Chương 2: QUAN NIỆM CỦA AUGUSTINÔ VỀ CON NGƯỜI
2.1. Nguồn gốc và những đam mê chi phối con người
2.1.1. Nguồn gốc của con người
Tư tưởng về nguồn gốc của con người và bản tính của con người trong học thuyết của Augustinô có mối liên hệ mật thiết với tư tưởng về Chúa trời và sự sáng thế của Chúa trời trong Kinh thánh. Đối với Augustinô với tư cách là triết gia Kitô giáo, một giáo chủ, một giám mục, sự tồn tại của Chúa trời là một điều hiển nhiên không cần bàn cãi. Tuy nhiên, riêng ở Augustinô việc đón nhận và tin theo học thuyết của Kitô giáo không là con đường được lựa chọn ngay từ đầu, thậm chí Augustinô đã từng khước từ Kitô giáo ngay trong hoàn cảnh xã hội đã được Kitô hóa rộng rãi.
Augustinô đã viết lại quá trình đến với tư tưởng của Kitô giáo trong cuốn Tự thuật. Tuổi ấu thơ, thiếu niên, thanh niên và đến khi trưởng thành Augustinô là một người không tin vào Kitô giáo, nghi ngờ Chúa trời, mặc dù mẹ ông là một Kitô hữu và luôn muốn ông trở thành một Kitô hữu. Augustinô luôn là thể hiện là một người đầy nội lực, tự tin với nhiều tham vọng, đồng thời cũng là một người có nhiều đam mê phù hoa, nhục dục. Điều đó khiến Augustinô luôn hướng đến những đỉnh cao, trong đó có khao khát truy tìm chân lý. Trên con đường kiếm tìm chân lý, Augustinô đã tham gia vào nhiều giáo phái và tìm hiểu nhiều học thuyết.
Tuy nhiên, cuộc đời nhiều biến cố đã khiến Augustinô khủng hoảng nội tâm trầm trọng, rơi vào trạng thái hoài nghi khi những học thuyết ông biết không giúp ông tìm ra chân lý, những đam mê khiến tâm hồn trở nên chai sạn và đầy mâu thuẫn. Bước ngoặt đầu tiên đã giúp ông vượt qua trạng thái hoài nghi đó là tư tưởng của phái Platon mới. Sau đó, Augustinô đã tìm thấy giá trị
của học thuyết Kitô giáo và coi đó là con đường dẫn đến chân lý. Chính tầm ảnh hưởng rộng khắp và sự hợp lý của Kitô giáo lúc đó đã trở thành một lực hút đối với sự suy tư của Augustinô. Sự thống trị của Kitô giáo trong thời kỳ Augustinô sống đã đáp ứng yêu cầu của lịch sử, là sự phát triển hợp lý của lịch sử. Đúng như Ăngghen đã viết: “Chỉ cái việc là 250 năm sau khi ra đời, đạo Cơ đốc đã trở thành một quốc giáo, cũng đủ chứng minh rằng nó là tôn giáo thích hợp với hoàn cảnh thời đại” [3, tr.446].
Sau khi trở thành một tín đồ Kitô giáo, Augustinô đã say sưa nghiên cứu tư tưởng của tôn giáo này và kết hợp với những học thuyết triết học Hi Lạp nhằm luận chứng về tồn tại của Chúa trời và sự hợp lý của Kitô giáo. Đây cũng là cơ sở để Augustinô chứng minh sự xuất hiện và tồn tại của con người như là chủ nhân của trần gian và trung tâm của thế giới.
Thứ nhất, Augustinô khẳng định con người là một trong những tạo vật do Chúa trời tạo dựng. Chúa trời là Đấng toàn năng, Đấng sáng tạo ra thế giới và con người. Augustinô đã viết về Chúa: “Con hỏi trái đất và nó đã thưa: tôi không phải là Chúa của anh; và những gì sống trên trái đất đều thú nhận như vậy. Con hỏi biển cả và vực sâu và các loài động vật trong đó, chúng trả lời:
“Chúng tôi không phải là Chúa của anh, anh hãy tìm bên trên chúng tôi”. Con đã hỏi các luồng gió, thì cả bầu không khí và các dân cư của nó đều trả lời con: “Anaximen đã lầm, tôi không phải là Chúa”. Con đã hỏi trời, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, chúng trả lời con: Chúng tôi cũng không phải là Chúa mà anh tìm kiếm. Và con đã nói với các sự vật xung quanh các giác quan của con rằng: “Hãy nói cho tôi về Chúa tôi; vì các ngươi không phải là Chúa, các ngươi hãy nói cho tôi biết một chút về Người”. Và chúng đã lớn tiếng kêu lên rằng: “Chính Người đã tạo dựng chúng tôi”[1, tr.572]. Augustinô khẳng định Chúa làm nên mọi sự, là bản nguyên của mọi sự. Quan niệm này của Augustinô gần với tư tưởng của Kinh thánh và tư tưởng của phái Platon mới.
Kinh thánh đã viết, Chúa tạo ra thế giới trong vòng 6 ngày, trong đó 5 ngày đầu để tạo ra thế giới vạn vật và ngày thứ 6 tạo ra con người. Sự sáng tạo ra con người “theo hình ảnh của Chúa” là tâm điểm của sự sáng tạo.
Augustinô đã nhắc nhiều lần trong cuốn Tự thuật của mình câu nói trong sách Sáng thế ký “Ta tạo dựng con người theo hình ảnh của Ta”. Augustinô đã tán đồng quan điểm của Kitô giáo khi khẳng định con người là tạo vật của Chúa.
Nhưng con người là một tạo vật đặc biệt, được ở trên những tạo vật khác. Con người được tạo dựng theo nguyên mẫu tối cao là Chúa, con người có linh hồn và trí khôn. Con người được Chúa ban cho đặc ân: “Con người thiêng liêng xét đoán mọi sự, nghĩa là nó có quyền trên cá biển, chim trời, trên gia súc, dã thú trên trái đất và trên các loài bò sát ở mặt đất. Nó làm việc nhờ trí khôn, làm cho nó có khả năng nhận biết được cái gì thuộc về Thần Linh Chúa” [1, tr.825].
Thứ hai, Augustinô khẳng định con người là tạo vật đặc biệt, được tạo dựng theo hình mẫu lý tưởng của Chúa trời và có vị trí trung tâm của thế giới. Theo Augustinô, Chúa trời không chỉ là Đấng toàn năng, Đấng sáng thế mà còn là Đấng toàn thiện, toàn hảo, là chân lý vĩnh hằng, ở ngoài thời gian và không gian, là Đấng duy nhất vĩnh cửu. “Chúa là chân lý, là nguồn thiện hảo chắc chắn và là sự bình yên thanh khiết” [1, tr.359]. Con người được tạo dựng theo mẫu hình lý tưởng là Chúa trời. Con người là nhân cách bên cạnh Chúa. Đặc ân đó của Chúa, tạo nên sức mạnh của con người và làm cho con người giữ vị trí trung tâm của thế giới. Mọi thứ trong thế giới tạo ra cho con người và vì con người. Augustinô đã tiếp nối dòng chảy tư tưởng của triết học Hi Lạp cổ đại với luận điểm nổi tiếng của Protagore: “Con người là thước đo của vạn vật” [Dẫn theo 44, tr.83]. Tư tưởng của Augustinô là sự tiếp tục luận chứng về mặt bản thể luận đối với vị trí trung tâm của con người trong thế giới. “Con người được tạo ra đâu phải vì một cái gì khác mà toàn thể thế giới
được tạo ra cho nó, vì nó, nó là sự hoàn tất của vũ trụ. Thế giới tạo ra cho con người nên con người hoàn toàn có thể tìm thấy toàn bộ thế giới và thể thống nhất của thế giới. Trên thực tế, những tạo vật khác tồn tại nhưng không sống (đá chẳng hạn); lại có những tạo vật tồn tại và sống nhưng không có cảm giác (cây cỏ); lại có những loại tồn tại, sống, có cảm giác nhưng không có lý trí (động vật). Con người chia sẻ với các loài khác của thế giới trần gian năng lực tồn tại, sống và cảm giác nhưng đồng thời nó cũng chia sẻ với các thiên thần năng lực hiểu và suy luận. Con người là tập đại thành của sự sáng tạo”
[22, tr.323].
Tư tưởng của Augustinô về nguồn gốc của con người cho thấy sự ảnh hưởng của Kinh thánh và tư tưởng triết học Hi Lạp cổ đại. Đấng hoá công toàn năng - Chúa trời đã tạo ra con người. Thực chất việc coi Chúa là bản nguyên (bản thể) đầu tiên của thế giới là mô típ khá phổ biến của nhiều triết gia trước Mác, đặc biệt là các triết gia trung cổ. Xét đến cùng, nếu bóc đi cái vỏ thần bí thì việc coi Chúa trời (một tồn tại không có sự khởi đầu và kết thúc, nằm ngoài mọi thứ) là bản nguyên đầu tiên của thế giới cũng chỉ là một khuynh hướng để giải thích về khởi nguyên của thế giới: thế giới này được sinh ra từ đâu. Riêng với Augustinô, ông từng nhắc đến vấn đề sáng thế bí ẩn của Chúa trời trong cuốn Tự thuật: “Con trả lời cho người hỏi: “Thiên chúa làm gì trước khi tạo dựng trời và đất?... Con không làm như người ta, mà con nghe nói đã trả lời một cách khôi hài để trốn tránh câu hỏi khó: “Chúa chuẩn bị hoả ngục cho những kẻ dò xét sự cao sâu”. Con không trả lời như vậy. Con thà trả lời: “Tôi không biết” [1, tr.675]. Những bí ẩn hay vấn nạn chính là tiền đề thúc đẩy cho sự tiến bộ của nhận thức và của khoa học, giống như một nút thắt cần được tháo gỡ, một bức màn cần được vén lên bởi ánh sáng chân lý.
Nhà vật lý học nổi tiếng của thế kỷ XX, Albert Einstein đã nhận định: “Cái đẹp đẽ nhất mà ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cái nôi của nghệ
thuật và khoa học” [21, tr.20]. Tóm lại, đóng góp lớn nhất của Augustinô trong quan niệm về nguồn gốc của con người chính là thừa nhận sự xuất hiện của con người là tất nhiên, tất yếu và cần thiết. Con người có một vị thế đặc biệt trong thế giới, là trung tâm của thế giới. Đây là dòng chảy xuyên suốt từ cổ đại cho đến ngày nay.