Nguy cơ chuyển đổi trái phép rừng tự nhiên để trồng rừng hộ gia đình

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi sử dụng đất lâm nghiệp đến sinh kế hộ gia đình ở miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 93 - 96)

CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.3. SỰ THAY ĐỔI SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP TẠI ĐỊA HUYỆN NAM ĐÔNG VÀ A LƯỚI

4.3.4. Nguy cơ chuyển đổi trái phép rừng tự nhiên để trồng rừng hộ gia đình

Việc lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng là hình thức chuyển đổi sử dụng đất cần được lưu ý tại huyện Nam Đông và A Lưới. Mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp, tuy nhiên, với sự hấp dẫn về lợi ích kinh tế của trồng rừng và sự ổn định về giá cả của sản phẩm từ rừng trồng, tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên để lấy đất trồng rừng vẫn diễn biến phức tạp và gây bất ổn trong công tác quản lý của ngành Lâm nghiệp [63]. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo theo dõi diễn biến rừng hàng năm từ 2006-2020 [54], trong giai đoạn này, huyện Nam Đông bị mất 156,68 ha rừng tự nhiên và huyện A Lưới mất 173,11 ha rừng tự nhiên do người dân phá rừng trái pháp luật, lấn chiếm rừng để trồng keo và để canh tác nương rẫy. Trong đó, giai đoạn 2011-2013 là những năm mà cả 2 huyện có diện tích rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm nhiều nhất, riêng năm 2013 huyện Nam Đông bị mất 36,51 ha và A Lưới bị mất 41,04 ha rừng tự nhiên (Biểu đồ 4.7).

Nguyên nhân của tình trạng trên là do trên địa bàn hai huyện triển khai nhiều công trình thủy điện (A Lưới, A Lin, A Roàng, Hương Điền,Thượng Lộ, Thượng Nhật), cùng với các công trình an ninh quốc phòng đã làm thu hẹp đất sản xuất của nhân dân. Ngoài ra, một số đối tượng phá rừng giành đất canh tác với mục đích nhận tiền đền bù khi các công trình triển khai. Hơn thế nữa, đây là khoảng thời gian triển khai thí điểm chương trình Giao rừng, cho thuê rừng tại hai huyện [67], vì vậy nhiều nhiều hộ gia đình cố tình

lấn chiếm đất trước khi rừng được giao theo kế hoạch. Thậm chí, một số hộ dân còn tỏ ra tiếc nuối vì trước đây không dám lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng keo như những người hàng xóm của mình, dẫn tới hiện nay gia đình không có diện tích keo. Một hộ nghèo xã Hương Phú nhớ lại: “Những ngày đầu thôn nhận quản lý rừng cộng đồng, nhiều người dân trong thôn ngang nhiên phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo. Nhà tôi thì không ai dám làm, cho nên bây giờ không có mảnh keo nào, đành đi làm thuê cho họ”.

Biểu đồ 4.7. Diện tích rừng tự nhiên bị mất hàng năm do bị phá và lấn chiếm tại

huyện A Lưới và Nam Đông [56]

Theo báo cáo của sở NN&PTNT (2021), tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên được thực hiện theo kiểu “tằm ăn lá”. Các khu vực rừng tự nhiên giáp ranh với rừng trồng người dân bị phát luỗng, ken cây rừng và trồng cây keo dưới tán rừng tự nhiên, dần dần

‟thay thế” rừng tự nhiên bằng rừng trồng, rất tinh vi và khó phát hiện [63].

Thực tế tại 4 xã nghiên cứu cũng cho thấy, có tới 43,4% người được phỏng vấn khẳng định đã và đang xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng keo. Người dân địa phương có nhiều cách để lấn chiếm rừng tự nhiên mà không để bị bắt hoặc bị truy tố hình sự. Thường thì một số vụ lấn chiếm trái phép xảy ra bằng cách phát rừng tự nhiên tiếp giáp với các lô keo của hộ gia đình mỗi năm một ít. Điều này rất khó phát hiện và xử lý vì diện tích bị xâm phạm nhỏ. Một số hộ còn chặt, khoanh vỏ cho cây rừng chết rồi phát để trồng keo. Việc lấn chiếm này ban đầu chỉ được thực hiện bởi một số hộ gia đình. Dần dần, người dân học hỏi lẫn nhau và hoạt động này trở nên khá phổ biến ở đa số các xã. Khi được hỏi nguồn gốc của các mảnh rừng trồng hộ gia đình là từ đâu, thì vẫn rất nhiều người dân thành thật rằng, ban đầu họ được chính quyền cấp một ít diện tích để trồng keo, sau đó họ

“phát thêm” một ít xung quanh rừng keo của mình. Diện tích này được cộng dồn nhiều năm có thể giao động từ vài ngàn mét vuông cho tới 1-2 hecta/hộ. Một số hộ lại cho rằng rừng keo của họ có được là nhờ phát “rừng lau lách” để có đất trồng keo.

2,09 11,91

7,58 35,89

41,04 41,04

10,71

4,83 5,12

3,06 2,36 1,87

5,61

1,31 2,65 4,69

16,40

0,75 2,22

7,91 33,44

36,51

6,15

7,41 12,59

5,83 3,43

7.25 12,10

2,35 3,24 0.00

5.00 10.00 15.00 20.00 25.00 30.00 35.00 40.00 45.00

2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022

Diện tích (ha)

Huyện A Lưới Huyện Nam Đông

Khi cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng keo, những người có điều kiện kinh tế muốn có đất trồng keo đã thuê người khác phát rừng tự nhiên với giá 3-7 triệu đồng/ha. Kết quả điều tra hộ cho thấy, có 9 người thuộc 4 xã nghiên cứu thừa nhận họ có nguồn thu nhập từ việc đi phát thuê rừng tự nhiên để trồng keo vào năm 2020, trong đó có 8 hộ là DTTS. Các hộ DTTS này chọn cách phát rừng tự nhiên thuê trái phép để lấy tiền thay vì phát rừng cho chính gia đình mình vì họ cần tiền cho nhu cầu trước mắt và sợ bị bắt. Những người này cho rằng khi phát rừng tự nhiên thuê cho người khác thì nếu có bị bắt người thuê sẽ chịu trách nhiệm và giải quyết cho họ (người thuê sẽ đưa tiền để nộp phạt). Theo đó, họ sẽ được thuê phát diện tích nhỏ để chỉ bị phạt tiền mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị phát hiện. Ngoài ra, còn có hiện tượng người đứng đầu sẽ thuê lại 2-3 mối trước khi thuê người chính thức phát rừng. Vì vậy khi bị phát hiện và tìm ra được người đứng đầu rất khó.

Các khu vực bị tác động nhiều nhất là những khu rừng giáp ranh với rừng sản xuất của hộ gia đình thuộc sự quản lý của BQLR phòng hộ, rừng đang tạm giao cho xã quản lý và đặc biệt là rừng cộng đồng. Mặc dù chính quyền địa phương, kiểm lâm và cộng đồng đã thực hiện nhiều hoạt động quản lý bảo vệ rừng, tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm rừng ngày càng tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát. Theo một nhóm trưởng nhóm quản lý rừng cộng đồng tại xã Hương phú, để hạn chế tình trạng lấn chiếm rừng cộng đồng, cơ quan chức năng đã tiến hành trồng mây và cây bản địa làm ranh giới giữa rừng cộng đồng và rừng sản xuất của hộ gia đình. Tuy nhiên, người dân địa phương đã bí mật nhổ bỏ những loài này và trồng keo thay thế. Khi những thành viên quản lý rừng cộng đồng phát hiện ra và đã nhổ bỏ những cây keo mới trồng này nhưng chỉ vài tuần sau cây keo lại được trồng lại ở chính những khu vực đó mà rất khó để bắt được đối tượng vi phạm.

Hiện nay khi đất ngày càng khan hiếm, đa số người dân địa phương xác định được quỹ đất tại địa phương không còn để cấp cho người dân, việc phát rừng tự phát để trồng keo là trái pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có tới 34,8% (154/443 hộ) có nguyện vọng có thêm đất trồng keo và có tới 14 hộ cho rằng để mở rộng diện tích rừng keo, họ sẽ phát trộm rừng tự nhiên bằng cách phát thêm một ít từng năm một.

Rừng trồng hộ gia đình bùng phát mạnh tại địa phương bắt đầu từ năm 2005 nhờ vào sự hỗ trợ của các chương trình phát triển rừng trồng. Sau đó, khi biết được giá trị kinh tế của rừng trồng, người dân địa phương đã chủ động tham gia và mở rộng diện tích rừng trồng của hộ, kể cả việc lấn chiếm rừng tự nhiên. Khi quỹ đất để trồng rừng ngày càng hạn chế thì rừng tự nhiên càng phải đối mặt với nguy cơ bị tác động, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng keo.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi sử dụng đất lâm nghiệp đến sinh kế hộ gia đình ở miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 93 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(239 trang)