Nhân thân, học vấn

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 50 - 53)

Chương 2. TÍNH KHẢ THI CỦA VIỆC CẢI BIÊN TRUYỆN LỊCH SỬ HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ THÀNH TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ ĐÊM HỘI LONG TRÌ

2.1. Nguyễn Huy Tưởng và nhu cầu tìm kiếm các ý tưởng cho những sáng tác về lịch sử dân tộc

2.1.1. Nhân thân, học vấn

Nguyễn Huy Tưởng sinh ra trong một gia đình nho học ở làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nay là xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Cha ông là Nguyễn Huy Liễn – một nhà nho bất đắc chí, tuy đỗ đạt nhưng không hợp tác với chính quyền thực dân. Nguyễn Huy Tưởng hình dung về cha của mình trong tự truyện “Cái đời tôi” viết năm 18 tuổi: “Thày tôi là một người hàn sĩ, mấy khoa thi đều hỏng cả, tinh người trầm mặc, ít nói ít cười. Thày tôi người gày gò, mảnh khảnh, mặt hơi dài, xương xương, trán hẹp, mắt một mí ngụ vẻ hiền lành, lông mày hơi rậm” (Nhật kí Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Huy Tưởng, 1930). Trong kí ức của nhà văn, cha là người hiền lành nhưng nghiêm nghị. Mặc dù ông thân sinh của nhà văn mất sớm, nhưng trong những năm tháng còn được sống bên cha cũng đã đủ tạo nên trong nhà văn những dấu ấn nhất định. Trước hết là ở khía cạnh Nho học. Vốn Nho học đầu đời của Nguyễn Huy Tưởng chính là được cha và bác ruột truyền dạy.

Họ Nguyễn là một trong những họ lớn ở Dục Tú lúc bấy giờ, dòng tộc của nhà văn cũng có nhiều người được học tập, thi cử và đỗ đạt (như bác ruột của nhà văn - cụ Nguyễn Huy Túc - đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan, sau có thời gian tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục). Truyền thống gia đình đã sớm thắp lên trong tâm hồn nhà văn tình yêu với quê hương đất nước.

Mẹ Nguyễn Huy Tưởng là bà Đỗ Thị Điều, con gái của một gia đình Bang tá có thế lực trong làng. Trong kí ức của nhà văn, mẹ là người hiền thục, yêu chồng thương con. Trong suốt những năm tháng khó khăn, túng bấn, bà Điều cùng người chị dâu đi buôn, tuy gặp nhiều thất bại những cũng không nản chí. Đến năm mẹ ông 37 tuổi, bà đã mở được một xưởng gỗ ở chợ làng Vòng – xưởng gỗ đã gắn với những kỉ niệm thời thơ ấu của nhà văn đồng thời cũng in đậm lên trong vở kịch

được xem như thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng – Vũ Như Tô. Trong “Nhật kí Nguyễn Huy Tưởng”, mỗi lần nhắc về mẹ, nhà văn không giấu nổi sự tự hào và kính mến. Bút danh “Điều Tử” (Con mẹ Điều) đã cho thấy trọn vẹn tình yêu của nhà văn với người mẹ của mình.

Bên cạnh ảnh hưởng từ gia đình, phong cách của Nguyễn Huy Tưởng còn chịu ảnh hưởng từ chính vùng đất nơi ông sinh ra. Làng Dục Tú là một trong những làng cổ nhất của đất Đông Ngàn. Dục Tú nói riêng và cả vùng Gia Lâm – Đông Ngàn nói chung, không nơi đâu là không có hơi thở của lịch sử, lịch sử dựng nước, lịch sử giữ nước, lịch sử của những nét đẹp văn hóa - xã hội quê hương. Đó là vùng đất của truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy; là làng Phù Đổng của chàng Gióng oai hùng, là đế đô của nhà Thục, là nơi in dấu chân chống quân xâm lược của Lý Thường Kiệt và bài thơ nổi tiếng “Nam quốc sơn hà”… Sự say mê với lịch sử dân tộc của Nguyễn Huy Tưởng có lẽ bắt đầu từ khi nhà văn còn là một đứa trẻ, sống với gia đình trong ngôi nhà năm gian mái lợp gianh ở Dục Tú. Đó là những ngày “nằm lăn bên cạnh đèn bàn thày tôi mà mà đánh giấc ngủ ngon lành hoặc ngồi đấy nghe thày tôi kể chuyện cổ tích rất hay” (Nguyễn Huy Tưởng, 1930) và được tiếp nối trong suốt năm tháng trưởng thành. Quê hương Dục Tú đã trở thành một điểm tựa cho chàng thanh niên Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn giao thời của lịch sử dân tộc, trong bóng đêm của nô lệ và lầm than, cũng như chính những dòng nhật kí mà nhà văn viết năm 20 tuổi.

Ta đây tuổi còn trẻ, tính còn ngây thơ, đọc sử Bình Nguyên mà lòng yêu quý non sông phơi phới, trong lòng thán phục các vị anh hùng, muốn nêu các vị vào khúc anh hùng ca để truyền cho hậu thế, cho muôn nghìn đời soi vào (Nhật kí ngày 12/10/1933).

Chính từ sự ý thức về “chức trách của một người quốc dân” ấy, có thể thấy, đề tài lịch sử đã trở thành một nội dung quan trọng trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Dẫu khi viết những trang văn cho thiếu nhi hay dựng nên những bi kịch lịch sử mang tầm thời đại, người ta không thể nào không nhận ra một sự say mê đến tột cùng về những câu chuyện, sự kiện quá khứ của Nguyễn Huy Tưởng và cả khao

khát truyền lưu những dấu son chói lọi ấy cho các thế hệ mai sau. Trong bài viết

“Ông chú tôi”, Nguyễn Huy Khánh - cháu gọi Nguyễn Huy Tưởng bằng chú họ, còn nhắc đến những ngày tháng đầu tiên tập tành sáng tác của nhà văn. Đó là giai đoạn cuối những năm 20 của thế kỉ trước, “chúng tôi đi vào nhiều lĩnh vực lịch sử, văn học, ham xem truyện, đọc sử để biết được những vị anh hùng nào có công với nước, với dân, đôi khi chú cháu dựa vào sử học soạn thành kịch thơ để tập diễn kịch như Phù Đổng thiên vương, kịch Trần Quốc Toản, kịch Lưu Bình Dương Lễ…” (ở đây có lẽ ông Khánh có sự nhầm lẫn vì Lưu Bình Dương Lễ là một tích truyện xưa, không phải truyện lịch sử). Những trò chơi tuổi thơ ấy đã hun đúc trong lòng Nguyễn Huy Tưởng lòng yêu nước, yêu quê hương xóm làng và đặc biệt là sự trân quý, tự hào sâu sắc về truyền thống lịch sử của dân tộc mình, rồi từ đó biến lịch sử trở thành một dòng chảy xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác văn chương của nhà văn, trở thành An Dương Vương xây thành ốc, thành Lá cờ thêu sáu chữ vàng,…

Bên cạnh tiếp thu kiến thức nho học từ gia đình, như một số thanh niên tiểu tư sản lúc bấy giờ, Nguyễn Huy Tưởng được tiếp thu hệ tri thức Tây học trong những năm tháng được mẹ gửi trọ học ở Hải Phòng. Những năm tháng ở Hải Phòng đánh dấu những sự thay đổi được xem như sâu sắc nhất trong cuộc đời nhà văn, từ việc tốt nghiệp thành chung năm 1932 cho đến những ngày đầu tiên tiếp cận với phong trào yêu nước đang nổ ra mạnh mẽ lúc bấy giờ như biểu tình đòi thả Phan Bội Châu hay những buổi lễ truy điệu tưởng nhớ Phan Chu Trinh. Đây cũng là thời điểm những trang nhật kí đầu tiên của nhà văn ghi lại những cảm tưởng của chàng thanh niên 18 tuổi với những trăn trở về mục tiêu, hướng đi của cuộc đời mình. Từ cảm xúc khi đọc tiểu thuyết Phục sinh của Lev Tolstoi, một tác phẩm mà ông nhận xét rằng “có tư tưởng rất cao thượng, khiến cho tôi đọc xong cuốn tiểu thuyết này, trong trí sinh ra một cái ý rất hay, là ý muốn làm lành” (Nguyễn Huy Tưởng, Nhật kí 02/11/1930), nhà văn đã xác định mục đích đời minh: “Tôi sẽ trở nên một người văn sĩ hoặc một người viết báo”. Với ông, việc trở thành một nhà văn không chỉ là để thỏa những say mê với con chữ, mà trên hết “phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi” (Nguyễn Huy Tưởng, Nhật kí 19/12/1930). Ở đây cần phải nói rõ, với Nguyễn Huy Tưởng, viết

văn quốc ngữ không chỉ là việc xác định về mặt văn tự, quốc ngữ với ông là viết văn về những trang sử hào hùng của dân tộc, là viết nên những tác phẩm thấm đẫm hồn thiêng sông núi.

Đây cũng là những năm tháng Nguyễn Huy Tưởng mở rộng sự tích lũy tri thức bằng việc đọc rất nhiều tác phẩm và thể loại văn học cổ điển của Pháp, Hy Lạp, La Mã, Tây Ban Nha…Khi chỉ mới là một câu học sinh, Nguyễn Huy Tưởng đã biết đến Rabelais, Shakespeare, Dante, Homère… Tìm đến các tác phẩm ấy, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức mà còn tìm hiểu cách viết của các bậc đại danh hào, “sở dĩ bất tử là vì các nhà ấy phần lớn là nhà tâm lý học, thường trọng tình hơn trọng cảnh” (Nguyễn Huy Tưởng, Nhật kí 17/09/1931).

Có thể thấy, tiếp nối ảnh hưởng của văn hóa - văn học dân tộc thì các nguyên tác của văn học Pháp đã sớm có những ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

Tuy nhiên, cần thấy rằng, Nguyễn Huy Tưởng đã sớm có phương pháp làm việc hết sức khoa học, đặc biệt là trong quá trình đọc và tiếp thu từ các tác phẩm văn học.

Theo dõi Nhật kí Nguyễn Huy Tưởng có thể thấy, nhà văn luôn đặt ra những câu hỏi, trăn trở trong quá trình đọc. Sự trăn trở ấy trải dài từ việc đọc Trang Tử, Tào Tháo đến việc cướp ngôi của Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, rồi so sánh cả bi kịch của Shakespeare với kịch của Racine, thơ của Musset với thơ Lamartine… Nguyễn Huy Tưởng đã lên hẳn một kế hoạch cuộc đời văn chương cho bản thân mình, tuy thực tế có những vênh lệch nhưng rõ ràng, theo dõi nhật kí của ông, chúng ta thấy rằng nhà văn đã luôn kiên trì, nỗ lực để hoàn thiện sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình.

Tất cả các yếu tố trên, từ quê hương đến gia đình và cả quá trình học tập, trưởng thành đã góp phần tạo nên trong Nguyễn Huy Tưởng trước hết là tình yêu với quê hương dân tộc. Tình yêu ấy được nhà văn thể hiện bằng sự say mê với vốn liếng văn hóa - văn học dân tộc, bằng sự nhận thức trong trách nhiêm của kẻ cầm bút và được định hình trong mảng đề tài sáng tác lớn của nhà văn: lịch sử.

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)