Cải biên từ truyện lịch sử chương hồi chữ Hán sang tiểu thuyết quốc ngữ mang tính luận đề

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 78 - 87)

Chương 3. ĐÊM HỘI LONG TRÌ – NHỮNG HỒI ĐÁP MANG TÍNH CẢI BIÊN CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG ĐỐI VỚI HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ

3.1. Cải biên thể loại

3.1.1. Cải biên từ truyện lịch sử chương hồi chữ Hán sang tiểu thuyết quốc ngữ mang tính luận đề

Tiểu thuyết được xem như một trong những nét tiêu biểu của văn học Việt

Nam hiện đại nói chung và giai đoạn văn học nửa đầu thế kỉ XX nói riêng. Một số nghiên cứu cho rằng, tiểu thuyết ở Việt Nam không phải đến đầu thế kỉ XX mới xuất hiện mà thực ra đó là quá trình kế thừa và phát triển từ các truyện Nôm trong nền văn học trung đại nước nhà kết hợp với những ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Trung Hoa (dẫn theo Việt Nam văn học giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ (1963) và Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng (1967)). Giai đoạn văn học trung đại ghi nhận sự đóng góp của các tác phẩm văn xuôi cổ như Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái, Truyền kì mạn lục…thế kỉ XIV -XVI, Thượng kinh kí sự, Vũ trung tùy bút… thế kỉ XVIII cùng các truyện Nôm khuyết danh và hữu danh như Phạm Công - Cúc Hoa, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên…đã tạo nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của tiểu thuyết giai đoạn những năm 30 của thế kỉ XX. Trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng, tác giả nhận xét: “Đối với thế hệ 1932-1945, tiểu thuyết giữ địa vị quan trọng đến nỗi ta có thể coi lịch sử văn học Việt Nam của thời kỳ này là lịch sử tiểu thuyết”. Tuy nhiên phải đến đầu thế kỉ XX, đặc biệt là những năm 30 của thế kỉ, tiểu thuyết Việt Nam mới có những bước phát triển đáng ghi nhận về cả số lượng lẫn chất lượng.

Những năm 30 của thế kỉ XX, nhìn chung tiểu thuyết Việt Nam phát triển theo hai khuynh hướng: tiểu thuyết lãng mạn với đại diện tiêu biểu là những cây bút của Tự lực văn đoàn và tiểu thuyết hiện thực với những sáng tác của Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng…, trong đó, Tự lực văn đoàn mang đến nhiều tác phẩm có giá trị với loại hình tiểu thuyết luận đề.

Tác giả Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (1942) đã ghi nhận hơn mười loại hình tiểu thuyết (tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết luân lý, tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết truyền kỳ, tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết hoạt kê, tiểu thuyết tả chân, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết trinh thám…), trong đó có tiểu thuyết luận đề. Trong Văn học sử giản ước tân biên (1964), Phạm Thế Ngũ đưa ra quan điểm về tiểu thuyết luận đề: “Tiểu thuyết luận đề là tiếng dùng để dịch thành ngữ Pháp Roman à thèse. Luận đề đây là chỉ cái chủ trương, cái quan niệm có hệ thống của một tác giả về một vấn đề trọng đại của tư tưởng và liên quan đến xã hội nhân sinh. Nhà văn viết ra một câu chuyện với chủ ý trình bày những nhân vật, dẫn dắt các tình tiết để

đi đến một kết cục, tất cả nhằm bênh vực cái quan niệm riêng của mình… Người ta nhận ra tiểu thuyết luận đề ở chỗ, tác giả đã rõ rệt chủ ý bênh vực một quan niệm, để chống lại một quan niệm khác và rõ rệt uốn nắn câu chuyện, khuôn đúc nhân vật, phục vụ cho chủ ý của mình”. Có thể thấy, tiểu thuyết luận đề được sáng tác nhằm mục đích trình bày quan điểm của người viết về một vấn đề có tính triết học, đạo đức, luân lí, mà như Nhất Linh viết là “để nêu lên một lý thuyết, để tán dương, tuyên truyền một cái gì tác giả cho là tốt đẹp, để đả đảo một cái gì tác giả cho là xấu xa, viết tiểu thuyết để phụng sự, để chứng tỏ một cái gì đó”. Trong tiểu thuyết luận đề, tác giả không ngần ngại bộc lộ thái độ của mình với vấn đề xã hội ấy, bày tỏ sự tán dương hoặc phản bác, vì thế cả cốt truyện lẫn hệ thống nhân vật sẽ góp phần làm rõ luận đề mà tác giả muốn truyền tải. Trước hết, trong các tiểu thuyết luận đề, người đọc thường bắt gặp hai tuyến nhân vật được xây dựng ở trạng thái đối lập nhau. Sự khác biệt trong các thái cực, mâu thuẫn, xung đột giữa các tuyến nhân vật là cơ sở để bộc lộ luận đề, sự thắng bại giữa các tuyến nhân vật chính là phát ngôn quan điểm của tác giả về luận đề đó. Từ đó có thể thấy, nhân vật mang tư tưởng luận đề sẽ là nhân vật chính, nhân vật chống lại luận đề sẽ là nhân vật phụ.

Tuy nhiên, cũng chính từ việc phân định rạch ròi về nhân vật như thế ít nhiều sẽ khiến các tiểu thuyết luận đề mang tính “một chiều”, “khiên cưỡng”, nhân vật bị

“ép”, “gò” vào cái khuôn ước định sẵn của tác giả. Bên cạnh đó, vì các tiểu thuyết luận đề đều đi tới việc bộc lộ quan điểm chủ quan của tác giả nên hầu hết các tác phẩm này đều sẽ có một kết thúc có hậu với sự thắng thế của những giá trị tốt đẹp, của đạo đức, lí tưởng. Đặc điểm này khiến cốt truyện của tiểu thuyết có xu hướng

“dễ đoán”, “dễ biết” nhưng đồng thời cũng phù hợp với tư duy, sở thích của độc giả Việt.

Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Tri Tân vào năm 1942. Đó cũng chính là giai đoạn mà những tiểu thuyết luận đề nở rộ trên văn đàn. Sự thành công của thể loại này trong giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX chịu ảnh hưởng của bối cảnh văn hóa – chính trị đặc biệt của thời đại. Sự xâm lược của thực dân Pháp, quá trình cải cách xã hội ở các đô thị mới, cuộc sống và tâm lý của cư dân thành thị, sự va đập của văn hóa Đông – Tây và đặc biệt là sự thức tỉnh

“cái tôi” cá nhân, ý thức và trách nhiệm với dân tộc của người cầm bút là những yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể loại này. Những sáng tác của Tự lực văn đoàn mang tinh thần chống lễ giáo phong kiến, đòi quyền tự do yêu đương, đề cao hạnh phúc của con người, trong khi đó, các sáng tác của Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng lại quan tâm đến luận đề dân sinh, đấu tranh đòi quyền sống cho nhân dân lao động, đề cao khát vọng dân chủ. Tất cả các tác phẩm đấy đều thể hiện quan điểm của người viết về những vấn đề xã hội tiêu biểu đương thời. Vậy, luận đề trong Đêm hội Long Trì là gì?

Đêm hội Long Trì, như đã nói, lấy cảm hứng từ một giai đoạn lịch sử có thật, một sự kiện lịch sử có thật, kết hợp với hiểu biết và khả năng cá nhân của tác giả mà tạo nên một tiểu thuyết mang tính luận đề. Đêm hội Long Trì không chỉ dừng lại ở việc thuật lại chuyện đã qua mà nó còn đề cập đến hiện thực đang xảy ra ngay trong thời đại của tác giả. Luận đề mà Nguyễn Huy Tưởng muốn phát biểu trong tác phẩm trước hết là chống bạo ngược, khao khát công lý. Cuộc đấu tranh giữa thiện - ác, tốt – xấu vẫn luôn là mối quan tâm muôn thuở, không chỉ của văn chương mà còn là của xã hội. Đêm hội Long Trì miêu tả lại bức tranh xã hội đầy thối nát dưới triều chúa Trịnh Sâm với những âm mưu, thủ đoạn đen tối. Tuy nhiên, Nguyễn Huy Tưởng không dừng lại ở việc kể lại sự việc và phó mặc cho sự vận động của dòng chảy lịch sử, tác giả can thiệp vào diễn tiến cốt truyện, một mặt tái hiện lại sự kiện, mặt khác thúc đẩy sự phát triển cốt truyện theo ý đồ, theo “luận đề” mà mình đặt ra.

Tuyến nhân vật trong Đêm hội Long Trì được phân tách thành hai nhóm thiện – ác, chính – tà hết sức rõ rệt. Nếu Tuyên phi Đặng Thị Huệ hay Quận mã Đặng Mậu Lân là những nhân vật phản diện thì ở cực đối lập quan hộ thành Nguyễn Mại lại là đại diện cho tinh thần chống bạo ngược – một trong những luận đề lớn của tác phẩm.

Sự xuất hiện của Nguyễn Mại có vai trò như một Từ Hải, một người anh hùng có khả năng tiêu diệt cái ác, thủ tiêu cái xấu, mang lại sự công bằng đáng có cho nhân dân. Nguyễn Mại trước hết bày tỏ thái độ căm ghét đến tận cùng trước những tội ác của chị em bà Tuyên phi. Khác với những nhân vật khác luôn chọn sự thỏa hiệp hoặc thậm chí là nịnh nọt, Nguyễn Mại giậm chân khi nghe Bảo Kim kể về những tội ác của Đặng Mậu Lân: “Thế thì còn ra thể thống gì nữa. Biết trước thì lúc nãy

tôi đem giết nó đi cho dân thoát nạn” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Người anh hùng của Nguyễn Huy Tưởng rất rõ ràng trong việc lựa chọn lập trường và thái độ của mình trước cái ác: “Dẫu sau cũng không thể tha được cho thằng giặc hung dữ ấy.

Nó với tôi một sống, một chết”. (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Ngay khi đứng trước chúa Trịnh Sâm, nhận trách nhiệm bảo vệ kinh thành, tinh thần ấy của Nguyễn Mại cũng không hề lung lay trước uy quyền: “Tiểu tướng thiết nghĩ: muốn cho dân gian được yên nghiệp làm ăn, thì những sự nhũng lạm, những kẻ lộng quyền hiếp thế, tất phải nghiêm trị…” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Tinh thần ấy phát triển lên đến đỉnh điểm trong hành động chém chết Đặng Mậu Lân ở cuối tác phẩm. “Lân rú lên:

“Ta là Cậu Trời!”. Mại quát: “Cậu Trời cũng chém!” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942).

Thái độ của Nguyễn Mại mang dáng dấp của tư duy người Việt trong những truyện cổ tích khi luôn xác định rõ ràng việc thiện – ác không thể chung sống, không thể dung hòa. Cái thiện sẽ không thể tồn tại một khi cái ác không thể bị triệt tiêu hoàn toàn. Con đường chống bạo ngược chỉ có một hướng đi duy nhất là thủ tiêu bạo ngược, tiêu diệt các lực lượng đe dọa đến cuộc sống an bình, yên ổn của nhân dân.

Tất cả hành động của Nguyễn Mại đều đứng trên lập trường của nhân dân, là đại diện phát ngôn của nhân dân, cũng giống như lời “tuyên án” của Nguyễn Mại trước khi chém chết Mậu Lân: “Mày cậy thế làm càn, giết người lấy của, hãm hiếp đàn bà con gái, luật pháp không dung, thần dân đều giận. Ta thể lòng mong mỏi của muôn dân đến đây trừ một mối họa lớn” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942).

Không dừng lại ở đó, Nguyễn Mại không những đại diện cho công lý mà còn mang đến những phát ngôn nhằm đả kích, thức tỉnh lối sống, thái độ của một bộ phận dân chúng đương thời. Khi quận mã Đặng Mậu Lân xuất hiện và khiến hội Trung thu tan cuộc trong hỗn loạn, Nguyễn Mại đã bày tỏ thái độ bất bình xen với thất vọng trước cách ứng xử của nhóm bạn Bảo Kim: “Tôi điên tiết lắm, và thấy các chú lúng ta lúng túng mà buồn. Bọn văn nhân là lũ vô ích, ngâm vịnh để làm gì?

Qua cái bệnh ngâm vịnh, cải bả từ chương, nay tôi khinh thường những thứ vô dụng ấy…Thằng ấy là ai mà nó hoành hành thế? Mà xem ý dân sợ nó như sợ cọp, cả Ngô thị lang, cả Quỳnh Hoa quận chúa?” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Thái độ của Nguyễn Mại trước tội ác của Mậu Lân là sự căm phẫn, nhưng bên cạnh đó, nhân vật

cũng bày tỏ sự phản đối trước thái độ, cách ứng xử của những người liên quan.

Nhóm bạn văn sĩ Bảo Kim vốn là những thanh niên, là rường cột, ấy vậy mà đứng trước Đặng Mậu Lân, họ không đủ trí cũng không đủ dũng, để rồi không những không trừng trị được kẻ thủ ác mà còn làm tổn hại đến bản thân. Bảo Kim có thể phóng bút mà viết bài phú như “thiên cổ kì tài”, nhưng những từ chương ngâm vịnh ấy liệu có giá trị hay sức mạnh gì khi đứng trước kẻ thủ ác lộng hành như Đặng Mậu Lân? Rõ ràng là không. Phê phán cách ứng xử của Bảo Kim và nhóm bạn, Nguyễn Huy Tưởng cũng lồng vào đó thái độ không đồng tình với cách ứng xử của kẻ sĩ đương thời trong hoàn cảnh đất nước những năm 30 - 40. Sự bất lực của Bảo Kim phải chăng cũng là sự bất lực trong con đường yêu nước, cứu nước đương thời.

Sự bế tắc của nhân dân kinh thành trước sự lộng hành của chị em Tuyên phi, cuộc sống đầy bất an của dân chúng, nỗi hoảng sợ, lo lắng đến nghẹt thở và sự mù mịt của tương lai, đó chẳng phải chính là bầu không khí ngột ngạt đương thời? Nguyễn Huy Tưởng đã chứng kiến thất bại của những phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản đầu thế kỉ và trăn trở về một con đường thật sự để giải phóng đất nước khỏi sự giày xéo của gót giây ngoại xâm. Bằng việc xây dựng hình ảnh người anh hùng Nguyễn Mại, một người “bỏ văn theo võ, nên một tướng tài” đã cho thấy thái độ của Nguyễn Huy Tưởng trước việc chống bạo ngược. Cần thiết có một con đường dung hòa cả ôn hòa và bạo lực, một lực lượng lãnh đạo thực sự “có tầm”

để giống như Nguyễn Mại “trận đánh ở Phú Xuân, mưu mẹo đã cao, uy dũng lại thừa, chấn động cả miền Nam, làm rực rỡ cả Bắc Hà” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942).

Có thể thấy, luận đề chống bạo ngược, khao khát công lý trong Đêm hội Long Trì đã mang đến cho tác phẩm những biểu hiện của tinh thần nhân đạo sâu sắc. Đêm hội Long Trì là sự biểu lộ chân tình và mạnh mẽ thái độ bất bình của người viết, một thanh niên yêu nước trước những thế lực tàn bạo trong lịch sử cũng như trong cuộc sống. Tác giả bày tỏ lòng ngưỡng mộ một công lý xã hội phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Đêm hội Long Trì trong khuôn khổ một truyện gọn đã lôi cuốn được nhiều người xem. Những khung cảnh sinh hoạt tinh thần thi vị, tình yêu e ấp và thơ mộng, tội ác lộng hành, sự phẫn nộ của quần chúng, bi kịch của kẻ thủ phạm và cũng là nạn nhân,

sự trừng phạt của công lý, … tất cả lần lượt diễn biến qua từng trang sách với nhiều màu sắc đạo lý và thẩm mỹ.” (Nguyễn Bích Thu, Tôn Thảo Miên, 2000).

Đêm hội Long Trì không chỉ dừng lại ở cuộc đấu tranh thiện – ác mà còn đặt ra vấn đề về số phận của cái Đẹp, vai trò và vị trí của nghệ thuật trong cuộc đời. Luận đề ngợi ca cái đẹp và nghệ thuật trở thành mạch chảy ngầm ẩn đằng sau sự khao khát về công lý và mơ ước về một xã hội thái bình, thịnh trị cho nhân dân, thậm chí còn bao chứa cả luận đề thứ nhất, vì suy cho cùng, công bằng, bình đẳng, hạnh phúc cũng là một dạng thức biểu hiện của cái đẹp và nghệ thuật. Cái đẹp trong Đêm hội Long Trì được thể hiện rõ nét trong cách tác giả xây dựng nhân vật. Mỗi một nhân vật là đại diện cho một dạng thức đẹp khác nhau, và mỗi một nhân vật mang đến một tuyên ngôn khác nhau về vị thế và số phận cái đẹp trong cuộc sống. Đó là Tuyên phi Đặng Thị Huệ với vẻ đẹp của một “trang tuyệt thế giai nhân”, “rực rỡ và toàn thắm, toàn tươi”, “đẹp mà không nhạt nhẽo, hơi đẫy mà không thô, nồng nàn mà không lơi lả”,

“một sắc đẹp quyến rũ yêu quái”, “là tiếng gọi của dục tình” (Nguyễn Huy Tưởng, 1942). Vẻ đẹp của Tuyên phi mang đậm tính phồn thực, một vẻ đẹp đủ sức khơi dậy những khao khát bản năng của con người, một vẻ đẹp vừa khiến con người chỉ phủ phục xuống chân tôn thờ nhưng đồng thời cũng đầy nguy hiểm. Đặng Thị Huệ ý thức được vẻ đẹp ấy của bản thân và nàng sử dụng nó như một công cụ đắc lực để định đoạt vận mệnh của mình, từ một người phụ nữ có xuất thân khốn khó vươn lên vượt mặt chính cung, nắm quyền phủ chúa, biến Trịnh Sâm từ một người lãnh đạo minh triết thành kẻ si mê, một người con bất hiếu, một người cha vô tâm. Có thể thấy, vẻ đẹp của Tuyên phi là cội nguồn của cái ác, là căn nguyên của tội lỗi. Người đọc dễ dàng nhận thấy sự tương đồng ở nhân vật Tuyên phi với thứ phi Kim Phượng và lũ cung nữ dưới triều Lê Tương Dực trong vở kịch Vũ Như Tô, Lê Tương Dực cũng vì say mê cái đẹp tội lỗi ấy mà đẩy mâu thuẫn giai cấp lên tới đỉnh điểm, không những hủy hoại cơ đồ ngàn năm mà còn thúc đẩy sự hủy diệt của cái đẹp đích thực, hủy diệt nghệ thuật và cả người sáng tạo nghệ thuật. Như vậy, thông qua nhân vật Đặng Thị Huệ, Nguyễn Huy Tưởng muốn gửi gắm đến người đọc một triết lý: cái đẹp phải đi đôi với đạo đức, cái đẹp sinh ra là để phục vụ đời sống con người, nếu cái đẹp gắn liền

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 78 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)