Chương 2: QUAN NIỆM CỦA AUGUSTINÔ VỀ CON NGƯỜI
2.2. Con đường đi đến hạnh phúc và tự do thực sự của con người
2.2.3. Một vài đánh giá về quan niệm con người của Augustinô
Augustinô được xem như một trong những vị giáo phụ vĩ đại nhất.
Thành tựu triết học và ảnh hưởng của Augustinô đối với tư tưởng phương Tây, đặc biệt đối với Kitô giáo phương Tây khó ai có thể sánh bằng. Chính Augustinô đã xây dựng một hệ hình La Tinh mới từ học thuyết toàn diện của mình. Học thuyết triết học của Augustinô được xây dựng từ sự kế thừa di sản của triết học Hi La cổ đại, kết hợp với một tâm hồn đặc biệt và một hoàn cảnh đặc biệt, hình thành chiếc cầu nối triết học cổ đại với triết học trung cổ. Với những đóng góp to lớn và tầm ảnh hưởng sâu rộng, học thuyết của Augstinô là một trong những bằng chứng hùng hồn chứng minh giai đoạn trung cổ không phải là giai đoạn thụt lùi của lịch sử phương Tây.
Xuất hiện trong thời kỳ hoàng kim của các giáo phụ nhưng Augustinô
“đã phải vượt lên trên ba lần khủng hoảng; thứ nhất là khủng hoảng của chính đời ông, kế đó là khủng hoảng của giáo hội và cuối cùng là khủng hoảng của đế quốc” [37, tr.127]. Trải qua những hoàn cảnh đặc biệt, Augustinô đã trở thành một triết gia “đầy ắp mâu thuẫn, những cái ngoắt ngéo trong nhân cách thiên phú được ném vào một thế giới kỳ lạ, đang tan rã của nền văn hoá La Mã” [4, tr.205]. Chính những khủng hoảng của cuộc đời và của thời đại đã hun đúc nên một triết gia với tâm hồn đầy ắp suy tư, bí ẩn và sáng tạo. Bất chấp hoàn cảnh lịch sử, học thuyết triết học của Augustinô bao quát nhiều
lĩnh vực, với những suy tư sâu sắc và những quan điểm mang tính chất đặt nền móng cho hệ tư tưởng phương Tây sau này.
Augustinô đã trực tiếp hướng triết học của mình vào con người, đặc biệt là “con người bên trong” (cái Tôi). Quan niệm của Augustinô nhằm chỉ ra sự thái quá và bổ sung cho sự duy lý trong tư tưởng của thời cổ đại. Các nhà tư tưởng cổ đại mải mê tìm hiểu về thế giới, về vũ trụ, vạn vật nhưng lại xem nhẹ lãnh hạt của “cái tôi”. Trong học thuyết triết học của Augustinô, quan niệm về con người là một thành tựu tiến bộ so với triết học cổ đại, là một bước đột phá với hình ảnh con người cá nhân - như một nhân cách sống động, độc đáo. Augustinô khẳng định con người là một nhân cách (kể cả trẻ em), có một cấu trúc phức tạp gồm các phương diện đạo đức, tồn tại. Lần đầu tiên tính độc đáo, giá trị và tự do của bất kỳ nhân cách nào, tính trách nhiệm của nó trước mọi người và trước Chúa về những hành vi của mình, được kiến giải một cách vô cùng chính xác theo quan niệm của Thiên Chúa giáo [xem thêm 42, tr.43].
Augustinô đã không ngần ngại say mê nói về “con người bên trong - cái tôi”. Những lời Tự thuật thẳng thắn và chân thật với Chúa, ông đã phơi bày tất cả những diễn biến sâu kín trong nội tâm, những dằn vặt, mâu thuẫn, những đam mê, tội lỗi và những phút giây đấu tranh, thức tỉnh và hồi tâm. Tất cả những sự thật “trần trụi” được Augustinô triển khai một cách logic, nhưng thấm đẫm tính nhân văn. Thực sự, Augustinô đã mở ra cả một thế giới của
“cái tôi” đầy bí ẩn. Với việc khai mở cái tôi, bản thân Augustinô đã thể hiện một sự dũng cảm của một nhân cách độc đáo. Khát vọng nhận thức chính mình và thông qua linh hồn tiến đến Chúa - sự toàn thiện, toàn hảo là đóng góp quan trọng của Augustinô.
Theo Augustinô, mục đích của cuộc sống của con người là làm thế nào có được hạnh phúc và sự tự do thực sự. Với bối cảnh thời đại, ông khẳng
định, con người là nhân cách được mô phỏng theo hình mẫu lý tưởng của Chúa, là trung tâm của sự sáng tạo, con người được đứng trên các sự vật khác.
Con người không phải là “nô lệ” của Chúa một cách thụ động, vì con người có tự do ý chí. Theo Augustinô, sự tự do ý chí của con người thể hiện trong việc tự do lựa chọn giữa thiện và ác. Thiện là làm theo ý Chúa. Ác chính là sự tự ý của con người đi chệch ý Chúa, tạo nên những tội lỗi. Con người hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình, phải dũng cảm đối diện với cái tôi để tìm ra chân lý. Giá trị lớn nhất của cuộc đời con người là hướng tới điều thiện và kiếm tìm hạnh phúc. Augustinô khẳng định, Chúa là sự toàn thiện ở trong sâu kín mỗi con người. Để hướng đến cái thiện con người cần đào sâu cái tôi để trở về với bản tính tốt đẹp vốn có. Khi con người nhận thức được chính mình thì cũng tiến được tới Chúa của mình. Con người cần khẳng định bản lĩnh của ý chí, dũng cảm lựa chọn và tự quyết định cuộc sống của bản thân, vững tin vượt qua thử thách. Cuộc đời Augustinô là một minh chứng đặc biệt cho những luận điểm về con người của ông: bản thân ông đã quyết định táo bạo trong sự lựa chọn con đường từ một “tội nhân” trở thành một vị thánh.
Trên cơ sở quan niệm về con người với tư cách công dân, Augustinô đã đưa ra hình ảnh hai thành đô: thành đô trần gian và thành đô của Chúa. Từ quan niệm về hai thành đô, Augustinô đã đưa ra quan niệm về lịch sử. Ông cho rằng, sự phát triển của lịch sử là cuộc đấu tranh giữa hai thành đô, giữa thiện và ác, đi từ sự chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. “Augustinô đã đưa ra một cái nhìn tổng quát đầy ý nghĩa về lịch sử thế giới, được xem như cuộc giao chiến lớn, từ buổi đầu cho tới ngày nay, giữa không tin và tin, khiêm tốn và kiêu ngạo, tình yêu và quyền lực, cứu độ và hư mất” [37, tr.163]. Sự phát triển của lịch sử và xã hội loài người đều được “thực hiện trong mâu thuẫn và thông qua mâu thuẫn” và là “quá trình từ kém hoàn thiện tới hoàn thiện hơn”,
đó được xem là những luận điểm có ý nghĩa lịch sử của Augustinô. Đặc biệt, Augustinô cũng đề cập đến hình ảnh con người là trung tâm của sự phát triển lịch sử.
Tóm lại, quan niệm về con người được Augustinô suy tư sâu sắc và sáng tạo. Augustinô đã đề cập đến nhiều vấn đề có ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Augustinô đã đề cập đến con người với hình ảnh một nhân cách đầy sống động, với những diễn biến nội tâm phức tạp và “cái tôi” đầy mâu thuẫn. Quan điểm của Augustinô thể hiện sự tự chủ của bản thân con người, bản lĩnh của ý chí con người và khát vọng tự do, hạnh phúc. Đồng thời, quan điểm của Augustinô cũng góp phần cảnh báo nguy cơ sa ngã của con người. Điểm độc đáo của Augustinô là việc phân tích diễn biến nội tâm của chính mình một cách xuất sắc, với lối viết như một tác phẩm văn chương, trình bày tư tưởng ẩn sâu dưới lời văn giản dị, đơn sơ nhưng không kém phần cuốn hút. Chính những nét hiện đại trong tư tưởng và cách thể hiện của Augustinô đã đưa ông trở thành triết gia có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng phương Tây sau này. Lối phân tích của Augustinô về nội tâm con người đã là nguồn mạch sâu thẳm trong học thuyết của Descartes, Kant, Kierkegaard, Jaspers... Tầm ảnh hưởng và lôi cuốn của Augustinô không chỉ ở những triết gia, những nhà văn mà cả những người thích tìm hiểu về chính mình.
Về mặt hạn chế
Học thuyết triết học của Augustinô nói chung và quan niệm về con người nói chung đều hướng về một mục đích là luận chứng bảo vệ cho Kitô giáo. Do đó, tư tưởng của ông chịu ảnh hưởng đậm nét giáo lý của Kitô giáo.
Sự tự do và ý chí cái tôi mà Augustinô nói đến nằm trong sự thiên hựu của Chúa. Tự do thực sự chỉ có được ở trong Chúa, làm theo ý Chúa, tự do nằm trong sự tiền định của Chúa trời.
Chỉ có Chúa mới biết được ai là người đuợc lựa chọn sống đời đời hạnh phúc. Do vậy con người luôn phải sẵn sàng đón nhận quyết định. Muốn trở thành công dân trong thành đô của Chúa con người cần có lòng mộ đạo trung thành, yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, giữ lòng khiêm cung, tiết chế những đam mê, kiên trì nhẫn nại chịu đựng những nỗi khổ đau của cuộc sống trần gian... hướng đến cuộc sống vĩnh hằng. Những quan niệm của Augustinô rất thiết thực trong việc hướng con người đến điều thiện, đến sự tu dưỡng con người về mặt đạo đức. Những ý tưởng của Augustinô thực sự là “liều thuốc giảm đau” hữu hiệu cho tâm hồn nhưng không phải là “phương thuốc chữa bệnh triệt để”. Tư tưởng của Augustinô mang đến niềm tin và tạo ra động lực sống tốt cho con người đối diện với cuộc sống bất an bằng niềm hy vọng lớn, Con đường mà Augustinô hướng tới là một cách thức giải thoát con người nhưng đó chưa phải là con đường giải phóng con người khỏi áp bức thực sự trong xã hội hiện thực và mang lại tự do, mang lại hạnh phúc thực sự cho con người. Nghĩa là, Augustinô chưa đề ra con đường trong xã hội hiện thực phải làm thế nào để con người có cuộc sống tốt đẹp, có điều kiện phát triển toàn diện mọi khả năng và có cuộc sống viên mãn về vật chất cũng như tinh thần.
Mặt khác, khi nhắc đến sự bình đẳng của con người, Augustinô cho rằng về mặt tin, về niềm yêu mến Chúa và cơ hội trở thành công dân nước Chúa thì không có sự phân biệt giới nam hay giới nữ, người Do Thái hay người La Mã, người nô lệ hay người tự do. Tuy nhiên, Augustinô lại khẳng định: “Nhưng về giới tính phần xác, người nữ phục tùng người nam, cũng như sự hăng say làm việc phục tùng trí khôn để nhận lãnh một hướng làm việc cho ngay thẳng” [1, tr.848]. Về điểm này, Augustinô vẫn chịu ảnh hưởng bởi giáo lý Kinh thánh khi cho rằng người nữ (Eva) đã bị lôi kéo và dụ dỗ người nam (Adam) mắc tội.
Quan niệm về sự phát triển của lịch sử, Augustinô đã tiến xa hơn các nhà triết học cổ đại khi “kéo thẳng” tiến trình lịch sử và động lực thúc đẩy tiến trình lịch sử là mâu thuẫn, trong đó con người đóng vai trò là trung tâm của sự phát triển lịch sử. Tuy nhiên sự phát triển của lịch sử vẫn nằm trong sự thiên hựu của Chúa, nằm trong kế hoạch của Chúa (là sự triển khai ý Chúa) chứ chưa phải là sự phát triển tự thân tuân theo quy luật của chính nó. Quan niệm của Augustinô về lịch sử ẩn chứa sự bi quan, cuộc sống của con người chỉ là “chờ đợi” trong nhẫn nại và kiềm chế.
Trong quan niệm về con người, Augustinô cũng chỉ chú trọng đặc biệt đến con người bên trong (con người tinh thần - linh hồn), chưa nhìn thấy sự thống nhất biện chứng giữa con người tinh thần và con người sinh học, và coi con người sinh học là trở ngại của con đường tự nhận thức chính mình để tiến tới Chúa.
Tuy nhiên cũng cần bàn thêm rằng, khi nghiên cứu tư tưởng của thời đại trước thái độ phổ biến của chúng ta là có xu hướng đem đối chiếu những hệ hình giá trị đó với hệ hình giá trị của thời đại hiện tại. Chúng ta dễ dàng nhìn ra hàng loạt những khuyết điểm (mặc dù có những điểm chỉ là do khác với hệ giá trị của chúng ta). Trong bối cảnh thời đại lịch sử đầy biến động, Augustinô đã thể hiện suy tư sâu sắc và sáng tạo, góp phần đặt nền móng cho tư tưởng phương Tây. Nhiều quan điểm của Augustinô vẫn có giá trị sâu sắc trong bối cảnh hiện đại. Hans Kung nhận xét: Augustinô là một tài năng vĩ đại, một con người dấn thân với lòng nhiệt thành, kết hợp lý thuyết và cuộc sống. Ông cố gắng dung hòa niềm tin Kitô giáo với tư tưởng Tân Platon và sự hiểu biết về Thiên Chúa theo Thánh Kinh... Augustinô đã sử dụng mọi cách tiếp cận và tư liệu triết học có thể có được một cách vừa dè dặt, vừa sáng tạo... [xem thêm 37, tr.124 – 125].
Kết luận chương 2
Augustinô – triết gia nổi tiếng của lịch sử triết học phương Tây, được xem là “chiếc cầu nối” giữa thời kỳ cổ đại và trung đại, cũng là một trong những triết gia đầu tiên đề cập đến con người như một nhân cách độc đáo.
Ông đã góp phần bổ khuyết cho tư tưởng của các triết gia trước đó, khi họ
“ngại” nói về chính mình mà say sưa với việc tìm hiểu thế giới, vũ trụ. Theo ông, con người là tạo vật đặc biệt nhất mô phỏng theo hình mẫu là Chúa trời.
Do đó, con người có được những đặc ân mà những tạo vật khác không có đó là tự do ý chí, là linh hồn. Augustinô đã cho thấy sáng tạo trong việc phân tích những diễn biến phức tạp của nội tâm con người, sự sâu thẳm của cái tôi bí ẩn của con người. Từ đó, Augustinô khẳng định con người có thể tự quyết định cuộc sống của chính mình khi lựa chọn hướng đi. Theo ông, hướng đi đúng đắn nhất phải là hướng đi đem lại hạnh phúc và bình an vĩnh hằng cho con người. Để có được hạnh phúc vĩnh hằng, con người cần thiết hướng đến Chúa với tình yêu thiêng liêng nhất, niềm tin, sự khiêm tốn, sự nhẫn nại chịu đựng một cách kiên nhẫn và sự phản tư (hồi tâm) nhằm vượt lên chình mình, vượt qua những sóng gió nơi trần gian.
Tư tưởng của Augustinô thể hiện một cách nhìn mới đầy nhân bản về con người. Augustinô cho rằng, điều quan trọng nhất là tìm kiếm hạnh phúc và tự do thực sự cho con người. Đó cũng là khát vọng mà ngày nay chúng ta vẫn đang theo đuổi.