Chương 1: BỐI CẢNH VÀ TIỀN ĐỀ RA ĐỜI TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA AUGUSTINÔ
1.3. Tổng quan về tư tưởng triết học của Augustinô
Augustinô là triết gia sống cách xa chúng ta hơn 1500 năm. Đó là khoảng thời gian dài với hàng loạt những biến cố lớn, nhỏ của lịch sử cùng với sự tiến bộ vượt bậc của nhân loại về tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, điều đặc biệt là hầu hết các tác phẩm của Augustinô đã được lưu giữ rất cẩn thận bất chấp những hoàn cảnh không thuận lợi (dù có những thời điểm thời kỳ trung cổ bị bài xích gay gắt). Điều này liên quan mật thiết đến cuộc đời
Augustinô. Mặc dù là một giáo chủ (sáng lập và đứng đầu một tu viện) là linh mục rồi Giám mục nhưng Augustinô luôn phổ biến tác phẩm của mình cho đông đảo độc giả không giới hạn trong phạm vi tu viện hay tín đồ Kitô giáo.
Những tác phẩm của ông cũng được viết với lối hành văn đơn giản nhưng lại hấp dẫn, cuốn hút, đề cập trực tiếp đến nhiều vấn đề tình thần của con người, khiến độc giả cảm nhận được sự gần gũi của tác phẩm.
Thông qua hệ thống tác phẩm đồ sộ của mình, Augustinô đã “xây dựng một bức tranh hoàn hảo về thế giới, một bức tranh hoàn hảo tới mức trong suốt hơn tám thế kỷ phương Tây đã không thể tạo ra được một cái gì đó tương tự. Tác động của Augustinô đến sự hình thành và phát triển của tư tưởng thời trung cổ cũng toàn diện như học thuyết của ông” [27, tr.229].
Augustinô đã đề cập đến những vấn đề mới mẻ mang tính đột phá trong thời đại của ông và có giá trị trường tồn đến nay. Tư tưởng của ông được xem như một trong những nguồn mạch chính của tư tưởng phương Tây. Những vấn đề cơ bản của triết học Augustinô: quan điểm về Chúa trời, về con người, về chân lý, về sáng thế, về linh hồn, về cái thiện, về cái ác, về lịch sử... Trong mỗi vấn đề, Augustinô đều thể hiện sự suy tư rất sâu sắc và nghiêm túc. Điều đó thể hiện nhân cách, tầm trí tuệ, vị trí và ảnh hưởng của Augustinô đến tư tưởng phương Tây sau này.
Về chân lý: Đây là vấn đề được Augustinô quan tâm đặc biệt và cũng là mục tiêu Augustinô tìm kiếm suốt cả cuộc đời của mình. Trong cuốn Tự thuật, Augustinô đã trần tình những suy tư sâu sắc và sự gian nan trên con đường tìm kiếm chân lý. Từ việc say sưa với những học thuyết của giáo phái cuồng tín, rồi trải qua sự hoài nghi trước khi tìm được lối đi tìm kiếm chân lý của mình đó là tìm kiếm Chúa. Augustinô khẳng định có những loại chân lý hiển nhiên như 7 cộng 3 là 10, nhưng chân lý của tư tưởng thì không hoàn toàn đạt tới định lý số học như vậy. Theo ông, phải trải qua những sai lầm
mới có thể tìm kiếm được chân lý thực sự. Để có được chân lý thực sự thì cần phải vượt lên trên trực giác cảm tính, phải đi sâu vào nội tâm của chính mình - bởi chân lý vĩnh cửu là Chúa và Chúa ở trong sâu thẳm tâm hồn con người.
Augustinô cũng cho rằng, muốn đạt tới chân lý thực sự phải có được “tâm trí sáng láng” và có sự “rọi sáng” của Chúa.
Về Chúa trời: Tư tưởng về Chúa trời được xem là vấn đề hiển nhiên trong triết học của Augustinô - một nhà giáo phụ học của Kitô giáo.
Augustinô đã đưa ra những lập luận về sự tồn tại của Chúa trời. Ông khẳng định Chúa là Đấng toàn năng, toàn thiện, hoàn hảo nhất đứng trên mọi sự, làm nên mọi sự, ở ngoài không gian và thời gian, tồn tại vĩnh hằng. Theo Augustinô, Chúa trời cũng là nhân cách tối cao, là nguồn sống cho mọi linh hồn con người, Chúa ẩn sâu trong linh hồn (Chúa thông qua linh hồn và linh hồn thông qua Chúa). Do đó, muốn tìm kiếm Chúa thì phải đi sâu vào linh hồn, vào cái tôi của mình: “Chúa ở trong con” - điều này đã được lý giải trong nhiều tác phẩm của ông, đặc biệt là tác phẩm Tự thuật.
Về sáng thế: Theo Augustinô sự sáng thế là sự hiện thực hoá các ý niệm của Chúa trời. Chúa sáng tạo ra thế giới vạn vật và con người thông qua Ngôi lời (Logos). Chúa sáng thế mọi thứ từ hư vô, khi chưa có thời gian và không gian. Thời gian và không gian chỉ hình thành sau khi sự sáng thế hoàn tất. Không gian và thời gian gắn liền với sự vật, hiện tượng và sự biến đổi của chúng. Như thế, Augustinô đã đi đến khẳng định, chỉ có Chúa trời là hằng cửu, còn mọi thứ đều hữu hạn.
Về linh hồn: Quan niệm về linh hồn được xem là nội dung chủ đạo trong học thuyết triết học của Augustinô. Augustinô đã đi sâu suy tư phân tích về linh hồn và đưa ra nhiều quan điểm mang tính sáng tạo. Trong tác phẩm Tự thuật, Augustinô đã cho thấy trình độ am hiểu nội tâm con người với sự phân tích diễn biến tâm lý, những mâu thuẫn trong tâm hồn. Theo Augustinô,
con người là một thể thống nhất có linh hồn và thể xác, trong đó, linh hồn làm chủ và điều khiển thể xác. Augustinô cho rằng, linh hồn chính là “cái tôi”, tồn tại độc lập và hiện thực. Linh hồn vừa là giá đỡ của chân lý, vừa là cái có thể gây sai lầm.
Về cái thiện: Trong học thuyết triết học của mình, Augustinô đã luận chứng cái thiện toàn hảo nhất và vĩnh cửu chính là Chúa. Do đó, con người hướng tới Chúa là hướng tới sự thiện hảo tối hậu. Con người cần tuân theo ý Chúa, tuân theo những điều răn trong Kinh thánh để hướng tới sự an bình, hạnh phúc. Tuy nhiên, Augustinô cũng phủ nhận việc con người lệ thuộc vào ý chí của Chúa một cách bất di bất dịch. Con người có tự do. Con người thể hiện sự tự do của mình qua ý chí và tình yêu (nhưng đó là tình yêu chân chính và khát vọng chân chính). Tình yêu chân chính là hướng đến sự thiện hảo (Chúa) và con người sẽ có được hạnh phúc.
Về Nước trời: Trong học thuyết triết học của mình, Augustinô đã dành cho quan niệm về “nước trời” (nước Chúa) một sự quan tâm đặc biệt và dung lượng tác phẩm không nhỏ. Trong đó, nổi bật nhất là tác phẩm Thành đô của Chúa. Theo Augustinô, có hai nhà nước cùng song song tồn tại là nhà nước trần gian và nước trời. Trong đó, nhà nước trần gian được thiết lập trên cơ sở trật tự tự do của con người, là nơi làm ra của cải, là nơi của đam mê, của sự thưởng thức những “hoa thơm quả ngọt” của thế gian. Nước trời được xây dựng từ những con người suốt đời tuân thủ những quy định vĩnh hằng của Chúa trời, và được sắp xếp theo trật tự tinh thần của Chúa. Các công dân ở nước trời do Chúa lựa chọn. Từ đó, Augustinô cho rằng, sự phát triển của lịch sử thực chất là sự đấu tranh của hai nhà nước, sự đấu tranh giữa thiện và ác.
Cái thiện nhất định chiến thắng vì Chúa nhất định thắng.
Kết luận chương 1
Học thuyết của Augustinô là sự kết hợp có chủ đích, là sự tổng hợp tích cực giữa tri thức triết học Hi Lạp cổ đại (điển hình là tư tưởng của Platon và phái Platon mới) với tư tưởng Kitô giáo và triết học đương thời. Với hệ thống tác phẩm triết học đồ sộ của mình, Augustinô đã đề cập đến nhiều vấn đề triết học sâu sắc, trong đó vấn đề con người được ông luận chứng rất độc đáo, là cơ sở cho quan niệm của triết học trung cổ về con người và có nhiều luận điểm vẫn nguyên giá trị đến ngày nay. Hệ thống tư tưởng của Augustinô trở thành trụ cột của Kitô giáo mọi thời đại, đồng thời cũng chính là cơ sở cho sự khẳng định của Kitô giáo đối với ngoại giáo. Thậm chí, Augustinô còn là ông tổ khởi nguồn của nhiều trào lưu triết học, thậm chí cả văn học sau này. Tư tưởng của Augustinô và thời trung cổ nói chung đã lùi vào quá khứ, chúng ta không thể đặt mục đích tái hiện “một thiên đường đã mất” nhưng cũng không thể lãng quên những giá trị tư tưởng quý báu của một thời đại. Tóm lại, những giá trị về suy tư triết học sâu sắc của các triết gia trung cổ nói chung và Augustinô nói riêng cũng cần được nghiên cứu, kế thừa và bổ sung trong bối cảnh lịch sử mới.