Không - thời gian sinh hoạt văn hoá - lịch sử của kinh kì Thăng Long

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 70 - 78)

Chương 2. TÍNH KHẢ THI CỦA VIỆC CẢI BIÊN TRUYỆN LỊCH SỬ HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ THÀNH TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ ĐÊM HỘI LONG TRÌ

2.2. Hoàng Lê nhất thống chí và những gợi ý khả thi cho việc sáng tác Đêm hội Long Trì

2.1.3. Không - thời gian sinh hoạt văn hoá - lịch sử của kinh kì Thăng Long

Trong mỗi tác phẩm văn học, không – thời gian là bối cảnh cho tác phẩm đó hiện lên. Các nhân vật, sự kiện trong tác phẩm luôn phải được đặt trong một không – thời gian cụ thể. Bakhtin cho rằng: “phối cảnh không-thời gian kiến tạo nên trung tâm tự sự lẫn trung tâm ý thức hệ của văn bản, bởi vì nó tạo nên hình thức cho nhân vật và hành động” (dẫn theo “Tự sự học cấu trúc”, Đề tài khoa học công nghệ, Trường ĐHSP TP HCM, 2018, Phạm Ngọc Lan). Có thể hiểu, bản thân không – thời gian được xếp đặt trong tác phẩm đều mang một dụng ý nghệ thuật của người viết.

Không – thời gian trong mỗi văn bản vừa là thế giới do chính tác giả sáng tạo nên nhưng đồng thời cũng có những sự giao cắt với cuộc sống thực. Đặc biệt với một tác phẩm mang màu sắc lịch sử như Hoàng Lê nhất thống chí thì không – thời gian của tác phẩm càng gần hơn với hiện thực xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỉ XVIII. Tác phẩm đã tái dựng lại bức tranh xã hội nước ta trong những năm tháng hỗn loạn, rối ren với những sự kiện, nhân vật có thực trong lịch sử. Những địa danh,

sự kiện, con người trong tác phẩm đều là những sự thật đã được thừa nhận. Không gian lịch sử trong tác phẩm đã chứng kiến quá trình sụp đổ rồi lên ngôi của các triều đại, đã chứng kiến những bi thương, những tấn hài kịch của một giai đoạn lịch sử đen tối của đất nước. Một kiểu không – thời gian khác trong Hoàng Lê nhất thống chí là kiểu không – thời gian chiến trường. Đó có thể là cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, là những chiến trường rộng lớn mang tầm vóc sử thi nhưng cũng có thể là cuộc nội chiến giữa vua Lê – chúa Trịnh, thậm chí là cuộc tranh giành quyền lực bên trong phủ chúa. Đặc trưng của các không – thời gian chiến trường này luôn gắn với các trung tâm quyền lực, đi kèm với đó là các cột mốc, những sự kiện mang tính quyết định, có khả năng ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của cộng đồng, dân tộc.

Trong phạm vi hồi 1 và 2, Hoàng Lê nhất thống chí tập trung xây dựng câu chuyện dựa trên không – thời gian của kinh thành Thăng Long những năm cuối thế kỉ XVII, mà cụ thể là giai đoạn đỉnh cao của cuộc nội chiến trong phủ chúa Trịnh.

Gắn với không gian phủ chúa, các tác giả đã đề cập đến những bất ổn, quá trình suy vong và sự sụp đổ toàn diện của gia tộc họ Trịnh. Tuy các tác giả Ngô gia không chú trọng miêu tả chi tiết không gian phủ chúa như cách viết của Lê Hữu Trác trong Thượng kinh kí sự nhưng qua một vài hình ảnh, sự vật, người đọc vẫn nhận ra được sự xa hoa, lộng lẫy, một cuộc sống phú tột đỉnh ở nơi đây. Đó là không gian sống của một gia tộc quyền lực bật nhất với “kho đụn đầy đủ”, “phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thoải thích” (Ngô gia văn phái, 2014). Tuy nhiên, bên cạnh sự giàu có, phủ chúa vẫn luôn mang đến cho người đọc cảm giác thâm u, kì bí.

Sự thâm u ấy một phần tạo nên “vị thế” của phủ chúa nhưng mặt khác lại thể hiện đúng “bản chất” của gia tộc họ Trịnh: đầy rẫy những âm mưu đen tối, những tội ác chồng chất được che đậy. Những ngày cuối đời, Trịnh Sâm “rất sợ nắng gió, bình thường luôn ở trong thâm cung và nơi đó phải thắp nến đêm ngày”, “sập ngự trong phủ chúa có che trường thủy tinh, kiệu của chúa đi cũng treo rèm thủy tinh, để ngăn nắng gió” (Ngô gia văn phái, 2014). Phủ chúa là chốn trướng phủ màn che, vừa xa hoa lộng lẫy nhưng đồng thời cũng trì trệ đến nghẹt thở. Trong chốn quyền sang ấy là số phận của những con người, tưởng chừng cao sang nhưng thực chất là đang

sống lay lắt đợi chờ cái chết, là công chúa Ngọc Lan từ nhỏ đã yếu ớt phải sống trong cung thủy tinh, kiêng nắng gió, là thế tử Trịnh Cán đau yếu, gầy guộc, là chúa Trịnh Sâm đoản mệnh ở tuổi 44. Tất cả như một điềm báo cho sự suy vong tất yếu của một gia tộc “danh bất chính, ngôn bất thuận” như phủ nhà chúa Trịnh Sâm.

Đối lập với sự giàu sang nơi phủ chúa là không gian sinh hoạt đầy kiềm nén của chốn kinh thành. Thành Thăng Long là nơi dưới chân thiên tử, đáng lý phải là chốn của sự phồn vinh, ấy vậy mà dân chúng nơi đây luôn sống trong sự lo âu, sọ hãi đến tột cùng, mà nguyên nhân sâu xa, như đã nói, đến từ sự dung túng vô pháp vô thiên mà chúa Trịnh dành cho chị em Đặng Thị Huệ. Những hành vi tàn độc, vô nhân tính của Đặng Mậu Lân như đánh quan nhân, hãm hiếp đàn bà con gái, uy hiếp người thân của kẻ bị hại khiến cả kinh thành luôn sống trong trạng thái lo sợ, căng thẳng đến tột cùng. Các tác giả Ngô gia không miêu tả chi tiết dáng vẻ của kinh thành, nhưng chỉ với sự xuất hiện của Đặng Mâu Lân cùng những hành vi càn quấy của y cũng đủ để người đọc nhận thấy mâu thuẫn giữa nhân dân và giai cấp cầm quyền đang bị đẩy dần lên đến mức tối đa, dự báo cho những biến cố dữ dội, sự phản kháng bùng lên của nhân dân lao động. Có thể thấy, trọng tâm của Hoàng Lê nhất thống chí không phải là khắc họa không gian sinh hoạt của kinh thành Thăng Long mà tái hiện lại dòng chảy của các sự kiện lịch sử mà bản thân người viết đã trở thành một người chứng kiến. Vì thế không gian trong tác phẩm không có ý nghĩa biểu trưng mà thiên về tả thực, không có các chi tiết không gian mang nghĩa ẩn dụ như cách các tác giả hiện đại xây dựng trong các sáng tác của mình.

Trong hồi 1 và 2, các tác giả Ngô gia chú trọng miêu tả những dấu hiệu suy vong trong phủ chúa qua sự sủng ái tột cùng mà Trịnh Sâm dành cho Đặng Thị Huệ. Bên cạnh đó, tác giả cũng giới thiệu cho người đọc cái nhìn toàn cục về phủ chúa với những đảng phái, lực lượng, những âm mưu và toan tính. Khi kể, các tác giả luôn tuân theo quy tắc cảm thụ toàn vẹn, đầu đuôi đầy đủ, nghĩa là thời gian khép kín trong từng sự việc. Kể hết sự việc này mới đến sự việc khác vì thế các tác giả đã sử dụng các thủ pháp thể hiện thời gian như trì hoãn, gián cách, đảo tuyến, chêm xen, hoán vị, đồng hiện, bỏ lửng, che giấu, đón trước… để miêu tả sự kiện theo không gian rộng lớn và theo thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Hồi 1 và hồi 2

của Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại không - thời gian của kinh kì Thăng Long trong vòng 6 năm, từ 1777 đến 1783. 6 năm này chứng kiến những biến động dữ dội của kinh thành với sự mê muôi của Trịnh Sâm, án tạo phản của Trịnh Tông, cái chết của Trịnh Sâm, kiêu binh nổi loạn và sự lên ngôi đầy nực cười của Trịnh Cán. Tuy nhiên, tất cả các biến cố ấy chỉ được xem như “mở màn” cho lớp bi kịch còn kéo dài về sau, vì thế phần miêu tả của các tác giả chỉ mới dừng lại ở việc “lược thuật”.

Dung lượng cho giai đoạn này về cơ bản vẫn còn khá ít (kéo dài trong 2 hồi), so với giai đoạn 1786 - 1787 được thể hiện trong 6 hồi. Không gian trong 2 hồi đầu tiên nói riêng và cả tác phẩm nói chung chỉ mới dừng lại ở không gian sự kiện, không gian bối cảnh mà chưa quan tâm nhiều đến không gian tâm lý, từ đó thời gian tâm lý cũng vì thế không được quan tâm. Tóm lại, mặc dù có nhiều nỗ lực thoát ly ra khỏi thi pháp văn học trung đại nhưng cách trần thuật nói chung, không - thời gian trong 2 hồi đầu Hoàng Lê nhất thống chí nói riêng vẫn còn chưa thật sự đậm đặc dấu ấn tiểu thuyết. Các sự kiện, nhân vật chỉ mới được nhìn nhận ở bề ngoài mà chưa được đi sâu khai thác ở bề sâu, bên trong nhân vật. Tất cả những hạn chế ấy trở thành

“khoảng trống” đầy tiềm năng cho những sáng tác hiện đại về sau, nhất là khi tập trung khai thác vào không - thời gian còn bị bỏ lửng trong tác phẩm nguồn.

Nguyễn Huy Tưởng không chỉ sử dụng không – thời gian văn hóa – lịch sử của kinh thành Thăng Long được đề cập trong Hoàng Lê nhất thống chí, mà còn đưa kiểu không – thời gian này trở thành một dấu ấn riêng biệt trong các sáng tác viết về đề tài lịch sử trong sáng tác của mình. Từ Đêm hội Long Trì đến An Tư, Vũ Như Tô, về sau là Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kể chuyện Quang Trung,… người đọc đều bắt gặp không – thời gian của Thăng Long (Hà Nội). Tuy mỗi tác phẩm miêu tả Thăng Long (Hà Nội) ở các thời điểm khác nhau, tuy nhiên chúng vẫn tựu trung ở tính chất của thời điểm được miêu tả. Đó là khi đất nước lâm nguy, đứng trước bối cảnh thù trong giặc ngoài. Hà Nội trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng luôn đứng trước những biến cố trọng đại, có khả năng chi phối đến sự sống còn của dân tộc. Trong mỗi giây phút mang tính sử thi ấy, Thăng Long (Hà Nội) là sự hoán dụ cho tinh thần, sức mạnh của cả một dân tộc; vận mệnh của dân tộc được gắn với hoàn cảnh của kinh đô.

2.1.4. Tiềm năng lồng kết lịch sử của một gia tộc (nhà chúa) và lịch sử đất nước

Bản chất của Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm lịch sử khi đã ghi chép lại những biến cố của dân tộc, của lịch sử đất nước. Nhưng không dừng lại ở đó, người ta nhìn thấy ở trong tác phẩm còn là câu chuyện của một gia đình. Toàn bộ những bụi mù chướng khí trong phủ chúa đều xuất phát từ sự mê muội của chúa Trịnh dành cho Đặng Thị Huệ, mà một trong những sự kiện tiêu biểu cho sự say đắm đó chính là việc chúa Trịnh Sâm đồng ý gả con gái là công chúa Ngọc Lan cho em trai Đặng Thị Huệ là Đặng Mậu Lân.

Trong Hoàng Lê nhất thống chí, sự kiện gả công chúa Ngọc Lan cho Đặng Mậu Lân xảy ra khi phe cánh của Đặng Thị Huệ ngày càng lớn. Khi đó, thể tử Trịnh Tông đã bị truất ngôi, bị giám sát chặt chẽ, phe đảng của thế tử mỗi người lẩn trốn một nơi, trong khi Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán thì như mặt trời ban trưa, nhận được biết bao yêu mến của chúa. Các tác giả Ngô gia cho rằng: “chúa sợ mất lòng ả ta, bất đắc dĩ mà phải gượng nhận lời”. Như vậy, nguyên nhân của việc chúa Trịnh gả con gái cũng xuất phát từ sự say mê với nàng Thị Huệ. Vì say mê nhan sắc mà dung túng u mê cho những việc làm càng rỡ của chị em Đặng Thị Huệ, chấp nhận gả con gái cho một kẻ hung bạo. Rõ ràng, đó là sự bất lực của một người làm cha. Mặc dù Ngọc Lan vốn luôn nhận được sự sủng ái của chúa Trịnh, nhưng có lẽ, tình yêu của cha cho con không lớn bằng nụ cười của người đẹp. Việc chúa Trịnh lấy cớ công chúa chưa lên đậu mùa để hoãn lễ hợp cẩn và cho Sử Trung theo hầu như một cách

“đền bù” cho những áy náy dành cho đứa con gái tội nghiệp. Nhưng chúa căng cố gắng “đền bù” thì càng làm đậm hơn sự u mê và bất lực của mình mà thôi.

Nhưng, sự kiện này không chỉ đại diện cho bi kịch của gia đình mà hơn hết, nó còn là bi kịch của một triều đại. Vì sao lại nói như vậy? Hãy nhìn vào cách chúa xử lý tội ác của Đặng Mậu Lân. Trước khi trở thành con rể của chúa, Mậu Lân đã là con quỷ hung tàn của kinh thành. Y ỷ vào việc chị mình được sủng ái mà làm đủ chuyện ác trên đời. “Hết thảy quần áo, xe kiệu của y, nhất nhất đều rập kiểu theo đúng như của vua chúa”, “hễ gặp xe kiệu, bất kì của đám quan quân nào, Lân đều cà khịa đánh nhau làm cho họ nhục nhã”, “gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ

trông vừa mắt, tức thì Lân sai người quay màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền” (Ngô gia văn phái, 2014). Tất cả hành vi của hắn, không ai không căm giận, không ai không phẫn uất, ấy vậy mà cũng không thể làm gì được, bởi lẽ hắn là em bà Tuyên phi, bởi lẽ chúa Trịnh cũng đã quên mất ngoài việc là một người chồng, mình còn là một ông vua, mình còn trách nhiệm cân bằng cán cân công lý. Một triều đại, khi quyền lực tập trung vào một người, mà người ấy lại rơi vào u mê tăm tối, thì đó chính là khởi nguồn của bi kịch.

Câu chuyện bi kịch nhà chúa không phải chỉ tạo nên sự hứng thú đối với Nguyễn Huy Tưởng mà nó còn trở thành nguồn cảm hứng cho một số cây bút khác như Nguyễn Triệu Luật với Bà chúa chè, Hoàng Tiến với Người đàn bà có khuôn mặt trăng rằm…Tuy nhiên, khác với các tác phẩm ấy khi đi sâu khai thác những mâu thuẫn giai cấp, xung đột quyền lực thì Đêm hội Long Trì lại hướng sự quan tâm tới mối hôn sự ngang trái giữa con chúa và em bà phi. Vì sao Nguyễn Huy Tưởng lại lựa chọn như thế? Có lẽ bởi nhà văn nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến bi kịch này không chỉ bởi sự mù quáng của Tĩnh Đô Vương trước sắc đẹp và nhục dục mà mở rộng hơn còn là bi kịch của một đất nước khi đánh mất đi luân thường lễ giáo, mục ruỗng ngay từ trong các giá trị cốt lõi của giai cấp cầm quyền. Một bi kịch gia đình nhưng bao trùm lên nó là bi kịch của cả một đất nước, một dân tộc.

Tiểu kết Chương 2

Nguyễn Huy Tưởng là một trong những tác giả văn học có sức ảnh hưởng trong nền văn học nước nhà ngay từ giai đoạn văn học trước Cách mạng tháng Tám.

Với ông, văn học là cách thức bộc lộ thái độ, tâm tư, tình cảm của một công dân trước thời cuộc và vận mệnh dân tộc. Chính vì thế, Nguyễn Huy Tưởng sử dụng văn học như một thứ công cụ đắc lực để khơi dậy tinh thần trách nhiệm của người dân với đất nước, đặc biệt là trong các sáng tác lấy đề tài lịch sử. Đề tài lịch sử đã trở thành nguồn cảm hứng lớn, xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng.

Nguồn cảm hứng ấy là kết tinh của những ảnh hưởng từ gia đình, quê hương cho đến tác động của thời đại, nhưng trên hết vẫn là tình yêu của Nguyễn Huy Tưởng với đất nước, với quê hương. Chính từ tình yêu với lịch sử dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng đã hình thành cho mình quan điểm tiến bộ về lịch sử, thông qua lịch sử để gửi gắm đến thế hệ mai sau những bài học đắt giá.

Để sáng tạo nên Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng đã chọn cách cải biên từ nội dung tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái, tập trung vào hồi 1 và hồi 2 của tác phẩm, đặc biệt là sự kiện Trịnh Sâm gả công chúa cho em trai Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Để giải thích cho sự lựa chọn này, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu chính từ do những “khoảng trống” tiềm năng trong bản thân tác phẩm nguồn. Với vai trò là một “tiểu thuyết lịch sử trung đại”, Hoàng Lê nhất thống chí vừa mang trong mình nguồn tư liệu phong phú, có tính tin cậy vừa hàm chứa các yếu tố hư cấu trong phạm vi cho phép. Sức sống của Hoàng Lê nhất thống chí không dừng lại ở việc nó đã kể cho ta nghe câu chuyện, vẽ cho ta xem bức tranh của một thời kì đầy biến động đã qua trong lịch sử mà hơn hết, nó còn thể hiện những quy luật tất yếu trong đấu tranh giai cấp, xã hội, còn phản chiếu đa diện, đa tầng bản chất của con người. Tuy nhiên, với hạn chế của một tác phẩm trung đại viết về đề tài lịch sử, không thể đòi hỏi ở Hoàng Lê nhất thống chí sự tinh tế, tỉ mỉ trong các thủ pháp nghệ thuật như các tiểu thuyết hiện đại, nhưng rõ ràng, bản thân tác phẩm chính là một kho tang đầy tiềm năng cho các sáng tạo nghệ thuật sau này.

Nếu một số tác giả coi Hoàng Lê nhất thống chí như một dạng tư liệu lịch sử thì với sự nhạy cảm của mình, Nguyễn Huy Tưởng đã tìm thấy trong Hoàng Lê nhất

Một phần của tài liệu Đêm hội long trì (nguyễn huy tưởng) từ góc nhìn cải biên học (Trang 70 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)