Các mâu thuẫn có tính lịch sử trong Hoàng Lê nhất thống chí

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 58 - 63)

Chương 2. TÍNH KHẢ THI CỦA VIỆC CẢI BIÊN TRUYỆN LỊCH SỬ HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ THÀNH TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ ĐÊM HỘI LONG TRÌ

2.2. Hoàng Lê nhất thống chí và những gợi ý khả thi cho việc sáng tác Đêm hội Long Trì

2.2.1. Các mâu thuẫn có tính lịch sử trong Hoàng Lê nhất thống chí

Xung đột là thuật ngữ thường xuất hiện khi đề cập đến các thể loại văn học như kịch hoặc tự sự. Xung đột chính là cơ sở làm nảy sinh cốt truyện đồng thời quy định các giai đoạn chính của sự phát triển cốt truyện, bao gồm thắt nút – cao trào – mở nút. Bản chất của xung đột chính là sự mâu thuẫn, sự chống đối giữa các thế lực trong văn bản, như giữa tính cách và hoàn cảnh, giữa các tính cách với nhau hoặc giữa những mặt khác nhau trong một tính cách. Trong trường hợp Hoàng Lê nhất thống chí, xung đột của tác phẩm được thể hiện thông qua các mâu thuẫn giai cấp.

Đó là mâu thuẫn trong nội bộ tầng lớp thống trị nhưng cũng là mâu thuẫn giữa tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị.

Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại những biến động trong xã hội Việt Nam trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX. Sự hỗn loạn trong xã hội này trước hết bắt đầu từ những mâu thuẫn bị đẩy lên tới đỉnh cao của giai cấp cầm quyền. Nếu Thượng kinh kí sự tập trung miêu tả sự xa hoa trong phủ chúa thì Hoàng Lê nhất thống chí chú trọng mô tả sự mục nát từ trên xuống dưới của cả một triều đại.

Mâu thuẫn đầu tiên được thể hiện trong tác phẩm là sự xung đột giữa vua Lê – chúa Trịnh mà tiêu biểu là việc chúa chuyên quyền, áp bức vua, “chúa Trịnh chuyên quyền cậy thế, làm oai làm phúc; vua Lê chỉ còn biết chắp tay rủ áo mà thôi” (Ngô gia văn phái, 2014). Chế độ quân chủ chuyên chế đứng trên bờ vực của sự lung lay khi một nước có hai chủ, gây hoang mang, bất an trong lòng dân chúng.

Các chúa Trịnh lợi dụng quyền thế về quân lực để ép các vua Lê phải “chịu nhịn”

làm một ông vua bù nhìn, tuy nhiên suy cho cùng vẫn sự xung đột về mâu thuẫn vẫn luôn tồn tại giữa hai thế lực cầm quyền này. Sự âm ỉ ấy kéo dài trong 7 hồi đầu tiên của tác phẩm vào chỉ được xem như chấm dứt khi Trịnh Bồng bỏ kinh thành chạy trốn, Lê Chiêu Thống đã phóng hoả đốt sạch phủ chúa, lửa cháy mười ngày chưa tắt.

Thu hẹp phạm vi vào phủ chúa thì đó mâu thuẫn giữa chúa Trịnh - chúa Trịnh. Mâu thuẫn này không tồn tại âm ỉ như mâu thuẫn giữa vua Lê - chúa Trịnh mà bùng nổ một cách dữ dội, trực tiếp. Căn nguyên của cặp mâu thuẫn này xuất phát từ chính Trịnh Sâm. Mặc dù được giới thiệu là người “cứng rắn, thông minh, quyết đoán, sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ” (Ngô gia văn phái, 2014) nhưng trên thực tế lại là một kẻ lúc nào cũng ăn chơi trác táng “phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thỏa thích”. Trịnh Sâm bỏ bê triều chính, lao theo vết xe đổ của các đấng quân vương, phế con trưởng lập con thứ dẫn đến triều cương hỗn loạn. Tiêu biểu cho mâu thuẫn này là cuộc chiến tranh giành quyền thực giữa Trịnh Tông và Trịnh Cán. Đứng sau cuộc chiến “nồi da nấu thịt” này là hai phe cánh thù địch mà đứng đầu là hai người vợ của chúa Trịnh Sâm. Thị Huệ hợp tác với Quận Huy tạo thành một thế lực không thể xâm phạm trong phủ chúa.

Thị Huệ tìm cách hãm hại Trịnh Tông, nhưng chưa có cơ hội, “Ả bèn bắt Tông ra ở

tại nhà Tả Xuyên, giao cho lính canh giữ mỗi ngày chỉ ba bữa cúng cơm cha, thế tử mới được vào phủ đường, lễ xong lại phải về phủ giam. Thế tử ngày đêm lo lắng sẽ không giữ được tính mạng” (Ngô gia văn phái, 2014). Thái tử tìm cách tự “cứu” lấy vận mệnh của mình nên đã liên kết với lực lượng kiêu binh để lật đổ phe Thị Huệ, thậm chí không cần một nghi lễ chính thức, Trịnh Tông đã vội vã leo lên ngôi trong một lễ đăng cơ không khác gì một trò hề. Bên cạnh đó người đọc còn nhận thấy mâu thuẫn giữa chúa Trịnh và Thánh mẫu. Căn nguyên của mâu thuẫn này cũng xuất phát từ sự tranh giành ngôi chúa. Những ngày cuối đời của Trịnh Sâm, Thánh mẫu xuất hiện nhằm mục đích bảo vệ ngôi chúa cho Trịnh Tông, tuy nhiên vì Thị Huệ luôn túc trực để hầu chúa khiến Thánh mẫu không thể nào mở lời. Nhận thấy sự dùng dằng của mẹ, Trịnh Sâm cứ ngỡ bà không nỡ rời đi vì lo lắng cho mình nên đã hết sức khuyên can tạo thành một cục diện đầy tính trào phúng.

Cái chết năm 44 tuổi của Trịnh Sâm như mồi lửa cuối cùng vứt vào ngọn lửa quyền lực vốn âm ỉ chực chờ bùng cháy trong phủ chúa. Điểm cân bằng các mâu thuẫn biến mất, phủ chúa ngập trong những âm mưu, toan tính, những cuộc lật đổ, tiếm quyền. Những thành viên trong phủ chúa không thể tự giải quyết mâu thuẫn của chính họ, buộc họ phải viện vào sự giúp đỡ của các lực lượng bên ngoài mà tiêu biểu là sự ra mặt của kiêu binh. Tuy nhiên, bản thân kiêu binh cũng là một “mối họa tiềm tàng” của phủ chúa khi xuất thân của nhóm này là lực lượng xuất thân từ xứ Thanh - Nghệ, nơi đất tổ của nhà Trịnh, vốn luôn nhận được những biệt đãi so với các lực lượng khác. Ban đầu do căm phẫn trước hành vi của chúa Trịnh khi phế trưởng lập ấu, kiêu binh đã tổ chức một cuộc tạo phản ngay trong phủ chúa khi Trịnh Sâm vừa mới ngã xuống. Sau khi xử lý phe phái Thị Huệ, đưa Trịnh Tông lên ngôi, lực lượng kiêu binh này ngày càng trở nên kiêu căng, tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn trong triều đình chúa Trịnh, khiến ngay cả chúa và Dương thái phi cũng cảm thấy bí bách. Như vậy, không chỉ là nội bộ bên trong gia đình chúa, như lời ông bà xưa từng nói “nhà dột từ nóc”, ngay cả khi cái nóc nhà là phủ chúa không thể an ổn thì việc quần thần chia bè, kéo cánh là việc không thể tránh khỏi. Quan lại phụng sự cho chúa là một lũ quen thuộc bày vẽ những âm mưu, tài tình trong sắp đặt thủ đoạn, không nơi nào là không thấy cảnh máu chảy đầu rơi.

Về cơ bản, giai cấp thống trị hiện lên trong Hoàng Lê nhất thống chí đã vẽ nên một bức tranh hiện thực của một triều đại mà vua không ra vua, tôi không ra tôi với những mục ruỗng ngay từ trong gốc rễ. Dòng dõi họ Trịnh những năm cuối đời đầy rẫy những ông chúa đoản mệnh. Kết quả tất yếu của những hỗn loạn ấy là chỉ trong vòng 6 năm đã có 4 chúa Trịnh lên ngôi và kết thúc cuộc đời của mình trong bi thảm. Trong xã hội phong kiến, khi quyền lực được tập trung vào một cá nhân thì rõ ràng, sự phát triển của xã hội đều hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và phẩm hạnh của người đứng đầu. Nhìn vào những hỗn loạn trong nội bộ phủ chúa Trịnh, những tranh giành quyền lực, những âm mưu và tội ác thì người đời sau hoàn toàn có thể hình dung được hoàn cảnh của đất nước lúc bấy giờ. Mâu thuẫn mở rộng từ trong nội bộ giai cấp cầm quyền lan rộng ra ngoài xã hội với những mâu thuẫn gay gắt giữa lực lượng cầm quyền và tầng lớp nhân dân mà đỉnh điểm là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn - cuộc khởi nghĩa của những người anh hùng áo vải.

Những mâu thuẫn xã hội trong Hoàng Lê nhất thống chí thật ra không phải là điều quá mới mẻ. Quy luật “cực thịnh tất phản” vốn dĩ luôn tồn tại trong cuộc sống, sự thịnh suy của các triều đại suy cho cùng cũng tương đối giống nhau. Tuy nhiên, điều đặc biệt trong bối cảnh xã hội của giai đoạn Lê – Trịnh là ở chỗ một nước hai vua, người chín danh thì làm bù nhìn, kẻ xưng chúa lại chiếm thế thượng phong.

Nguyễn Huy Tưởng nhận thấy sự tương đồng trong bối cảnh lịch sử của Hoàng Lê nhất thống chí và hiện trạng đất nước đương thời. Xã hội Việt Nam những năm 30 là chồng chéo của các lực lượng cai trị, chiếm đóng. Vua Nguyễn lúc bấy giờ chỉ nắm lấy cái ngai vàng rỗng tuếch còn “kẻ xâm lược” khi ấy mới thực sự chi phối xã hội Việt Nam bằng nhiều trò nhiễu nhương. Xã hội Việt Nam đương thời tồn tại ba mâu thuẫn chủ yếu: mâu thuẫn giữa thực dân và phong kiến, mâu thuẫn giữa phong kiến với tư sản và mâu thuẫn giữa tư sản và thực dân. Chính quyền phong kiến trở thành bù nhìn, thực quyền thuộc về lực lượng bảo hộ là thực dân Pháp. Dù là phong kiến suy tàn hay thực dân bạo ngược thì cả hai lực lượng này luôn tìm cách vơ vét, bóc lột nhân dân, một bên thì để phục vụ cho đời sống xa hoa, một bên thì để bù đắp vào hao phí của những cuộc viễn chinh xâm lược. Người dân Việt Nam trong bối cảnh ấy chính là đối tượng chịu tác động nặng nề với sưu thuế, lao dịch, đặc biệt là

tầng lớp nông dân bị tách khỏi công cụ lao động là ruộng đất. Cuộc sống của họ bị đẩy vào trong tận cùng của đau khổ, lầm than. Và đúng như ông bà ta từng nói,

“con giun xéo lắm cũng quằn”, trước một lực lượng lãnh đạo bất lực và tàn độc như thế, việc phản kháng của nhân dân là sự vận động tất yếu của lịch sử. Xã hội hình thành những lực lượng đối kháng giao tranh, có sự phân biệt về chiến tuyến: cách mạng hoặc phản cách mạng. Tuy nhiên vẫn có một phần lớn người dân tỏ ra hoang mang, vô định trước thời cuộc. Họ chọn cách bàng quan, thờ ơ, hoặc lẩn trốn.

Những mâu thuẫn trong xã hội vốn tích tụ từ lâu nay đã bắt đầu bùng cháy thông qua hàng loạt các cuộc biểu tình, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1939 đã quyết định thay đổi phương pháp đấu tranh, chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp. Tinh thần này đã được Nguyễn Huy Tưởng gửi gắm trọn vẹn vào hình tượng người anh hùng Nguyễn Mại trong tiểu thuyết Đêm hội Long Trì.

Dựa trên những điểm tương đồng về bối cảnh lịch sử và bản chất của mâu thuẫn xã hội thì việc lựa chọn các sự kiện liên quan đến phủ chúa Trịnh trong Hoàng Lê nhất thống chí là một tính toán hợp lý của tác giả. Những sự kiện ấy không phải thuộc về một quá khứ quá xa để người đọc cảm thấy lạ lẫm nhưng lại có một độ lùi vừa phải để người viết đủ cơ sở bộc lộ thái độ, cách đánh giá của mình, đồng thời thoát khỏi vòng kiểm soát của các chính sách in ấn lúc bấy giờ. Giống như Nguyễn Thiệu Luật viết trong lời tựa của Bà chúa chè, trước chất vấn của một độc giả vì sao lại chọn giai đoạn Lê - Trịnh cho bộ ba sáng tác của mình, ông viết:

“Những chuyện đó (tức là từ thời Thiệu Trị, Tự Đức đến lúc Âu chiến - theo ý của tác giả) còn gần ta quá. Gần thì ta xét bằng tình tình nhiều hơn bằng lí trí, vì mới là chuyện của cha ta, ông bà ta mà thôi. Xét bằng tình thì hay lệch, lệch từ người chép đến người nghe”. (Nguyễn Thiệu Luật, Lời tựa tác phẩm Bà chúa chè, 1938). Trong Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng viết về lịch sử như cách mà những tác giả trung đại thể hiện trong các tiểu thuyết chương hồi. Ông không lãng mạn hóa lịch sử như những cây bút cùng thời, cũng không “nhại”, “giễu” lịch sử như cách sáng tác ở

giai đoạn sau, lịch sử với Nguyễn Huy Tưởng vẫn là những sự kiện có thật, những nhân vật có thật với đầy đủ những nét đặc trưng của họ.“Đối với ông, lịch sử không là một sản phẩm quảng bá chiến tranh, cũng không là bộ máy phân biệt chính tà, lịch sử chỉ là sự chuyển biến nhân sinh trong những điều kiện đặc dị mà từ đó, nhà văn có thể triển khai những băn khoăn sâu sắc về thân phận con người, thân phận nghệ thuật” (Thụy Khuê, 1999). Ông đã nhận ra, “lịch sử chỉ là việc diễn lại những trò cũ”, bước tiến của lịch sử cuối cùng cũng chỉ là những vòng tròn lặp lại của thịnh – suy, của “thịnh cực tất phản”, mọi đổi thay đều là không tránh khỏi. Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, mượn người xưa để bày tỏ tình mình, nếu thật sự có tấm lòng ưu ái với dân với nước thì lấy câu chuyện, lấy bối cảnh nào không quan trọng bằng tình cảm mà người viết gửi gắm trong đó.

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 58 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)