THÔNG TIN CHUNG CỦA 4 XÃ NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi sử dụng đất lâm nghiệp đến sinh kế hộ gia đình ở miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 72 - 75)

CHƯƠNG 3. TỔNG QUAN VỀ KHU VỰC NGHIÊN CỨU

3.2. THÔNG TIN CHUNG CỦA 4 XÃ NGHIÊN CỨU

Xã Thượng Lộ ban đầu gồm người DTTS sống bằng nghề du canh du cư và săn bắt, hái lượm trong rừng tự nhiên từ lâu đời. Đến cuối những năm 1970, họ được chính quyền địa phương chuyển xuống khu vực xã Thượng Lộ bây giờ và định canh định cư tại đây. Tuy nhiên, ban đầu người dân địa phương khó thích nghi với phương thức sản xuất và môi trường sống mới nên họ quay trở lại rừng tự nhiên để canh tác nương rẫy.

Đầu những năm 2000, người dân địa phương bắt đầu giảm du canh du cư, bắt đầu trồng cây lương thực quanh nhà và trồng keo trên đất nương rẫy. Sau đó, một số hộ người Kinh ở các khu vực lân cận của huyện Nam Đông đã chuyển tới và sinh sống tại đây.

Xã Hồng Hạ được hình thành vào năm 1974, do một số nhóm di cư từ các xã (Hương Phong, A Đớt, Hồng Quảng, Bốt đỏ…), huyện lân cận (Nam Đông, Phong Điền) chuyển tới sinh sống [90]. Ban đầu, chỉ có 1 nhóm người Pahy (7 hộ) chuyển về sống tại gần UBND xã bây giờ (Thôn Pahy). Sau đó, các nhóm người Cơ Tu, Paco, Tà Ôi ở các xã, huyện khác di dời tới sống tại thôn Pahy và khu vực dọc sông, khe suối và khu vực đập Kate. Về sau các hộ dân tộc Kinh từ các huyện và tỉnh khác (Phong Điền, Quảng Trị, Nghệ An…) vào sinh sống. Đến năm 1982, chính quyền địa phương đã di dời các hộ dân về tái định cư dọc quốc lộ 49 để dễ quản lý và thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng.

Xã Hương Phú và Hương Phong được được thành lập theo Chương trình kinh tế mới năm 1975. Các hộ dân người Kinh sống ở các huyện đồng bằng và ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế được đưa về hai xã để tái định cư. Trong đó, các hộ thuộc huyện Phú Lộc, Phú Vang và Hương Thủy được chuyển lên xã Hương Phú định cư, các hộ của huyện Hương Thủy được chuyển lên Hương Phong sinh sống. Thời gian đầu, người dân tái định cư gặp rất nhiều khó khăn do đây là vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, chưa quen với cảnh quan và hệ thống sản xuất mới. Họ bắt đầu canh tác nương rẫy theo cách mà họ học được từ người DTTS. Nhiều hộ tại xã Hương Phong không chịu được điều kiện khó khăn đã phải bỏ vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1994, Chương trình 327 được triển khai đã đưa một số hộ đồng bào DTTS từ các xã khác của huyện Nam Đông về tái định cư tại xã Hương Phú. Năm 2012, một số hộ đồng bào DTTS tại các xã của huyện A Lưới được chuyển về xã Hương Phong sinh sống.

3.2.2. Thông tin cơ bản của 4 xã nghiên cứu

Xã Hồng Hạ và Thượng Lộ là xã miền núi khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn tương đối cao với 34,7% tại xã Hồng Hạ và 16,4% tại xã Thượng Lộ. Trong khi, Hương Phong và Hương Phú là hai xã bước đầu phát triển nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ít hơn nhiều với 5,1% (Hương Phú) và 2,4% (Hương Phong) (Bảng 3.2).

Xã Hương Phú và Hương Phong có số hộ dân tộc kinh chiếm đa số trong tổng số hộ của xã (xã Hương Phú: 97%; xã Hương Phong: 89,3%), còn lại một số ít là các hộ DTTS được chuyển từ các xã khác tới định cư. Ngược lại, đa số hộ DTTS sinh sống tại xã Thượng Lộ và Hồng Hạ (Thượng Lộ: 93%; Hồng Hạ: 91,4%) và một số ít còn lại là các hộ dân tộc Kinh (Bảng 3.2).

Các xã được lựa chọn nghiên cứu có đặc điểm giống nhau, đó là các xã miền núi có diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý bảo vệ lớn, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vườn hộ và nuôi trồng thủy sản ít (Bảng 3.2). Ngoài

các diện tích tự nhiên giao cho cộng đồng QLBV, diện tích rừng tự nhiên của các xã thuộc sự quản lý của UBND các xã và VQG Bạch Mã (Thượng Lộ và Hương Phú), BQLRPH A Lưới (Hương Phong), BQLRPH A Lưới và Khu BTTN Phong Điền (Hồng Hạ). Hương Phú và Hồng Hạ là hai xã có diện tích keo và cao su nhiều hơn hai xã còn lại. Đây cũng là hai xã thuộc các xã đầu tiên thực hiện trồng keo và cao su của hộ gia đình tại huyện Nam Đông và A Lưới. Xã Thượng Lộ và Hương Phong thực hiện trồng keo, cao su muộn hơn, đây cũng là những xã có diện tích cao su ít của hai huyện.

Đời sống của người dân tại 4 xã nghiên cứu phụ thuộc nhiều vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp mà chủ yếu là các hoạt động trồng rừng và làm thuê liên quan đến rừng trồng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn tồn tại và có ý nghĩa trong việc cung cấp lương thực phẩm cho người dân, đặc biệt là tại 2 xã có đa số hộ DTTS sinh sống (Hồng Hạ và Thượng Lộ). Riêng xã Hương Phú là xã có diện tích vườn hộ nhiều nhất trong 4 xã và đang thực hiện một số mô hình phát triển vườn hộ bằng cây ăn quả đặc sản của huyện Nam Đông. Xã Hương Phong ngoài hoạt động chủ yếu là trồng rừng, người dân còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bảng 3.2. Thông tin cơ bản của các xã nghiên cứu năm 2020

Hương Phú Hương Phong Thượng Lộ Hồng Hạ

1. Dân số và dân tộc

Tổng số hộ (hộ) 791 169 336 473

Số hộ nghèo (hộ) 9 2 16 92

Số hộ cận nghèo (hộ) 31 2 39 72

Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo (%)

5,1 2,4 16,4 34,7

Dân tộc thiểu số (hộ) 23 18 319 441

Tỷ lệ hộ DTTS (%) 2,9 10,7 94,9 93,2

Dân tộc Kinh (hộ) 768 151 17 32

Tỷ lệ hộ Kinh (%) 97,1 89,3 5,1 6,8

2. Hiện trạng sử dụng đất (ha)

Diện tích tự nhiên (ha) 7.962,18 8.115,6 10.646 14.100

Sản xuất nông nghiệp (ha) 240,00 6,70 123,10 277,90

Vườn hộ (ha) 73,60 1,50 23,00 3,10

Cao su (ha) 457,3 37,70 93,3 181,5

Ao hồ (ha) 7,20 5,10 3,40 5,10

Rừng trồng (keo) (ha) 2.626,61 1.112,13 320,45 1.520,13

Rừng tự nhiên được giao (ha) 610,086 2.802,860 2.505,561 1.794,100

Nguồn: Báo cáo KTXH, Báo cáo theo dõi DBR xã Hương Phú, Thượng Lộ, Hương

Phong và Hồng Hạ năm 2020

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi sử dụng đất lâm nghiệp đến sinh kế hộ gia đình ở miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(239 trang)