Chương 3. ĐÊM HỘI LONG TRÌ – NHỮNG HỒI ĐÁP MANG TÍNH CẢI BIÊN CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG ĐỐI VỚI HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ
3.3. Cải biên thế giới nhân vật
3.3.2. Xây dựng hệ thống nhân vật hư cấu
Bên cạnh các nhân vật có nguồn gốc từ tác phẩm nguồn, Nguyễn Huy Tưởng còn xây dựng trong thế giới nhân vật của Đêm hội Long Trì hai nhân vật khác, hoàn toàn mới mẻ: Bảo Kim và Nguyễn Mại.
Bảo Kim được xây dựng trong tác phẩm là con trai duy nhất của Nguyễn Thị lang trong kinh thành. Bảo Kim nổi danh khắp kinh kì là người tài hoa, phong lưu, nho nhã. Tài năng của chàng được thể hiện trong bài phú Long Trì được ngợi khen là “thiên cổ kì tài”, là thần bút mà “Tô Đông Pha sống lại cũng không thể làm hay hơn được”. Khắp kinh thành chuyền nhau bài phú của chàng, vừa ngâm đọc vừa bình phẩm, có người thậm chí còn học theo cả lỗi viết thảo của chàng nho sĩ. Không những tài năng, Bảo Kim còn là người có vẻ ngoài hòa hoa, phong nhã. Nguyễn Huy Tưởng không miêu tả trực tiếp ngoại hình của chàng nhưng thông qua chi tiết
những cô gái làng Lim cứ thi nhau ném túi thơm vào người chàng trai trẻ thì cũng có thể hình dung sự nhiệt tình của mọi người với Bảo Kim.
Bảo Kim không chỉ giỏi về văn thơ mà chàng còn mang trong mình lòng nhiệt thành của tuổi trẻ và phẩm chất ngay thẳng, đoan chính. Phẩm chất ấy thể hiện trong việc Bảo Kim căm phẫn trước những hành vi ngông cuồng của Mậu Lân trong đêm hội trung thu. Sự căm phẫn ấy không chỉ bởi Mậu Lân hủy hoại buổi bút chiến
“Quần anh hội”, làm lỡ dỡ cơ hội được tìm hiểu thêm về Quận chúa Quỳnh Hoa – người trong mộng của chàng mà còn là sự căm phẫn trước sự ngang ngược, vô pháp vô thiên của Mậu Lân. Chàng quát thẳng vào mặt Mậu Lân: “Loài súc sinh, quân vô liêm sỉ” mặc kệ sự lộng hành của Mậu Lân khiến hầu hết mọi người đều không dám lên tiếng. Bảo Kim luôn lựa chọn cách sống hướng về chính nghĩa, luôn có ý thức căm ghét sự xấu xa, lên tiếng bênh vực người yếu thế. Đức tính đó không chỉ xây dựng cho Bảo Kim mà con cho cả nhóm bạn văn nhân của chàng. Bất bình trước việc chúa Trịnh gả Quỳnh Hoa cho Mậu Lân, nhóm bạn văn nhân đã cùng nhau lên kế hoạch đột nhập vào phủ Quận mã để cứu Quận chúa. Hành động ấy của họ cho thấy sự khẳng khái, nghĩa hiệp của những con người có lương tri. Tuy nhiên, có một thực tế cần nhận thấy rằng, tuy đều có tấm lòng nghĩa hiệp nhưng những thư sinh áo vải nho nhã, “đuề huề lưng túi gió trăng” lại thiếu đi năng lực để làm việc lớn. Họ suy nghĩ đơn giản, phiến diện về đối thủ, hành động thiên về cảm tính mà thiếu đi mưu kế, vì thể trong cả hai lần đối chọi với Mậu Lân, Bảo Kim và những người bạn của mình đều nhận về thua thiệt. Nếu lần đầu tiên họ bị đám gia nhân của Mậu Lân đánh một trận thì trong lần đột nhập vào phủ Quận mã, họ phải đối diện với ngục giam, thậm chí chỉ một chút thôi sẽ bị hành hình đến chết nếu không có sự hi sinh của Quỳnh Hoa và sự xuất hiện của Nguyễn Mại.
Đối lập với nho sĩ Bảo Kim là vị tướng trẻ tuổi tài hoa Nguyễn Mại. Nguyễn Mại xuất hiện trong tác phẩm là một dũng tướng tài ba, có tài, có chí. Trong ghi chép lịch sử giai đoạn vua Lê chúa Trịnh vốn không có sự xuất hiện của nhân vật này, tuy nhiên, trong lịch sử dân tộc từng có một vị Quận công Nguyễn Mại (1655- 1720), là người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương. Năm 1691, ở tuổi 36 ông đỗ Hoàng Giáp (vị trí chỉ đứng sau Trạng Nguyên), và làm quan dưới triều vua
Lê Hy Tông. Ông là người có dũng có mưu, được xem như “Bao Công của đất Việt”. Có thể chính từ nhân vật này đã tạo nên nguồn cảm hứng để Nguyễn Huy Tưởng xây dựng nhân vật Nguyễn Mại trong tác phẩm của mình. Đọc Đêm hội Long Trì, người đọc có thể thấy nhân vật Nguyễn Mại đóng vai trò như một người anh hùng, một “Từ Hải” để giữ gìn công lý. Cả hai lần Bảo Kim gặp bất lợi trước Mậu Lân, Nguyễn Mại đều là người giành lại công đạo. Nguyễn Mại còn đại diện cho công lý, thực thi sự trừng phạt đối với Mậu Lân ở cuối tác phẩm, giết chết y bằng thanh gươm công lý của mình.
Nhân vật Nguyễn Mại đóng vai trò gỡ nút cho cao trào của tác phẩm, đồng thời thể hiện thái độ của tác giả trước thời cuộc. Điều này được thể hiện trong nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng trong nhật kí ngày 15/6/1942
Trong buổi khó khăn, gạo châu củi quế, mà mẹ già không kiếm nổi miếng cơm, ta không gửi tiền cho mẹ thì mẹ trông cậy vào đâu mà sống? Trí óc băn khoăn về vấn đề tiền. Muốn viết một cuốn tiểu thuyết bán lấy tiền để cung cấp mẹ già. Nghĩ đến chuyện Nguyễn Mại.
và ngày 16/7/1942
Một nơi cằn cỗi, chỉ có đá khô khan, người đời không làm gì được, nhưng thi sĩ có thể biến thành một nơi đẹp đẽ vô cùng. Một biểu hiện. Không cần cái cốt truyện, cần người sáng tác, điểm xuyết nên một công trình tuyệt phẩm. Truyện Nguyễn Mại viết đã được 23 trang (hai nửa mặt) nghĩa là được nửa công việc rồi. Cố lên một chút thì ta hoàn thành. Thượng đế hãy giúp tôi để tôi thành chính quả.
Có thể thấy nhân vật Nguyễn Mại từng được xác định là nhân vật trung tâm của tác phẩm, Nguyễn Huy Tưởng muốn thông qua nhân vật để bộc lộ của mình.
Những thất bại của Bảo Kim và nhóm bạn văn sĩ, sự xuất hiện ngay sau đó để giải quyết vấn đề của Nguyễn Mại cho thấy sự chuyển biến trong bối cảnh xã hội đương thời khi những đấu tranh ôn hòa của giới nho sĩ dần bị thay thế bởi con đường đấu tranh vũ lực. Cách hành xử của Nguyễn Mại cho thấy trên con đường đi tới công lý, cần phải gạt bỏ những ung nhọt thối nát của xã hội. Muốn làm được điều đó cần có những người đủ can đảm, có thực tài, có sức mạnh, không e ngại bạo ngược và
quyền lực. Câu nói của Nguyễn Mại khi chém chết Mậu Lân: “Cậu Trời cũng chém” đã cho thấy rõ ràng nhất nhân sinh quan của nhân vật.
Nguyễn Mại không chỉ là nhân vật tư tưởng mà còn đóng vai trò là một nhân vật chức năng thường gặp trong các truyện cổ tích. Khi người gặp hoạn nạn, Nguyễn Mại ra tay cứu giúp. Đứng trước cái ác, Nguyễn Mại ra tay tiêu diệt.
Nguyễn Mại chính là đại diện cho công lý, cho sự tất thắng của cái thiện trước cái ác, phù hợp với tư duy của người Việt. Vì thế, việc xây dựng nhân vật Nguyễn Mại trong tác phẩm vừa giúp cốt truyện được vận hành theo đúng ý đồ của tác giả vừa giúp tác phẩm thêm hoàn thiện về kết cấu lại đến gần hơn với tâm lý của độc giả.