CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI AGRIBANK NINH SƠN
3.1. Định hướng tăng cường quản lý rủi ro tín dụng của Agribank Ninh Sơn trong thời gian tới
Trong báo cáo thường niên năm 2017, Ban Giám đốc Agribank Ninh Sơn đã đánh giá hoạt động kinh doanh năm 2017 và đề ra định hướng phát triển kinh doanh năm 2018 và những năm tiếp theo, các định hướng phát triển cụ thể đối với từng mảng hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động quản lý rủi ro tín dụng nói riêng, dựa trên: (i) Tình hình phát triển và tăng trưởng tín dụng trong những năm qua; (ii) sự biến động và thay đổi liên tục của rủi ro tín dụng trong toàn hệ thống;
(iii) định hướng phát triển và tăng trưởng tín dụng của Agibank và của chi nhánh trong thời gian tới. Trong đó, định hướng của Agribank Ninh Sơn đối với công tác quản lý rủi ro tín dụng.
Để đạt được hiệu trong công tác quản lý RRTD thì việc mở rộng quy mô tín dụng, nâng cao năng lực quản trị, phòng ngừa RRTD phải đi liền với nhau. Nếu quá chú trọng đến mở rộng tín dụng mà coi nhẹ khâu nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý và phòng ngừa rủi ro sẽ dẫn đến nợ quá hạn cao, nợ xấu nhiều, ngân hàng ngày càng thua lỗ. Đến một thời điểm nào đó, nếu không có biện pháp giải quyết hiệu quả thì Ngân hàng sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Ngược lại, nếu quá siết chặt trong khâu quản lý và phòng ngừa RRTD mà xem nhẹ mở rộng quy mô tín dụng,
làm cho ngân hàng giảm dần khách hàng, giảm thị phần và cũng đến một lúc nào đó làm cho thu nhập của ngân hàng bị thu hẹp dần sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Do vậy, mục tiêu quan trọng của Ngân hàng là mở rộng quy mô tín dụng trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả. Thường xuyên đánh giá về tình hình tín dụng theo ngành, lĩnh vực để xây dựng, định hướng đầu tư tín dụng phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh. Một số các biện pháp được đưa ra như sau:
- Một là, tích cực thu hồi nợ xấu và nợ quá hạn. Dấu hiệu RRTD tại ngân hàng rất đặc trưng là nợ quá hạn, nợ xấu ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Để giảm thiểu RRTD ngân hàng cần tìm biện pháp hữu hiệu để xử lý nợ xấu, nợ quá hạn nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng. Tùy theo từng nguyên nhân để đưa ra các biện pháp hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng cũng như tạo điều kiện để ngân hàng thu hồi vốn vay.
Dùng biện pháp khai thác khách hàng vay khi khách hàng vay gặp rủi ro mà chưa cần đến cơ quan pháp luật xử lý. Ngân hàng tư vấn cho khách hàng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, chuyển hướng sản xuất kinh doanh, tích cực thu hồi nợ, tiết kiệm chi phí, giải quyết hàng tồn đọng, thậm chí ngân hàng có thể cho vay mới để phục hồi hoạt động kinh doanh của khách hàng trên cơ sở có phương án/dự án khả thi.
Thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bằng các biện pháp miễn giảm lãi tạo điều kiện cho khách hàng trả nợ. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có mặt trái của nó nên ngân hàng cần đánh giá đúng và chính xác khả năng trả nợ của khách hàng sau này.
Nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh do yếu tố chủ quan từ phía cán bộ tín dụng và các bộ phận khác thì ngân hàng cần phải biện pháp, cơ chế xử lý mạnh, có thể quy trách nhiệm, bồi thường vật chất có như vậy mới nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc và hạn chế phần nhiều rủi ro tín dụng có thể xảy ra.
- Hai là, kiên quyết và đa dạng phương thức xử lý nợ xấu. Chi nhánh đã thành lập Ban chỉ đạo và xử lý nợ xấu nên tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc trong
quá trình xử lý nợ xấu. Duy trì và nâng cao chất lượng của công tác cảnh báo nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro để có biện pháp xử lý phù hợp, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh.
Tiếp tục tổ chức phân tích, đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ xấu, nợ đã XLRR, làm việc với khách hàng lập kế hoạch, phương án xử lý thu hồi nợ xấu, nợ đã XLRR chi tiết, cụ thể đến từng khoản nợ; đánh giá lại thực trạng TSBĐ, nguồn gốc, hồ sơ pháp lý, giá trị TSBĐ, khả năng thanh khoản của các loại TSBĐ để đưa ra biện pháp thanh lý, xử lý TSBĐ để thu hồi nợ phù hợp với từng loại TSBĐ. Trường hợp chưa bán được TSBĐ thì thực hiện các thủ tục xác lập quyền của chi nhánh đối với TSBĐ thông qua việc khởi kiện ra toà.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp, cơ chế tháo gỡ cho khách hàng vay vốn đang gặp khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; phân loại tình hình dư nợ cho vay theo các nhóm khách hàng (khách hàng còn hoạt động, có khả năng phục hồi sản xuất hoặc khách hàng thua lỗ không khắc phục được phải giải thể, phá sản...) để áp dụng các chính sách về cơ cấu nợ, xác định lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, điều chỉnh lãi suất cho vay, cho vay bổ sung để hoàn thiện dự án, cho vay vốn lưu động để khách hàng hoạt động tạo nguồn thu trả nợ cho ngân hàng hoặc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ.
- Ba là, nâng cao chất lượng thẩm định và hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát khoản vay. Trong khâu thẩm định khách hàng, CBTD phải luôn đặt các tiêu chí như: Thẩm định tư cách, năng lực pháp lý, năng lực điều hành, năng lực tài chính, năng lực quản lý sản xuất kinh doanh, các tiêu chí phản ánh khả năng hoàn trả nợ vay, uy tín của khách hàng... đó là những thông tin được xếp vào vị trí quan trọng hàng đầu và phải được CBTD tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy trình và thực hiện đúng theo quy định đã đề ra khi thẩm định khách hàng. Lên phương án kiểm tra chéo và kiểm tra đột xuất khách hàng vay giữa các địa bàn và giữa các CBTD với nhau.
Mặt khác, vẫn còn một số các yếu tố chưa được quan tâm trong quá trình thẩm định của CBTD như các chỉ số dự báo về giá vàng, tỷ giá ngoại tệ, lạm phát, chỉ số tiêu dùng và các biến cố có thể dự đoán về nền kinh tế, chính trị, xã hội. Hơn
nữa, CBTD chưa nhạy bén trong việc tiếp cận với ngành nghề có xu hướng phát triển trong nền kinh tế theo từng thời kỳ để cho vay.
Các điều kiện tín dụng thường thay đổi theo thời gian và ảnh hưởng đến điều kiện tài chính của người vay cũng như khả năng hoàn trả nợ của khách hàng. Do đó, sau khi cho vay cần chú trọng nhiều hơn trong khâu kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng để nắm bắt kịp thời thực trạng chất lượng khoản vay đảm bảo cho vốn tín dụng phát huy hiệu quả.
- Bốn là, không quá lệ thuộc vào tài sản đảm bảo, nên chú trọng vào tính khả thi của dự án đầu tư, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng. Tuy nhiên, việc lựa chọn danh mục tài sản đảm bảo cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong quản lý RRTD vì khi khách hàng không có khả năng thanh toán thì tài sản đảm bảo là nguồn thu duy nhất để bù đắp tổn thất. Do đó, việc lựa chọn tài sản nào làm tài sản đảm bảo là một vấn đề rất quan trọng quyết định trong việc xử lý và thu hồi nợ khi xảy ra rủi ro.
- Năm là, tăng cường giám sát an toàn tài sản bảo đảm. Giao trách nhiệm cho cá nhân/bộ phận liên quan trong việc kiểm tra, giám sát và bảo đảm an toàn TSBĐ (tài sản hiện hữu và các loại giấy tờ đại diện cho tính pháp lý của TSBĐ). Vị trớ lưu giữ TSBĐ (của khỏch hàng hay bờn bảo lónh) phải được ghi nhận rừ ràng và kiểm soát chặt chẽ để hỗ trợ cho việc xử lý về sau. Việc di chuyển TSBĐ phải được người chịu trách nhiệm cất giữ cho phép và chấp nhận và phải được ghi nhận đầy đủ. Trước khi giải chấp TSBĐ, cán bộ chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho TSBĐ phải được chắc chắn rằng các điều kiện giải chấp trong hợp đồng tín dụng phải được đáp ứng, và việc giải chấp được cho phép. TSBĐ phải được xác nhận từ khách hàng vay khi giải chấp TSBĐ.
- Sáu là, định giá và tần suất định giá lại tài sản bảo đảm. Việc định giá TSBĐ nên định giá theo giá trị thuần, là giá trị thị trường trừ các chi phí bán TSBĐ và các chi phí liên quan (chi phí vận chuyển, các khoản phí theo quy định trong quá trình bán TSBĐ,...). Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một tỷ lệ chiết khấu (hay hệ số hiệu chỉnh) để tính giá trị thuần của TSBĐ hoặc giá bán tối đa tại thời