Cải biên mô thức giao tiếp tự sự từ Truyền thuyết - Giai thoại sang Truyền thuyết - Dụ ngôn

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 87 - 103)

Chương 3. ĐÊM HỘI LONG TRÌ – NHỮNG HỒI ĐÁP MANG TÍNH CẢI BIÊN CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG ĐỐI VỚI HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ

3.1. Cải biên thể loại

3.1.2. Cải biên mô thức giao tiếp tự sự từ Truyền thuyết - Giai thoại sang Truyền thuyết - Dụ ngôn

Việc xác định Đêm hội Long Trì là một tiểu thuyết luận đề cho thấy tác phẩm cải biên cũng đã có sự thay đổi mô thức giao tiếp tự sự, mang kết cấu của một tác phẩm sử dụng mẫu gốc dụ ngôn theo quan điểm của V.I.Tiupa.

V.I. Tiupa cho rằng, xét theo trục lịch đại, có ba mẫu gốc của diễn ngôn trần thuật, bao gồm truyền thuyết, dụ ngôn giai thoại. Về sau trong quá trình phát triển xuất hiện thêm hình thức tiểu sử/sự tích, được xem như là hình thức đầu tiên của tiểu thuyết nguyên thủy. Các mẫu gốc này đóng vai trò là “các chiến lược trần thuật lần đầu tiên được các thể này hiện thực hoá trong lịch sử văn chương và có hiệu quả tích cực với sự hình thành và phát triển sau này của tự sự văn học, cũng như hệ thống thể loại văn học nói chung” (V.I.Tiupa). Theo ông, mọi sáng tác văn học đều sẽ chịu chi phối của ít nhất một mẫu gốc này. Đặc trưng của từng chiến lược trần thuật được xem xét dựa trên sự khác nhau của các thẩm quyền bao gồm thẩm quyền tham chiếu, thẩm quyền sáng tạo và thẩm quyền tiếp nhận. Mỗi thẩm quyền tương ứng với một đối tượng trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học.

Thẩm quyền tham chiếu gắn với cái được nói tới/được thể hiện trong tác phẩm văn học hay chính là bức tranh thế giới được mô tả trong tác phẩm. Ở đây chúng ta sẽ xem xét các yếu tố liên quan như tác phẩm phản ánh hiện thực gì, hiện thực đó diễn tiến ra sao, hiện thực đó có gì đặc biệt, hệ thống các nhân vật, không thời gian trong tác phẩm…Thẩm quyền sáng tạo gắn với chủ thể phát ngôn/tác giả. Chúng ta cần tìm hiểu về vị thế nói của người kể chuyện, quan điểm/lập trường tư tưởng, cái nhìn và mối quan hệ của người kể với người nghe. Thẩm quyền tiếp nhận gắn với vai trò của người nghe, tức là quan tâm tới vị thế của người nghe/độc giả, mối quan hệ giữa người nghe và chủ thể phát ngôn/người nói, nghiên cứu những đặc điểm, tính cách, thị hiếu, tầm văn hóa, hệ tư tưởng của người nghe…Cả ba yếu tố này tương tác với nhau để chi phối sự hình thành, tồn tại của mỗi một tác phẩm văn học.

Mỗi mẫu gốc (tiền văn học) thường dung chứa trong nó những thẩm quyền tham chiếu và thẩm quyền giao tiếp riêng. Tuy vậy, thể loại văn học khi đã định hình và phát triển trong tiến trình văn học, thường không chỉ dựa trên một mẫu gốc duy nhất mà có thể mang tính lai ghép, vì thế có khả năng tồn tại nhiều mẫu gốc trong một đơn vị tác phẩm. Đương nhiên trong sự lai ghép này sẽ có một mẫu gốc đóng vai trò “chính”, chi phối toàn bộ tác phẩm, ngoài ra sẽ có các mẫu gốc khác xuất hiện với tần suất ít hơn, nhưng chính sự lai ghép ấy mới cho thấy sự linh hoạt, tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Sự lại ghép này cũng xuất hiện trong mô thức giao tiếp tự sự của Hoàng Lê nhất thống chíĐêm hội Long Trì. Trong quá trình cải biên, người cải biên đã giữ lại một số đặc trưng trong mô tiếp giao tiếp tự sự của tác phẩm nguồn, đồng thời, do quá trình cải biên cũng là sự thể hiện thẩm quyền tiếp nhận của người cải biên nên tác phẩm cải biên cũng sẽ có sự thay đổi trong mô thức giao tiếp để có thể phù hợp với đối tượng hướng đến mới của nó.

3.1.2.1. Những dấu hiệu của mẫu gốc truyền thuyết

Nhắc đến truyền thuyết người ta thường nghĩ ngay về một thể loại tự sự của văn học dân gian. Tuy nhiên, đối với V.I.Tiupa, truyền thuyết được xem như là nền móng của các thể loại văn học như sử thi, truyền thuyết hoặc cổ tích.

N.D.Tamarchenko đã đưa ra khái niệm truyền thuyết “để trỏ những tác phẩm văn xuôi truyền miệng dân gian không thuộc loại truyền kì, đồng thời không vạch ra ranh giới giữa truyện truyền miệng và huyền thoại, nên không nhận ra sự khác biệt có tính nguyên tắc trong các chiến lược giao tiếp của chúng”. Từ cách hiểu đó có thể thấy, nhìn dưới góc độ của một chiến lược giao tiếp, truyền thuyết có sự tương đồng với cổ tích, tuy nhiên ông cũng phân biệt sự sai khác giữa hai khái niệm này.

“Ở giai đoạn tồn tại thiết thực của nó, truyền thuyết có tham vọng trở thành cái đích thực, tức là cái mà cổ tích không bao giờ làm” (N.D. Tamarchenco, Lã Nguyên (dịch), 2019).

Trong mô hình mẫu gốc truyền thuyết, chủ thể phát ngôn sở hữu vị thế là người chiếm giữ tri thức. Người phát ngôn luôn có ý thức duy trì vị thế đứng ngoài sự kiện để đảm nhiệm vai trò tường thuật lại cho người nghe về các sự việc mà mọi người đã biết. Đó là dạng người phát ngôn xác tính về chân lý. Trong Hoàng Lê

nhất thống chí chủ thể phát ngôn chính là những tác giả Ngô gia. Với bản chất là một tác phẩm lịch sử, yêu cầu đầu tiên của nó phải là “sự thật”, mô hình diễn ngôn chủ yếu của nó chính là truyền thuyết. Người đọc hoàn toàn có thể kiểm chứng những sự kiện mà tác giả Ngô gia đề cập trong tác phẩm của thông qua việc đối sánh với các tác phẩm đương thời như Thượng kinh kí sự hay Tang thương ngẫu lục. Tuy nhiên, nên lưu ý, đây chỉ là sự kiểm chứng chứ không thể xác thực bởi độc giả, bởi lẽ, tất cả những gì xảy ra trong tác phẩm đều thuộc về một quá khứ mà ta không thể quay trở lại để phán định tính đúng sai, trung thực hay không trung thực của nó. Người đọc chỉ có thể tiếp nhận nó như một sự thực hiển nhiên, bất biến thông qua lời kể của người phát ngôn. Người phát ngôn xuất hiện với vai trò là người mang tri thức, hành vi giao tiếp của anh ta là lời đồng ca mang tính toàn dân, tức là thái độ của anh ta mang tính đại diện cho cộng đồng, hoặc thực chất là người phát ngôn đang tái hiện lại chính thái độ của cộng đồng, trong đó có chính bản thân của người phát ngôn. Điều này được thể hiện qua cách các tác giả Ngô gia bày tỏ thái độ đối với các nhân vật của mình. Mặc dù nhan đề thể hiện mong ước “thống nhất nhà Lê” nhưng các tác giả cũng không hề phủ nhận sự suy tàn của một triều đại từng rạng rỡ trong lịch sử nước nhà. Các tác giả Ngô gia luôn bày tỏ sự tôn trọng sự thật và quá trình vận động của lịch sử, phê phán hành vi “cõng rắn cắn gà nhà” của vua Lê, ngợi ca cuộc khởi nghĩa của những anh hùng áo vải, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Thái độ đó trùng khít với lời đồng ca toàn dân đối với từng đối tượng nhân vật, với vua Lê là sự căm giận pha lẫn thương xót, với Tây Sơn là sự tôn sùng, ca ngợi.

Dựa trên các sự kiện cốt lõi của hồi một và hai Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Huy Tưởng xây dựng cốt truyện cho tác phẩm của mình, điều đó trước hết đã mang đến cho tác phẩm một thứ sự thật được thừa nhận từ trước. Trong Đêm hội Long Trì, người phát ngôn giấu mặt đi giữa những sự kiện. Tác phẩm được kể ở ngôi thứ ba với cái nhìn toàn năng của người kể chuyện khi anh ta dường như nắm hết toàn bộ diễn tiến cốt truyện, đã chứng kiến mọi việc xảy ra xung quanh mình.

Người phát ngôn cơ bản cũng giữ nguyên thái độ đối với hệ thống nhân vật có nguồn gốc từ tác phẩm nguồn, không tạo ra xung đột trong hành vi giao tiếp của

anh ta và hành vi giao tiếp mà tác giả nguồn tạo ra đối với người đọc. Việc giữ lại mẫu gốc truyền thuyết trong tác phẩm cải biên cho thấy bản thân người cải biên không có ý định chất vấn lại những hiểu biết vốn có về sự kiện lẫn nhân vật lịch sử.

Người cải biên ở đây cũng đóng vai trò như một người tiếp nhận đối với sự thật được đề cập đến trong tác phẩm nguồn. Thái độ không hoài nghi của người cải biên cho thấy đặc điểm phỏng họa, bắt chước của thẩm quyền tiếp nhận trong mô hình truyền thuyết. Thái độ ngưỡng vọng, tôn sùng, hòa theo lời đồng ca toàn dân ấy cũng cho thấy khoảng cách sử thi tuyệt đối đối với lịch sử, cả chủ thể phát ngôn lẫn người tiếp nhận luôn duy trì một niềm tin tưởng, tự hào về lịch sử, về những giá trị thiêng liêng bất diệt.

Từ đặc điểm của chủ thể phát ngôn, mô hình truyền thuyết yêu cầu xây dựng nên trong tác phẩm bức tranh thế giới của những vai trò. Bức tranh thế giới được hiểu như cầu nối giữa người nói và người nghe, thông qua cách tác giả xây dựng thế giới nhân vật và thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Trong thể loại trần thuật truyền thuyết, đó là trật tự thế giới tiền định, hiển nhiên và bất di bất dịch với các nhân vật đóng một vai bắt buộc. Trong mô hình này, nhân vật luôn phải đại diện cho một phẩm chất, một đặc tính nào đó của cộng đồng người, vì thế, thế giới nội tâm của nhân vật thường không được xem trọng, thay vào đó, nhân vật luôn phải hành động để bộc lộ phẩm chất, hoàn thành trách nhiệm của mình với cộng đồng. Trên cơ sở đó có thể thấy hệ thống nhân vật trong mô hình truyền thuyết thường được xây dựng dựa trên nguyên tắc nhị nguyên, các nhân vật thường được nhìn nhận trên hai cực đối lập tốt – xấu, chính – tà, thiện – ác. Những đặc điểm này rõ ràng tương thích với cách các tác giả Ngô gia và cả Nguyễn Huy Tưởng xây dựng thế giới nhân vật của mình. Cả tác phẩm nguồn lẫn tác phẩm cải biên đều cơ bản thống nhất với nhau về việc tách Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ, Đặng Mậu Lân về nhóm nhân vật phản diện, đại diện cho cái ác, cái xấu trong khi công chúa Ngọc Lan trong Hoàng Lê nhất thống chí (tức quận chúa Quỳnh Hoa trong Đêm hội Long Trì) trở thành nạn nhân của cái ác, là đại diện của cái đẹp bị hủy hoại. Cách phân chia này đồng thời cũng lí giải cho việc Nguyễn Huy Tưởng xây dựng thêm các nhân vật hư cấu trong tác phẩm cải biên (Nguyễn Mại, Bảo Kim và nhóm bạn văn nhân). Trong tác phẩm

nguồn, cái ác chỉ bị hủy hoại khi có sự vùng lên của những cuộc khởi nghĩa nông dân mà đại diện là ba anh em nhà Tây Sơn, tuy nhiên, có lẽ như thế là quá lâu.

Nguyễn Huy Tưởng trao cho Nguyễn Mại trách nhiệm đại diện cho công lý, cho lẽ phải, xuất hiện trong vai trò người anh hùng để tiêu diệt cái ác, bảo vệ và gìn giữ cái đẹp, cái thiện. Tuy nhiên cần lưu ý, trong tác phẩm cải biên, Nguyễn Huy Tưởng không hoàn toàn hài lòng với cách phân định rạch ròi như vậy. Tác giả muốn đi sâu hơn trong việc khai thác nội tâm nhân vật, những tâm tư, giằng xé, xung đột trong nội tâm nhân vật, từ chuyện của nhân vật mà mở rộng đến chuyện thế thái nhân tình. Các nhân vật dù có nguồn gốc từ tác phẩm nguồn hay được hư cấu hoàn toàn cũng đều đậm tính suy tư, chiêm nghiệm hơn cách diễn đạt xuôi chiều trong Hoàng Lê nhất thống chí. Chính sự thay đổi này cũng trở thành một minh chứng cho sự thay đổi trong mô thức giao tiếp tự sự ở tác phẩm cải biên mà chúng tôi sẽ đề cập ở các mục sau.

Để xem xét các nhân vật thì không chỉ nhìn nhận họ trong bức tranh thế giới mà còn cần xem xét cả bức tranh thế giới ngôn từ. “Bức tranh này không đối lập, nhưng cũng không đồng nhất với bức tranh thế giới phân vai của chiến lược giao tiếp, vì nó thuộc về một cấp độ khác: cấp độ tư tưởng hệ. Có bao nhiêu nhiêu lĩnh vực giao tiếp lời nói, có bấy nhiêu ngôn ngữ thế giới quan” (Ngô Thanh Hải, 2018).

Trong luận án của mình, Ngô Thanh Hải cũng đã chỉ ra đối với mô hình truyền thuyết lịch sử thường bắt gặp ba hình thức ngôn ngữ thế giới quan là “ngôn ngữ trận mạc”, “ngôn ngữ họ hàng, dòng tộc” và “ngôn ngữ hội hè, đám đông”. Với mỗi hình thức ngôn ngữ, người đọc sẽ bắt gặp biểu hiện của chúng trong cách tác giả xây dựng không gian, thời gian, hình tượng và những đặc điểm từ ngữ tương ứng.

Trong phạm vi khảo sát là hồi một và hai của Hoàng Lê nhất thống chí, không gian trận mạc được biến đổi trở thành “trận chiến tranh giành quyền lực”

trong phủ chúa. Đó là những âm mưu, thủ đoạn, việc chia bè kéo cánh của các lực lượng phong kiến khác nhau trong phủ chúa. Với sự phân chia lưỡng cực trong hệ thống nhân vật đã đề cập thì rõ ràng người đọc có thể phân tách được phe “ta” và

“địch” trong trận chiến này. Phủ chúa trở thành chiến trường mà nhan sắc, quyền lực trở thành những thứ vũ khí đắc lực hủy hoại con người. Tương tự như vậy,

Nguyễn Huy Tưởng cũng sử dụng lại kiểu không gian này trong tiểu thuyết của mình – không gian chiến trường được thường nhật hóa. Nguyễn Huy Tưởng đã đẩy mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp phong kiến (giữa Trịnh Sâm và quần thần, giữa chị em Đặng Thị Huệ và quần thần), mâu thuẫn giữa giai cấp phong kiến và quần chúng nhân dân (giữa Đặng Mậu Lân và dân chúng kinh thành) lên tới đỉnh điểm. Những âm mưu, thủ đoạn được miêu tả chi tiết hơn, kì công hơn chứ không đơn thuần được

“điểm” qua bằng đôi dòng kể như trong tác phẩm nguồn. Và khi đạt tới đỉnh điểm, mâu thuẫn đó buộc phải giải quyết bằng những nhát kiếm của Quân hộ thành Nguyễn Mại. Đó không chỉ là sự vùng lên của nhân dân trước những bất công, áp bức mà còn là sự vận động tất yếu của luân thường đạo lý, là triết lý sống của nhân dân ta, là chiến thắng của cái thiện trong cuộc chiến chống lại bạo ngược.

Bên cạnh đó, không – thời gian trong không gian trận mạc luôn có xu hướng gắn liền với nhau. Mỗi sự kiện trong tác phẩm đều gắn với những cột mốc thời gian cụ thể, con người cụ thể. Đó là thời gian có thể đong đếm được khi gắn với sự kiện, xung đột. Mối quan hệ mật thiết này được thể hiện rất rõ trong kiểu kết cấu dạng tiểu thuyết chương hồi trong Hoàng Lê nhất thống chí với các sự kiện được ghi chép dưới dạng biên niên. Sang đến Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng cũng giữ lại kiểu kết cấu chương hồi này. Tuy nhiên có thể thấy, mạch thời gian trong Đêm hội Long Trì không thật sự cụ thể như cách mà các tác giả Ngô gia triển khai trong Hoàng Lê nhất thống chí. Nguyễn Huy Tưởng có xu hướng tập trung vào không gian hơn là thời gian. Tác giả không hề đề cập đến một mốc thời gian thực sự cụ thể, chỉ là thời gian gắn với sự kiện như “đêm trung thu bên hồ Long Trì”, sự kiện Nguyễn Mại vào chầu phủ chúa, sự kiện chúa gả công chúa Quỳnh Hoa…

Tương tự như Hoàng Lê nhất thống chí, mạch thời gian chính của tác phẩm vận động theo chiều tuyến tính nhưng đồng thời cũng bị chia nhỏ, đứt đoạn trong quá trình giới thiệu, miêu tả về nhân vật hoặc khi có sự thay đổi trong không gian miêu tả. Sự khác biệt này sẽ được phân tích sâu hơn ở các mục sau. Ngôn ngữ trong những đoạn miêu tả không gian trận mạc (đặc biệt là các đoạn thể hiện sự xung đột trực tiếp giữa các lực lượng) có xu hướng dồn dập với sự xuất hiện hàng loạt của

các động từ, những câu cầu khiến. Nhịp câu cũng có xu hướng ngắn lại thể hiện sự quyết tâm, thái độ thẳng thắn trong quyết định của nhân vật.

- Ai cứu tôi với. Cậu Trời…

Một người chạy theo vào. Ấy là một gã trai trẻ, người tầm thước, mắt diều hâu, lông mày rậm, râu ria nhiều, nhưng cạo nhẵn, ăn mặc rất sang. Đi sau là một đám gia nhân cầm gậy. Chỉ một bước, người trai trẻ đã nhảy tới, giậm chân lên mông người thiếu phụ, cười nói:

- Trói cổ nó đem về phủ cho ta.

Hoặc

Kiếm sang vung lên. Lân hoa cả mắt, kêu:

- Bùi Đãng, chúng bây đâu ? Kiếm đã tới gần. Lân rú lên:

- Ta là Cậu Trời ! Mại quát:

- Cậu Trời cũng chém!

Một kiểu không gian khác cũng được tập trung miêu tả trong Đêm hội Long Trì chính là không gian lễ hội. Đây là điểm cải biên rõ nét khi so sánh với tác phẩm nguồn. Như đã nói, trong tác phẩm nguồn, do hạn chế về đặc điểm thể loại mà việc khắc họa chi tiết về không gian không được chú trọng, tuy nhiên, với đặc điểm của một tiểu thuyết hiện đại, Nguyễn Huy Tưởng đã phô bày khả năng phục dựng lại không gian sinh hoạt của kinh kì Thăng Long những năm dưới sự cai trị của Trịnh Sâm. Mở đầu tác phẩm chính là cảnh đêm trung thu trên hồ Long Trì. Hồ Long Trì được miêu tả như “một nơi bồng lai mộng ảo”, với “tiếng chìm, tiếng ti, tiếng trúc, nghe lả lướt du dương”, với những chiếc đèn từ xa “như muôn vàn sao lốm đốm sáng”. Nguyễn Huy Tưởng đã dựng lên một không gian tựa như cổ tích, như mộng ảo. Con người tham gia lễ hội trong tâm thế tận hưởng, tận lạc, “theo ý Chúa, trong đêm duy nhất này, người ta sẽ sống thực tự do, nô đùa suồng sã, không biết tôn ti trật tự là gì nữa”. Khi miêu tả không gian lễ hội, ngôn ngữ của tác giả có xu hướng lãng mạn hóa, trữ tình bay bổng, sử dụng nhiều phép so sánh, hệ thống từ tượng

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 87 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)