Sự thức tỉnh và hồi tâm

Một phần của tài liệu Quan niệm của Augustinô về con người và ảnh hưởng của nó đến triết học hiện sinh của Karl Jaspers (Trang 48 - 54)

Chương 2: QUAN NIỆM CỦA AUGUSTINÔ VỀ CON NGƯỜI

2.2. Con đường đi đến hạnh phúc và tự do thực sự của con người

2.2.1. Sự thức tỉnh và hồi tâm

Trong quan niệm về con người, Augustinô đã luận chứng rằng tội lỗi, cái ác không do Chúa tạo ra mà do chính bản thân con người. Con người đã tạo ra cái ác, là kẻ gây nên tội lỗi. Ý chí của con người đi chệch ý Chúa, làm trái với những điều răn của Chúa đã khiến con người xa rời Chúa, xa rời cái thiện, và tạo ra cái ác: “Con đã tìm cho biết sự dữ là gì, và con đã thấy nó không phải là một thực thể mà là sự gian ác của một ý muốn trở mặt với thực thể tối cao là Chúa để quay về với sự hèn mạt…” [1, tr.445]. Augustinô cho rằng, cái ác xuất hiện khi con người chệch hướng khỏi ý Chúa, do đó để quay

về với cái thiện, với sự tốt lành, con người phải thức tỉnh ý chí mù quáng của mình và hướng ý chí ấy đến Chúa - sự thiện tối cao.

Quan niệm của Augustinô về tội lỗi, về cái ác, một mặt nhằm bảo vệ cho “tính thánh thiện tuyệt đối” của Chúa. Mặt khác, thể hiện sự độc đáo trong nhìn nhận về tự do và trách nhiệm của con người. Theo Augustinô, mỗi cá nhân có quyền lựa chọn và quyết định cuộc sống theo ý chí của mình, đồng thời phải dũng cảm đối mặt với quyết định ấy. Nói một cách khác, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người phải luôn độc lập, dám làm, dám chịu trách nhiệm với hành động của mình. Sự hiện đại trong tư tưởng của Augustinô cũng là một trong những khía cạnh được chủ nghĩa hiện sinh sau này kế thừa và phát triển mạnh mẽ.

Augustinô đã cho thấy tính chất mâu thuẫn trong nội tâm của con người: ý chí của con người là chỗ dựa tin cậy nhất của con người, có sức mạnh chi phối đối với con người, nhưng đôi khi ý chí lại khiến con người lạc lối, sai đường. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ý chí không chệch hướng và đưa con người đến với hạnh phúc và tự do thực sự?

Trong cuộc sống con người khó tránh khỏi sai lầm và tội lỗi. Thông thường con người có xu hướng lừa dối chính mình và lừa dối Đấng tối cao, nhằm biện hộ cho sự lầm lạc cũng như thoả mãn tính tự mãn của bản thân, nhằm che giấu những dục vọng, đam mê. Tuy nhiên, vẫn có những giây phút con người không thể lừa dối chính mình, đó là giây phút thức tỉnh, hồi tâm.

Trong khoảnh khắc ấy, con người bắt gặp và đối diện với cái tôi của mình, mọi sự lừa dối không còn tác dụng và sự thật trần trụi phơi bày. Lúc hồi tâm là lúc “tâm trí sáng láng”, tinh thần tỉnh táo nhất để con người nhìn lại chính mình, nhận thức cái tôi của mình, nhìn nhận lại giá trị của bản thân và ý nghĩa của cuộc sống.

Những phút giây thức tỉnh và hồi tâm chỉ xuất hiện khi con người rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt, khi mà sự rạn nứt và khủng hoảng nội tâm khiến con người bế tắc, đau đớn, cô đơn, sợ hãi... Trong tác phẩm Tự thuật, thông qua việc phân tích tâm lý và mâu thuẫn nội tâm được đẩy lên cực điểm, Augustinô đã chỉ ra những hoàn cảnh xuất hiện những giây phút thức tỉnh và hồi tâm của con người. Khoảnh khắc của những phút giây đó có thể rất ngắn ngủi và bất ngờ nhưng lại mang đến trạng thái tinh thần tỉnh táo và sáng láng nhất để con người đưa ra những quyết định hay lối thoát cho cuộc đời của mình. Theo Augustinô, những phút giây thức tỉnh, hồi tâm là kết quả của cuộc đấu tranh nội tâm, của cuộc khủng hoảng nội tâm sâu sắc khi rơi vào hoàn cảnh éo le như: đau đớn, hoài nghi, mất niềm tin, cô đơn, bế tắc, bệnh tật, cái chết... Quan niệm về sự tự nhận thức của Augustinô gần gũi với quan niệm của Platon và phái Platon mới nhưng có điểm sáng tạo khi ông khẳng định chấn động tâm hồn là điều kiện quyết định để có sự tự nhận thức. Nói một cách khác, theo Augustinô quá trình tự nhận thức chính mình xuất hiện khi con người trải qua những chấn động tâm hồn và trong những tình huống đặc biệt.

Thứ nhất, Augustinô đề cập đến việc đối diện với bệnh tật cận kề cái chết. Trong Tự thuật, ông kể lại hai lần đối diện với cái chết. Cả hai lần (lúc nhỏ và khi đã trưởng thành) đều đưa đến những sự dằn vặt và nỗi sợ hãi.

Những chấn động nội tâm ấy đã khiến Augustinô hoài nghi về cuộc sống, về giá trị của con người. Trong phút giây ngắn ngủi đối diện với chính mình, những hình ảnh và sự kiện trong cuộc đời trở lại trong tâm trí, Augustinô đã nhìn lại những tội lỗi và đam mê đã trải qua với sự ân hận, day dứt.

Thứ hai, đối diện với đau đớn, với sự mất mát. Cái chết của người bạn thân thiết đã khiến Augustinô dằn vặt khổ sở về cuộc sống hữu hạn, về những bất công, những tai hoạ, những điều không may… trong cuộc sống. Cuộc đời

mỗi người luôn đối diện với những bấp bênh, lo lắng và những thử thách triền miên. Augustinô đã tự hỏi chính mình, cuộc sống có ý nghĩa gì, khi chất chứa đầy khổ đau và hiểm họa? Giá trị cuộc sống của ta là gì, khi ta không có được hạnh phúc, khi ta để tuột mất những thứ quan trọng? Những đau đớn dằn vặt đã đẩy Augustinô vào sự khổ não nhiều ngày, trải qua những cảm xúc đầy mâu thuẫn: Một mặt, ông đã từng chán nản muốn tìm đến cái chết, mặt khác trong sâu thẳm tâm hồn, ông lại sợ hãi cái chết. Đau đớn và hoài nghi đã không giúp Augustinô tìm được giá trị cuộc sống của mình. Để giải quyết mâu thuẫn đang ngự trị trong lòng, Augustinô đã tìm cách trông cậy, bấu víu vào những điểm tựa mà ông tin tưởng như: bạn bè, niềm hưng phấn của danh vọng, việc bói toán để biết số mệnh, hay học thuyết Mani mà ông coi như chân lý. Nhưng tất cả những trông chờ mong đợi của Augustinô đã không được đáp ứng. Bạn bè chỉ biết an ủi, danh vọng chỉ là ảo, là giả dối, bói toán chỉ là may rủi, thuyết Mani quá hời hợt và thiếu khoa học…

Hoàn toàn thất vọng và đau khổ, Augustinô chìm đắm trong trạng thái hoài nghi và khủng hoảng nội tâm trầm trọng, mọi niềm tin đều sụp đổ, những giá trị, hay chân lý đều mơ hồ…Vậy con người có thể tin cậy được gì? Con người có nhận biết được chân lý hay không? Trong sự bế tắc đó, tư tưởng của phái Platon mới và những bài giảng của Giám mục Ambrosio đã kéo Augustinô khỏi trạng thái hoài nghi, đưa đến con đường mới đó là hướng tới Chúa. Tuy nhiên, cuộc chiến nội tâm vẫn tiếp tục. Sự dằn vặt giữa một bên là ý muốn có được cuộc sống sung sướng hiện tại với danh vọng, tiếng tăm, địa vị và một bên là ý muốn hướng tới Chúa. Phải từ bỏ những hệ giá trị cũ để đi theo những giá trị mới không hề dễ dàng. Nếp cũ đã ăn sâu trong tiềm thức và lặp lại trong thói quen không dễ dàng xóa bỏ.

Thông qua những trải nghiệm thực sự của bản thân, Augustinô cho thấy mâu thuẫn nội tâm sẽ đẩy con người vào nơi sâu kín nhất của tâm hồn, không

thể trốn chạy. Đó cũng là cách mà Augustinô đã đi sâu vào nội tâm của mình, tìm hiểu khám phá những ngóc ngách của cái tôi. Quá trình đấu tranh nội tâm và đào sâu cái tôi sẽ có thể đưa đến những phút giây hồi tâm. Nếu không thể đi đến phút giây hồi tâm thì con người sẽ bị rơi vào “cái chết tinh thần” (nghĩa là sự sụp đổ hoàn toàn của nội tâm). Đối với Augustinô sau cú sốc nội tâm, đấu tranh nội tâm đã mang lại cho ông những phút giây thức tỉnh, hồi tâm để đi đến những quyết định về tư tưởng, trong đó bước ngoặt cuối cùng là lựa chọn trở thành một Kitô hữu.

Nói một cách khác, Augustinô khẳng định con người trong những tình huống đặc biệt (đối diện với đau khổ, bệnh tật, mất mát, cái chết...). là lúc nội tâm con người khủng hoảng và lương tâm con người bừng tỉnh, “gào thét”

đưa con người đối diện với chính mình, với tính thánh thiện, trong sáng vốn có.

Dưới ngòi bút say sưa và chân thật, Augustinô đã không ngần ngại mang nỗi niềm sâu kín riêng tư trần tình cặn kẽ. Cuộc chiến đấu không khoan nhượng giữa ý muốn xấu và ý muốn hướng thiện trong nội tâm thực sự là một con đường khai mở và đào sâu cái tôi của mình. Khi đối diện với cái tôi, mọi vỏ bọc gian dối mà ý chí con người đã xây dựng đều bị bóc trần. “Con thấy mình trần trụi trước mặt con và lương tâm con cắn rứt… Con đã khiển trách con biết mấy! Với bao chiếc roi tư tưởng quất vào tâm hồn con, để thúc giục nó theo con” [1, tr.486]. Nhưng việc đào sâu cái tôi không hề dễ dàng và đơn giản, mà thực sự là cuộc thử thách đầy dằn vặt và đau đớn. Những đam mê và ham muốn chi phối đã trở thành thói quen ăn sâu trong nếp nghĩ, nếp sống không dễ gì có thể gạt bỏ để hướng mình theo một con đường khác.

Augustinô đã ví những đam mê tội lỗi và thói quen như một thứ xiềng xích kìm tỏa khiến con người rơi vào trạng thái giằng co: “Những bạn bè cũ xưa, chúng khẽ kéo áo xác thịt của con mà thì thầm: “Anh bỏ chúng em hay sao.

Tại sao vậy? Từ giờ phút này em không được ở với anh đến muôn đời sao?....

Chúng không ra trước mặt con như những người phản đối ra mặt, chúng chỉ lẩm bẩm sau lưng; ... chúng giữ con chậm lại và khi con muốn dứt khoát với chúng thì thói quen hung dữ bảo con: “Không có chúng, mi tưởng có thể sống được ư?”[1, tr.496 - 497].

Tất cả những cuộc đối thoại trong nội tâm chỉ là tôi với tôi, nhưng là cuộc quyết đấu đầy cam go. Những suy tư nội tâm cứ diễn ra liên tục và mâu thuẫn được đẩy lên cao trào. Khi mâu thuẫn ấy được đẩy lên cực độ thì cũng là lúc có thể xuất hiện giây phút thức tỉnh và “tâm trí sáng láng”. Đối với Augustinô, sau khi trải qua cuộc đấu tranh nội tâm đầy dằn vặt và đau đớn là lúc xuất hiện sự tỉnh táo nhất của tâm trí “giống như ánh sáng bình an tràn vào” và “làm tan biến mọi tối tăm của sự nghi ngờ”. Chính lúc đó Augustinô đã đưa ra quyết định bước ngoặt của cuộc đời: từ bỏ tất cả hôn nhân, danh vọng, của cải để trở thành một Kitô hữu chân chính, một lòng hướng đến Chúa.

Trong việc trần tình những xung đột của cái thiện và cái ác, Augustinô có xu hướng nhân cách hoá chúng, khiến chúng trở thành những lực lượng có khả năng chi phối đến ý chí của con người. Thậm chí những sự đối chọi của cái thiện và cái ác diễn ra trong nội tâm như những lực lượng có sức mạnh đặc biệt. Ý chí con người luôn đứng trước thái cực của sự lựa chọn ở ranh giới giữa thiện và ác.

Tóm lại, theo Augustinô việc con người mắc tội lỗi và sai lầm do sự phóng túng của ý chí làm trái những lời răn của Chúa và xa rời bản tính tốt đẹp. Vì tội lỗi và sai lầm nên con người luôn rơi vào tình trạng khủng hoảng nội tâm và bế tắc trong cuộc sống. Sai lầm và tội lỗi ở con người là phổ biến và khó có thể tránh khỏi. Đó là lúc ý chí chệch ra khỏi quỹ đạo của cái thiện.

Tuy nhiên, con người hoàn toàn có thể đưa mình trở lại quỹ đạo của cái thiện

dựa vào sức mạnh của ý chí. Đây là một mâu thuẫn nhưng lại rất hợp lý. Con người được tự do ý chí để lựa chọn giữa thiện và ác. Do đó, nếu đã mắc sai lầm thì có thể hồi tâm và hướng ý chí của mình đến đến Chúa - Đấng toàn thiện, toàn hảo. Để hướng đến Chúa thì chỉ có một con đường duy nhất, theo Augustinô là đi sâu vào cái tôi, đi sâu vào linh hồn của mình. Vì Chúa ở trong linh hồn - Sự nhận thức chính mình chính là con đường tiến tới Chúa.

Một phần của tài liệu Quan niệm của Augustinô về con người và ảnh hưởng của nó đến triết học hiện sinh của Karl Jaspers (Trang 48 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)