Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SỰ TỰ TIN, BIỆN PHÁP GIÁO DỤC SỰ TỰ TIN CHO TRẺ EM
3.2. Xây dựng các biện pháp giáo dục sự tự tin cho trẻ 5 – 6 tuổi qua hoạt động đóng kịch sẽ tiến hành làm thử nghiệm
Trong đề tài chúng tôi tổ chức thực nghiệm một số biện pháp giáo dục sự tự tin cho trẻ 5 – 6 tuổi qua hoạt động đóng kịch như sau:
Biện pháp 1: Giao nhiệm vụ cho trẻ
Mục đích của biện pháp: Giao nhiệm vụ giúp trẻ nhận ra trách nhiệm của bản thân với người khác. Giao nhiệm vụ cũng là một cách giúp trẻ cảm thấy mình có ích, được tôn trọng và được đối xử như một người lớn. Thông qua các nhiệm vụ trẻ sẽ được trải nghiệm cảm giác thành công cũng như thất bại để sau đó rút ra bài học cho bản thân và với những nhiệm vụ sau trẻ sẽ tự tin là mình sẽ làm được và thành công hơn. Trẻ từng bước học được cách giải quyết những khó khăn của mình trong lúc làm nhiệm vụ.
Nội dung và cách thực hiện: Trẻ nhận nhiệm vụ từ giáo viên và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình để phục vụ cho buổi biểu diễn. Thực hiện biện pháp này bao gồm các bước
Bước 1: Giáo viên chuẩn bị trước bảng phân chia công việc bao gồm công tác chuẩn bị như làm đồ dùng, thiết kế trang phục, phân vai nhân vật, làm thiệp mời, đi mời thiệp CBQL và cha mẹ trẻ, xếp ghế,….
Bước 2: Giáo viên cùng trẻ thảo luận để tổ chức hoạt động đóng kịch thì cần chuẩn bị những gì, tầm quan trọng của mỗi công việc, vai trò của trẻ như thế nào trong việc đó. Giáo viên cho trẻ thấy tầm quan trọng của trẻ và công việc ấy cần trẻ như thế nào, nó sẽ có ảnh hưởng gì đến cả lớp. Sau đó trẻ sẽ lựa chọn công việc mà trẻ thích và có thể thực hiện.
Bước 3: Giáo viên và trẻ cùng thống nhất lại tất cả các công việc mà trẻ đã chọn lựa. Lập bảng tiến trình thực hiện và thời gian hoàn thành nhiệm vụ.
Bước 4: Giáo viên thông báo với phụ huynh về hoạt động của lớp và nhiệm vụ của trẻ để cha mẹ hỗ trợ cho trẻ tại nhà. Giáo viên thường xuyên tổng hợp, đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ của trẻ, khích lệ trẻ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, khen ngợi trẻ khi trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ hoặc đã có cố gắng rất nhiều để hoàn thành.
Lưu ý: Khi phân chia công việc, giáo viên cần chia nhỏ các việc để phù hợp với trẻ, tất cả các trẻ đều được giao nhiệm vụ và tham gia vào hoạt động.
Trong quá trình trẻ thực hiện nhiệm vụ giáo viên cần quan sát các biểu hiện và hành động của trẻ, đưa ra lời khuyên khi trẻ cần. Tổng kết nhiệm vụ mỗi ngày, trẻ nào chưa thực hiện cần cố gắng hơn thì giáo viên phải lưu tâm tới trẻ đó để khuyến khích trẻ và hỗ trợ trẻ nếu trẻ cần sự giúp đỡ. Thông báo với cha mẹ trẻ về tiến trình của kế hoạch, nhiệm vụ của từng trẻ, các giai đoạn công việc đã được tiến hành tới đâu. Giáo viên không quá chú trọng tới kết quả của nhiệm vụ trẻ phải thực hiện mà là chú ý tới quá trình, trong lúc làm
trẻ có hứng thú hay không, trẻ làm chúng như thế nào, qua đó trẻ học được gì và kiên trì thực hiện đến cùng hay không.
Điều kiện thực hiện: Nhiệm vụ phải vừa sức với trẻ, giáo viên giải thích rõ ràng mục đích, yêu cầu của nhiệm vụ. Trẻ tự nguyện nhận nhiệm vụ. Giáo viên thông báo cho cha mẹ trẻ hỗ trợ đối với những nhiệm vụ khó cần sự phối hợp của cha mẹ trẻ. Giáo viên thường xuyên kiểm tra, đánh giá, đôn thúc để trẻ thực hiện nhiệm vụ đúng tiến trình.
Biện pháp 2: Biểu diễn cùng bạn
Mục đích của biện pháp: Bạn cùng lớp có một số ảnh hưởng nhất định đến trẻ. Đặc biệt khi trẻ được diễn trên sân khấu, bước đầu trẻ sẽ rất sợ, thường run rẩy quên lời thoại và người bạn diễn cùng như “chiếc phao” để trẻ bám vào. Khi có người đứng cùng trẻ, trẻ sẽ bớt run hơn và nhớ lời thoại, thể hiện vai diễn tốt hơn. Trẻ trở nên vui hơn khi có thêm bạn diễn cùng mình.
Sau đó, khi trẻ tương đối tự tin, từ từ giáo viên sẽ bố trí cho trẻ những vai diễn độc lập để giúp trẻ mạnh dạn tự tin hơn.
Nội dung và cách thực hiện: Giáo viên tổ chức cho trẻ làm quen với tác phẩm, sau đó cho trẻ lựa chọn vai diễn phù hợp. Trong quá trình tập luyện nếu nhận thấy trẻ thường quên lời thoại, khi đến vai diễn của mình thì trẻ trở nên căng thẳng dẫn tới nói lắp, tay chân nhún nhảy không làm chủ được thì giáo viên nên chọn thêm một bạn cùng đóng chung vai với trẻ. Hoặc cho trẻ chọn lại vai diễn mà vai đó có nhiều bạn diễn cùng và chia nhỏ lời thoại để trẻ không bị khớp khi biểu diễn. Đối với các vai diễn khó, có nhiều lời thoại mà trẻ thiếu tự tin như vai chó sói thì giáo viên có thể chọn thêm một bạn nữa cùng đóng vai chó sói để hai bạn hỗ trợ cho nhau. Ngoài ra giáo viên cũng có thể cho trẻ đổi vai diễn từ chó sói thành bầy dê con để trẻ chia bớt lời thoại với bạn khác và khi lên sân khấu có đông bạn trẻ sẽ đỡ run, nếu quên lời thoại bạn có thể nhắc nhở. Từ từ khi trẻ tự tin hơn giáo viên sẽ giao cho trẻ những
vai diễn mang tính độc lập hơn.
Điều kiện thực hiện: Việc tăng thêm vai diễn không phá vỡ kết cấu và nội dung của câu chuyện. Vai diễn phù hợp với trẻ, chỉ tăng vai diễn khi nó cần thiết cho trẻ giúp trẻ tăng hứng thú và trở nên tự tin hơn. Sau khi trẻ đã tự tin cần lựa chọn vai diễn giúp trẻ độc lập biểu diễn để củng cố sự tự tin của mình không bị phụ thuộc vào người khác.
Biện pháp 3: Phối hợp với cha mẹ trẻ
Mục đích của biện pháp: Thông qua biện pháp này tạo sự gắn kết hơn giữa cha mẹ với trẻ và tạo sự thống nhất giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục trẻ. Khi trẻ biểu diễn dưới sự chứng kiến của cha mẹ làm cho trẻ trở nên phấn khích hơn, tích cực tham gia vào hoạt động hơn. Đặc biệt là cảm giác tự hào khi trẻ biểu diễn mà được cha mẹ đến xem, cổ vũ, chứng kiến tài năng của trẻ. Trẻ cảm nhận được sự quan tâm của cha mẹ đối với mình từ đó trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Cha mẹ trẻ quan tâm tới hoạt động của trẻ ở trường, chủ động phối hợp với giáo viên nhiều hơn.
Nội dung và cách thực hiện: Giáo viên phối hợp với cha mẹ trẻ trong hoạt động đóng kịch để giáo dục sự tự tin cho trẻ. Biện pháp được hiện cụ thể như sau:
Trước hết giáo viên cần cho cha mẹ trẻ thấy tầm quan trọng của sự tự tin đối với việc phát triển của trẻ bằng cách thường xuyên thông tin tới cha mẹ trẻ về tình hình của trẻ ở lớp, các biểu hiện thiếu tự tin của trẻ và trao đổi với cha mẹ trẻ về những biện pháp giáo viên sẽ thực hiện và cần sự hỗ trợ của ba mẹ như thế nào, ở nhà cha mẹ sẽ giúp trẻ làm những gì và việc gì cần để trẻ tự thực hiện. Giáo viên thường xuyên hỏi han, chia sẻ với cha mẹ trẻ những khó khăn và hướng dẫn rõ cha mẹ trẻ cần làm những gì để giúp trẻ.
Thứ hai, sự xuất hiện của cha mẹ ở lớp học là niềm tự hào, hạnh phúc của con trẻ. Do đó, Giáo viên tiến hành mời cha mẹ trẻ vào lớp tham gia hoạt
động với trẻ cào các ngày hội, tổng kết chủ đề bằng cách gởi đến cha mẹ trẻ những lá thư mời do chính trẻ thực hiện. Giáo viên thông tin nội dung giáo dục, các biện pháp, các bước tiến hành hoạt động, tiến trình thực hiện mỗi ngày, mỗi tuần cho cha mẹ trẻ để cha mẹ nắm bắt và cùng hỗ trợ trẻ thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công. Sau mỗi hoạt động giáo viên chụp lại các hình ảnh hoạt động của trẻ, sản phẩm mà trẻ làm ra gởi cho cha mẹ trẻ. Đồng thời công khai cảm ơn những đóng góp mà cha mẹ trẻ đã thực hiện cho lớp học để khuyến khích các cha mẹ trẻ khác cùng chung sức vào công cuộc giáo dục trẻ.
Điều kiện thực hiện: Khi mời cha mẹ trẻ vào lớp tham dự cùng trẻ cần phải có sự đồng ý của CBQL, sự phối hợp của các bộ phận khác như bảo vệ hỗ trợ cha mẹ trẻ giữ xe, cấp dưỡng hỗ trợ chuẩn bị quà bánh cho trẻ. Tổ chức vào thời gian phù hợp tiện cho công việc của cha mẹ trẻ và thời gian đón rước trẻ. Khi mời cha mẹ trẻ phải có thư mời lịch sự, trang trọng. Việc tổ chức phải có sự chuẩn bị và đầu tư.
Lưu ý: Khi trao đổi với cha mẹ trẻ giáo viên cần chú ý về ngôn từ và thái độ, giữ bình tĩnh khi gặp những phụ huynh khó khăn, kĩ tính. Vận động phụ huynh sắp xếp thời gian để dành cho trẻ.
Biện pháp 4: Tập huấn
Mục đích của biện pháp: Nâng cao nhận thức của GVMN về các vấn đề liên quan đến biện pháp giáo dục sự tự tin cho trẻ. Giúp GVMN xây dựng kế hoạch tháng, tuần, ngày cho hợp lý. Giúp GVMN có kĩ năng xây dựng tác phẩm văn học thành kịch, ghép nhạc sử lý ân thanh để giờ học thêm sinh động.
Nội dung và cách thực hiện: Biện pháp tập huấn bao gồm các nội dung:
Một số biện pháp giáo dục sự tự tin qua hoạt động đóng kịch, mục đích cách thức thực hiện các biện pháp. Cách xây dựng kế hoạch, kịch bản, cách ghép
nhạc tạo hiệu ứng âm thanh. Tổ chức trao đổi chia sẻ kinh nghiệm qua 2 buổi tập huấn và xuyên suốt trong quá trình thử nghiệm.
Trước hết, chúng tôi chuẩn bị nội dung tập huấn phù hợp với trình độ của người tham gia là giáo viên tại lớp thử nghiệm. Đặc biệt, chúng tôi nhấn mạnh vào cách thực hiện các biện pháp giáo dục sự tự tin cho trẻ. Sau đó, chúng tôi thông qua sự đồng ý của CBQL và gởi tài liệu cho giáo viên tham gia tập huấn. Khi tiến hành tập huấn cần tạo điều kiện cho giáo viên đặt các câu hỏi còn nghi vấn, cùng giáo viên tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải khi sử dụng biện pháp giáo dục sự tự tin cho trẻ qua hoạt động đóng kịch.
Cùng giáo viên tổng kết lại các bài học kinh nghiệm và tìm ra biện pháp phù hợp với mỗi trẻ giúp trẻ cải thiện sự tự tin của mình.
Điều kiện thực hiện: Được sự đồng ý của CBQL, GVMN tham gia tập huấn. Chuẩn bị đầy đủ tài liệu tập huấn, địa điểm tập huấn. Tài liệu tập huấn được phát trước cho người tham gia tập huấn để tìm hiểu trước.
Tài liệu tập huấn: Bao gồm cơ sở lý luận về sự tự tin, biện pháp giáo dục sự tự tin qua hoạt động đóng kịch. Cách tổ chức hoạt động đóng kịch, lễ hội tại lớp học, cách sử dụng phần mềm cắt ghép nhạc. Diễn biến quá trình tiến hành tổ chức tập huấn về các biện pháp giáo dục sự tự tin cho trẻ 5 – 6 tuổi qua hoạt động đóng kịch trong trường mầm non (phụ lục 5)
Biện pháp 5: Xây dựng môi trường
Mục đích của biện pháp: Tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái, an toàn cho trẻ hoạt động. Tạo cho trẻ sự kích thích, hứng thú tham gia vào hoạt động đóng kịch. Làm những đồ dùng học cụ, trang phục biểu diễn phục vụ cho hoạt động.
Nội dung và cách thực hiện: Giáo viên tổ chức cho trẻ cùng làm đồ dùng học cụ, trang phục biểu diễn. Trang phục biểu diễn được chúng tôi nghiên cứu vận dụng từ mô hình STEAM tổ chức hoạt động đóng kịch cho trẻ. Nguyên
vật liệu là vải các màu, mút xốp các loại, thùng giấy. Sau khi cho trẻ làm quen và xây dựng kịch bản của vở kịch, chúng tôi cho trẻ lựa chọn nhân vật và đưa ra những vật liệu cần thiết để làm trang phục cho nhân vật. Trẻ lựa chọn nhiệm vụ thiết kế trang phục, chuẩn bị sân khấu, về nhà xin phép ba mẹ mang những vật liệu cần thiết vào lớp để cùng nhau thực hiện. Trang phục, đồ dùng có thể sử dụng cho nhiều câu chuyện khác nhau. Chuẩn bị sân khấu chúng tôi tận dụng những đồ vật có sẵn cụ thể như: Biểu diễn với sự có mặt của cha mẹ trẻ, chúng tôi tổ chức ở hành lang chung của lớp học, sử dụng bảng Actiboard để làm phông nền, dùng bong bóng trẻ mang vào để trang trí xung quanh, dùng hoa để bàn và hoa chơi góc xây dựng để làm sân khấu. Một số mảnh vải xanh cũng được sử dụng để làm cỏ, cây bắp cải,… Khi tổ chức hoạt động đóng kịch trong lớp, phông nền được chuẩn bị là phông may sẵn do phụ huynh hỗ trợ và trẻ sẽ trang trí lên phông. Tạo bầu không khí vui vẻ, thân thiện, khuyến khích, khơi gợi sự hứng thú cho trẻ tham gia hoạt động đóng kịch.
Điều kiện thực hiện: Đồ dùng đồ chơi phải đảm bảo an toàn cho trẻ. Trẻ phải cảm nhận được sự thoải mái, vui vẻ khi tham gia hoạt động. Trong khi làm phải giao nhiệm vụ cụ thể và vừa sức với trẻ.
Biện pháp 6: Khuyến khích động viên
Mục đích của biện pháp: Khích lệ động viên trẻ, tạo cho trẻ niềm tin trẻ có thể làm được, tin vào thành công, dù có thất bại cũng không sao, trẻ có thể rút ra được bài học và làm lại. Tạo cho trẻ cảm giác an toàn và luôn có người ủng hộ cho trẻ từ đó giúp trẻ tự tin hơn.
Nội dung và cách thực hiện: Giáo viên sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, ánh mắt khích lệ, cử chỉ vỗ về quan tâm trẻ đặc biệt khi trẻ có biểu hiện lo lắng, run, khóc. Khen trẻ trước lớp khi trẻ đã thực hiện tốt hay trẻ đã có sự cố gắng nỗ lực. Chuẩn bị những phần quà nhỏ, những con dấu, miếng dán để thưởng
cho trẻ khi trẻ hoàn thành tốt.
Điều kiện thực hiện: Giáo viên phải nhỏ nhẹ với trẻ tránh việc la rầy quát mắng trẻ, có sự chuẩn bị về những phần thưởng nhỏ dành cho trẻ. Tổ chức tuyên dương cho trẻ nhưng trong chừng mực không để trẻ có tâm lí tự cao tự đại.
Biện pháp 7: Trò chơi
Mục đích của biện pháp: Tạo sự hứng thú, thoải mái cho trẻ, kích thích trẻ tham gia hoạt động một cách nhẹ nhàng vui vẻ, tự nhiên. Thông qua trò chơi giúp trẻ tập luyện một cách vui vẻ, nhớ nhanh chóng những lời thoại, cử chỉ điệu bộ của nhân vật. Giúp trẻ giảm sự căng thẳng mệt mỏi
Nội dung và cách thực hiện: Lồng ghép hoạt động luyện tập với các trò chơi để trẻ luyện tập mà không thấy buồn chán. Giáo viên tổ chức các trò chơi nhỏ chuyển tiếp các hoạt động giúp trẻ thả lỏng, thoải mái giảm căng thẳng.
Tổ chức trò chơi nhỏ đầu hoạt động giúp trẻ ổn định. Trong quá trình luyện tập, giáo viên thêm vào vở kịch những lời thoại có vần, âm nhạc,.. Sau đó, tổ chức cho trẻ luyện tập bằng các trò chơi với động tác đơn giản của nhân vật trong vở kịch. Giáo viên có thể tổ chức trò chơi cho trẻ luyện tập bằng các hình thức sau:
Giáo viên cho cả lớp cùng diễn các vai diễn, cùng đọc lời thoại một cách hài hước bằng những câu nói có vần điệu, nhịp nhàng. Giáo viên chia trẻ ra thành các nhóm mỗi nhóm sẽ phụ trách một nhân vật khi được gọi tới thì nhóm sẽ cùng nhau nói lời thoại và biểu đạt cảm xúc của nhân vật. Giáo viên tổ chức cho trẻ chơi, tập kịch ở góc chơi để trẻ nhớ lời thoại và vị trí vai diễn một cách tự nhiên.
Điều kiện thực hiện: Trò chơi là phải vui, giúp trẻ thư giãn nhưng phải hướng vào nội dung cần truyền tải cho trẻ. Chơi mà học, học bằng chơi.
Cuối cùng là tiến hành tổng hợp kết quả và so sánh mức độ biểu hiện sự
tự tin của nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm sau khi làm thử nghiệm.
Đồng thời đề xuất giải pháp và kiến nghị.