CÁC GIẢI PHÁP GÓP PHẦN QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP, QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG HIỆU QUẢ VÀ CẢI THIỆN SINH KẾ HỘ GIA ĐÌNH

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi sử dụng đất lâm nghiệp đến sinh kế hộ gia đình ở miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 130 - 135)

CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.6. CÁC GIẢI PHÁP GÓP PHẦN QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP, QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG HIỆU QUẢ VÀ CẢI THIỆN SINH KẾ HỘ GIA ĐÌNH

- Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu về thay đổi sử dụng đất của các nhóm hộ gia đình miền núi huyện Nam Đông và A Lưới.

- Căn cứ các kết quả về thay đổi sinh kế của hộ gia đình dưới ảnh hưởng của thay đổi sử dụng đất lâm nghiệp.

- Dựa vào đặc điểm nguồn tài nguyên đất và rừng, nguồn lực sinh kế hộ gia đình (vấn đề dân tộc, điều kiện kinh tế, nguồn lực lao động…) và nguyện vọng của người dân địa phương.

- Tham khảo các chính sách của nhà nước và quy định của địa phương về sử dụng đất lâm nghiệp, quản lý rừng và sinh kế người dân miền núi.

4.6.2. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất giao rừng cần gắn với các quy hoạch sản xuất lâm, nông ngư nghiệp; quy hoạch dân cư; quy hoạch, kế hoạch

phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng đất khác tại địa phương nhằm bảo đảm nhu cầu đất ở, đất sản xuất nông lâm ngư nghiệp của người dân địa phương, hạn chế tình trạng thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương.

- Để hạn chế tình trạng lấn chiếm, chuyển đổi trái phép rừng tự nhiên sang rừng

trồng. Chính quyền huyện Nam Đông và A Lưới cần quy hoạch khoanh vùng và thúc đẩy phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh tự nhiên tại những khu vực rừng tự nhiên nghèo và suy thoái có nguy cơ bị chuyển đổi sang trồng keo. Cần lưu ý việc thu hút sự tham gia của người dân địa phương, đặc biệt là hộ nghèo/cận nghèo và dân tộc thiểu số vào công tác phục hồi rừng tự nhiên bằng việc kết hợp phục hồi rừng gắn với sinh kế bền vững cho cộng đồng.

- Cần có những chính sách ở cấp vĩ mô nhằm phát triển bền vững rừng trồng hộ gia đình trước thực trạng bùng nổ trồng rừng keo tại địa phương trong khi người trồng rừng phải đối mặt với nhiều rủi ro như trượt giá, dịch bệnh, thiên tai, cháy rừng…

- Cần có cơ chế tăng cường đầu tư vào diện tích rừng trồng hiện có tại địa phương, hạn chế tối đa mở rộng thêm diện tích mới, đặc biệt là trên những diện tích có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Cụ thể, lập kế hoạch sử dụng đất huyện Nam Đông và A Lưới, trong đó quy hoạch vùng phát triển rừng trồng gỗ lớn và gỗ nhỏ dựa trên vị trí, khả năng tiếp cận dăm gỗ và nhà máy chế biến gỗ. Bên cạnh đó, thúc đẩy sự tham gia của các hộ gia đình vào trồng rừng gỗ lớn và tham gia chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp CoC hoặc quản lý rừng bền vững được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC hoặc PEFC/VFCS theo nhóm hộ. Đây là hướng đi cần thiết nhằm nhằm góp phần tăng cường hiệu quả kinh tế và sinh thái của rừng trồng hộ gia đình trong bối cảnh các nước nhập khẩu sản phẩm gỗ từ rừng trồng đang yêu cầu chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc và chứng chỉ FSC. Ngoài ra, mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC theo nhóm hộ đã đạt được nhiều thành công tại một số huyện của Quảng Trị và tại Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.

- Việc xây dựng và thực thi chính sách lâm nghiệp cần phù hợp theo từng đối tượng người dân đang sinh sống tại địa phương, đồng thời cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận đất giữa các nhóm hộ, đặc biệt cần lưu ý đến các đối tượng dễ bị tổn thương như hộ nghèo/cận nghèo, người DTTS, hộ thiếu đất sản xuất.

Từ đó giảm nguy cơ xung đột lợi ích, tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình và giảm bất bình đẳng giữa các nhóm hộ.

- Cần có cơ chế tăng hưởng lợi từ rừng cộng đồng và xây dựng kế hoạch đối với những diện tích rừng chưa có chủ đang tạm giao cho UBND xã quản lý trên địa bàn hai huyện nhằm tăng hiệu quả quản lý rừng tại những khu vực dễ bị tác động, từ đó giảm tình trạng lấn chiếm chuyển đổi sang rừng trồng.

4.6.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, quản lý bảo vệ rừng

- Cần áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin, viễn thám vào công tác quản lý bảo vệ rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng để cập nhật các số liệu kịp thời và chính xác. Đồng thời kết hợp việc sử dụng ảnh vệ tinh cùng với tuần tra hiện trường thường xuyên để hạn chế tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên.

- Đối với các diện tích quy hoạch chuyển đổi từ rừng đặc dụng, phòng hộ sang cho rừng sản xuất hoặc ngược lại thì chính quyền địa phương (cấp xã, huyện), ban quản lý, các đơn vị lâm nghiệp có liên quan cần tuân thủ các quy trình, thủ tục pháp lý để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng đúng quy định của pháp luật hiện hành nhằm hạn chế được tình trạng lấn chiếm rừng và chuyển đối trái phép những diện tích rừng này.

- Thực hiện việc rà soát và thu hồi lại những diện tích đất lâm nghiệp giao không đúng đối tượng, những diện tích rừng trồng chưa xác định được chủ rừng và những diện tích rừng trồng do người dân lấn chiếm đất rừng tự nhiên trái pháp luật. Tiến hành bàn giao số diện tích đất thu hồi này cùng với diện tích đất lâm nghiệp chưa sử dụng đang được UBND các xã quản lý cho các hộ gia đình bị thiếu đất sản xuất, trong đó ưu tiên cho các hộ nghèo/cận nghèo, DTTS, các gia đình vừa tách hộ ở riêng chưa có đất và các hộ bị ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng để người dân yên tâm sản xuất và giảm áp lực vào rừng tự nhiên.

- Để đảm bảo quản lý, sử dụng đất bền vững, chính quyền địa phương cần có những biện pháp (như tuyên truyền, vận động, ký cam kết,…) để hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ các loại hình sử dụng đất khác qua trồng keo không đúng theo quy hoạch địa phương, cụ thể như chuyển đổi từ những khu vực quy hoạch cho đất sản xuất nông nghiệp, vườn hộ, cao su sang trồng keo.

- Cần chú trọng quản lý bảo vệ đối với các khu vực rừng tự nhiên dễ bị tổn thương như rừng cộng đồng, rừng đang tạm giao cho UBND xã, rừng thuộc ban QLRPH và đặc biệt là những diện tích rừng tự nhiên liền kề với diện tích rừng sản xuất của hộ gia đình.

- Phát huy giá trị của tri thức bản địa trong QLBVR bằng các giải pháp như các cấp chính quyền, cơ quan liên quan cần nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của kiến thức bản địa quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương để góp phần bảo vệ tài nguyên rừng bền vững hơn. Đặc biệt, lồng ghép tập quán, tri thức bản địa vào quy ước quản lý bảo vệ rừng cộng đồng. Đối với trường hợp khu vực rừng thiêng, khu vực thiêng đã bị phá và chuyển đổi qua rừng keo tại xã Hồng Hạ thì cũng cần có biện pháp để phục hồi và bảo tồn giá trị của những khu vực này.

4.6.4. Giải pháp cải thiện sinh kế hộ gia đình

- Cần tổ chức các hoạt động khuyến lâm nhằm tăng năng suất rừng, giá trị kinh tế rừng trồng hộ gia đình trong bối cảnh hầu hết rừng trồng tại địa phương đang được trồng chủ yếu theo hướng gỗ nhỏ và ít được chăm sóc, bón phân, cũng như lựa chọn giống trồng. Bên cạnh đó tăng cường triển khai hình thức liên kết liên doanh trong sản xuất giữa các hộ trồng rừng với nhau, giữa hộ trồng rừng với hợp tác xã lâm nghiệp và các doanh nghiệp, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm, nhằm đảm bảo ổn định thị trường và tăng giá trị rừng trồng.

- Thực hiện một số giải pháp nhằm tăng hưởng lợi trong quản lý rừng cộng đồng, từ đó thúc đẩy người dân địa phương tham gia quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể như Sở NN&PTNT cần tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc lập kế hoạch lựa chọn các khu vực rừng nghèo, đất trống trong rừng cộng đồng để sử dụng làm khu vực trồng rừng thay thế cho các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng của tỉnh. Bên cạnh đó, cần xây dựng các phương án trồng rừng bản địa, ưu tiên loài bản địa có giá trị LSNG (Ươi, Quế rừng) kết hợp với trồng xen phù trợ các loài LSNG có giá trị mà không ảnh hưởng xấu đến cây bản địa. Hướng tới thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cấp chứng chỉ rừng đối với rừng tự nhiên đang giao cho cộng đồng quản lý bảo vệ.

- Để hạn chế tình trạng chuyển đổi rừng tự nhiên qua rừng trồng, giảm áp lực vào rừng tự nhiên, cần có biện pháp biện pháp cải thiện đời sống của người dân bằng việc tạo nhiều nguồn thu nhập khác nhau:

+ Đối với xã Hương Phong, là xã có hoạt động chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu thu nhập của hộ gia đình, vì vậy cần quy hoạch vùng chăn thả, phát triển các mô hình trồng cỏ, đồng thời thực hiện hoạt động khuyến nông để hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

+ Đối với xã Hương Phú, là xã có thể mạnh về diện tích vườn hộ gia đình và hiện nay huyện đang phát triển các mô hình cây ăn quả như cam, chanh, dứa, chuối Nam Đông. Vì vậy cần có giải pháp khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn, hạn chế tối đa chuyển đổi vườn hộ qua trồng keo.

+ Đối với xã Hồng Hạ và Thượng Lộ, cần có giải pháp hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Triển khai các hoạt động phục hồi các giống lúa, sắn truyền thống để giá trị kinh tế cũng như bảo tồn truyền thống của đồng bảo DTTS.

- Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của người DTTS đồng thời cải thiện đời sống người dân tại xã Hồng Hạ và Thượng Lộ. Ví dụ như xây dựng các chuyến du lịch sinh thái trải nghiệm, khám phá môi trường tại thác Mơ (xã Hương Phú), sau đó nghỉ dưỡng tại các homstay của người dân

bản địa, tham quan các cơ sở đan lát truyền thống và thưởng thức chương trình văn nghệ truyền thống của bà con dân tộc Cơ Tu (xã Thượng Lộ). Tại xã Hồng Hạ, du khách có thể tham quan, trải nghiệm tại nhà Gươl, suối Pârle và tận hưởng không khí trong lành, yên bình với 2 bãi tắm có sức chứa lớn và hệ thống hang động đẹp. Kết hợp tham quan cánh đồng lúa, thưởng thức ẩm thực truyền thống, cùng hòa mình vào các làn điệu dân ca, văn nghệ truyền thống, chương trình lửa trại và dựng lều trại ngủ bên bờ suối.

- Đẩy mạnh đào tạo nghề và tạo việc làm, kể cả chuyển dịch lao động, đặc biệt là lao động trẻ sang các khu vực công nghiệp dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao nhằm giảm từng bước tình trạng thiếu đất sản xuất và góp phần ổn định thu nhập của người dân miền núi, đặc biệt là hộ ghèo, hộ thiếu đất sản xuất và đồng bào DTTS.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi sử dụng đất lâm nghiệp đến sinh kế hộ gia đình ở miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 130 - 135)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(239 trang)