Chương 2. TÍNH KHẢ THI CỦA VIỆC CẢI BIÊN TRUYỆN LỊCH SỬ HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ THÀNH TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ ĐÊM HỘI LONG TRÌ
2.1. Nguyễn Huy Tưởng và nhu cầu tìm kiếm các ý tưởng cho những sáng tác về lịch sử dân tộc
2.1.2. Niềm say mê và khát vọng tái tạo lịch sử trong sự nghiệp sáng tác
Quá trình trưởng thành của Nguyễn Huy Tưởng nằm trọn vẹn trong giai đoạn
biến động đầy dữ dội của bối cảnh văn hóa - xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Những năm đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp cơ bản đã hoàn thành quá trình xâm lược và bắt đầu tiến hành giai đoạn khai thác thuộc địa. Sự có mặt của thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương đã làm thay đổi cơ cấu xã hội mà trước hết là sự ra đời của những tầng lớp mới như tư sản, tiểu tư sản, công nhân… Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn bùng nổ của khoa học kĩ thuật. Đi cùng với Pháp vào Việt Nam chính là sự nở rộ của các trường phái triết học, trào lưu văn học, khiến đời sống tinh thần của con người trở nên ngày càng đa dạng và phong phú. Những tư duy phương Tây này có quá trình “va chạm” với các yếu tố truyền thống bản địa, mà trước hết là văn hóa phương Đông, đặc biệt là nho học. Sự thắng thế của tầng lớp trí thức Tây học đẩy văn học bước sang giai đoạn hiện đại với sự ra đời của nhiều bộ phận và phát triển theo nhiều xu hướng nhưng nhìn chung đều có khuynh hướng thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, tiệm cận với văn học thế giới, đặc biệt là văn học Pháp, mà một trong những đại diện tiêu biểu của giai đoạn này chính là sự lên ngôi của phong trào Thơ Mới. Tuy phát triển mạnh mẽ, nhưng có thể thấy, tâm thế của hầu hết những cây bút trong giai đoạn này đều là sự hoang mang, hoài nghi, cô đơn đầy lạc lõng. Trạng thái tâm lý này suy cho cùng xuất phát từ việc “cái tôi cá nhân” đầy lý tưởng bị quật ngã trước hiện thực nghiệt ngã của thời đại - thời đại của mất mát, đau thương, thời đại của sự mất phương hướng, lạc lõng ngay trên quê hương của chính mình. Khao khát thoát khỏi hiện trạng đó, một số cây bút chọn cách thoát ly. Có thể thấy, mỗi một nhà văn tìm cho mình một cách thoát ly khỏi hiện thực, mà một trong số đó không thể không nhắc đến cách quay về với lịch sử, với quá khứ dân tộc, như trường hợp Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân là một ví dụ. Nguyễn Huy Tưởng cũng thế. Sống chưa đầy nửa thế kỉ, nhưng cuộc đời của ông đã chứng kiến biết bao biến động của thời đại và chính gia đình ông là một minh chứng lịch sử rõ ràng cho các thời đại giông bão ấy. Không chỉ cha ông mà còn nhiều thành viên khác của dòng họ Nguyễn Huy đã chọn cách lui về sau lũy tre làng, sống phần còn lại của cuộc đời an nhàn, thanh bạch như một cách vẹn toàn nhân phẩm của một nho sĩ, lánh đời, đồng thời khước từ việc hợp tác với quân xâm lược. Lớn lên ở tuổi thiếu niên, Hải Phòng - nơi nhà văn học tập cũng là một trong
những cái nôi của phong trào yêu nước. Ngay khi còn học bậc thành chung, Nguyễn Huy Tưởng đã xác định con đường của mình. Ông tham gia hoạt động một cách kín đáo nhưng hết sức nhiệt tình trong các tổ chức yêu nước như Việt Nam Quốc dân đảng, tổ chức học sinh đoàn. Nhà văn còn treo cờ búa liềm ở chợ Sắt (Hải Phòng), tham gia rải truyền đơn chống lại thực dân và tay sai, trở thành huynh trưởng của
“bầy sói” trong phong trào Hướng đạo sinh, thành viên tích cực của Hội Truyền bá quốc ngữ,… Tất cả những trải nghiệm trong đời hoạt động cách mạng là những nguồn tư liệu phong phú, những chất liệu làm nên những sáng tác sau này.
Tuy nhiên, khác với Nguyễn Tuân, tìm về quá khứ chỉ dừng lại ở việc tập trung miêu tả những thói quen, cũng cách sinh hoạt, những kiểu ăn chơi cầu kì, phong phú, đài cát của những kẻ sĩ tài hoa thì Nguyễn Huy Tưởng đi tìm về với lịch sử dân tộc như một cách thức bộc lộ tình yêu, sự quan tâm tới thời cuộc. Giai đoạn 1940 - 1945 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các sáng tác nghiêng hẳn về đề tài lịch sử - xã hội. Lí giải cho khuynh hướng này có thể giải thích là do giới văn nghệ sĩ giai đoạn này bắt đầu ý thức bày tỏ tình yêu nước thông qua các sáng tác văn học nghệ thuật như Nguyễn Đức Quỳnh viết Gốc tích loài người, Đời sống thái cổ; Chu Thiên viết Lê Thánh Tông, Bà quận Mỹ; Nguyễn Tế Mỹ viết Lý Thường Kiệt ; Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm viết Quang Trung, anh hùng dân tộc; Hoàng Xuân Hãn viết Lý Thường Kiệt… Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì được Nguyễn Huy Tưởng viết trong những ngày đầu năm 1942. Lần đầu tiên tác phẩm được nhắc đến trong nhật kí của ông là vào ngày 05/02/1942 với tên gọi Con gái vua Lê dưới hình thức truyện dài, đến ngày 29/06/1942, tác phẩm lại xuất hiện với tên gọi Nguyễn Mại và đến 27/07/1942 thì mới chính thức được gọi là Đêm hội Long Trì. Những trang viết của tác phẩm ra đời ngay tại văn phòng theo dõi các vụ kiện về vi phạm luật lệ nhà Đoan toàn miền Bắc. Sử dụng một số sự kiện quan trọng từ cốt truyện của Hoàng Lê nhất thống chí, nhưng Đêm hội Long Trì không chỉ dừng lại ở sự lộng quyền của Đặng Thị Huệ hay sự nhu nhược của chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Huy Tưởng còn gửi vào trong đó những chất vấn mang tính thời đại của một chàng trai 27 tuổi. Trong bối cảnh xã hội rối ren ấy, liệu những kẻ chỉ biết “trích cú tầm chương”, học từ chương ngâm vịnh như Bảo Kim và nhóm bạn thi sĩ sẽ làm được gì cho đất nước,
cho cuộc sống của lương dân, kể cả cho người thân và cho chính mình? Liệu vai trò của kẻ sĩ sẽ nên như thế nào, trốn tránh thực tại hay nhập thế để cải vận dân tộc?...
Những vấn đề ấy vốn đã có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nhiễu nhương thời vua Lê - chúa Trịnh, nay lại càng nóng hổi trong giai đoạn đất nước bị giày xéo dưới gót giày ngoại xâm. Nếu Nguyễn Mại đã xuất hiện để tiêu diệt kẻ ác như Cậu Trời thì liệu sẽ có một “Nguyễn Mại” nào khác trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương? Không thể không nói, việc quay về với đề tài lịch sử trong các sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng là một sự lựa chọn phù hợp với thời thế, vừa đảm bảo cho các tác phẩm có thể “lọt” qua vòng kiểm duyệt của Pháp vừa có thể bộc lộ một cách ý nhị tình yêu nước và sự quan tâm tới vận mệnh dân tộc và số phận con người.
Không chỉ là những chất vấn, lớp nghĩa của Đêm hội Long Trì còn được mở rộng với khả năng dự báo đầy tính tích cực. Nếu cái chết của công chúa Quỳnh Hoa khiến người đọc tiếc thương về một kiếp bạc mệnh, cho sự yểu mệnh của những điều tốt đẹp thì ở cực còn lại của sự đối lập, Đặng Lân cũng chỉ kéo dài hơi tàn trước khi chết dưới lưỡi kiếm của Nguyễn Mại, và cũng nay mai thôi, theo đúng sự vận động của lịch sử, tuyên phi Đặng Thị Huệ cũng sẽ phải bỏ mạng trong loạn của kiêu binh. Kết thúc của Đêm hội Long Trì mang đậm dấu ấn của một kết thúc mang hơi hướng có hậu của truyện cổ tích. Việc Nguyễn Huy Tưởng để Đặng Lân chết (khác với kết thúc trong Hoàng Lê nhất thống chí là bị đày đi ải xa) cho thấy niềm tin của cá nhân nhà văn, thậm chí là niềm tin của cả dân tộc về công lý sẽ luôn chiến thắng, cái ác cuối cùng sẽ phải bị hủy diệt, những ngày tháng bị giày vò bởi quân xâm lược rồi sẽ kết thúc bởi tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh vệ quốc của nhân dân ta.
2.1.2.2. Quan niệm tiến bộ về lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng
Có thể thấy từ trong việc lựa chọn lịch sử là một trong những nội dung cốt lõi của sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Huy Tưởng đã có một quan điểm hết sức tiến bộ về lịch sử. Lịch sử với nhà văn không chỉ là những sự kiện, con số, nhân vật mà hơn hết, bản thân lịch sử là những câu chuyện, bài học đắt giá cho con cháu ngàn đời.
Nhà văn sớm nhận ra vai trò của lịch sử dân tộc, ông cho rằng:“Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được mà cầy
ruộng nào cũng được”. Có thể thấy, ngay từ rất sớm, Nguyễn Huy Tưởng đã nhận thấy vai trò quan trọng của lịch sử trong công cuộc bảo vệ đất nước, đặc biệt là bảo vệ các giá trị về mặt tinh thần. Mỗi lần suy ngẫm về lịch sử dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng không giấu nổi niềm xúc động, tự hào.
Tôi nghĩ: nghìn năm nội thuộc Tầu mà dân tộc ta không bị tiêu diệt? Vì chúng ta có một tinh thần sống rất mạnh. Tôi hình như trông thấy ngọn lửa sống của ông cha tôi, âm ỉ không bao giờ tắt. (Nhật kí ngày 10/11/1938).
Chính từ thái độ tôn kính và cả sự say mê với bề dày lịch sử dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng luôn khao khát được tái hiện lại chúng trên những trang viết của mình.
Những tác phẩm ấy không chỉ đơn thuần là sáng tạo cái đẹp, văn chương mà còn là cách nhà văn truyền dẫn tình yêu, niềm tự hào về đất nước, quê hương.
Lịch sử Việt Nam tự trước và từ nay cũng vậy, là lịch sử đẹp đẽ của một sự phấn đấu vô cùng để sống. Tôi liên tưởng đến những chuyện Mỵ Châu, Trương Chi, Chiêu Hoàng, Huyền Trân, Chiêu Thống, bao nhiêu cái hay trong những chuyện thương tâm ấy! Tôi sẽ đem những chuyện nên thơ ấy viết thành kịch, những kịch ấy có thể sánh ngang với bất kỳ kịch nào của thế giới. Và tôi hy vọng chứa chan. (Nhật kí ngày 15/12/1938).
Đây chính là “hùng tâm tráng chí” không chỉ ở con người và văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà còn là “cửu trùng đài” trong tâm thế của cả một thế hệ nhà văn giai đoan 1932-1945.
Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức khẳng định : “Nguyễn Huy Tưởng không khai thác lịch sử theo quan điểm phục cổ, sùng bái và thêu dệt quá khứ... Nguyễn Huy Tưởng tìm hiểu và thể hiện lịch sử theo quan điểm tiến bộ”. Quả thật như vậy, muốn viết lịch sử trước hết cần phải hiểu rõ lịch sử.
Không qua sông Rừng, chưa thể viết được Bạch Đằng giang. Không chịu đi phiêu lưu và hỏi thăm kỹ lưỡng. Mơ hồ quá đỗi. Chưa lần được chỗ Đại vương đóng cọc thì viết kịch Bạch Đằng sao được. (Nhật ký ngày 21/06/1942).
Nhưng hiểu rõ lịch sử thì chỉ mới là bước đầu tiên. Nếu nhà văn chỉ tái hiện
lịch sử như chính nó thì đó là công việc của sử gia, của những người viết kí. Ông cho rằng:
Tả người phải cho rắn rỏi. Ta nên nhớ rằng: ta viết sách đây không phải ta là nhà sử, mà là một người viết tiểu thuyết: tả người phải cho minh bạch, cho thành một người tiêu biểu; chứ ta không phải là nhà sử ký chỉ chép công việc mà ít lưu ý đến tình. (Nhật ký ngày 26/10/1933).
Nguyễn Huy Tưởng khi sử dụng chất liệu lịch sử luôn có ý thức chọn lựa những sự kiện “có tính vấn đề”, đó luôn là những thời khắc mang tính trọng đại, quyết định vận mệnh của dân tộc. Đó là việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa để tăng cường sức mạnh dân tộc trong An Dương Vương xây thành ốc, là hội nghị Diên Hồng của vua quan nhà Trần trước gót giày ngoại xâm trong Lá cờ thêu sáu chữ vàng và giai đoạn đầy rối ren của thời vua Lê chúa Trịnh trong Đêm hội Long Trì. Những câu chuyện cũ tưởng như đã quen, nhưng dưới ngòi bút tài năng của Nguyễn Huy Tưởng, các nhân vật lại mang đến cho người đọc những suy ngẫm, chất vấn đầy mới mẻ và mang tính thời đại. Các sự kiện lịch sử được sử dụng như một chất liệu mà bản thân độ lùi về thời gian của tác giả đủ cho ông một khoảng trời rộng mở để từ đó sáng tạo nên thế giới nghệ thuật của riêng mình.