CHƯƠNG 3. TỔNG QUAN VỀ KHU VỰC NGHIÊN CỨU
3.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN KINH TẾ, XÃ HỘI CỦA HUYỆN NAM ĐÔNG VÀ A LƯỚI
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Nam Đông và A Lưới là 2 huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, có vị trí địa lý giáp các huyện khác của tỉnh (Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, thị xã Hương Thủy) và các tỉnh thành, đất nước khác gồm Quảng Trị, Quảng Nam và Lào (Bảng 3.1).
Bảng 3.1. Ví trí địa lý của huyện Nam Đông và A Lưới
Vị trí địa lý Huyện Nam Đông Huyện A Lưới
Phía Bắc Giáp thị xã Hương Thủy Giáp huyện Phong Điền và huyện Đa Krông (Quảng Trị)
Phía Nam Giáp tỉnh Quảng Nam và
thành phố Đà Nẵng
Giáp huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
Phía Đông Giáp huyện Phú Lộc Giáp huyện Hương Trà, Nam Đông và thị xã Hương Thủy
Phía Tây Giáp huyện A Lưới Giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Huyện Nam Đông có vị trí địa kinh tế khá thuận lợi, tiếp giáp với quốc lộ 1A và nằm trên tuyến đường cao tốc từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến Túy Loan (thành phố Đà Nẵng). Đây là những thuận lợi nhất định trong giao lưu kinh tế với các thành phố lớn ở vùng Duyên hải miền trung.
Huyện A Lưới cách xa thành phố Huế hơn huyện Nam Đông (cách 70km so với 50km). Tuy nhiên ở đây cũng có hệ thống đường quốc lộ 49 nối thành phố Huế và huyện.
Kết hợp với đường Hồ Chí Minh chạy dọc huyện và nối với các tỉnh khác (Quảng Nam, Quảng Trị) và qua hai của khẩu với Lào. Đây là những điều kiện giúp A Lưới giao lưu với bên ngoài và tạo cơ hội phát triển thành đô thị năng động vùng biên giới.
Ngoài ra Nam Đông và A lưới còn được nối liền với nhau bằng tỉnh lộ 74. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối cửa khẩu A Đớt – Tà Vàng, đường Hồ Chí Minh với QL1A và Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, đồng thời nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, là cửa ngõ hành trình ra biển Đông của vùng kinh tế Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.
3.1.1.2. Địa hình, địa chất và thổ nhưỡng
Nam Đông và A Lưới là hai huyện miền núi có địa hình phức tạp, diện tích lãnh thổ chủ yếu là núi đồi, còn lại rất ít bãi bồi ven sông suối và thung lũng là khu vực tập trung dân cư sinh sống chủ yếu của các dân tộc.
Huyện Nam Đông có địa hình thấp dần từ Nam vào Bắc. Độ cao tuyệt đối so với mực nước biển ở nơi thấp nhất là 40m, ở nơi cao nhất là 1.712m (đỉnh núi Mang). Hầu hết diện tích đất đai thuộc thượng nguồn sông Tả Trạch, có địa hình thung lũng được tạo bởi các dãy núi: Truồi, Bạch Mã, núi Mang, A Ring và một phần thượng nguồn sông Hữu Trạch. Ven các con sông là những bãi bồi tương đối bằng phẳng tập trung ở thung lũng Nam Đông.
Huyện A Lưới nằm trong khu vực địa hình phía tây của dãy Trường Sơn Bắc và được ngăn cách với vùng núi thấp tây Quảng Bình bằng khu vực sụt lún, dấu vết đứt gãy kiến tạo lớn. Địa hình A Lưới gồm hai phần đông Trường Sơn và tây Trường Sơn.
A Lưới thuộc kiểu địa hình uốn nếp nâng trung bình, có quá trình bào mòn, xâm thực và phân cắt mạnh. Độ dốc trung bình 20-250, độ cao trung bình của huyện A Lưới là 500 - 1.000 m, trong đó có một số đỉnh cao vượt trên 1400 m như: động Ngại (1.774 m), động A So (1.528 m), động A Nô (1.485 m). Do kết quả vận động kiến tạo mà hình thành nên ở đây một thung lũng sụt lún A So - A Lưới, chiều dài 25 - 30 km, chiều rộng khoảng 2 - 4 km và chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.
Về địa chất và thổ nhưỡng, huyện Nam Đông có hai nhóm đất chính: Nhóm đất Feralit phân bố trên địa hình vùng đồi núi của huyện Nam Đông. Đặc điểm của nhóm đất này là tầng đất mặt còn tương đối dày, đất còn mang tính chất đất rừng, loại đất này tương đối thích hợp cho việc sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng, nhất là trồng rừng kinh tế và trồng các loại cây công nghiệp; Nhóm đất phù sa ven sông suối, nhóm đất này rất ít, tập trung chủ yếu ở các thung lũng của các sông. Đặc điểm cùa nhóm đất này là có độ dày tầng đất khá cao (>1m) thích nghi cho đất sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện A Lưới có nhóm đất đỏ vàng trên đá sét (Fs) chiếm 61,54%
diện tích tự nhiên. Phân bố ở địa hình tương đối cao đến bằng thoải lượn sóng. Đất có thành phần cơ giới từ thịt nặng đến trung bình thấp, tầng đất trung bình đến dày, thoát nước tốt. Nhóm đất này rất thích hợp cho trồng cây ăn quả, nông lâm kết hợp cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, thông keo, màu...; Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq) chiếm 27,36% diện tích tự nhiên, phân bố ở hầu hết các xã trong huyện, được phát triển trên nhiều loại đá mẹ khác nhau: granit, macma axit, trầm tích và biến chất... Tỷ lệ mùn cao nhưng phân giải chậm, lân, kali nghèo. Nhìn chung đây là nhóm đất tốt, có khả năng trồng được cây công nghiệp ngắn và dài ngày như lạc, mía, cà phê, cao su, ...; Còn lại là các nhóm đất
khác có chiếm tỷ lệ nhỏ, gồm Đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp) (4,45%); Đất vàng đỏ trên đá Granit (Fa) (0,62%); Đất sông, suối, ao hồ (0,62%).
3.1.1.3. Khí hậu và thủy văn
Huyện Nam Đông và A Lưới nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam. Chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 8, là mùa chịu ảnh hưởng của gió mùa tây Nam nên thời tiết thường nắng và nóng, cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 7, tuy nhiên trong mùa nắng vẫn xuất hiện mưa dông vào buổi chiều tối nên thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, lượng mưa thường tập trung chủ yếu vào tháng 10 – 11, và thường gây nên lũ lụt. Do ảnh hưởng của địa hình nên mùa mưa ở đây đến sớm và kéo dài hơn, nhiệt độ thấp và lượng mưa lớn hơn. Mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc gây mưa lớn, mùa hè hiệu ứng Phơn làm cho thời tiết khô nóng, hạn hán.
* Chế độ nhiệt
Huyện Nam Đông có nền nhiệt độ cao, nhiệt độ trung bình hàng năm biến động từ 24,8-25,40C. Nhiệt độ cao nhất có ngày lên khoảng 38,4-390C vào các tháng mùa hè và nhiệt độ thấp nhất có ngày xuống khoảng 12-12,50C vào các tháng mùa đông. Huyện A Lưới có nhiệt độ thấp hơn, trung bình hàng năm đạt 220C. Nhiệt độ cao nhất từ tháng 5 đến tháng 8, đạt khoảng 24 – 26oC và nhiệt độ thấp nhất vào các tháng từ tháng 11 đến tháng 3, đạt khoảng 16 – 20oC. Chênh lệch nhiệt độ các tháng mùa đông và mùa hè 8 – 9oC. Biên độ nhiệt ngày khoảng 9 – 12oC.
* Chế độ mưa
Nam Đông và A Lưới là huyện có lượng mưa tương đối lớn, lượng mưa trung bình năm dao động vào khoảng hơn 4.000 mm tại Nam Đông và trên 3.000 mm tại A Lưới.
Tuy nhiên, lượng mưa phân bố không đồng đều giữa các tháng trong năm, chủ yếu tập trung vào mùa mưa (từ tháng 9-11) chiếm đến 61% lượng mưa của cả năm nên thường gây nên lũ lụt trong thời gian này.
Ngoài ra cường độ mưa và tính chất cơn mưa cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân, số ngày mưa tại hai huyện này nhiều là điểm thuận lợi cho việc sản xuất nông lâm nghiệp. Hằng năm ở Nam Đông có khoảng có từ 174-227 ngày mưa mỗi năm, huyện A Lưới có số ngày mưa đạt đến 200 - 220 ngày/năm. Vào mùa nắng (từ tháng 2-8) vẫn có trung bình khoảng 10–13 ngày mưa mỗi tháng ở các huyện này [90].
* Độ ẩm không khí
Ẩm độ không khí của Nam Đông và A Lưới tương đối cao, trung bình hàng năm khoảng 86,72% tại Nam Đông và 89,4% tại A Lưới. Độ ẩm không khí không đồng đều
giữa các tháng trong năm, thường rất cao vào mùa mưa (Nam Đông: 91%; A Lưới: 94%) và rất thấp vào mùa khô (<82%). Có thể thấy với độ ẩm phong phú nên đây là điều kiện rất thuận cho việc phát triển trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê...tại đây [90].
* Thủy văn:
Nam Đông là vùng đầu nguồn của hệ thống sông Hương, là nơi bắt nguồn các con sông lớn trong tỉnh như Tả Trạch, Hữu Trạch thuộc hệ thống Sông Hương. Vùng núi thấp tập trung giữa hai phía sông Tả Ngạn và Hữu Ngạn. Các con sông ở Nam Đông ngắn, dốc, độ chênh cao lớn, lòng sông hẹp thoát nước khó khăn nên mùa khô nhiều đoạn bị cạn, khả năng vận chuyển nước bị hạn chế. Lượng dòng chảy, đặc biệt là dòng chảy lũ cũng tăng rất cao. Modun dòng chảy năm và dòng chảy lũ ở đây rất lớn. Cường độ mưa lớn kết hợp với địa hình dốc dễ gây ra lũ quét và trượt lở đất [65].
A Lưới là khu vực thượng nguồn của 5 con sông lớn, trong đó có 2 sông chảy sang Lào là sông A Sáp và sông A Lin; 3 sông chảy sang phía Việt Nam là sông Đa Krông, sông Bồ và sông Hữu Trạch. Ngoài ra A Lưới còn có mạng lưới các suối phân bố hầu khắp trên địa bàn huyện. Phần lớn sông suối có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, lòng sông hẹp, thường bị sạt lở vào mùa mưa, gây khó khăn cho xây dựng cầu, đường và đi lại [90].