CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN
1.2.1. Các công trình nghiên cứu về chuyển tiếp rừng và sinh kế trên thế giới
Rừng bao phủ 30% diện tích đất của Trái đất, tương đương gần 4 tỷ ha, và rất cần thiết cho sức khỏe con người, sự phát triển bền vững và sức khỏe của hành tinh. Ước tính có khoảng 1,6 tỷ người, tức khoảng 25% dân số toàn cầu phụ thuộc vào rừng để sinh sống, sinh kế, việc làm và tạo thu nhập [108]. Bất chấp sự đóng góp quan trọng của rừng đối với sự sống trên trái đất và hạnh phúc của con người, nạn phá rừng và suy thoái rừng tiếp tục xảy ra ở nhiều vùng trên thế giới, thường là để đáp ứng nhu cầu về gỗ, thực phẩm, nhiên liệu và sợi [113]. Từ 1700-2020, có 1,5 tỷ ha rừng trên toàn thế giới bị phá hủy, tương đương với 1,5 lần diện tích của Hoa Kỳ [161]. Tổ chức FAO cho biết, ước tính khoảng 420 triệu ha rừng đã bị mất trên toàn thế giới do nạn phá rừng kể từ năm 1990. Lý do cơ bản dẫn đến suy giảm rừng là 80% diện tích rừng bị phá là do các hoạt động nông nghiệp [114].
Tuy nhiên, tỷ lệ mất rừng đã giảm đáng kể, diện tích rừng tự nhiên toàn cầu giảm chậm trong giai đoạn 2000-2010 [144]. Từ năm 2010 đến năm 2015, diện tích rừng (kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng lại) giảm theo nhịp độ 0,08% mỗi năm so với thập kỷ 1990 - 2000 là 0,18%. Rừng chủ yếu bị thu hẹp lại ở các vùng nhiệt đới, đặc biệt là Nam Mỹ, Châu Phi. Trong đó, Brazil là nước bị mất rừng nhiều nhất (984.000 ha), đứng trên các nước như Indonesia, Miến Điện, Nigeria và Tanzania. Ngược lại với các nước trên, Trung Quốc, Úc và Chile là những nước đã và đang mở rộng diện tích rừng. Báo cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận rừng trồng không ngừng được mở rộng, hiện đang chiếm tới 7% diện tích rừng của thế giới. Trong giai đoạn 5 năm gần đây nhất (2015–2020), tỷ lệ mất rừng hàng năm ước tính là 10 triệu ha, so với mức giảm 12 triệu ha trong giai đoạn 2010–2015. Diện tích rừng tái sinh tự nhiên giảm từ năm 1990 nhưng diện tích rừng trồng tăng 123 triệu ha [114].
Hình 1.3. Sự thay đổi sử dụng đất trên thế giới [161]
Kế hoạch chiến lược của Liên hợp quốc về rừng 2017–2030 đặt mục tiêu tăng diện tích rừng toàn cầu thêm 3% vào năm 2030 [113]. Nghiên cứu của Song và cộng sự (2018) đã đưa ra một phân tích về dữ liệu từ nhiều cảm biến vệ tinh cho thấy mức tăng ròng của tỷ lệ che phủ rừng toàn cầu là hơn hai triệu km2 trong hơn 34 năm (tương đương tăng 7,1 %) [165]. Các quốc gia trên thế giới đã đặt mục tiêu rõ ràng là chấm dứt nạn phá rừng: Tại COP26 ở Glasgow,Scotland, Vương quốc Anh năm 2021, các quốc gia có khoảng 85% diện tích rừng trên thế giới đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 [161].
Kể từ những năm 1990, lịch sử về chuyển tiếp rừng đã được mô tả bởi nhiều nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau thuộc vùng ôn đới như ở miền đông Hoa Kỳ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Sĩ, Scotland, New Zealand, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc và các vùng lãnh thổ khác được quan sát trong thế kỷ XIX và XX [144], [136], [179].
Gần đây hơn, quá trình chuyển tiếp rừng mới nổi đã được mô tả ở các nước đang phát triển thuộc các vùng nhiệt đới ở Tây bán cầu như ở một số vùng của Mexico, Ecuador và Brazil, và ở El Salvador, Costa Rica, Panama, Cuba và Puerto Rico [144], [120], [154], [128]. Một số khu vực ở Châu Phi như một phần của Nam Phi và Madagascar và ở Ghana [138], [167] và một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở Nam Á bao gồm Ấn Độ, Bhutan, miền nam Trung Quốc và Việt Nam [100], [141], [142], [180].
Ngoài ra, một số xu hướng nhất định chỉ ra rằng một số quốc gia ở Châu Á như Nepal, Bangladesh, Thái Lan và Philippines có thể đang chạm đến 'đáy' của đường cong hình chữ U, với quá trình chuyển đổi rừng có lẽ sắp bắt đầu [145], [179].
Đối với các nước ôn đới, chuyển tiếp rừng được ngầm hiểu đồng nghĩa với “chuyển đổi bền vững”. Dựa trên kinh nghiệm của Châu Âu, có thể giả định rằng bất kỳ sự gia tăng nào về tỷ lệ che phủ rừng đều đại diện cho “tin tốt”. Trái ngược với các quốc gia Âu Mỹ ở thế kỷ XIX, các nước đang phát triển đã kế thừa một số di sản thuộc địa trong cơ cấu sử dụng đất [139]. Hơn nữa, nền kinh tế của các quốc gia liên kết với nhau mạnh mẽ hơn trước những ảnh hưởng của toàn cầu hóa; điều này gây ra nhiều vấn đề phức tạp khi phân tích mối liên hệ giữa quá trình 'hiện đại hóa' của một quốc gia với chuyển tiếp rừng được quan sát [128], [132], [153], [179]. Bên cạnh đó, các đặc thù quy mô nhỏ hơn được đưa vào trong bối cảnh phát triển nông thôn, chẳng hạn như động lực hoạt động tại địa phương của các bên liên quan khác nhau tham gia vào quản lý đất/rừng ảnh hưởng của địa hình và độ dốc để định hình quản lý đất đai, đặc điểm văn hóa/lịch sử, và đặc biệt là phạm vi tiếp cận và những ảnh hưởng từ dao động mạnh mẽ của thị trường hàng hóa trong các mạng lưới kinh tế có tính chất toàn cầu hóa ngày càng tăng [100], [128], [58], [139].
Trên thực tế, có nhiều quốc gia đã chấm dứt lịch sử phá rừng của họ. Thậm chí, một số nơi còn quay ngược lại từ mất rừng sang mở rộng những khu rừng hiện tại. Sự đảo ngược này, từ phá rừng sang tái trồng rừng, được gọi là chuyển tiếp rừng. Biểu đồ tại hình 1.4 cho thấy dữ liệu của một số quốc gia đã đạt được điều này.
Hình 1.4. Chuyển tiếp rừng ở một số nước trên thế giới [161]
Tại Châu Á, có nhiều quốc gia đã trải qua hoặc gần đây đã bắt đầu trải qua quá trình chuyển tiếp rừng như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và
Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có các quốc gia vẫn đang trong tình trạng mất rừng và suy thoái rừng là Indonesia, Lào và Malaysia [179].
Ấn Độ đã chứng kiến một bước ngoặt về tỷ lệ che phủ của rừng vào những năm 1980.
Chính sách lâm nghiệp đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 1952 dự kiến một phần ba diện tích địa lý của nước này là rừng. Do đó, ngày càng có nhiều khu vực hoang vu được xác định là rừng của chính phủ và được quản lý một cách khoa học. Đồng thời các khu rừng bị chặt phá để sử dụng vào mục đích nông nghiệp theo các quy định pháp lý của các đạo luật định cư đất đai ở các bang khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực của dân số ngày càng tăng. Với sự khởi đầu của cuộc cách mạng xanh, áp lực chuyển đổi rừng sang nông nghiệp giảm dần vào những năm 1970. Các chính sách lâm nghiệp tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia vào các hoạt động lâm nghiệp đã có hiệu quả trong việc phục hồi đất lâm nghiệp bị suy thoái hoặc bị chuyển đổi trở lại thành rừng [179].
Sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc đã trải qua nạn phá rừng và suy thoái rừng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự suy giảm tỷ lệ che phủ rừng ở Hàn Quốc đã kết thúc vào năm 1955, khi diện tích rừng chiếm 35% diện tích đất quốc gia, không bao gồm đất lâm nghiệp không có rừng. Sau năm 1955, tỷ lệ che phủ rừng tăng lên, đạt đỉnh 65% vào năm 1980 [93]. Tính đến năm 2010, diện tích rừng của Hàn Quốc là khoảng 6,4 triệu ha và chiếm gần 64% tổng diện tích đất. Các chính sách tái trồng rừng, kiểm soát nhu cầu gỗ đã góp phần khôi phục rừng thành công ở Hàn Quốc [179].
Nhật Bản đã trải qua một cuộc chuyển đổi rừng khác vào thế kỷ XVIII, tỷ lệ che phủ rừng tăng lên kể từ đầu những năm 1950 [179]. Sự suy giảm dân số nông thôn kéo theo quá trình chuyển đổi rừng, dẫn đến việc Nhật Bản ngừng đầu tư vào lâm nghiệp và thiếu gỗ [143]. Hệ thống Quy hoạch Lâm nghiệp và Hệ thống Hợp tác xã được đưa ra trong Luật Lâm nghiệp sửa đổi năm 1951, đã có ảnh hưởng đáng kể đến việc thúc đẩy quản lý rừng và mở rộng diện tích rừng tại nước này [179].
Một mô hình tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc, nơi mà tỷ lệ che phủ của rừng đã bị suy giảm nghiêm trọng trong nhiều thế kỷ. Kể từ những năm 1950, tình trạng khan hiếm gỗ, xói mòn đất và lũ lụt đã thúc đẩy các nỗ lực tái trồng rừng và các quy định về khai thác gỗ. Những chính sách này, ban đầu được thực thi kém và không thành công, dần dần đã được củng cố và cuối cùng dẫn đến chuyển tiếp rừng [137]. Trung Quốc mở rộng diện tích các khu bảo tồn của họ tăng nhập khẩu gỗ từ nước láng giềng Nga để giảm nạn phá rừng [144].
Myanmar từng là một quốc gia khá giả ở Đông Nam Á và được coi là vựa lúa của vùng.
Tuy nhiên, những vựa lúa đó phải trả giá bằng các khu rừng. Từ năm 2002 đến 2014, rừng nguyên sinh giảm 22,5%, tỷ lệ che phủ rừng ngập mặn của đồng bằng giảm 64%
từ năm 1978 đến năm 2011 với nguyên nhân chủ yếu là do mở rộng diện tích nông nghiệp [116].
Trong khi nhiều sáng kiến của chính phủ nhằm kiểm soát nạn phá rừng và thúc đẩy sử dụng rừng bền vững đã thất bại trước những năm 1980, Philippines đã chứng kiến sự gia tăng diện tích rừng sau những năm 1990. Kể từ đó, chính sách lâm nghiệp đã chuyển từ các chương trình của chính phủ trung ương sang quan hệ đối tác hợp tác giữa người dân sống phụ thuộc vào rừng và chính quyền địa phương. Tác động của thay đổi chính sách bắt đầu xuất hiện trên thực tế khi tỷ lệ che phủ của rừng tăng lên theo thời gian [179].
Indonesia có tài nguyên rừng phong phú nhưng nạn phá rừng nghiêm trọng đã làm giảm tỷ lệ che phủ rừng từ 62% năm 1990 xuống còn 49% năm 2010 [179]. Các chương trình trồng rừng quy mô lớn đã được triển khai, bao gồm chương trình phủ xanh và tái trồng rừng năm 1968 và nỗ lực quốc gia nhằm giải quyết tình trạng suy giảm rừng từ năm 2003 đến năm 2009 [104].
Ở Thái Lan, lệnh cấm khai thác gỗ, các chính sách lâm nghiệp khác và sự suy giảm diện tích đất nông nghiệp đã làm giảm phần lớn tỷ lệ phá rừng, diện tích rừng đã ngừng giảm ở Thái Lan từ năm 1990 [123] nhưng không có sự gia tăng ròng về tỷ lệ che phủ rừng [144].
Tỷ lệ che phủ rừng ở Lào không đạt đến giai đoạn chuyển tiếp cho đến năm 2010. Tỷ lệ che phủ rừng ở Lào giảm đáng kể từ 73% năm 1990 xuống còn 66% năm 2010 [179].
Mặc dù chính phủ đã nhận ra tầm quan trọng của việc phục hồi rừng sau khi chứng kiến diện tích rừng giảm nhanh chóng và gần đây đã bắt đầu thúc đẩy quản lý rừng bền vững thông qua việc sửa đổi Luật Lâm nghiệp năm 1996 vào năm 2007 [176]. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn thiếu sắp xếp thể chế để quản lý rừng bền vững. Đặc biệt là năng lực thực thi pháp luật về rừng còn hạn chế. Do đó, Lào vẫn chưa thực hiện chính sách hoặc chương trình phục hồi rừng một cách hiệu quả [179].
Từ năm 1970 đến năm 2000, diện tích rừng tự nhiên đã giảm khoảng 20% ở Malaysia, chủ yếu do chuyển đổi sang cây cọ dầu, cao su và khai thác gỗ thâm canh. Một diện tích lớn rừng bị khai thác quá mức đã được chỉ định để xử lý nhằm đạt được mục tiêu quản lý rừng bền vững. Đến cuối năm 1988, có khoảng 2,29 triệu ha rừng bị khai thác quá mức ở bán đảo Malaysia, 1,92 triệu ha ở Sarawak và khoảng 2,25 triệu ha ở Sabah [177].
Để đảm bảo quản lý rừng hiệu quả và thực hiện Chính sách Lâm nghiệp Quốc gia ở Malaysia, các cơ quan nhà nước đã xây dựng và thực thi nhiều đạo luật và pháp lệnh khác nhau [179].
Nhìn chung, những khu rừng ôn đới đã đạt được quá trình chuyển tiếp rừng, cụ thể nạn phá rừng trước đây rất cao, sau đó lên đến đỉnh điểm vào nửa đầu thế kỷ XX và từ những năm 1990 trở đi, diện tích rừng ôn đới đã được mở rộng. Rừng ôn đới đang phát triển trở lại, trong 10 thập kỷ gần đây nhất, có 6 triệu ha rừng ôn đới phục hồi trở lại.
Thách thức bây giờ là đạt được điều tương tự trong các khu rừng nhiệt đới. Tỷ lệ phá
rừng ở vùng nhiệt đới cao nhất trong những năm 1980. Kể từ đó, tỷ lệ phá rừng đã giảm đi 3 lần, tuy nhiên trong thập kỷ gần đây nhất vẫn có 53 triệu ha rừng nhiệt đới bị mất.
Mặc dù tỷ lệ phá rừng nhiệt đới trên toàn cầu vẫn ở mức cao, nhưng chúng đã giảm trong giai đoạn 2000-2010 và một số quốc gia đang phát triển ở vùng nhiệt đới gần đây đã trải qua quá trình chuyển tiếp rừng - chuyển từ phá rừng sang tái trồng lại rừng [144].
Tại Châu Á, có nhiều quốc gia đã trải qua hoặc gần đây đã bắt đầu trải qua quá trình chuyển tiếp rừng (Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam).
Tuy nhiên vẫn có các quốc gia vẫn đang trong tình trạng mất rừng và suy thoái rừng (Indonesia, Lào, Campuchia, Myanmar và Malaysia) [123]. Bên cạnh đó, trong trường hợp một số quốc gia đã đạt được quá trình chuyển đổi này, thì cũng có trường hợp người tiêu dùng ở các quốc gia này góp phần vào nạn phá rừng ở những nơi khác. Nếu chúng ta muốn bảo vệ các khu rừng trên hành tinh thì toàn thế giới cần phải đạt được điều mà nhiều quốc gia đã đạt được, đó là chuyển từ phá rừng sang trồng lại rừng - một quá trình chuyển tiếp rừng toàn cầu [161].
1.2.1.2. Các công trình nghiên cứu về về sinh kế hộ gia đình trên thế giới
Để tồn tại và thịnh vượng trong những hoàn cảnh khó khăn, các hộ gia đình nông thôn theo đuổi một ''chiến lược sinh kế'' với một số hoạt động khác nhau như trồng trọt, chăn nuôi gia súc, đánh bắt cá, việc làm phi nông nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên thông qua săn bắn và hái lượm [168]. Khoảng 90 % hộ gia đình nông thôn tham gia vào các hoạt động nông nghiệp. Ở Châu Phi, 70 % thu nhập hộ gia đình ở khu vực nông thôn là từ hoạt động nông nghiệp, trong khi ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh, 50 % thu nhập là từ hoạt động nông nghiệp [105], [106]. Ở những vùng nông thôn này, nông nghiệp quy mô nhỏ, đánh bắt cá, chăn nuôi gia súc và các hoạt động phi nông nghiệp là một số sinh kế phổ biến mà những người dân này tồn tại như một nguồn thu nhập. Theo Ngân hàng Thế giới, các nước có thu nhập thấp có dân số nông thôn cao hơn so với các nước có thu nhập cao, trong đó Nam Á có dân số nông thôn cao nhất, tiếp theo là Châu Phi cận Sahara [145].
Rừng tạo môi trường sống cho đời sống động thực vật đa dạng, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng và cung cấp sinh kế cho hàng triệu người trên toàn thế giới [110], [152]. Có 1,7% lực lượng lao động của thế giới đang làm việc trong ngành lâm nghiệp, đóng góp khoảng 8% thu nhập nội địa của cả hành tinh [114]. Rừng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề phát triển bền vững người nghèo tại các nước đang phát triển [55], các hoạt động dựa vào rừng cung cấp khoảng 30 triệu việc làm trong khu vực phi chính thức, cũng như tới 1/3 tổng số việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn [96]. Ở hầu hết các nước đang phát triển, 70-80% dân số là cư dân nông thôn sống dựa vào đất rừng và nông nghiệp tự cung tự cấp để kiếm sống. Ở châu Á, khoảng 450 triệu người phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên rừng và cây cối để kiếm sống và ở châu Phi có hơn 60%
dân số phụ thuộc vào rừng để có thực phẩm và sức khỏe [111]. Theo kết quả phân tích
của Angelsen và cộng sự (2014) thu nhập từ rừng trong tổng thu nhập của 8000 hộ gia đình ở 24 quốc gia đang phát triển là 22,2%. Tại 10 địa điểm ở Châu Mỹ Latinh, thu nhập từ rừng chiếm 28,6% thu nhập trung bình của hộ gia đình, trong khi tỷ lệ thu nhập từ rừng ở Châu Á và Châu Phi lần lượt là 20,1% và 21,4% [91].
Rừng bao phủ 50% diện tích đất liền của Đông Nam Á, có khoảng 300 triệu người sống ở khu vực nông thôn và có tới 70 triệu người dựa vào rừng để kiếm sống, đảm bảo dinh dưỡng và an ninh lương thực [97]. Diện tích vùng núi ở đây chiếm một vùng rộng lớn kéo dài từ Thái Lan, Myan-ma, Nam Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Lào và Việt Nam [30]. Các vùng núi ở Châu Á chiếm một phần diện tích khá rộng với hơn 50 triệu ha và là đất sinh sống của hơn 100 triệu dân; họ chủ yếu kiếm sống dựa vào các nguồn tài nguyên sẵn có. Đây là nơi an cư lạc nghiệp của rất nhiều các DTTS sinh sống. Tình trạng nghèo khó và vấn đề đảm bảo lương thực đang là vấn nạn ở đây. Nông dân thường sử dụng các phương pháp canh tác truyền thống và không phù hợp với điều kiện môi trường. Trước đây, có rất nhiều biện pháp cải thiện nông nghiệp ở những vùng này để nâng cao thu nhập cho nông dân nhưng lại không đem lại hiệu quả cao trong việc đảm bảo lương thực cũng như bảo vệ môi trường. Tuy trong những năm gần đây, sinh kế của người dân tại các khu vực này đã cải thiện đáng kể nhờ công nghệ và kỹ thuật mới, nhưng vấn đề về đảm bảo lương thực nghèo đói và vấn đề môi trường vẫn đang là những vấn đề cần phải giải quyết [64].