Trong nền kinh tế thị trường, để Nhà nước có thể thực hiện chức năng cung ứng hàng hoá công cộng (văn hoá, giáo dục, quốc phòng...) và quản lý vĩ mô nền kinh tế, thực hiện đầu tư cho các ngành, các vùng cần phải có nguồn lực vật chất nhất định, nguồn lực đó có thể được hình thành từ thuế.
1.1. Khái niệm
Dưới bất kỳ xã hội nào, khi có nhà nước là phải có thuế, tùy cách tiếp cận khác nhau sẽ có khái niệm thuế khác nhau:
- Xét về góc độ nhà nước, thuế là một khoản thu của nhà nước đối với các tổ chức và một thành viên trong xã hội, khoản thu này mang tính bắt buộc, không hoàn trả trực tiếp và được pháp luật qui định.
- Xét về góc độ người nộp thuế, thuế là khoản đóng góp mang tính pháp lệnh của nhà nước, bắt buộc mọi người dân hoặc các tổ chức kinh tế đóng góp một phần thu nhập vào NSNN, để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước.
- Thuế là khoản chuyển giao thu nhập bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật qui định để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
Dưới góc độ lý thuyết, thuế thể hiện mối quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các chủ thể khác trong nền kinh tế. Thuế là mối quan hệ tiền tệ giữa Nhà nước với các pháp nhân và thể nhân trong quá trình tạo lập quĩ tiền tệ tập trung của Nhà nước phát sinh khi Nhà nước tham gia vào quá trình phân phối các nguồn tài chính quốc gia.
Dưới góc độ pháp lý, việc luật hoá các loại thuế về nội dung, trình tự và biện pháp thu là sự cụ thể hoá quyền lực của Nhà nước trong lĩnh vực thu thuế.
Dưới góc độ tác nghiệp chuyên môn, thuế là khoản chuyển giao thu nhập bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân cho Nhà nước theo một qui trình bao gồm các khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế và kiểm tra thuế.
Dưới góc độ quản lý vĩ mô, thứ nhất, thuế là nguồn tài chính để đảm bảo Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Thứ hai, thuế là một trong những công cụ kinh tế vĩ mô quan trọng của Nhà nước để quản lý, điều tiết nền kinh tế quốc dân.
1.2. Đặc điểm của thuế
Nghiên cứu về thuế, người ta thấy thuế có những đặc điểm riêng để phân biệt với các công cụ tài chính khác như sau:
Một là, việc chuyển giao thu nhập của các tầng lớp trong xã hội cho Nhà nước dưới hình thức thuế mang tính bắt buộc, phi hình sự. Tính bắt buộc, phi hình sự là thuộc tính cơ bản, vốn có của thuế, nó phân biệt thuế với các hình thức huy động tài chính khác của Nhà nước. Tính chất bắt buộc của việc chuyển giao thu nhập bắt nguồn từ những lý do sau: (1) hình thức chuyển giao thu nhập dưới hình thức thuế không gắn trực tiếp với lợi ích cụ thể của người nộp thuế, do đó không thể sử dụng phương pháp tự nguyện. (2) Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước là đảm bảo cung cấp dịch vụ công.
Để duy trì hoạt động này cũng cần phải có kinh phí, nhưng thu nhập từ việc cung cấp các hàng hoá, dịch vụ này không đủ bù đắp các chi phí do xuất hiện
"những người ăn không", những người không tự nguyện trả tiền cho việc thụ hưởng các dịch vụ công cộng. Do đó, để thực hiện được nhiệm vụ của mình, Nhà nước phải sử dụng phương pháp thuế để tạo nguồn tài chính cho mình.
Tuy nhiên, tính bắt buộc của thuế không có nội dung hình sự, nghĩa là hành
động nộp thuế không phải là hành động xuất hiện khi có biểu hiện phạm pháp, mà là hành động thực hiện nghĩa vụ của người công dân.
Hai là, chuyển giao thu nhập dưới hình thức thuế được thực hiện dựa trên những cơ sở, tiêu thức đã xác định trước. Đặc điểm này phản ánh sự chuyển giao thu nhập dưới hình thức thuế không mang tính chất tuỳ tiện mà dựa trên những cơ sở đẫ được xác định trước trong luật thuế. Những tiêu thức thường được xác định trước trong luật là: đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, mức thuế phải nộp, thời hạn cụ thể và những chế tài tài chính khác.
Ba là, chuyển giao thu nhập dưới hình thức thuế không gắn trực tiếp với lợi ích mà người nộp thuế nhận được từ việc thụ hưởng các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp, nghĩa là việc chuyển giao đó không được phép đặt ra điều kiện phải nhận được lợi ích cụ thể mới phát sinh chuyển giao.
Bốn là, việc chuyển giao thu nhập dưới hình thức thuế là một hình thức phân phối lại, vừa chứa đựng yếu tố kinh tế và xã hội. Nguồn thu nhập của thuế chính là các hoạt động kinh tế. Không có các hoạt động kinh tế thì sẽ không thể tạo ra được nguồn thu của thuế, ngược lại, việc đánh thuế tất yếu sẽ ảnh hưởng đến quá trình kinh tế – xã hội. Chính mối quan hệ này đặt cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý thuế sự cân nhắc cần thiết khi thực hiện đánh thuế.
1.3. Chức năng của thuế
Chức năng là cái vốn có chứa đựng bên trong của sự vật, qui định đặc tính, công dụng của sự vật. Thuế là một phạm trù tài chính, nó có những thuộc tính chung vốn có của các quan hệ tài chính. Tuy nhiên cũng có những chức năng riêng bắt nguồn từ tổng thể các mối quan hệ tài chính. Bàn về chức năng của thuế, có quan điểm cho rằng thuế có chức năng ngân khố và chức năng kinh tế. Cũng có quan điểm cho rằng thuế có chức năng ngân khố, kiểm tra và phân phối thu nhập. Hoặc cũng có người chia các chức năng của thuế thành
nhiều chức năng nhỏ hơn nữa như: chức năng kích thích, phân phối. Tuy nhiên, về cơ bản thuế có hai chức năng chủ yếu sau:
1.3.1. Chức năng huy động tập trung nguồn lực tài chính
Thuế ra đời với nhiệm vụ là phương tiện động viên nguồn tài chính cho Nhà nước. Đây là nguyên nhân nảy sinh ra thuế và là chức năng cơ bản của thuế. Chính chức năng này là tiền đề để Nhà nước tham gia phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân. Sự phát triển và mở rộng chức năng của Nhà nước đòi hỏi phải tăng cường chi tiêu tài chính, do đó chức năng huy động tập trung nguồn lực của thuế ngày càng được nâng cao.
1.3.2. Chức năng điều chỉnh
Thuế là công cụ huy động, tập trung nguồn lực tài chính và còn là công cụ điều tiết nền kinh tế hữu hiệu. Việc đánh thuế có tác động đáng kể đến các đối tợng nộp thuế. Bằng việc lồng ghép các mục tiêu điều chỉnh vĩ mô vào các sắc thuế, Nhà nước có thể thúc đẩy hay kìm hãm sự tăng trởng của các chủ thể kinh tế và nền kinh tế quốc dân. Thực hiện chức năng điều chỉnh thông qua việc qui định các hình thức thu thuế khác nhau, xác định đối tượng chịu thuế và nộp thuế, xây dựng các mức thuế phải nộp, trên cơ sở đó Nhà nước kích thích các hoạt động kinh tế phù hợp với lợi ích xã hội.
1.4. Phân loại thuế
Cho dù các chuyên gia thường nhấn mạnh đến tính đơn giản của hệ thống thuế, song trên thực tế điều đó không có nghĩa là hạn chế số lượng các sắc thuế. Thông thường có hai cách phân loại thuế:
1.4.1 Căn cứ vào khả năng dịch chuyển gánh nặng thuế: Gồm có thuế trực thu và thuế gián thu.
+ Thuế gián thu là loại thuế mà người trực tiếp nộp thuế không phải là ngời chịu thuế.
Ví dụ: thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Người kinh doanh nộp thuế nhưng người chịu thuế là người tiêu dùng vì thuế là một yếu tố cấu thành trong giá mua hàng, người kinh doanh chỉ là ngời nộp hộ mà thôi.
+ Thuế trực thu là loại thuế mà người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Thuế trực thu là thuế đánh vào thu nhập của người nộp thuế, như: thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế thu nhập doanh nghiệp.
1.4.2. Căn cứ vào cơ sở tính thuế thì thuế: thuế đánh vào thu nhập, tiêu dùng và giá trị tài sản.
- Thu nhập là khoản tiền nhận được do lao động, kinh doanh, đầu tư.
của cá nhân, tổ chức. Các sắc thuế có cơ sở tính thuế là thu nhập đợc gọi là thuế thu nhập. Nếu căn cứ vào chủ sở hữu thu nhập để đánh thuế thì có thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập công ty. Nếu căn cứ vào các loại thu nhập để đánh thuế thì có: thuế lương, thuế thu nhập chứng khoán, thuế thu nhập bất thường.
- Tiêu dùng thực chất là dùng một phần thu nhập được dùng để chi tiêu vào các hàng hoá và dịch vụ. Các sắc thuế đánh vào thu nhập dùng để chi tiêu mua sắm hàng hoá và dịch vụ được gọi là thuế tiêu dùng và là thuế gián thu.
- Tài sản, là những bất động sản, như: nhà máy, thiết bị, đất đai, đồ dùng lâu bền … Các sắc thuế có cơ sở đánh thuế là giá trị tài sản lưu giữ hay dịch chuyển gọi là loại thuế tài sản. Trong thực tế loại thuế tài sản bao gồm 2 loại thuế bất động sản và thuế động sản. Tuy nhiên hiện nay chủ yếu là thuế bất động sản.
1.5. Vai trò của thuế
Thuế là nguồn thu chủ yếu và lâu dài của ngân sách quốc gia. Ngân sách có thể huy động nguồn thu bằng nhiều cách khác nhau như đi vay, bán tài nguyên hay tài sản quốc doanh, nhận viện trợ, in tiền..., nhưng không có một nguồn thu nào mang tính chất bền vững và cơ bản như thuế. Như đã nêu, nếu nhà nước tài trợ phần lớn các khoản chi tiêu của mình bằng cách in tiền
hay buộc ngân hàng trung ương phải tạo thêm tiền thì có nguy cơ gây ra lạm phát vì chi tiêu của Chính phủ sẽ cộng thêm với chi tiêu của các hộ gia đình và khu vực doanh nghiệp, khiến cho tổng chi tiêu vượt quá giá trị sản lượng sản xuất ra tại mức giá ổn định.
Thuế là một công cụ tác động vào sự phân bổ nguồn lực trong xã hội.
Xét về mặt tiêu dùng, thuế đã phân bổ lại các nguồn lực từ cách sử dụng tư nhân sang cách sử dụng công cộng theo hai con đường. Thứ nhất, nó làm giảm thu nhập mà cá nhân có thể sử dụng để mua sắm hàng hoá và dịch vụ, tức là giảm khả năng đòi hỏi sử dụng các nguồn lực của họ. Thứ hai, doanh thu thuế mà Chính phủ thu được lại được dùng để cung cấp các hàng hoá và dịch vụ mà thông thường thị trường không cung cấp được một cách hiệu quả.
Nếu xét về mặt sản xuất, thuế có thể làm thay đổi quyết định đầu tư vào sản xuất của các hãng, chú trọng hơn đến các ngành được ưu đãi về thuế và rút dần khỏi các ngành đang phải chịu thuế cao. Như vậy, bằng công cụ đánh thuế, Chính phủ có thể thay đổi cơ chế khuyến khích đối với các hãng, nhờ đó có thể điều chỉnh được cơ cấu kinh tế theo định hướng của mình.
Thuế cũng còn là công cụ để phân phối lại thu nhập giữa các cá nhân trong xã hội. Thông qua thuế thu nhập, Chính phủ sẽ khấu trừ thu nhập của các cá nhân theo những tỉ lệ khác nhau. Sau đó, doanh thu thuế lại được sử dụng một phần cho các chương trình thanh toán chuyển nhượng nhằm trợ giúp cho người nghèo. Bằng cách này, Chính phủ có thể phần nào giảm bớt những bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội. Ngoài ra, thuế đánh vào hàng hoá còn tạo ra những gánh nặng thuế khác nhau cho các nhóm người khác nhau trong xã hội, vì thế cũng sẽ làm thay đổi tương quan phân phối thu nhập và lợi ích giữa các nhóm người khác nhau.