CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.4. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAY ĐỔI DIỆN TÍCH ĐẤT LÂM NGHIỆP HUYỆN NAM ĐÔNG VÀ A LƯỚI GIAI ĐOẠN 2005-2020
4.5.3. Ảnh hưởng đến sự thay đổi các hoạt động sinh kế dựa vào rừng tự nhiên
* Thu hái lâm sản ngoài gỗ
Thu hái LSNG từ rừng tự nhiên được coi là một hoạt động sinh kế quan trọng của người dân địa phương sống gần rừng của tỉnh Thừa Thiên Huế. LSNG được thu hái để phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày và bán hoặc trao đổi để tăng thu nhập và đời sống cho hộ gia đình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ người dân địa phương tham gia vào hoạt động sinh kế này đã giảm. Sinh kế hộ gia đình đã có sự thay đổi rõ rệt từ phụ thuộc vào rừng tự nhiên thông qua thu hái LSNG chuyển qua các hoạt động gắn liền với rừng trồng. Năm 2005, có 42,4% số người được hỏi tham gia thu hái LSNG và con số này giảm xuống còn 30,5% vào năm 2020 (Bảng 4.18). Trong đó tỷ lệ hộ tham gia hoạt động này thuộc xã Hồng Hạ và Thượng Lộ, hộ DTTS và hộ nghèo là chủ yếu (Bảng 3.18), những hộ này vẫn xem thu hái LSNG là nguồn thu nhập cần thiết khi họ thiếu tiền hoặc không có việc làm.
Mặc dù nhìn vào tỷ lệ thì có thể thấy vẫn còn nhiều người tham gia thu hái LSNG vào năm 2020, tuy nhiên tần suất vào rừng thu hái LSNG giảm đáng kể. Trước đây, người dân vào rừng thường xuyên để thu hái LSNG hơn, năm 2020 phần lớn họ chỉ thỉnh thoảng mới thu hái LSNG. Đôi khi họ vào rừng để thu hái LSNG vào thời điểm sau khi thu hoạch mùa màng hay không phải mùa thu hoạch keo (Bảng 4.18). Bên cạnh đó, các loại LSNG được thu hái cũng có xu hướng thay đổi, trước đây LSNG với nhiều loài phong phú hơn được thu hái với mục đích để bán, đổi lấy thực phẩm và phục vụ bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, người dân chỉ tập trung vào những loại LSNG có giá trị kinh tế cao và khai thác vào những thời điểm nhất định tùy theo nhu cầu thị trường.
Trong khi các hộ người Kinh (tại xã Hương Phong và Hương Phú) tập trung vào lấy mật ong. Thì những hộ DTTS, hộ nghèo (Hồng Hạ, Thượng Lộ) tập trung nhiều hơn vào khai thác mây, mật ong và thỉnh thoảng các loài khác như đót, lá nón, cá suối và các loài thú nhỏ.
Bảng 4.18. Thay đổi trong việc thu hái LSNG của các hộ gia đình
Tần suất thu hái LSNG Năm 2005 Năm 2020
Số hộ gia đình Tỷ lệ (%) Số hộ gia đình Tỷ lệ (%) Tham gia
thu hái LSNG
Không 255 57,6 308 69,5
Có 188 42,4 135 30,5
Tần suất thu hái LSNG trong năm
< 1 tháng 0 0,0 9 6,7
Từ 1-3 tháng 52 27,7 47 34,8
Từ 4-6 tháng 55 29,3 42 31,1
Từ 7-9 tháng 22 11,7 10 7,4
Quanh năm 59 31,4 27 20,0
Rừng trồng đã tạo ra nhiều công ăn việc làm thường xuyên cho người dân địa phương và họ kiếm được tiền từ rừng trồng dễ dàng hơn so với thu hái LSNG. Trong tổng số người được phỏng vấn có 92 người (20,8%) trước đây đã từng thu hái LSNG nhưng đến năm 2020 thì không còn khai thác nữa. Trong đó 45,7% người chuyển sang trồng keo, 29,3% chuyển sang làm thuê liên quan đến keo, còn lại một số ít chuyển sang buôn bán (3,3%), làm ruộng (2,2%) hoặc không đủ sức khỏe để thu hái LSNG (14,1%) (Bảng 4.19 ). Theo những người chuyển đổi từ thu hái LSNG sang làm thuê liên quan đến rừng trồng keo, tuy thu nhập trung bình một ngày khai thác mây nhiều hơn ngày công đi làm thuê liên quan đến rừng trồng keo (300.000-500.000 đồng/ngày so với 250.000-350.000 đồng/ngày), nhưng đa số người dân địa phương chọn đi làm thuê liên quan đến rừng trồng keo. Nguyên nhân là do các công việc liên quan đến keo nhiều, ổn định và tạo ra việc làm đều đặn hơn. Trong khi đó, nguồn mây ngày càng giảm, họ phải đi xa, đi nhiều ngày mới lấy được mây, vì vậy việc khai thác mây tốn nhiều công sức hơn và chỉ đi khi có người thu mua hoặc khi rảnh rỗi, không có việc làm thuê.
Ngoài ra, việc phát triển trồng keo đã làm cho khu vực có các loài LSNG ngày càng lùi xa khu dân cư và sâu vào rừng tự nhiên, do đó khu vực khai thác LSNG cũng xa hơn so với trước đây, gây khó khăn cho người đi thu hái. Theo kết quả thảo luận nhóm, trước đây người dân chủ yếu thu hái LSNG ở gần khu vực dân cư, dọc trục đường chính của xã và các khu vực dọc các sông hoặc khe suối như Khe Nước Ngược, Đằm Sên hoặc dọc các khe suối thuộc hồ Tả Trạch tại xã Hương Phú (thôn Phú Mậu và Phú Hòa), dọc sông Bồ (Khu vực khe Ka Tê) của xã Hồng Hạ. Hiện nay các khu vực giáp khu dân cư mà trước đây người dân thường thu hái LSNG đã trở thành rừng sản xuất (rừng keo) của hộ gia đình và không còn LSNG để khai thác nữa. Do đó, khu vực khai
thác LSNG hiện nay tại 4 xã nghiên cứu đã lùi sâu hơn vào rừng tự nhiên, gồm các khu rừng của nhóm hộ, cộng đồng quản lý, rừng thuộc Ban QLRPH A Lưới (Hương Nguyên, Hồng Hạ) và rừng do VQG Bạch Mã quản lý (Hương Phú, Thượng Lộ) (Hình 4.6-4.9).
Ngoài ra, hiện nay các loại LSNG được khai thác cũng giảm so với trước, chủ yếu tập trung vào khai thác Mây và mật ong. Do đó, phải đi sâu vào rừng tự nhiên mới thu được nhiều.
Bên cạnh đó, nhiều con đường mới vào rừng được mở nhiều để khai thác vận chuyển gỗ rừng trồng đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận với rừng tự nhiên hơn. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho LSNG bị khai thác nhiều hơn và ngày càng suy kiệt. Ngoài ra, theo người dân địa phương thì việc phát dọn đất, đốt thực bì để trồng keo đã làm cho một số loài LSNG bị suy giảm dần. Những nguyên nhân này đã làm cho số lượng người tham gia khai thác LSNG, cũng như tần suất tham gia thu hái LSNG.
Hình 4.6. Bản đồ thay đổi khu vực khai thác LSNG xã Hương Phú
Hình 4.7. Bản đồ thay đổi khu vực khai thác LSNG tại xã Thượng Lộ
Hình 4.8. Bản đồ thay đổi khu vực khai thác LSNG xã Hồng Hạ
* Canh tác nương rẫy
Mặc dù Nhà nước đã ban hành các chính sách về định canh định cư và hạn chế canh tác nương rẫy và xem đây là một phương thức canh tác lạc hậu [7]. Tuy nhiên tại các xã miền núi, một bộ phận người dân địa phương, đặc biệt là DTTS vẫn tiếp tục thực hiện phương thức này. Tại thời điểm năm 2005, có 37,2 % số hộ được phỏng vấn thực hiện canh tác nương rẫy. Tuy nhiên, từ năm 2005-2020 diện tích rừng trồng hộ gia đình đã mở rộng nhanh chóng tại bốn xã nghiên cứu. Giá trị kinh tế của rừng keo ngày càng
Hình 4.9. Bản đồ thay đổi khu vực khai thác LSNG xã Hương Phong
cao, trong khi năng suất hoa màu thấp đã thúc đẩy người dân chuyển canh tác nương rẫy sang trồng keo. Tính đến năm 2020, chỉ còn 2,7% số hộ của 4 xã còn canh tác nương rẫy, trong đó chủ yếu ở 2 xã Hồng Hạ (5,3%) và Thượng Lộ (3,6%) và chủ yếu là hộ DTTS (4,6%) (Bảng 4.19). Một người dân xã Hồng Hạ nhớ lại: “Diện tích của các hộ khác xung quanh đất rẫy của tôi đều được trồng keo, chỉ cần nhà tôi trồng màu thì những diện tích này sẽ bị thú rừng (sóc, chim, chuột) hoặc gia súc của các hộ khác đến phá hoại. Vì vậy, gia đình tôi cũng chuyển sang trồng keo”.
Bảng 4.19. Sự thay đổi tỷ lệ hộ (%) tham gia vào các hoạt động sinh kế dựa vào rừng
Hoạt động sinh kế dựa vào RTN
Thu hái LSNG Canh tác nương rẫy Chăn thả rong gia súc
trong RTN
Năm 2005
Năm 2020 Năm 2005 Năm 2020 Năm 2005 Năm 2020
Tổng mẫu 42,4 30,5 37,2 2,7 20,1 6,8
Xã Hồng Hạ 61,1 45,1 54,0 5,3 19,5 8,8
Xã Hương Phong 23,1 21,3 13,9 0,9 27,8 13,0
Xã Thượng Lộ 64,0 47,7 46,8 3,6 22,5 2,7
Xã Hương Phú 20,7 7,2 33,3 0,9 10,8 2,7
Dân tộc thiểu số 66,2 51,1 54,8 4,6 24,2 7,3
Dân tộc Kinh 19,2 10,3 20,1 0,9 16,1 6,3
Không nghèo 35,4 25,6 35,2 2,3 21,3 7,8
Nghèo/cận nghèo 67,7 47,9 44,8 4,2 15,6 3,1
Hiện nay, nhiều hộ dân thậm chí còn chuyển đổi đất quy hoạch trồng màu, lúa và đất vườn sang trồng keo. Chỉ tính riêng thôn Paring-Cân Sâm (xã Hồng Hạ) đã có 8 hộ chuyển từ đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp sang trồng keo tự phát vào năm 2020.
Mặc cho cán bộ thôn tuyên truyền nhưng người dân vẫn chuyển đổi trái phép vì cho rằng trồng keo lãi hơn trồng hoa màu. Hơn nữa, đối với theo người dân miền núi thì trước đây, canh tác nương rẫy có vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực phẩm (lúa, sắn và rau màu) phục vụ cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay họ dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn thức ăn, gạo từ những người bán hàng rong vào tận các trục đường chính của xã, các quán ăn trong xã cũng bắt đầu xuất hiện. Do đó, người dân cho rằng họ có thể đi làm thuê liên quan đến rừng trồng keo để kiếm tiền mua thức ăn sẽ dễ hơn phụ thuộc vào canh tác nương rẫy.
* Chăn thả rong gia súc trong rừng tự nhiên
Gia súc là vật nuôi rất quan trọng của người dân các xã miền núi, đây vừa là nguồn nguồn thức ăn, là nguồn tạo thu nhập, vừa là tài sản của họ. Người dân địa phương thường có tập quán thả rong gia súc (gồm trâu, bò, heo, dê) trong rừng tự nhiên. Họ làm các chuồng bằng các cây gỗ rào lại ngay tại rừng và thả rong gia súc trên rừng, thường 1 tháng vô thăm 1 lần. Địa điểm được chăn thả là những khu rừng tự nhiên gần làng, nơi có dốc vừa phải, dọc theo các khe suối. Để gia súc không chạy đi xa, không bị lạc mất và để đảm bảo gia súc không thiếu nước uống vào mùa nắng nóng, người dân thường làm các hàng rào ở đầu hoặc cuối khe suối. Ngoài ra, khu vực được chọn để chăn thả là những nơi dọc suối để gia súc không lên phá nương rẫy. Tuy nhiên, việc phát triển rừng keo cũng làm cho tập quán chăn thả rong gia súc trong rừng của người dân giảm bớt.
Thời điểm năm 2005, có tới 20,1% hộ có chăn thả gia súc trong rừng tự nhiên, đến năm 2020, con số này đã giảm xuống còn 6,8% số hộ (Bảng 4.19). Trong đó Hương Phong và Hồng Hạ là hai xã có tỷ lệ chăn thả gia súc nhiều hơn hai xã của huyện Nam Đông.
Đến thời điểm 2020, nhiều diện tích rừng tự nhiên gần thôn, làng đã được chuyển qua rừng trồng, quỹ đất hiện tại không còn chỗ để chăn thả rong như ngày xưa. Trâu bò thả rong thường vào phá keo của các hộ gia đình khác, bị bắt hoặc phạt tiền nên người dân không còn dám thả rong như trước. Người dân địa phương thay vì thả rong trong rừng tự nhiên thì bây giờ chủ yếu chăn thả gia súc trong các rừng keo của Ban quản lý rừng phòng hộ, hoặc của các hộ gia đình. Đa số hộ họ nuôi nhốt tại nhà, sáng thả gia súc lên rừng thả, chiều lùa về chuồng lại (Xã Hương Phong, Thượng Lộ, Hương Phú). Một số hộ còn thả rong trong rừng (chủ yếu DTTS) thì họ cũng thường xuyên lên để thăm trâu bò, chứ không dám thả rong cả tháng như trước (Xã Hồng Hạ).
Rõ ràng việc phát triển rừng trồng keo đã làm thay đổi các hoạt động sinh kế dựa vào rừng tự nhiên, tỷ lệ hộ tham gia các hoạt động sinh kế dựa vào rừng như thu hái LSNG, canh tác nương rẫy và chăn thả rong gia súc trong rừng tự nhiên đã giảm nhiều so với trước. Đây cũng là một tín hiệu cho việc giảm sự phụ thuộc vào rừng tự nhiên của người dân địa phương, từ đó giảm áp lực lên rừng tự nhiên từ các hoạt sinh kế của cộng đồng. Tuy nhiên, sự thay đổi các hoạt động sinh kế này có thực sự bền vững không khi mà rừng tự nhiên phải đối mặt mới nguy cơ bị tác động tiêu cực trong bối cảnh người dân địa phương tìm mọi cách để mở rộng diện tích rừng trồng của mình.