KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
6.1 Kết luận
Doanh nghiệp là đối tượng khách hàng có nhu cầu về vốn khá lớn kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến doanh nghiệp lớn, do đó việc thu hút các doanh nghiệp đến giao dịch với ngân hàng là điều mà các ngân hàng cần có sự quan tâm đặc biệt trong cả hai hoạt động là huy động vốn và hoạt động tín dụng. Thông qua hoạt động tín dụng, bên cạnh việc thu lãi từ hoạt động tín dụng, tín dụng doanh nghiệp còn tạo nhiều điều kiện cho ngân hàng bán chéo các sản phẩm dịch vụ như chuyển tiền, bảo lãnh, trả lương qua thẻ…Vì thế, các Ngân hàng nói chung và Sacombank An Giang nói riêng cần quan tâm đến hoạt động tín dụng dành cho các doanh nghiệp.
Qua phân tích cho thấy DSCV doanh nghiệp đã không ngừng tăng lên theo thời gian và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng DSCV của toàn Chi nhánh. Trong đó, tăng nhanh nhất là vào các năm 2008 và 2009 khi DSCV doanh nghiệp tăng từ 69.122 triệu đồng lên 334.646 triệu đồng, tỷ trọng tăng từ 15,09% lên 30,61%. Phần lớn cho vay doanh nghiệp chỉ tập trung vào ngắn hạn, còn trung dài hạn thì chiếm tỷ trọng thấp. Trong các loại hình doanh nghiệp đến vay vốn tại Chi nhánh thì công ty cổ phần đạt doanh số cao nhất và tăng liên tục qua các năm, ngoài ra còn có sự gia tăng trong DSCV của công ty TNHH và DNTN. Trong cơ cấu DSCV theo ngành kinh tế thì ngành nông, lâm nghiệp là chiếm tỷ trọng cao nhất, kế đến là ngành chế biến thủy sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua ngành chế biến thủy sản có xu hướng giảm mạnh cả về doanh số lẫn tỷ trọng, đồng thời cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh cảu ngành xây dựng và TM – DV.
Song song với sự gia tăng của DSCV đó là sự gia tăng của DSTN. Tuy rằng DSTN của doanh nghiệp tăng liên tiếp trong các năm qua nhưng tốc độ tăng trưởng DSTN đã không theo kịp với tốc độ tăng trưởng của DSCV. Vì vậy đã làm cho tỷ trọng thu nợ doanh nghiệp đã giảm liên tục trong tổng DSTN của Chi nhánh. Từ kết quả phân tích cho thấy thu nợ của doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các khoản vay ngăn hạn, còn các khoản vay trung dài hạn thì chưa đến hạn nên không đáng kể. Do DSCV doanh nghiệp đa số tập trung ở các công ty cổ phần nên DSTN của các công ty cổ phần này là nhiều nhất và năm sau luôn cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, thu nợ của công ty TNHH lại không ổn định, tăng vào năm 2008 nhưng lại giảm xuống vào năm 2009. Trái lại, thu nợ của DNTN thì có xu hướng tăng nhanh qua các năm và ngày càng ổn định. Nếu xét theo cơ cấu ngành kinh tế thì thu nợ của ngành nông, lâm nghiệp vẫn đạt doanh số và tỷ trọng cao nhất trong 3 năm qua. Mặc dù thu nợ của 2 ngành xây dựng và TM – DV có tăng nhưng vẫn chiểm tỷ trọng thấp hơn ngành chế biến thủy sản.
Do tác động của DSCV nên dư nợ cho vay doanh nghiệp đã tăng mạnh trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ của các loại hình cho vay khác và của toàn Chi nhánh. Góp phần không nhỏ vào sự gia tăng đột biến của dư nợ cho vay doanh nghiệp đó là dư nợ ngắn hạn, qua đó cũng cho thấy trong thời gian qua Chi nhánh đã tập trung phát vay ngắn hạn, hạn chế tăng trưởng tín dụng dài hạn nhằm làm tăng khả năng xoay vòng vốn và hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, dư nợ của cho vay doanh nghiệp cũng phần lớn tập trung vào các công ty cổ phần hoạt động trong các ngành nông, lâm nghiệp. Ngoài ra dư nợ doanh nghiệp còn tập trung ở các công ty TNHH và DNTN hoạt động trong các ngành chế biến thủy sản, xây dựng và TM – DV. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cũng như tỷ trọng cảu các công ty này vẫn luôn thấp hơn các công ty cổ phần.
Tuy doanh số cho vay tăng liên tục, dư nợ luôn duy trì ở mức cao nhưng nợ quá hạn mặc dù cá phát sinh nhưng lại có xu hướng giảm mạnh và chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng dư nợ. Tất cả các khoản nợ quá hạn của doanh nghiệp chỉ xuất hiện ở nhóm 2, tức là thời gian quá hạn ngắn thì đã được thu hồi, chủ yếu là do các doanh nghiệp chậm tiêu thụ hàng hóa, không chủ động được nguồn vốn nên chậm trả nợ cho Chi nhánh. Điều này cho thấy công tác quản lý nợ của Chi nhánh ngày càng nâng cao và đạt được hiệu quả tốt. Tuy nhiên Chi nhánh không nên quá chủ quan mà cần nổ lực hơn nữa trong công tác thu nợ và có kế hoạch quản lý nợ chặt chẽ nhằm hạn chế nợ quá hạn xuống mức thấp nhất.
Nhìn chung, hoạt động tín dụng doanh nghiệp tại Chi nhánh đã và đang từng bước phát triển, tăng đều và nhanh qua các năm. Cùng với việc các phòng giao dịch được thành lập ngày càng nhiều, chính sách chăm sóc khách hàng ngày càng hoàn thiện và với đội ngũ nhân viên có chuyên môn, thì việc phát triển hoạt động tín dụng doanh nghiệp tại Chi nhánh trong thời gian tới sẽ còn tiến xa hơn nữa và đạt được nhiều kết quả cao hơn.
6.2 Kiến nghị
Giai đoạn 2007-2009 là một giai đoạn đầy khó khăn và thử thách đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh An Giang, những chính sách điều tiết nền kinh tế của Chính phủ đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động của các tổ chức tín dụng này, trong đó có Sacombank An Giang. Tuy nhiên với những nổ lực và quyết tâm cao của toàn thể Cán bộ nhân viên Chi nhánh Sacombank An Giang đã từng bước vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả rất khả quan, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước. Để thực hiện mục tiêu phát triển an toàn, bền vững trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động và trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt của các ngân hàng khác, thì Sacombank An Giang vẫn còn nhiều chuyện phải làm. Chính vì thế, đề tài xin đưa ra một số kiến nghị nhằm giúp cho Sacombank An Giang phát triển ngày càng hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là hoạt động tín dụng doanh nghiệp:
Trong quy trình giải quyết hồ sơ vay vốn của khách hàng thì các CBTD cần chủ động hơn nữa để hạn chế sự đi lại của khách hàng. Cụ thể là CBTD có thể giải ngân trực tiếp tại trụ sở của doanh nghiệp.
Sacombank An Giang cần có phòng riêng dành cho các khách hàng VIP như Giám đốc của các doanh nghiệp/công ty.
Phòng doanh nghiệp cần tăng cường tiếp thị các sản phẩm dịch vụ đến các công ty xuất nhập khẩu lớn trong tỉnh như: công ty Agifish, Angimex, Afiex...Bởi vì các công ty này ngoài việc có nhu cầu vay vốn lớn thì còn có doanh số thanh toán quốc tế cũng rất lớn. Ngoài ra, phòng Doanh nghiệp cũng cần chú trọng tiếp thị đối với các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp, lúa gạo và vật liệu xây dựng.
Phòng doanh nghiệp cần khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNTN vay vốn bằng cách cầm cố sổ tiết kiệm, bởi vì vay vốn theo cách đó thì sẽ vay được tỷ lệ cao hơn mà thủ tục giải quyết hồ sơ thì nhanh hơn.
Bên cạnh đó, phòng Doanh nghiệp cũng cần khuyến khích khách hàng nhận tiền vay thông qua tài khoản của Sacombank, nhằm dễ quản lý quá trình sử dụng vốn của khách hàng, vừa dễ dàng trong việc thu lãi.
Thường xuyên tổ chức các cuộc họp giữa CBTD và Trưởng phòng Doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, giải quyết các khúc mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như triển khai kế hoạch mới. Bên cạnh đó, do nhu cầu phát triển kinh doanh nên cần tăng cường số lượng CBTD cho phòng.
Chi nhánh cần thường xuyên cử các CBTD đi học các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng. Trung bình là mỗi quý một CBTD sẽ được đi học, chú ý nâng cao khả năng ngoại ngữ.
Chi nhánh cần đổi mới và trang bị thêm các thiết bị như: máy in, máy fax, scan, đặc biệt là máy photocopy để quá trình giải quyết hồ sơ được nhanh chóng, không để khách hàng đợi lâu.