CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN
1.2.3. Các công trình nghiên cứu về chuyển tiếp rừng và sinh kế tại Việt Nam
Có nhiều đánh giá khác nhau về sự suy giảm tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam trong nửa thế kỷ gần đây. Diện tích rừng ở Việt Nam ước tính đạt khoảng 181.500 km2 (chiếm 55% tổng diện tích đất đai 330.000 km2) vào cuối những năm 1960 và 56.680 km2 (khoảng 17% tổng diện tích đất đai) vào cuối những năm 1980) [151]. Năm 1943, diện tích rừng Việt Nam ước tính có khoảng 14,3 triệu ha [112], với tỷ lệ che phủ là 43,8%;
trên mức an toàn sinh thái là 33%. Năm 1976, diện tích rừng giảm xuống còn 11 triệu ha với tỷ lệ che phủ còn 34%. Năm 1985, diện tích rừng còn 9,3 triệu ha và tỷ lệ che phủ là 30%. Năm 1995, diện tích rừng tiếp tục giảm xuống còn 8 triệu ha với tỷ lệ che phủ là 28% (Jyrki và cộng sự, 1999). Diện tích rừng bình quân vào năm 1995 cho 1 người là 0,13 ha, thấp hơn mức trung bình ở Đông Nam Á (0,42%). Theo ước tính, tốc độ mất rừng tự nhiên Việt Nam khoảng 185.000 ha/năm trong giai đoạn 1976- 1990 (ADB, 2000). Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này được cho là do tập quán canh tác nông nghiệp du canh du cư của đồng bào DTTS; mở rộng sản xuất nông nghiệp gắn liền với thực hiện di dân, tái định cư sau giải phóng; khai thác gỗ thiếu bền vững tại các lâm trường quốc doanh, kể cả khai thác gỗ bất hợp pháp; thu hái lâm sản phục vụ cuộc sống, như củi đun; và rừng bị tàn phá trên quy mô lớn bởi chiến tranh [39].
Bắt đầu từ năm 1992, các chính sách cải cách quản lý đất đai, các chương trình, dự án đã góp phần tăng diện tích rừng và phục hồi tỷ lệ che phủ rừng như Nghị định 02/1994 hay Nghị định 01/1995 về giao đất giao rừng, Nghị quyết của Đảng về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi Khoán 10, năm 1988); các chương trình dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giao đất giao rừng như Chương trình 327, Chương trình 661 trồng mới 5 triệu ha rừng. Trồng rừng, phục hồi rừng tự nhiên đã nâng tổng diện tích rừng toàn quốc lên khoảng 13,3 triệu ha năm 2010 so với 9,2 triệu ha năm 1992. Đến năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 40,8% [39]. Theo Lambin và Meyfroidt (2011), sự gia tăng diện tích rừng ở Việt Nam trong giai đoạn này còn do những thay đổi và tác động bởi năng suất sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, xu hướng chuyển dịch sản xuất nông nghiệp định canh định cư…[143]. Hiện tại, tỷ lệ che phủ rừng hàng năm ở Việt Nam vẫn tăng thuần nhưng tốc độ tăng đã chậm lại so với thập kỷ trước [39].
Hình 1.5. Đường cong diễn biến rừng ở Việt Nam giai đoạn 1943 – 2020 [39]
Ở Việt Nam, dường như có sự tương tác giữa năm con đường chuyển tiếp rừng.
Meyfroidt and Lambin (2008) [142] và De Jong (2010) [125] cho rằng chính tình trạng thiếu đất sản xuất do dân số tăng và suy giảm tài nguyên trước đây cùng với chính sách quốc gia về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cơ chế khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ tăng cường sản xuất nông nghiệp và tiếp cận thị trường, chất lượng vận hành hệ thống quản lý lâm nghiệp là những yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến diễn biến rừng Việt Nam. Quá trình chuyển đổi rừng ở Việt Nam được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa các phản ứng kinh tế và chính trị đối với tình trạng khan hiếm đất và rừng, tăng trưởng kinh tế, tự do hóa thị trường, tư nhân hóa đất đai và thâm canh nông nghiệp [140], [143], [100].
Cụ thể năm con đường chuyển tiếp rừng tại Việt Nam như sau: (1) Con đường khan hiếm tài nguyên rừng thể hiện rõ do nạn chặt phá rừng diễn ra liên tục trong thời gian dài từ thời thuộc địa (do khai thác gỗ và chuyển đổi mục đích sử dụng đất) đến khai thác gỗ phục vụ phát triển kinh tế trong những năm 1970-1980 của hàng trăm lâm trường quốc doanh [141], [139]; (2) Con đường phát triển kinh tế thể hiện thông qua đầu tư
chiều sâu cho nông nghiệp nhờ cải cách chính sách, tăng trưởng kinh tế và hội nhập thị trường; (3) Đường lối chính sách lâm nghiệp của Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển tiếp rừng thông qua những thay đổi chính sách đáng chú ý như cải cách lâm nghiệp, các chương trình tái trồng rừng và tư nhân hóa đất lâm nghiệp bằng cách giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình [141], [142]; (4) Quá trình chuyển tiếp rừng của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa, cụ thể là hội nhập vào thị trường toàn cầu về hàng hóa, lao động và vốn [141], [142]. Đặc biệt là sự phát triển của mạng lưới thị trường sản phẩm, trong đó nhu cầu dăm gỗ đã thúc đẩy phát triển rừng trồng ở Việt Nam [141], [142], [100] và (5) Tăng dân số và khan hiếm đất đai đã thúc đẩy đa dạng hóa nông nghiệp bằng cách tăng đầu vào lao động trên những mảnh đất có tiềm năng sinh thái nông nghiệp cao nhất và trồng lại rừng trên những khu vực đất rừng cằn cỗi hoặc thoái hóa cùng với sự phát triển trồng rừng hộ gia đình [141], [142], [100].
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT (2014), trong giai đoạn từ 2006 – 2013, có tổng cộng 2.991 dự án đã chuyển đổi 386.290 ha rừng sang mục đích sử dụng khác, trong đó rừng tự nhiên chiếm tới 78%. Trồng cao su và đầu tư sản xuất cây công nghiệp, đặc sản chiếm tỷ lệ diện tích chuyển đổi cao nhất (80%) [39]. Theo Tổng cục Thống kê, diện tích trồng cao su tăng đột biến từ 483.000 ha năm 2005 lên 987.000 ha vào năm 2014, và để có diện tích này, 260.880 ha rừng với khoảng 88,76% rừng tự nhiên đã bị chuyển đổi mà không phải tiến hành đầu tư trồng rừng thay thế [39]. Điều đáng nói là tuy diện tích rừng giảm xuống nhưng để đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng, các diện tích cao su, cây đặc sản trồng trên đất lâm nghiệp lại được đưa vào khi tính toán tỷ lệ che phủ rừng, tương đương 1,34% [36]. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Cochard và cs. 2017, 2020 chỉ ra rằng quá trình chuyển tiếp rừng Việt Nam trong những năm qua thực chất là sự mở rộng về lượng bao gồm cả diện tích và tỷ lệ che phủ rừng [100], [101]. Sự gia tăng tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào các diện tích trồng mới, diện tích rừng trồng tăng gấp đôi, từ 2,3 triệu ha vào năm 2005 tăng lên 4,3 triệu ha vào năm 2019, trong khi tỷ lệ che phủ thuần của rừng tự nhiên đã đạt đỉnh vào năm 2006 với 10,4 triệu ha và không có thay đổi đáng kể cho đến nay [65]. Rừng trồng hộ gia đình được coi là một trong những yếu tố làm tăng tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam [100]. Hộ gia đình đã tham gia tích cực trồng rừng và hiện kiểm soát khoảng 70% diện tích rừng trồng của cả nước [140] với diện tích trồng keo hiện chiếm hơn 40% tổng diện tích rừng trồng ở Việt Nam [130].
Quá trình chuyển tiếp rừng có liên quan đến đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, nhiều nghiên cứu đã cho thấy diễn biến rừng không đồng đều tại các tỉnh trên cả nước.
Nhiều địa phương và khu vực vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của đường cong diễn biến nếu quá trình chuyển tiếp rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra. Cụ thể một số tỉnh như sau:
Theo Lê Thu Quỳnh (2013) [57], từ năm 2005 đến 2012, bình quân mỗi năm Tây Nguyên giảm hơn 25.000 ha rừng. Trong đó chuyển rừng sang mục đích sử dụng khác
chiếm 78% (chủ yếu để trồng cao su, xây dựng thủy điện, thủy lợi, làm nương rẫy, khu công nghiệp), khai thác rừng trồng theo kế hoạch khoảng 4%, bị chặt phá trái phép khoảng 6%. Cùng với đó chất lượng rừng cũng suy giảm rõ rệt: diện tích rừng có trữ lượng thấp, đạt độ che phủ là 32,4%; diện tích còn lại chủ yếu là rừng chưa có trữ lượng hoặc trữ lượng thấp. Tài nguyên rừng Tây nguyên đang có chiều hướng suy thoái và gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân địa phương. Dù phần lớn diện tích rừng được giao khoán cho người dân QLBV nhưng do mức thù lao thấp nên người dân nhận rừng mà không mặn mà với nghề rừng và dẫn đến rừng đã có người bảo vệ vẫn bị tàn phá.
Theo Lưu Văn Năng (2013) [54], từ năm 2000 đến năm 2012, diện tích đất lâm nghiệp có rừng tại Tây Nguyên giảm 185.780 ha trong đó riêng tỉnh Đắk Nông đã giảm131.725 ha. Biến động sử dụng đất lâm nghiệp do chủ yếu chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp sang đất canh tác nông nghiệp (đất nương rẫy và đất trồng cây công nghiệp lâu năm). Qua chọn điểm tại Đắk Nông cho thấy việc mất diện tích đất lâm nghiệp (có rừng) do khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng không được cấp có thẩm quyền cho phép chiếm tới 90% diện tích rừng đã mất với nguyên nhân chính là do tình trạng dân số tăng quá nhanh, đặc biệt là dân di cư tự do từ nơi khác tới.
Kết quả nghiên cứu về diễn biến tài nguyên rừng giai đoạn 2010-2016 của tỉnh Quảng Bình của Lã Nguyên Khang và Ninh Thị Hiền (2018) [43] cho thấy, giai đoạn này tổng diện tích rừng của tỉnh Quảng Bình giảm hơn 25.000 ha, trong đó diện tích rừng mất đi là 85.461.02 ha, diện tích rừng trồng mới và diện tích rừng tự nhiên phục hồi là hơn 58.000 ha. Các nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng được xác định gồm: chuyển rừng tự nhiên sang rừng trồng kinh tế (keo, cao su); xâm lấn đất rừng tự nhiên để sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ yếu là sắn, ngô; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang xây dựng hồ thủy lợi, giao thông; khai thác rừng (trái phép và theo kế hoạch của Nhà nước); cháy rừng; đốt rừng làm nương rẫy; đô thị hóa và thiên tai.
Nguyễn Từ Đức và cộng sự (2016) [32], đã ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám để thực hiện đánh giá, phân tích sự biến động các loại hình sử dụng đất, đặc biệt là đất lâm nghiệp trong thời kỳ từ năm 2005 đến năm 2015 trên địa bàn các huyện phía Tây tỉnh Quảng Bình. Theo kết quả nghiên cứu, trong giai đoạn từ 2005 - 2015, diện tích đất rừng trồng tại khu vực nghiên cứu đã tăng lên đáng kể với 27.514,77 ha. Ngược lại, diện tích đất rừng tự nhiên bị giảm mạnh từ 126.811,18 ha xuống còn 90.845,06 ha. Nguyên nhân cơ bản là do quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp diễn ra phổ biến trong giai đoạn này. Mặc dù diện tích đất rừng trồng tăng nhưng chủ yếu thuộc quyền sử dụng của các tổ chức, nông lâm trường trên địa bàn, đất lâm nghiệp dành cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn không có nhiều sự biến chuyển tích cực. Do đó, người DTTS không được hưởng lợi nhiều từ việc tăng diện tích rừng trồng, trong khi khu vực sinh
tồn vốn có của người DTTS lại bị ảnh hưởng và rừng vẫn là nơi gắn với thói quen giúp người DTTS kiếm sống và sinh tồn.
Lã Nguyên Khang và Trần Quang Bảo (2014) [41] cũng tiến hành nghiên cứu về đặc điểm diễn biến và các nguyên nhân dẫn đến tăng/giảm rừng tại 40 xã thuộc 8 huyện của tỉnh Điện Biên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ che phủ rừng của các xã nghiên cứu tăng/giảm chủ yếu là do thay đổi diện tích các kiểu trạng thái rừng. Các nguyên nhân dẫn đến mất rừng được xác định gồm: Nguyên nhân trực tiếp như đốt nương rẫy chiếm 89,22%; rừng tre nứa chiếm 5,93%; do cháy rừng chiếm 3,66% và do chăn thả gia súc chiếm 1,19%. Các nguyên nhân sâu xa (gián tiếp) làm mất rừng gồm dân số tăng nhanh;
di dân; thiếu đất canh tác và do quy hoạch.
Trong giai đoạn 1995-2014, tại tỉnh Hà Tĩnh, diện tích rừng tự nhiên mất là 38.727,3 ha, chiếm 17,6%; diện tích rừng tự nhiên bị suy thoái là 81.478,5 ha, chiếm 37% tổng diện tích rừng tự nhiên năm 1995. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, diện tích rừng tự nhiên của Hà Tĩnh tăng lên 39.809,3 ha do phục hồi rừng [41]. Như vậy, trong vòng 20 năm diện tích rừng tự nhiên của Hà Tĩnh tăng lên nhiều hơn diện tích rừng tự nhiên mất đi, nhìn chung diện tích rừng tự nhiên của tỉnh có xu hướng tăng lên (tăng 1.082 ha).
Nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng và rào cản chính trong việc nâng cao diện tích, chất lượng rừng Hà Tĩnh bao gồm: Chuyển rừng tự nhiên nghèo sang trồng rừng nguyên liệu và cao su; chuyển và xâm lấn rừng tự nhiên nghèo sang sản xuất nông nghiệp; ảnh hưởng của khai thác đến suy thoái rừng tự nhiên; hoạt động nâng cao diện tích và chất lượng rừng tự nhiên có hiệu quả chưa cao [41].
Như vậy có thể thấy, mặc dù tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng bắt đầu từ năm 1992 và vẫn tăng chậm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự gia tăng tỷ lệ che phủ rừng phụ thuộc chủ yếu vào các diện tích rừng trồng, trong đó rừng trồng quy mô hộ gia đình đóng vai trò quan trọng. Tình trạng mất rừng và suy thoái rừng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó có việc chuyển và xâm lấn rừng tự nhiên nghèo sang trồng rừng nguyên liệu.
1.2.3.2. Các công trình nghiên cứu về sinh kế hộ gia đình ở miền núi Việt Nam
Việt Nam có tổng diện tích đất liền khoảng 331.600 km2 với ba phần tư tổng diện tích là đối núi, trong khi chỉ có 15% là đất nông nghiệp [125]. Ước tính có khoảng 25 triệu người nghèo phụ thuộc vào rừng và các nhóm DTTS sử dụng rừng để kiếm sống tại Việt Nam. Trong 9 triệu người DTTS có tới 2.879.685 người thuộc 482.612 hộ sống bằng phương thức canh tác nương rẫy. Trong đó có người Tày 7%, người Nùng 16%, người Thái 45%, trừ người Kinh ra còn lại tất cả các dân tộc ít người khác sống bằng canh tác nương rẫy [30]. Tuỳ theo biến số sử dụng, số người được coi là phụ thuộc vào rừng có thể dao động từ 15 tới 25 triệu người ở Việt Nam [62]. Cộng đồng sống phụ thuộc rừng
bao gồm: Các cộng đồng và thôn bản nghèo ở vùng sâu, vùng cao, khu vực biên giới không có cơ hội phát triển công nghiệp thương mại lại có nhiều diện tích đất được chính thức xếp vào khu vực rừng phòng hộ. Cộng đồng những người theo cách này hay cách khác phụ thuộc vào những sản phẩm từ rừng: ví dụ những người sản xuất đồ gỗ gia dụng
có thể ở đô thị hay ở miền núi cũng được coi là phụ thuộc vào rừng [62]. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn và Trần, (2018) [150] tại các tỉnh của Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) cho thấy, thu nhập từ rừng chiếm khoảng 17% tổng thu nhập của 3.200 hộ gia đình được khảo sát.
Trong nhiều thế kỷ, việc chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp dù ngắn hạn theo kiểu du canh du cư hay vĩnh viễn theo kiểu định canh là một trong những nền tảng của đời sống ở nông thôn Việt Nam. Vào năm 2.000, dân số nông thôn của Việt Nam là 58 triệu người trong tổng 77 triệu người là dân số cả nước. Chín triệu người dân nông thôn thuộc 50 dân tộc khác nhau ở Việt Nam sống theo phương thức du canh du cư và trong đó có ba triệu người sống chính bằng nguồn thu nhập này [68]. Mặc dù du canh du cư là một phương thức sống đã tồn tại trong một thời gian dài, hiện tượng này đã bắt đầu suy giảm trong những thập kỷ gần đây. Trong những năm gần đây, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nông nghiệp thông qua việc phát triển đất rừng trồng cây lâu năm (ví dụ cà phê, chè, cao su và điều) đã làm tăng thu nhập và cải thiện đáng kể đời sống của dân số nông thôn. Trong giai đoạn từ 1993 đến 1998, thu nhập từ nông nghiệp tăng 61% và là nguyên nhân chính của sự gia tăng mạnh mẽ trong thu nhập hộ gia đình [68].
Trong cuốn sách “Giảm nghèo và rừng ở Việt Nam”, William D. Sunderlin và Huỳnh Thu Ba (2005) [68] chỉ ra rằng, có ba mối quan hệ chính giữa giảm nghèo và rừng ở Việt Nam, đó là (1) Những mối quan hệ nhân quả quan trọng giữa sự thay đổi sinh kế nông thôn và những thay đổi mạnh mẽ về tỷ lệ che phủ rừng bởi hai yếu tố này xuất hiện trên cùng vị trí địa lý và cùng thời gian; (2) Đời sống của người nghèo ở các xã vùng sâu vùng xa ở nông thôn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn hàng hóa và dịch vụ môi trường từ rừng tự nhiên; (3) Mặc dù vẫn phụ thuộc vào rừng, một số người dân nông thôn vẫn có lợi ích lớn từ việc mất rừng thông qua việc chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp, khai thác và bán gỗ cũng như các sản phầm từ rừng khác lấy tiền làm vốn.
Cải thiện sinh kế cho cộng đồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng không chỉ là mục tiêu, yêu cầu, mà còn là giải pháp quan trọng được xác định trong các văn bản pháp luật, chính sách và đường lối phát triển lâm nghiệp ở Việt Nam. Điều này càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nơi có gần 10% dân số của cả nước là người nghèo và người DTTS sinh sống bên trong hoặc gần các khu rừng tự nhiên có diện tích xấp xỉ 12 triệu hecta [31]. Để cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và môi trường ở các khu vực miền núi của Việt Nam, chính phủ đã theo đuổi các mục tiêu kép là tái trồng rừng và phát triển kinh tế dựa vào lâm nghiệp bằng hàng loạt các chương