Hướng đến Thiên Chúa

Một phần của tài liệu Quan niệm của Augustinô về con người và ảnh hưởng của nó đến triết học hiện sinh của Karl Jaspers (Trang 54 - 66)

Chương 2: QUAN NIỆM CỦA AUGUSTINÔ VỀ CON NGƯỜI

2.2. Con đường đi đến hạnh phúc và tự do thực sự của con người

2.2.2. Hướng đến Thiên Chúa

Quan niệm về linh hồn phần trọng tâm nổi bật trong học thuyết về con người của Augustinô. Augustinô không bỏ qua con người tự nhiên nhưng ông không coi trọng và hầu như không nhắc đến con người tự nhiên mà đặc biệt chú ý “con người bên trong” (linh hồn). Theo Augustinô, linh hồn là thứ cao quý vì đó là cầu nối để con người đến gần Đấng tối cao: Chúa thông qua linh hồn và linh hồn thông qua Chúa, là quan điểm cơ bản nhất trong học thuyết về linh hồn của Augustinô. Con người vẫn luôn tiềm ẩn những bí mật. Nhưng thường thì người ta ngại nói về chính mình, ngại tìm hiểu về mình. Trước Augustinô, ít có triết gia đi sâu tìm hiểu về cái tôi. Việc tìm hiểu thế giới bên ngoài thường có sức thu hút hơn nhằm mục đích đáp ứng những nhu cầu cấp thiết cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, theo Augustinô, điều đó là chưa đủ, con người cũng cần thiết khai phá chính mình. Con người nhận thức chính mình là luận điểm sáng tạo của Augustinô: “Có những người ngạc nhiên trước những ngọn núi cao, những làn sóng biển lớn, những khúc sông dài, những bãi quanh co của Đại Tây dương, những đường vòng tròn của tinh tú, mà không để ý gì đến bản thân họ” [1, tr.580].

Cùng với yêu cầu tự nhận thức, Augustinô cũng khẳng định, con người luôn phải hướng đến Chúa. Chúa được xem như là mẫu hình nhân cách lý tưởng, đồng thời cũng chính là chân lý, là cái thiện hoàn hảo vĩnh hằng. là

ánh sáng soi đường: “Ôi! Chân lý vĩnh cửu! Ôi, tình bác ái chân thật! Ôi! sự vĩnh cửu mến yêu!” [1, tr.438]. Theo Augustinô, con người được tạo dựng mô phỏng theo mẫu hình lý tưởng là Chúa trời. Do đó, con người có vị trí đặc biệt, như là một nhân cách bên cạnh Chúa. Con người xứng đáng được hưởng tự do và hạnh phúc. Augustinô cho rằng, hạnh phúc và tự do đích thực của con người chỉ có được khi hướng đến Chúa, hướng đến cái thiện xa rời cái ác.

Nhưng vấn nạn đặt ra là hướng đến Chúa bằng cách nào?

Theo Augustinô, con đường duy nhất hướng đến Chúa là thông qua linh hồn và quá trình đào sâu cái tôi của mỗi cá nhân. Chúa và linh hồn con người có sự liên hệ mật thiết: “Chúa ở trong con, sâu hơn tâm hồn con, sâu hơn thâm tâm con, sâu hơn trí tuệ con” [1, tr.283]. Do đó, Augustinô cho rằng nhận thức về Chúa trời, về cái thiện thực chất là sự tự nhận thức. Con đường tiến đến Chúa là con đường con người tự đào sâu cái tôi của chính mình.

Augustinô đã kêu gọi “Hỡi tội nhân hãy trở lại với tâm hồn mình và hãy kết hợp với Người, là Đấng đã dựng nên ngươi”[1, tr.306].

Con người bao gồm thể xác và linh hồn (con người bên trong). “Cái tôi” chính là con người bên trong. Liệu con người có thể tin tưởng vào con người bên trong như một cách để tiếp cận Thiên chúa? Theo Augustinô,“cái tôi” là thực thể tồn tại thực và con người có thể tin tưởng được, đó là chỗ dựa tin cậy để con người tìm kiếm Chúa. Để chứng minh cho sự hiện thực của cái tôi, Augustinô đã đưa ra luận điểm nổi tiếng “Tôi mắc sai lầm, vậy tôi là tôi”

(Si enim fallor, sum) - (If I am mistaken, I am) [2, tr.236]. Mệnh đề của Augustinô khiến chúng ta liên tưởng đến mệnh đề nổi tiếng của Descartes sau này “Tôi tư duy, vậy tôi là tôi” (Cogito, ergo sum). Với mệnh đề này, Augustinô muốn chứng minh rằng, tôi lừa dối, tôi mắc tội lỗi là minh chứng hiển nhiên cho sự tồn tại hiện thực của tôi. Nếu như tôi không tồn tại hiện thực thì tôi không thể mắc sai lầm. Tôi không thể mắc sai lầm nếu không có

tôi. Và khi tôi mắc sai lầm như thế là “tôi” tồn tại. Luận điểm này là cơ sở luận chứng con đường tự nhận thức của Augustinô. Khi con người nhận thức được “cái tôi” của chính mình thì con người cũng bắt gặp Chúa.

Tuy nhiên, quá trình đi sâu vào linh hồn, vào cái tôi của chính mình tưởng như dễ dàng lại trở nên vô cùng gian nan và đầy mâu thuẫn. Đó là con đường đầy chông gai và thực sự là một cuộc tìm kiếm “ánh sáng” ở nơi sâu kín nhất. “Cái tôi” bí ẩn, vốn dĩ là nơi mà con người muốn che giấu nhất, vì nó thể hiện “trần trụi” những điều bí mật của bản thân mỗi người. Trong cuộc sống con người thường có xu hướng lừa dối “cái tôi” - con người bên trong, con người thật của mình. Những diễn biến nội tâm phức tạp trong việc đào sâu “cái tôi” bí ẩn và sâu thẳm, khiến Augustinô đã phải thốt lên: “Ai đã tới thâm cung của nó? Và sức mạnh đó là của tâm hồn con, và thuộc về bản tính con, mà chính con không có quan niệm toàn diện về con” [1, tr.579].

Augustinô đã khám phá ra một vấn nạn, con người luôn lớn hơn những gì họ có thể biết được. Sau này, Jaspers đã kế thừa quan niệm của Augustinô khẳng định con người luôn là một bí ẩn hơn những gì bản thân họ thường thấy. Sự bí ẩn của con người, đặc biệt là cái tôi của con người cho đến ngày nay vẫn là

“miền đất hứa” cho tất cả các khoa học nghiên cứu về con người. Do đó, đối diện với bản thân mình con người cũng vô cùng choáng ngợp. Vì thế không phải là không có cơ sở khi nhiều triết gia cổ đại cho rằng con người là “tiểu vũ trụ”. Sự so sánh như vậy đã thể hiện sự huyền bí và lớn lao của con người.

Mặc dù cái tôi thăm thẳm và bí ẩn nhưng Augustinô khẳng định, linh hồn có khả năng nắm bắt chính mình. Tuy nhiên đi sâu vào cái tôi đòi hỏi sự thành thật, trung thực, dũng cảm, ý chí mạnh mẽ, tình yêu, sự khiêm tốn, niềm tin và hy vọng.

Sự thành thật, trung thực chính là quá trình làm trong sạch suy nghĩ bằng sự tập trung nội tâm, dẹp bỏ lòng tự ái bằng sám hối, vượt qua những cám dỗ của thể xác - nghĩa là phải vượt qua những năng lực gắn bó với thể xác, tiến tới ký ức. Thể xác với những đam mê (đam mê con mắt, đam mê ăn uống, đam mê khứu giác...), sẽ làm cản trở quá trình nhận thức cái tôi. Việc đi vào ký ức của cái tôi để tìm kiếm Chúa của Augustinô có sự ảnh hưởng từ quan niệm “hồi tưởng” của Platon trong học thuyết ý niệm.

Tiến đến miền ký ức, Augustinô cho rằng lúc này con đường chông gai chỉ mới bắt đầu. Ký ức thực sự là một biển mênh mông vô tận, mà Augustinô ví giống như “những toà nhà mênh mông”, “những hang hốc”, “hầm hố”... tạo thành những trở ngại to lớn trên con đường tìm kiếm chính mình và hướng đến Chúa. Chúa ở đâu trong ký ức? Ký ức có phải là nơi Chúa ẩn mình?

Augustinô khẳng định, Chúa ở trong ký ức, ở nơi tầng sâu thẳm của linh hồn.

Ký ức là cơ sở đáng tin cậy để tìm kiếm Chúa. Những trở ngại trong việc đào sâu cái tôi chỉ là thử thách của chính “tôi” khi tôi đi tìm kiếm Chúa và tìm kiếm chính mình. “Con sẽ vượt qua năng lực của con, mà người ta gọi là ký ức, để đi tới Chúa... Con sẽ nhờ linh hồn con mà đi lên tới Chúa” [1, tr.594].

Tính bí ẩn và sự phức tạp trong nội tâm của con người được Augustinô so sánh như biển sâu, như vực sâu: “Con người thật là một vực sâu thăm thẳm, mà các sợi tóc đã được Chúa đếm cả, và không một sợi nào hư đi nơi Chúa; tuy nhiên, các sợi tóc của nó dễ đếm hơn là tình tứ của nó và các cảm kích của con tim nó” [1, tr.311]. Con người bên ngoài (thân xác) là cái dễ nắm bắt, nhưng con người bên trong với những suy tư sâu kín, với ý chí, sự nồng nhiệt của con tim thì không dễ dàng nắm bắt được. Theo Augustinô, thực chất những trở ngại trong cuộc đào sâu cái tôi của chính mình cũng do chính con người tự giăng ra. Những ý muốn xấu, những ham mê xác thịt, những lôi kéo của thói quen,... tất cả là sản phẩm của chính tâm tưởng con người thể hiện sự

giằng co, phân vân trong lựa chọn. Con người cần vượt qua những trở ngại của dục vọng và chiến thắng nỗi sợ hãi. Nghĩa là, cần có sự dũng cảm vượt lên chiến thắng chính mình, tìm thấy bản thân mình và hội ngộ với Chúa.

Theo Augustinô, để chiến thắng những trở ngại trên con đường đào sâu cái tôi, con người cần dựa vào những động lực nội tại của chính mình: đó là tình yêu, ý chí, niềm tin. Tình yêu chính là “lực hút” đưa con người tới những sự lựa chọn: “Lực hút của con là tình yêu của con. Con đi đâu là do nó đưa đi” [1, tr.766]. Tình yêu mà Augustinô nhắc đến trong các tác phẩm của mình, bao gồm hai loại tình yêu: tình yêu thiêng liêng, cao thượng và tình yêu đam mê ( tình yêu xác thịt, nhục dục...). Augustinô không hoàn toàn phủ nhận tình yêu đam mê, nhưng khuyên con người chỉ dừng lại ở giới hạn vừa đủ.

Tình yêu thiêng liêng cao thượng, là tình yêu được Augustinô hết lòng ca ngợi. Đó mới là động lực giúp con người tiến tới Chúa. Chúa yêu thương con người và ban cho con người nhiều đặc ân. Do vậy, tình yêu thiêng liêng là tình yêu hướng đến Chúa. Đó phải là tình yêu xuất phát từ sự trinh khiết của tâm hồn, từ con tim trong sạch (không có dục vọng) và sự thanh thản của nội tâm. Đó là tình yêu toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức: “Chúng ta hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn của chúng ta” [1, tr.760].

Như vậy, tình yêu chính là động lực quan trọng thúc đẩy con người hành động. Tình yêu có thể đưa con người đến những điều tốt đẹp nhưng mặt khác, tình yêu có thể đưa con người đến những đam mê. Sau này Jaspers đã nhận xét Augustinô là một triết gia của tình yêu (cùng với Platon, Spinoza, Kierkegaard...). Augustinô cho rằng, tình yêu là phẩm chất phổ biến và vốn có của mỗi con người. Tình yêu là động lực của những điều thiêng liêng, tốt đẹp nhưng đồng thời tình yêu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn con người đến cái ác và tội lỗi [xem thêm 36, tr.95 – 99]. Do đó, con người cần

biết hướng tình yêu của mình đến mục đích đúng đắn để có những hành động đúng đắn.

Theo Augustinô, tình yêu cũng là liều thuốc cứu chữa linh hồn và giúp đỡ những linh hồn khác tiến đến Chúa. Với khía cạnh này, tình yêu được xem là tình bác ái. Theo Augustinô, hướng đến Chúa cũng là hướng đến sự thiện hảo, sự cứu vớt, sự bác ái. Nghĩa là, con người cần có tình yêu dành cho những người khác: “Chúng con thương những kẻ thiếu thốn, cứu giúp họ, đỡ đần họ (...), sự giúp đỡ này không chỉ bằng việc dễ, mà bằng cả sự bênh vực, sự đỡ đần mạnh mẽ (...) cứu rỗi những kẻ bị tấn công khỏi tay những người quyền thế, để cung cấp cho họ bóng mát chở che, thế lực mạnh mẽ của đức công bình chính trực... Không khinh chê những kẻ cùng nòi giống với chúng con” [1, tr.807].

Tình bác ái mà Augustinô nói tới còn hàm nghĩa đó là sự bình đẳng của con người trước Chúa: “Chúa đã dựng nên loài người có nam, có nữ; nhưng về phương diện ơn nghĩa, trong các trật tự thiêng liêng thì không có khác biệt giữa giới nam hay nữ, cũng như không có người Do Thái, người La Mã, người nô lệ, hay người tự do” [1, tr.825]. Tuy nhiên, Augustinô mới chỉ nhắc đến sự bình đẳng của con người trước Chúa chứ chưa phải là sự bình đẳng theo đúng nghĩa của nó.

Ngoài sự trung thực, thành thật và tình yêu, Augustinô luôn đề cao ý chí của con người, xem đó là nguồn sức mạnh, là phẩm giá của con người.

Phẩm chất này giúp con người trở thành nhân cách bên cạnh Chúa trời. Nhờ sự tự do của ý chí, con người có khả năng lựa chọn giữa thiện và ác. Tự do ý chí không phải là sự tự do phóng túng mà sự tự do lựa chọn trong giới hạn những quy phạm đạo đức, những điều răn của Chúa trời. Ý chí có thể dẫn con người đến cái thiện nhưng cũng có thể đưa con người đến con đường tội lỗi.

Bản thân nội tâm con người luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai thái cực. Để

có được hạnh phúc và bình an con người phải cố gắng hướng ý chí của mình đến cái thiện. Cái thiện hoàn hảo nhất chính là Chúa trời - Đấng tối cao có khả năng đem lại hạnh phúc cho con người. Ý chí cần phải được rèn luyện và luôn kiên định, được chế áp bởi những lời răn của Chúa, lòng kính sợ Chúa, niềm tin và hy vọng vào Chúa.

Cùng với tình yêu, ý chí hướng đến Chúa, con người cần tạo nên niềm tin và hy vọng vào sự cứu rỗi của Chúa để có được hạnh phúc vĩnh hằng ở

“Thành đô của Chúa”. Con người khát khao hạnh phúc, cuộc sống bình yên vì những biến động bất ngờ của cuộc sống, những rủi ro rình rập... “Nếu người ta hỏi hai người: Có muốn đi lính không? Thì có thể là một trong hai người sẽ thưa là muốn và người kia là không muốn. Nhưng nếu hỏi họ: có muốn hạnh phúc không? Thì lập tức, không chút lưỡng lự, cả hai đều nói là

“muốn”... Người ta theo đuổi hạnh phúc, kẻ thì qua lối này, người thì qua lối nọ, nhưng mục đích chung mà mọi người đều cố đạt tới là được vui sướng”

[1, tr.602].

Augustinô cho rằng, con người có thể sống ở hai thành đô: “Thành đô trần gian” và “Thành đô của Chúa”. Thành đô trần gian và thành đô của Chúa là hai thành đô được hình thành từ hai tình yêu. Tình yêu Chúa và lòng mộ đạo chân chính sẽ làm nên thành đô của Chúa. Tình yêu đam mê sẽ hình thành nên thành đô trần gian. Công dân của hai thành đô cũng khác nhau: một bên là những người mộ đạo, toàn tâm toàn ý với Chúa, sống đạo đức theo lời răn của Chúa, hướng tới sự bình an mà Chúa đã sắp đặt... và một bên là những người bị khước từ, sống trong đam mê, dục vọng và ý chí vô đạo đức [xem thêm 2, quyển 15 - 19]. Người cai quản thành đô của Chúa là Chúa trời còn cai quản thành đô trần gian là “ma quỷ”. Augustinô đã gọi thành đô trần gian là “nước ma quỷ”. Thực ra, hình ảnh “ma quỷ” chỉ là hình ảnh ẩn dụ trong

cách nói về thần linh ngoại đạo của những người Kitô hữu, và Augustinô cũng sử dụng với ý nghĩa này.

Thành đô trần gian trong quan niệm của Augustinô không hoàn toàn đồng nhất với xã hội trần gian. Thành đô của Chúa có tiền thân là Giáo hội Kitô giáo chân chính. Augustinô cho rằng, thành đô của Chúa biểu hiện ở hình ảnh Giáo hội Kitô giáo nhưng không hoàn toàn đồng nhất với Giáo hội Kitô giáo, vì trong giáo hội vẫn có những thành viên không bao giờ biết đến sự lựa chọn của Chúa. Trong quan niệm của Augustinô, thành đô trần gian và thành đô của Chúa có sự đối lập gay gắt, không thể dung hoà. Đó cũng chính là sự đối lập của cái thiện với cái ác. Tuy nhiên, ranh giới giữa hai thành đô rất khó xác định. Thành đô của Chúa tồn tại song song cùng thành đô trần gian, nhưng chỉ những người công chính mới có thể đi vào.

Thành đô trần gian mặc dù là nơi tạo ra của cải vật chất nhưng đó không phải là nơi con người có thể có hạnh phúc thực sự. Theo Augustinô, hạnh phúc nơi trần gian chỉ mang hình dáng của hạnh phúc. Khi lý giải vấn đề này Augustinô cho rằng, xã hội trần gian là nơi đầy rẫy những tội lỗi và những đam mê đối lập với sự hạnh phúc và công bằng trong thành đô của Chúa. Do đó, con người cần hướng tới Chúa, phải cố gắng để trở thành công dân của thành đô của Chúa. Như thế mới có thể trở thành người được Chúa lựa chọn và có hạnh phúc đời đời.

Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu rỗi con người, mang lại hạnh phúc cho con người. Chúa là người dẫn dắt, soi sáng và thanh lọc tâm hồn: “Chúa đã nhìn thấy sự chết sâu thẳm của con và với cánh tay phải của Chúa, Chúa đã tát cạn một vực sâu hư hoại từ đáy lòng con” [1, tr.507]. Vì chỉ có Chúa mới biết được ai là người được chọn được hạnh phúc đời đời, ai phải chịu đầy ải.

Do đó, sự lựa chọn duy nhất là hướng theo Chúa, làm theo ý Chúa.

Một phần của tài liệu Quan niệm của Augustinô về con người và ảnh hưởng của nó đến triết học hiện sinh của Karl Jaspers (Trang 54 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)