Ảnh hưởng của sự gia tăng giá trị kinh tế rừng trồng và sự thay đổi kinh tế thị trường

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi sử dụng đất lâm nghiệp đến sinh kế hộ gia đình ở miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 106 - 110)

CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.4. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAY ĐỔI DIỆN TÍCH ĐẤT LÂM NGHIỆP HUYỆN NAM ĐÔNG VÀ A LƯỚI GIAI ĐOẠN 2005-2020

4.4.2. Ảnh hưởng của sự gia tăng giá trị kinh tế rừng trồng và sự thay đổi kinh tế thị trường

Nhu cầu thị trường dăm gỗ và bột giấy ngày càng tăng đã thúc đẩy người dân địa phương chuyển đổi đất rừng tự nhiên và các mục đích sử dụng đất khác sang trồng keo.

Xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam tăng mạnh trong các giai đoạn 2004-2006 và 2009- 2011. Năm 2011, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới [37].

Việc xây dựng nhanh chóng các nhà máy dăm gỗ và thị trường xuất khẩu dăm gỗ đang bùng nổ đã tạo động lực quan trọng cho việc mở rộng diện tích rừng trồng (90% trong số đó là cây keo) trên khắp Việt Nam [39], [43], [114]. Ở vùng cao Thừa Thiên Huế, chỉ thực sự vào đầu những năm 2000, người dân mới bắt đầu nhận thấy giá trị kinh tế có lợi của việc trồng cây nhập nội [144], điều này cuối cùng đã thúc đẩy người dân trồng rừng đại trà. Từ giữa những năm 2000, nhiều công ty dăm gỗ đã được thành lập và nhu cầu thị trường về gỗ nguyên liệu tăng lên. Tại một số địa phương của Thừa Thiên Huế, có tới 80% gỗ nguyên liệu rừng trồng được bán cho các công ty dăm xuất khẩu. Năm 2011 nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy vẫn vượt quá nguồn cung gỗ. Giá mua gỗ để làm bột giấy tại Thừa Thiên Huế đã tăng đáng kể từ 585.000 đồng/tấn năm 2004 đã tăng đến

700.000 đồng/tấn năm 2007 và 1.000.000 đồng/tấn năm 2010. Nhờ đó, các hộ dân đã yên tâm tham gia các sáng kiến trồng rừng [35].

Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống đường bộ từ năm 2005 như đường Hồ Chí Minh và đường 49 nối vùng cao A Lưới, Nam Đông với thành phố Huế và các tỉnh khác được coi là yếu tố thúc đẩy trồng keo thương phẩm những khu vực này đã được tăng lên đáng kể. Theo hạt kiểm lâm A Lưới, ít nhất 10.000 ha đất rừng sản xuất đã được giao cho người dân địa phương để trồng cây từ cuối những năm 1990. A Lưới hiện đang rất thành công trong việc thực hiện phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và nâng cao sản lượng rừng trồng [144].

Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đông, tính đến cuối năm 2019, toàn huyện có 922,65 ha cao su chuyển đổi sang trồng rừng, trong đó xã Hương Phú chuyển đổi 256,46ha và xã Thượng Lộ chuyển đổi 113,15 ha [75]. Tại xã Hồng Hạ, tính từ năm 2016-2019, toàn xã có 43,7ha cao su bị chặt bỏ do đổ gãy khi gặp thiên tai, bán để trả nợ ngân hàng và chuyển đổi sang trồng keo. Năm 2020, tiếp tục có 22,8ha rừng của 18 hộ được chặt bán. Tại huyện Nam Đông và A Lưới, chi phí đầu tư và giá cả thị trường gỗ keo dăm và mủ cao su thay đổi đã ảnh hưởng đến quyết định trồng hay không trồng cao su hoặc chuyển đổi từ cao su sang rừng trồng keo. Để thấy rõ điều này, các chỉ tiêu kinh tế đối với 1ha cao su chu kỳ 4 và 5 năm được tính toán và so sánh với các chỉ tiêu kinh tế của 1ha cao su ở các mức tuổi khác nhau (9 tuổi, 12 tuổi và 21 tuổi) với các mức giá khác nhau (Bảng 4.13).

Bảng 4.13. Phân tích hiệu quả kinh tế 1ha cao su và 1ha keo theo các mức giá

Tuổi Giá gỗ dăm (1000đ/ m3)

Gỗ sản phẩm (m3/ha)

Chi phí đầu tư (1000đ) Doanh thu

(VNĐ) NPV IRR% BCR

Các chi tiêu kinh tế của 1ha keo

4

1.050 52,70 15.000 48.421.523 12.213.713 29,7 1,7

1.200 52,70 15.000 55.338.883 16.609.821 31,9 1,9

5

1.050 77,17 15.000 70.903.763 22.286.481 29,1 2,2

1.200 77,17 15.000 81.032.872 28.034.009 30,2 2,6

Các chi tiêu kinh tế của 1ha cao su Tuổi Giá mủ cao

su (VNĐ/kg) Sản lượng

(kg/năm) Chi phí đầu

tư (1000đ) Doanh thu

(VNĐ) NPV IRR% BCR

9

8000 2621,9 83.500 20.974.800 -28.234.450 50,9 0,4

11000 2621,9 83.500 28.840.350 -22.221.290 8,06 0,5

40000 2621,9 83.500 104.874.000 35.905.923 22,1 1,8

12

8000 2621,9 151.000 20.974.800 -29.555.463 37,3 0,5

11000 2621,9 151.000 28.840.350 -16.729.758 0,9 0,7

40000 2621,9 151.000 104.874.000 107.252.057 15,9 2,7

21

8000 2621,9 353.500 20.974.800 -31.641.371 41,3 0,7

11000 2621,9 353.500 28.840.350 -8.058.511 4,9 0,9

40000 2621,9 353.500 104.874.000 219.909.129 21,7 3,3

Theo thông tin từ phỏng vấn sâu và điều tra hộ gia đình, chi phí đầu tư bình quân cho mỗi ha cao su (giống, công chăm sóc, phân bón, thuốc diệt cỏ) trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (7 năm) là 38,5 triệu đồng. Đến năm thứ 8 bắt đầu khai thác mủ cao su và thời kỳ kinh doanh có thể kéo dài từ năm thứ 8 đến 27 năm [149]. Trong những năm thuộc chu kỳ kinh doanh, chi phí trung bình mỗi năm tương đối cao với khoảng 22,5 triệu đồng bao gồm phân bón, thuốc trừ sâu, dụng cụ cạo và đặc biệt là công cạo mủ.

Tổng chi phí từ khi trồng đến năm thứ 9 trung bình là 83,5 triệu, năm thứ 12 là 151 triệu và năm thứ 21 là 353 triệu đồng (Bảng 4.13). Đây thực sự là một số tiền lớn đối với người dân địa phương, vì vậy nhiều hộ gia đình không đủ nguồn kinh phí để tham gia.

Các hộ gia đình tham gia trồng cao su phải vay vốn từ ngân hàng nông nghiệp.

Trong khi đó, chi phí đầu tư cho cây keo thấp hơn nhiều. Người dân địa phương chỉ chi khoảng 15 triệu đồng cho cả chu kỳ 4-5 năm trên mỗi hecta keo (Bảng 4.13). Chi phí năm thứ nhất gồm làm đất, cây giống, phân bón, công trồng và chăm sóc trung bình khoảng 11 triệu. Sau đó chăm sóc 2 năm tiếp theo (chủ yếu là phát dọn thực bì), tới năm thứ 4 không còn chăm sóc, bón phân nữa. Thậm chí, tại xã Hồng Hạ và Hương Phong, người dân địa phương còn hạn chế tối đa chi phí trồng rừng từ việc trồng keo bằng cây con từ hạt (thay vì cây hom có giá cây giống cao hơn) hoặc một số hộ DTTS tại xã Hồng Hạ tận dụng tái sinh tự nhiên sau khi khai thác. Đa số các hộ không bón phân khi trồng cũng như quá trình chăm sóc, ít hộ gia đình thực hiện tỉa thưa và chăm sóc rừng. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình hơn (bao gồm cả một số hộ nghèo và cận nghèo) tham gia trồng keo.

Ngoài đâu tư chi phí ít, các hộ trồng keo phải dành ít thời gian để chăm sóc và khai thác rừng keo hơn là trồng cao su. Trong suất chu kỳ kinh doanh (4-5 năm) người dân địa phương chỉ dành 2-3 đợt để làm cỏ, phát thực bì. Khi khai thác cũng khoán cho người thu mua, họ không phải bỏ công khai thác. Do đó, họ có thể tận dụng thời gian rảnh để đi làm công việc khác. Trong khi đó, đối với cao su, người dân phải chăm sóc, bón phân cho cây hàng năm, đặc biệt để có thu nhập từ cao su thì hộ gia đình phải đi cạo mủ trung bình 5-7 tháng/năm, mỗi tháng đi từ 15-20 ngày. Vì vậy cần lao động thường xuyên cho việc cạo mủ mới có thu nhập.

Người dân địa phương bắt đầu trồng cao su từ năm 1993 tại huyện Nam Đông (xã Hương Phú từ năm 1993; Thượng Lộ từ năm 2006) và 2003 tại A Lưới (Hồng Hạ từ năm 2003; Hương Phong từ năm 2011) và sau đó tăng diện tích do giá mủ cao su cao, giai đoạn 2004-2008, giá mủ cao su đạt cao nhất với 35.000-40.000/kg. Tuy nhiên, bắt đầu từ 2012, giá mủ cao su giảm và giảm mạnh nhất là giai đoạn 2015-2020 với giá giao động khoảng 8.000đ/1kg-11.000đ/1kg mủ đông. Trong khi đó, giá gỗ keo nguyên liệu vẫn giữ ổn định với mức giá cao (1,0-1,2 triệu/m3) trong giai đoạn này. Kết quả ở bảng 4.13 cho thấy rõ ảnh hưởng của giá cả đến hiệu quả kinh tế của rừng keo và cao su. Đối với rừng trồng keo, lợi nhuận ròng (NPV) giao động từ 12,2 triệu đồng đến 28,0 triệu

đồng ở 4 tuổi và 5 tuổi. Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 29,1-31,9% lớn tỷ suất chiết khấu (12%). Điều này cho thấy việc trồng rừng keo tại khu vực nghiên cứu mang lại hiệu quả kinh tế ở cả chu kỳ kinh doanh 4 năm và 5 năm. Tỷ lệ thu nhập trên chi phí (BCR) đều mang giá trị dương (từ 1,7-2,6), như vậy việc đầu tư vào rừng trồng keo là có lãi và chấp nhận được (Bảng 4.13).

Đối với cao su, với giả định sản lượng mủ cao su và chi phí đầu tư trung bình hàng năm không thay đổi theo các năm tuổi, hiệu quả kinh tế của cao su đã thay đổi rõ rệt khi giá mủ cao su biến động. Hiệu quả kinh tế đạt giá trị rất cao với mức giá mủ cao su là 40.000 đồng mủ đông/kg với lợi nhuận ròng (NPV) lớn hơn so với keo với lần lượt là 35,9 triệu, 107,3 triệu và 219,9 triệu ứng với năm thứ 9, 12 và 21. Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ(IRR) đều rất lớn và lớn hơn tỷ suất chiết khấu, giao động từ 21,7% đến 50,9%. Tỷ lệ thu nhập trên chi phí (BCR) đều đạt giá trị dương, giao động từ 1,8 đến 3,3 (Bảng 4.13). Như vậy có thể thấy, với giá mủ cao su đạt 40.000 đồng/1kg mủ đông thì hiệu quả hơn so với trồng keo. Đây là thời điểm mủ cao su được xem là “vàng trắng” của người dân địa phương.

Trung bình mỗi ngày, mỗi hộ gia đình thu được từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng từ mủ cao su cạo được. Tuy nhiên, khi giá cao su giảm xuống thì hiệu quả kinh tế từ cao su đã giảm rất mạnh. Với giá mủ cao su thấp nhất là 8.000đ/1kg hay 11.000đ/kg thì lợi nhuận ròng ở tất cả các năm tuổi đều có giá trị âm và BCR đều có giá trị bé hơn 1 (Bảng 4.13). Điều này cho thấy, nếu người dân tiếp tục đầu tư thì sẽ lỗ. Vì vậy nhiều hộ gia đình bắt đầu cắt giảm chi phí (giảm phân bón, công chăm sóc) và dừng khai thác hoặc khai thác giảm để cầm cự chờ giá tăng. Đặc biệt, có rất nhiều hộ bắt đầu chặt bỏ cây cao su và trồng thay thế bằng cây keo. Ngoài ra, do người dân không chăm sóc, bón phân và khai thác cao su theo đúng kỹ thuật nên nhiều diện tích cao su năng suất giảm dần và xuất hiện nhiều bệnh. Nhiều hộ dân đã vay vốn ngân hàng Nông nghiệp để trồng cao su, đến nay vẫn chưa trả hết nợ, dẫn tới quyết định chặt bán cây cao su để trả nợ và chuyển qua trồng keo.

Đặc biệt khi phân tích hiệu quả kinh tế của keo và cao su theo giá gỗ keo và mủ cao su tại thời điểm điều tra (năm 2020) với 1.200.000đ/tấn gỗ keo và 11.000đ/1kg mủ cao su đông, cho thấy rừng keo vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cao su, đầu từ vào rừng trồng keo cho lãi trong khi đầu tư vào cao su lại thì người dân lại lỗ (Bảng 4.13). Điều này cho thấy, nguy cơ chuyển đổi cao su sang trồng keo vẫn sẽ xảy ra tại các xã nghiên cứu.

Như vậy các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến thay đổi sử dụng đất của hộ gia đình gồm 2 nhóm chính là việc thực thi các chính sách lâm nghiệp (giao đất giao rừng, thực hiện các dự án trồng rừng, phát triển rừng trồng hộ gia đình…) và sự gia tăng giá trị kinh tế rừng trồng và sự thay đổi kinh tế thị trường, đặc biệt là thị trường gỗ ván dăm.

Các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến thay đổi sử dụng đất hộ gia đình được hệ thống theo mốc thời gian tại hình 4.5.

Hình 4.5. Các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến thay đổi sử dụng đất của hộ gia đình

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi sử dụng đất lâm nghiệp đến sinh kế hộ gia đình ở miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 106 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(239 trang)