội thuộc về thì quá khứ. Đó là những quan lớn, những mệnh phụ, tiểu thư, những thư sinh, chiến sĩ, quan văn, quan võ cho đến Chúa thượng, phi tần, quận chúa, quận công…Tất cả các danh xưng ấy đã tạo nên cho tác phẩm một tâm thế “trung đại”, xa xưa. Không chỉ dừng lại ở cách gọi tên nhân vật, yếu tố cổ điển còn xuất hiện ở việc khắc họa không gian, thời gian trong tác phẩm. Ở chương hai, khi miêu tả phủ chúa, tác giả đã sử dụng hàng loạt từ ngữ để miêu tả sự quyền quý ở nơi ngự trị của người đứng đầu giai cấp phong kiến. “Bước lên thềm, qua cánh cửa chạm rồng, qua chiếc bình phong lớn, Nguyễn Mại vào một gian phòng rộng và sâu, cột cao cùng với sàn, đều sơn đỏ tía. Câu đối nét vàng rực rỡ. Giữa nhà có treo một cây đèn rất to, lồng trong một chiếc khung bát giác sơn son thiếp vàng và có tua rủ xuống.
Trong cùng treo trên tường một bức thêu “Tô Vũ mục dương” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Các vật dụng như “cửa chạm rồng”, “bình phong”, “câu đối”, “đèn
lồng”, “khung bát giác”, “bức thêu” cũng góp phần mang đến hơi hướng cổ kính cho không gian tác phẩm.
Ngôn ngữ cổ điển còn thể hiện ngay trong lời nói, trong cung cách sinh hoạt của các nhân vật. Ví dụ như đoạn Nguyễn Mại vào chầu chúa Trịnh:
Nguyễn Mại tiến đến chỗ treo đèn, chàng phủ phục và hô:
- Thiên tuế!
Và chàng nằm rạp xuống chờ lệnh. Một lúc lâu, Tĩnh Vương phán:
- Cho phép người bình thân.
Chàng đứng lên. Chúa nói gì với vị đại thần, vị đại thần nói:
- Đại Vương truyền cho ngươi lại gần để Ngài hỏi chuyện.
Mại tuân lệnh. Chúa chỉ một cái đôn cách sập độ sáu thước, chéo với ghế của vị đại thần và truyền :
- Cho ngồi.
Nguyễn Mại luống cuống :
- Tâu Vương gia, lệnh trên cho phép nhưng tiểu tướng xin được đứng hầu.
Trong cuộc hội thoại ấy, Tĩnh Đô vương hiện lên là kẻ quyền uy còn Nguyễn Mại luôn giữ đúng chức trách, vị trí thần tử của bản thân. Người anh hùng phương Nam kính cẩn đáp lời chúa:
- Tâu Đại vương, thưa Các hạ, tiểu tướng là một kẻ ty tiện, vốn chỉ biết trọn đạo thần tử, không ngờ Đại vương và Các hạ quá yêu, tiểu tướng thực lấy làm thâm cảm vô cùng. Dẫu Đại Vương bảo nhảy vào nước lửa, tiểu tưởng cũng không dám từ nan”
(Nguyễn Huy Tưởng, 1942).
Trong lời đáp của Nguyễn Mại xuất hiện hàng loạt các từ Hán Việt, đồng thời còn lồng ghép các tư tưởng Nho gia quan trọng của thời đại. Các điển tích này góp phần làm tăng tính trang trọng cho đoạn hội thoại, phù hợp với bối cảnh giao tiếp.
Không dừng lại ở đơn vị từ hay cụm từ, tính cổ điển trong ngôn ngữ của tác phẩm còn được thể hiện ở đơn vị câu thông qua các phép tu từ như đối, ước lệ đặc
trưng của văn học trung đại. Nguyễn Huy Tưởng thường hay sử dụng thiên nhiên trong việc miêu tả ngoại hình lẫn phẩm cách, tâm trạng nhân vật. Miêu tả giọng nói của Quỳnh Hoa, tác giả viết: “Lời nói nhẹ như tơ, tự nó có một nhạc điệu tuyệt vời”
hay khi miêu tả tâm trạng của nàng khi Ngô thị lang ngâm bài phú của người trong mộng: “Quỳnh Hoa cảm thấy cái thú tuyệt kì nghe bài văn tao nhã, sáng dịu như vầng trăng, nhẹ như gió thu, dâng muôn tiếng nhạc, khêu vạn lời tình”. Câu văn là sự kết hợp hài hòa về sự liên tưởng, thanh điệu, ngắt nhịp tạo nên tính thơ cho diễn đạt. Trường hợp đăng đối trong diễn đạt như vậy không hiếm trong tác phẩm, có thể kể đến một số đoạn như sau:
- Ngô thị lang nhận xét về bài phú của Bảo Kim: “Cả một đoạn sau cùng, sau khi tả hết cuộc vui, buông lời nhớ tiếc, tưởng bóng giai nhân, bùi ngùi cho thân thế, cảm khái nồng nàn, chí tình chí thiết, thực mà không thô, tình tứ mà không dâm, lời đẹp mà không sáo”.
- Miêu tả ngoại hình của Tuyên phi: “Bên cạnh phi thì bao nhiêu cung nữ, kể cả Quỳnh Hoa bị lu mờ, vì phi trông rực rỡ, toàn thắm, toàn tươi. Đẹp mà không nhạt nhẽo, hơi đẫy mà không thô, nồng nàn mà không lơi lả. Phi là một người đàn bà có một sắc đẹp quyến rũ yêu quái. Người phi là tiếng gọi của dục tình”.
- Quỳnh Hoa khấn với vong hồn người mẹ đã khuất: “Mẹ đã ngậm ngùi vì phải bỏ con, mẹ lại phải ân hận vì đã sinh một đứa con phận mỏng. Đời con đã sớm vô ích, có sao mẹ không cho con đi theo mẹ từ buổi sơ sinh”.
Các câu văn biền ngẫu một phần tạo cho người đọc cảm giác quen thuộc của các sáng tác trung đại vừa có vai trò hòa hoãn nhịp điệu của tác phẩm. Mục đích của các câu văn này nhằm mục đích làm rõ tính chất của nhân vật, sự việc đồng thời đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, từ đó tạo có hội cho người đọc có cái nhìn toàn vẹn hơn.
Tóm lại, các yếu tố cổ điển trong ngôn ngữ của Đêm hội Long Trì cho thấy Nguyễn Huy Tưởng là người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, có sự trau chuốt trong ngôn từ. Yếu tố cổ điển còn đóng vai trò tạo nên “khoảng cách sử thi”
cho một tiểu thuyết lịch sử như Đêm hội Long Trì, trao cho người đọc một tâm thế
cổ xưa để tiếp nhận tác phẩm. Cũng chính như thế, phải chăng Nguyễn Huy Tưởng mới được mệnh danh là “người viết sử bằng văn” ?
Bên cạnh hệ thống ngôn từ mang dấu ấn cổ điển, Đêm hội Long Trì còn có những diễn đạt đầy hiện đại, mang đậm tính chất của các tiểu thuyết lãng mạn đương thời, chịu ảnh hưởng của tư duy nghệ thuật phương Tây. Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng không gian hồ Long Trì tựa như cõi tiên cõi mộng với cách miêu tả đậm màu sắc lãng mạn.
“Hồ Long Trì đã thành một nơi bồng lai mộng ảo, cách biệt với phàm trần. Hồ rộng hơn nửa dặm, thả rất nhiều sen ấu. Bên hồ có đắp những ngọn giả sơn rất to, bằng đất hoặc bằng đá. Trong hang, trong hốc, hoặc trên đỉnh, hoặc dưới chân, hoặc trước, hoặc sau, ẩn ẩn, hiện hiện, có những chàng Tương Như hay những gã tiêu Lang ngồi hòa nhạc ăn mặc ra vẻ tiên phong đạo cốt. Núi vọng ra những tiếng bổng tiếng chìm, tiếng ti, tiếng trúc, nghe lả lướt du dương. Bên hồ, trên cành hàng mấy trăm gốc phù dung, dương liễu có treo muôn thứ đền lồng bằng gấm vóc. Những đèn ấy đều do chúa Tĩnh Đô sai cung nữ chế ra, tinh khéo tuyệt vời, mỗi chiếc đáng giá mấy lạng bạc. Xa trông như muôn vàn sao lốm đốm sáng”
Lời văn của Nguyễn Huy Tưởng đầy tính gợi hình, gợi cảm. Những câu văn dài, hài hòa thanh điệu khiến khi đọc lên tựa như một khúc nhạc từ cõi mộng ảo vọng về, phù hợp với tính chất mơ mộng của không gian hồ Long Trì – nơi người ta
“sẽ sống thật tự do, nô đùa thực suồng sã, không biết tôn ti trật tự gì nữa”
Yếu tố lãng mạn của ngôn từ còn xuất hiện trong việc tác giả xây dựng một không - thời gian nghệ thuật gắn với hình ảnh “ánh trăng”. Ánh trăng vốn là biểu tượng của nghệ thuật, của sự thi vị và những điều thanh khiết, tuy nhiên, ánh trăng trong Đêm hội Long Trì lại đa tầng, đa nghĩa hơn. Trăng trước hết xuất hiện ngay trong chương I của tác phẩm: đêm hội Trung thu bên bờ hồ Long Trì. Trăng tháng tám là thứ trăng tròn và sáng rực. Ánh sáng của trăng phủ lên mặt hồ Long Trì sắc màu huyền ảo, lung linh. “Và bàng bạc khắp nơi, tô điểm thêm lên là ánh trăng rằm. Trăng không trong, hơi đục, nên cảnh sắc càng mông lung phiêu diểu”. Dưới ánh trăng ấy, con người tham gia vào một cuộc vui để quên hết bổn phận, trách
nhiệm. Ánh trăng ấy chính là ẩn dụ cho thứ lãng mạn tiêu cực của xã hội Việt Nam trước 1945 khi người ta tìm đến chủ nghĩa lãng mạn như một cách tìm quên thực tại, trốn chạy thực tại để rồi khi Cậu Trời xuất hiện, bao nhiêu tội ác, bao nhiêu bất công của hiện thực đập nát thứ lãng mạn trống rỗng, mỏng manh ấy.
Đến chương II, ánh trăng lại xuất hiện trong cảnh Nguyễn Mại sung sướng rời phủ chúa. “Nguyễn Mại từ phủ chúa đi ra, như tỉnh, như mê, máu lộng một nguồn vui sướng. Trời thu đẹp đẽ, ánh vàng rọi xuống những mái lâu đài, dinh thự”. Cũng là ánh trăng tháng tám, không phải ngày rằm, ấy vậy mà trăng lại tròn và rực sáng hơn. Bởi lẽ, Tĩnh Đô vương trong chương này hiện lên là một ông vua biết lo lắng cho quốc sự, biết trọng dụng tướng tài, biết nghĩ suy cho quân sĩ. Ánh trăng như vui hơn, rực sáng hơn như một thứ hi vọng vào vị thế người đứng đầu.
Ánh trăng khi ấy chính là sự phản chiếu tâm trạng hân hoan của người anh hùng Nguyễn Mại đồng thời cũng là kì vọng của dân chúng về tương lai ngày một tươi đẹp.
Như vậy, hình ảnh “ánh trăng” cũng là một dạng ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất lãng mạn của tác phẩm Đêm hội Long Trì. Chi tiết về không gian này kết hợp với đặc trưng thời gian từ chiều đếm đêm khuya của tác phẩm đã tạo nên một tín hiệu nghệ thuật có giá trị dự báo cho tác phẩm bởi nếu không có một sự thay đổi triệt để, một lực đẩy đủ sức mạnh thì chắc chắn, xã hội trong Đêm hội Long Trì nói riêng và xã hội Việt Nam đương thời nói chung sẽ chìm đắm trong đêm trường tăm tối.
Cuối cùng, ngôn ngữ trong tác phẩm còn mang xu hướng bình dị, sắc thái đời thường. Đặc trưng này được thể hiện qua các khẩu ngữ hoặc các diễn đạt đôi khi có phần suồng sã. Ở đây, người viết liệt kê một số trường hợp như sau:
- Lời của Đỗ Tuấn Giao khi thấy Bảo Kim si mê Quỳnh Hoa: “Thế nào? Bắt người ta chết đứng cả đây à? Si tình nên tính quẩn?”
- Lời của các văn nhân trong “Quần anh hội”: “Chúng nó vào thì mình còn mong giật giải giật lèo làm sao được?”
Lời nói suồng sã không chỉ xuất hiện ở nhóm các nhân vật phụ mà ngay cả trong miêu tả các nhân vật chính, Nguyễn Huy Tưởng cũng sử dụng để làm rõ sự đa
dạng, phức tạp trong tính cách của nhân vật. Nếu Tĩnh Đô vương trong đoạn đối thoại với Nguyễn Mại là đấng bề trên quyền uy thì khi ở bên cạnh Tuyên phi, Tĩnh Đô vương chỉ là một kẻ si mê mù quáng:
“Chúa Tĩnh Đô nghiện trà và rất sành thưởng thức. Nội những phi tần không ai pha trà vừa ý Chúa. Duy Tuyên phi có cái nghệ thuật tuyệt vời về nghề này. Chúa chỉ có những lời bái phục.
Chúa tiếp lấy chén trà và nói:
- Ái phi cùng ta uống. Sắc đẹp của ái phi là sắc đẹp thần tiên, kẻ tục tử này đâu dám vô lễ mà uống trà trước.
Hệ thống ngôn từ bình dị trong tác phẩm còn xuất hiện ở việc tác giả vận dụng văn học dân gian vào trong đoạn hội thoại của nhân vật. Điển hình là ở chi tiết đoạn ngâm của Nguyễn Mại đậm màu sắc bình dân nhưng vẫn thể hiện khí phách của người anh hùng :
Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên Từ gia lĩnh kiến lên yên
Sa trường đem lại một thiên anh hùng.
Ngôn từ bình dân, mộc mạc, gần gũi, mang màu sắc văn học dân gian đã thể hiện tâm thế coi trọng các giá trị văn hóa văn học dân gian của Nguyễn Huy Tưởng.
Như đã nói, mặc dù tiếp nhận nền giáo dục của nhiều nên văn hóa, từ Nho học đến Pháp học nhưng ngay từ đầu, Nguyễn Huy Tưởng đã xác định, “phận sự một người tầm thường như tôi, muốn tỏ lòng yêu nước, chỉ có một việc là viết văn quốc ngữ mà thôi”.
Tiểu kết Chương 3
Ở chương này chúng tôi tập trung làm rõ sự hồi đáp của Nguyễn Huy Tưởng với tác phẩm nguồn thông qua những điểm sáng tạo trong tác phẩm cải biên.
Sự hồi đáp đầu tiên thể hiện trong việc thay đổi thể loại, từ một sáng tác lịch sử chương hồi chữ Hán sang tiểu thuyết mang tính luận đề viết bằng chữ Quốc ngữ.
Sự thay đổi này phù hợp với đặc điểm xã hội đương thời khi văn học chữ Hán đã suy vong trong quá trình xâm lược của thực dân Pháp. Văn học nước nhà giai đoạn này đã bắt đầu hòa nhịp với tiến trình phát triển của văn học hiện đại thế giới với sự nở rộ của thể loại tiểu thuyết luận đề trên văn đàn. Tuy nhiên, khác với các tiểu thuyết luận đề diễm tình của Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng đã đặt ra một luận đề mang tính chính luận khi chất vấn vai trò, trách nhiệm của công dân trong bối cảnh chính trị - xã hội đặc biệt của đất nước. Bên cạnh đó, Nguyễn Huy Tưởng cũng đặt ra câu hỏi lớn về vai trò, vị thế của văn học, nghệ thuật trong hoàn cảnh lịch sử rối ren đương thời. Hai luận đề chống bạo người, khao khát công lý và ngợi ca cái Đẹp và nghệ thuật không chỉ xuất hiện trong Đêm hội Long Trì mà còn trở thành những luận đề lớn trong sáng tác văn học của ông. Thay đổi thể loại tác phẩm, Nguyễn Huy Tưởng còn thay đổi mô tiếp tự sự, từ mô hình truyền thuyết – giai thoại trong Hoàng Lê nhất thống chí sang truyền thuyết – dụ ngôn trong Đêm hội Long Trì. Một mặt, tác giả giữ lại mô thức truyền thuyết trong việc tôn trọng sự thật lịch sử, sự kiện và nhân vật lịch sử; mặt khác lồng ghép mô hình dụ ngôn để tạo nên không gian phát ngôn chủ động, mang đến những giáo huấn trong tư duy, hành xử của con người. Đó cũng là mục đích của nhà văn khi chọn lịch sử làm chất liệu sáng tác nghệ thuật, bởi lẽ, nếu mỗi người dân không biết tự soi chiếu mình vào lịch sử, không hiểu biết gì về lịch sử thì cũng như một “con trâu”, “đi cày ở ruộng nào cũng được”.
Sự hồi đáp tiếp theo của Nguyễn Huy Tưởng chính là ở cốt truyện. Nếu tác phẩm được cải biên kết thúc trong bi kịch thì đến với Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng đã tạo nên một kết thúc mang hơi hướng có hậu. Nói là “hơi hướng” bởi cuối tác phẩm, kẻ ác đã bị trừng trị, người tốt được vinh danh nhưng cách giải quyết đó của tác giả chưa thật sự triệt để. Nguyễn Huy Tưởng ngỡ “giết” Mậu Lân thì mọi