CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THẨM ĐỊNH CHO VAY TRUNG, DÀI HẠN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TẠI NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG CỬA Lề, NGHỆ AN
2.3. Đánh giá khái quát về hoạt động kinh doanh tại Công thương Cửa Lò, Nghệ An
2.3.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Công thương Cửa Lò, Nghệ An
2.3.1.1. Yếu tố vĩ mô
a) Môi trường kinh tế trong nước và trên thế giới
Năm 2007 là năm có nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam. Sau một năm trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO, nền kinh tế đã có những phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng GDP 8.48%, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài FDI, viện trợ phát triển ODA cũng đạt mức cao nhất trong lịch sử. Tuy vậy, cuối năm 2007 bối cảnh tình hình kinh tế xã hội trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp:
+ Trên thế giới giá dầu mỏ liên tục tăng mạnh, có thời điểm đã đạt gần mức 100USD/thùng, giá vàng cũng liên tục tăng cao và đạt mức giá kỷ lục trong khoảng 30 năm qua. Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp nhà ở Mỹ đã gây nhiều tác động xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu.
+ Ở trong nước nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới: Nhập siêu tăng mạnh làm tăng thâm hụt cán cân vãng lai, dòng vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục từ trước tới nay, bên cạnh mặt tích cực là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng gây sức ép lớn đối với Chính phủ trong việc điều hành tỷ giá và kiểm soát tổng phương tiện thanh toán, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng cao và lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường liên ngân hàng cũng có những biến động phức tạp.
Ngân hàng Nhà nước Việt nam duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt như tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán… cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh ngân hàng
Năm 2008, đây cũng là năm nền kinh tế trong và ngoài nước có rất nhiều biến động phức tạp và rất khó khăn đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán suy giảm sâu, kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy
thoái. Thị trường tiền tệ có sự biến động mạnh, sự thay đổi lớn trong cơ cấu nguồn vốn theo xu hướng kỳ hạn gửi ngắn dần, luồng tiền vào ngân hàng bị tác động bởi các yếu tố lạm phát, suy giảm kinh tế, tỷ giá, tâm lý, .. đã mang lại rủi ro thị trường rất lớn cho ngân hàng.
Sang những tháng đầu năm 2009, nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng nghiêm trọng, thị trường tài chính toàn cầu lâm vào khủng hoảng dây chuyền, kéo dài. Đặc biệt đó là sự xuống dốc của nền kinh tế Mỹ đã dẫn đến nhiều sự biến động lớn trên thế giới, làm cho nhiều nền kinh tế lớn bị suy thoái. Hàng loạt các ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu đã phải đóng cửa vì phá sản. Trong nước, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, .. suy giảm, khó có khả năng phục hồi sớm đã tạo ra nhiều sức ép và khó khăn cho doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng. Chính phủ liên tục có những chính sách nhằm chấn chỉnh và ổn định nền kinh tế. Và chính sự điều tiết vĩ mô đó đã gây ra nhiều sự thay đổi trong hoạt đông kinh doanh của doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng .
b) Tình hình chính trị trong nước nói chung và Nghệ An nói riêng
Chính trị trong nước nói chung cũng như toàn tỉnh Nghệ An nói riêng ổn định, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Đây cũng là một nhân tố tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi cho các ngân hàng nói riêng và cho các đơn vị kinh doanh nói chung. Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, công ty, tập đoàn lớn trên thế giới. Điều đó tạo điều kiện thúc đẩy hệ thống Ngân hàng Việt Nam phát triển.
c) Sự phát triển kinh tế thị xã Cửa Lò và tỉnh Nghệ An
Trong 5 năm qua, nền kinh tế của Nghệ An phát triển liên tục với tốc độ khá cao, đạt được những thành tựu đáng kể, đời sống nhân dân được nâng lên, tích lũy trong dân cư ngày càng lớn, mức tiêu dùng cũng ngày càng tăng là điều kiện tốt để ngân hàng tăng khả năng huy động vốn và phát triển hoạt động tín dụng trên địa bàn. Trong những năm qua, nguồn vốn huy động của ngân hàng từ dân cư ngày càng tăng, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn ngày càng giảm đây là tín hiệu tốt cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng.
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An, thị xã Cửa Lò cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực: An ninh chính trị ổn định, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được chú trọng, phát triển nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, các khách sạn, nhà hàng được xây mới, nâng cấp trang thiết bị hiện đại, phục vụ du khách từ mọi miền tổ quốc, các ngành nghề truyền thống như nông nghiệp, kinh doanh hải sản, dịch vụ phát triển mạnh, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển cao, ổn định đạt. Năm 2008, tốc độ phát triển là 19,3 %, Dịch vụ đạt 510 tỷ đồng đạt 100,8 % kế hoạch, Công nghiệp - Xây dựng tăng trưởng khá, giá trị sản xuất 536 tỷ đồng đạt 99,6 % kế hoạch, giá trị sản xuất trong các ngành nông - lâm – ngư nghiệp là 72 tỷ đồng đạt 104 % kế hoạch, thu ngân sách 113 tỷ đồng đạt 166 % kế hoạch. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển dần sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao.
d) Khoa học, Công nghệ
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại có thể nâng cao chất lượng quản lý, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh Ngân hàng, giúp hoạt động thanh toán tại ngân hàng diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, đối phó được với những thách thức trong tiến trình mở cửa và hội nhập.
Ngày nay khoa học công nghệ không ngừng phát triển, sự liên tiếp ra đời của các sản phẩm công nghệ mới đã thể hiện những tính năng vượt trội. Do đó, để phát triển thì Vietinbank phải không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng. Để làm được điều đó thì việc chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại của ngành ngân hàng là điều đặc biệt cần thiết và quan trọng.
e) Điều kiện tự nhiên của thị xã Cửa Lò
Nghệ An là tỉnh nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam, thị xã Cửa Lò có bờ biển kéo dài, bãi tắm đẹp, không có các loài cá dữ và dòng nước xoáy ngầm, đây là nơi lý tưởng cho du lịch tỉnh phát triển. Hàng năm, thị xã Cửa Lò đã thu hút hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, tắm biển và nghỉ mát.
Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên như vậy, thị xã Cửa Lò là nơi lý tưởng, là môi trường hấp dẫn, đầy tiềm năng để cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Từ đó đã thúc đẩy hoạt động ngân hàng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các hoạt động thanh toán, tín dụng Ngân hàng.
2.3.1.2. Yếu tố vi mô a) Khách hàng
Trong bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hay thương mại dich vụ nào thì khách hàng là luôn nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp đó. Trong hoạt động kinh doanh Ngân hàng cũng vậy, sự thành công và phát triển của một ngân hàng là do khách hàng quyết định. Vậy một câu hỏi đặt ra cho Vietinbank Cửa Lò hiện nay là làm thế nào để khách hàng lựa chọn mình và tìm đến với mình?
Để thu hút khách hàng thì Vietinbank Cửa Lò phải không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng, đổi mới, đa dạng hóa các gói sản phẩm, các dịch vụ Ngân hàng tiện ích và ưu việt dành cho khách hàng. Không ngừng nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để có những chiến lược phục vụ cạnh tranh, hướng tới cung cấp các dịch vụ Ngân hàng - Tài chính - Bảo hiểm trọn gói, toàn diện, đa năng cho các khách hàng, đa dạng hóa trong hoạt động, đáp ứng sự thỏa mãn tối đa của khách hàng.
b) Đối thủ cạnh tranh
Hiện nay, sức ép cạnh tranh đối với các ngân hàng là rất lớn. Sự cạnh tranh ngày càng trở lên khó khăn, khốc liệt khi mà các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã, đang và sẽ xuất hiện ngày càng nhiều ở thị trường Việt Nam và đặc biệt xu hướng khách hàng lựa chọn các dịch vụ từ ngân hàng nước ngoài ngày càng nhiều.
Chính vì vậy mà hiện nay các ngân hàng trong nước đang không ngừng tăng cường khả năng cạnh tranh của mình bằng việc mở rộng phạm vi hoạt động và phát triển nhiều dịch vụ tiện ích dành cho khách hàng.
Cửa Lò hiện tại cũng là địa bàn thu hút sự quan tâm của nhiều ngân hàng do tốc độ phát triển kinh tế cao và xu hướng sử dụng các tiện ích từ dịch vụ ngân hàng ngày càng lớn. Như vậy, để có thể cạnh tranh với các ngân hàng khác đang đóng
trên địa bàn Nghệ An , Vietinbank Cửa Lò cũng phải nhanh chóng cung cấp các gói sản phẩm dịch vụ tốt nhất, có sự khác biệt so với các ngân hàng khác. Nếu thực hiện tốt các dịch vụ cung ứng và tiếp tục củng cố hoạt động tín dụng và hoạt động huy động vốn hiện tại cũng như mở thêm các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng thì ngân hàng mới có thể tăng sức cạnh tranh trên địa bàn của mình, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình.
c) Áp lực cạnh tranh tiềm tàng (đối thủ tiềm ẩn)
Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh Tài chính - Ngân hàng đang là lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới, thị trường Việt Nam trở thành một thị trường mới, đầy tiềm năng và hấp dẫn để các Công ty, Tập đoàn tài chính lớn trên thế giới tìm kiếm lợi nhuận.
Sự liên tiếp ra đời các Ngân hàng TMCP mới với tiềm lực tài chính mạnh do các Công ty, Tập đoàn nước ngoài làm chủ, cũng như sự liên minh, liên kết giữa các ngân hàng trong nước đã, đang và sẽ tạo ra những khó khăn, thách thức lớn đối với Vietinbank. Chính vì vậy, để đứng vững ở thị trường trong nước, lớn mạnh, hội nhập và phát triển đòi hỏi Vietinbank phải có những mục tiêu, chiến lược phù hợp, đúng đắn, nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các gói sản phẩm, cung cấp các dịch vụ trọn gói, toàn diện, các dịch vụ tiện ích, để thu hút khách hàng, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình.
Tóm lại, phân tích những tác động của môi trường bên ngoài cũng như bên trong giúp Vietinbank Cửa Lò nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình, những cơ hội cũng như nguy cơ mà công ty đang và sẽ gặp phải, từ đó phát huy, khai thác tối đa những điểm mạnh, hạn chế, khắc phục những điểm yếu nhằm tận dụng triệt để cơ hội và né tránh, hạn chế nguy cơ từ môi trường bên ngoài, tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh trên thương trường, tối đa hóa lợi nhuận, tối đa hóa giá trị cho các cổ đông của Vietinbank.
2.3.2. Tình hình hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Công thương Cửa Lò,