3.2.5.1. Đa dạng hóa các loại dịch vụ Logistics
Nhu cầu của các khách hàng ngày càng cao và đa dạng. Vì vậy Công ty cần phải đa dạng các loại hình dịch vụ Logistics để đáp ứng được những nhu cầu đó. Công ty phải đảm bảo rằng với mọi yêu cầu của khách hàng đều được đáp ứng đầy đủ, trong từng trường hợp cụ thể có sự tư vấn của Công ty nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho yêu cầu của khách hàng.
Làm được điều này, Công ty phải tăng cường các đội tàu hoạt động công ích hỗ trợ ngư dân vận chuyển sản phẩm về bờ, cung cấp dầu, nước đá, nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến biển. Mặc dù hiện nay đội tàu khai thác hải sản xa bờ đã phát triển nhưng khai thác xa bờ vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do giá cả nguyên, nhiên liệu cũng như các yếu tố đầu vào tăng cao trong khi đó ngư trường khai thác biến động liên tục, các yếu tố về thời tiết cũng thường xuyên thay đổi dẫn đến tình trạng nhiều tàu thuyền phải kéo dài chuyến biển. Tuy nhiên việc kéo dài chuyến biển còn nhiều hạn chế do thực phẩm, nước ngọt, nước đá bảo quản sản phẩm mang theo sẽ hết tàu bắt buộc phải vào bờ và khả năng thua lỗ của ngư dân rất cao.
Vì vậy, Công ty cần gia tăng số lượng tàu trong đội tàu công ích, nhiệm vụ của đội tàu công ích là:
a. Thu mua, sơ chế, vận chuyển sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng từ ngư trường và các đảo xa đất liền về bờ.
b. Cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho các tàu khai thác thủy sản xa bờ cho nhân dân trên đảo bao gồm: dầu, nước đá, lương thực, thực phẩm, các thiết bị phục vụ khai thác, hàng hải.
c. Khai thác kiểm chứng các kết quả dự báo ngư trường, cung cấp thông tin về ngư trường nguồn lợi cho các đội tàu khai thác.
3.2.5.2. Đa dạng hóa các phương thức cung ứng dịch vụ Logistics
Việc đổi mới và đa dạng hóa các phương thức cung ứng dịch vụ Logistics phải đáp ứng được yêu cầu sao cho người tiêu dùng có thể tiếp cận được dịch vụ một cách đơn giản và dễ dàng nhất. Các dịch vụ Logistics có thể được cung ứng dưới các hình thức sau:
+ Cung cấp dịch vụ đến tay người tiêu dùng.
+ Cung cấp dịch vụ thông qua hệ thống các đối tác trong và ngoài nước có khả năng tiếp cận trực tiếp đến các đối tượng tiêu dùng.
+ Cung cấp dịch vụ thông qua các mạng lưới trung tâm dịch vụ tổng hợp và qua các hệ thống thông tin sẵn có.
3.2.5.3. Nâng cao chất lượng của dịch vụ
Công ty cần nâng cao tính chuyên nghiệp của mình trong việc tổ chức cung ứng các dịch vụ Logistics để thu hút khách hàng.
Vận dụng dịch vụ Marketing như là công cụ quan trọng để phát hiện và đáp ứng yêu cầu về dịch vụ Logistics của thị trường.
Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ.
Để quản lý chất lượng dịch vụ Logistics, bên cạnh việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ nói chung, việc đánh giá và quản lý chất lượng của các dịch vụ cũng có những điểm khác biệt và phức tạp hơn vì nó có những đặc tính riêng khác với hàng hóa thông thường.
Chính vì vậy, Công ty phải tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng có tính chất chuyên ngành nhằm phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế và đáp ứng được yêu cầu quốc tế.
Khai thác và nâng cao hiệu quả sự hợp tác của các tổ chức dịch vụ Logistics quốc tế để phát triển dịch vụ Logistics của Công ty.
3.2.5.4. Tăng cường các liên kết trong hoạt động kinh doanh dịch vụ Logistics + Giải pháp về việc liên kết các Công ty dịch vụ cảng cá thành một Công ty có quy mô lớn, có khả năng thực hiện được nhiều khâu trong hệ thống các dịch vụ Logistics để phục vụ cho việc lưu chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất với chi phí rẻ nhất và đạt hiệu quả cao nhất.
Thực tế cho thấy, các Công ty dịch vụ cảng cá Việt Nam đều có quy mô nhỏ, các Ban Quản lý cảng cá chiếm tỷ lệ đáng kể trong số các công ty kinh doanh dịch vụ cảng cá trong cả nước. Hơn thế, họ chỉ có khả năng đảm nhận một hoặc một số khâu công việc trong hệ thống các dịch vụ Logistics do cơ sở vật chất kỹ thuật không đảm bảo và vốn đầu tư cho kinh doanh bị hạn chế.
Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, việc liên kết các Công ty kinh doanh dịch vụ cảng cá thành một Công ty hay tập đoàn có quy mô lớn, có khả năng thực hiện được nhiều khâu trong hệ thống các dịch vụ Logistics để phục vụ cho việc lưu chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất với chi phí rẻ nhất và đạt hiệu quả cao nhất là hết sức cần thiết. Sự liên kết này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Công ty không chỉ trên thị trường trong nước và ngay cả trên thị trường quốc tế.
+ Giải pháp về liên kết giữa các công ty kinh doanh dịch vụ cảng cá với các ngân hàng, các tổ chức tài chính…
Đây là giải pháp nhằm mục đích mang lại cho khách hàng một dịch vụ tổng thể trọn gói cho hoạt động kinh doanh của mình. Liên kết với các ngân hàng, Công ty có thể nhận được sự trợ giúp về vốn, về sơ sở hạ tầng, về sự bảo lãnh trong hoạt động. Đồng thời qua các ngân hàng và các tổ chức tài chính, Công ty được giới thiệu quảng bá đến các khách hàng. Các ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính, còn Công ty cung cấp dịch vụ Logistics, vì vậy các khách hàng chỉ đến một cảng cá là có thể được đáp ứng một loạt các nhu cầu của mình, mang lại sự thỏa mãn cho khách hàng. Trong hoạt động liên kết này, tất cả các bên đều có được lợi ích của mình.
Chương 4
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 4.1. Kết luận
Logistics không chỉ là ngành đem lại nguồn lợi khổng lồ mà còn có vai trò to lớn, liên quan mật thiết tới sự cạnh tranh sống còn của doanh nghiệp
Đối với nền kinh tế quốc dân, Logistics đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong sản xuất, lưu thông, phân phối, là dịch vụ cốt yếu đối với hiệu quả tăng trưởng kinh tế, đảm bảo sự ổn định vĩ mô của bất cứ quốc gia nào. Nâng cao hiệu quả dịch vụ gắn liền với sự tham gia tích cực và hiệu quả của các doanh nghiệp Logistics là chìa khóa thành công của chiến lược phát triển kinh tế. Đối với doanh nghiệp, Logistics đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết bài toán đầu vào và đầu ra một cách có hiệu quả. Logistics có thể thay đổi nguồn tài nguyên đầu vào hoặc tối ưu hóa quá trình chu chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ…Logistics còn giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phân phối giống như mạch máu của nền kinh tế. Nắm được hệ thống phân phối chính là nắm được phần thắng trong tay. Và Logistics là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối ấy.
Bởi vậy, phát triển dịch vụ Logistics của Công ty Dịch vụ Cảng Cá Cát Lở - Vũng Tàu trong điều kiện hội nhập là rất cần thiết để đẩy mạnh kinh doanh trong lĩnh vực này và mang lại một hướng đi vững vàng cho doanh nghiệp trẻ đầy triển vọng.
4.2. Một số kiến nghị với Chính phủ
4.2.1. Cải cách thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng
Nhà nước cần tạo lập môi trường pháp lý bình đẳng, sau khi ban hành Luật thì cần có những Nghị định hướng dẫn một cách cụ thể. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tài trợ, hỗ trợ, quan tâm trong xây dựng và hoạch định các chính sách có định hướng, liên quan tới ngành Logistics. Thực hiện các văn bản dưới Luật nhằm hiện thực hóa bộ Luật Thương mại (chương trình Logistics).
Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thì cần hình thành cơ quan chuyên trách như lập Ủy ban quốc gia Logistics để gắn kết, thống nhất quản lý, tổ chức thực hiện những chương trình trọng điểm và phối hợp các ngành hiệu quả hơn.
Cần chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ sở hạ tầng liên hoàn, tạo điều kiện thông thoáng và hợp lý cho những nhà đầu tư có uy tín và năng lực trong lĩnh vực Logistics. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, việc chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào các vùng trọng điểm khơi luồng vận chuyển trong và ngoài nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghiệp Logistics.
Cần đầu tư nghiên cứu một cách bài bản về Logistics, dịch vụ Logistics và phổ biến kiến thức này cho các cơ quan và cán bộ có liên quan đến lĩnh vực này, tránh tình trạng hiểu không thấu đáo sẽ vận dụng sai, không hiệu quả. Để phục vụ cho nhu cầu trước mắt nên thành lập nhóm công tác để nghiên cứu và triển khai dự án lập” Trung tâm Logistics” tại các vùng kinh tế trọng điểm. Nhóm nghiên cứu có thể gồm cán bộ của Bộ Giao thông vận tải, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về Logistics, các chuyên viên thực tế về Logistics (trong và ngoài nước). Trên cơ sở các nghiên cứu và kiến nghị của các nhóm sẽ đề nghị Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc để thành lập các trung tâm Logistics trên cả nước sao cho hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan: Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, các địa phương, các Công ty…để triển khai xây dựng và khai thác các trung tâm Logistics, tránh bị tụt hậu so với khu vực và thế giới.
Đối với chính quyền địa phương, cần hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Công ty hoạt động Logistics trên địa bàn mình quản lý được hưởng những ưu đãi về đất đai, thuế, kho tàng, bến bãi một cách tốt nhất trong điều kiện hiện có của địa phương. Theo đó, chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan giải quyết các thủ tục hải quan, chính sách thuế theo cơ chế một cửa liên thông nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, tránh phiền hà cho các Công ty.
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các dịch vụ Logistics phát triển. Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ Logistics, đặc biệt là dịch vụ Logistics thương mại như: Dịch vụ vận tải, dịch vụ cảng và giao nhận, dịch vụ thông tin, dịch vụ tài chính phát triển.
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản Pháp luật điều chỉnh hoạt động của các lĩnh vực dịch vụ Logistics có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng và lành mạnh cho các Công ty kinh doanh dịch vụ Logistics thuộc mọi thành phần kinh tế.
Trong môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, mọi hoạt động của các Công ty kinh doanh dịch vụ Logistics được điều chỉnh thông qua hệ thống các văn bản pháp lý trong đó quy định đầy đủ, rõ ràng mọi vấn đề có liên quan đến phát triển dịch vụ Logistics ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có cơ chế giám sát việc thực hiện Pháp luật một cách có hiệu quả trong các Công ty kinh doanh dịch vụ Logistics.
Khi đã có một hành lang pháp lý thuận lợi, các Công ty có nghĩa vụ thực hiện đúng Pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hoạt động của mình, tránh hiện tượng độc quyền, cửa quyền hoặc lạm dụng những ưu thế về thị trường, giá cả, thương hiệu…
Tuy nhiên, để có được môi trường cạnh tranh công bằng, Chính phủ Việt Nam cần phải loại bỏ dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn những chính sách, biện pháp mà tự nó không phải là điều kiện tốt cho cạnh tranh quốc tế.
Muốn vậy, khi xây dựng hệ thống các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của các dịch vụ Logistics, Chính phủ cần tổ chức trao đổi, đóng góp ý kiến của các Công ty và các cơ quan quản lý. Có như vậy, tính thực tiễn và tính hiệu quả của các văn bản chính sách của Nhà nước được nâng cao.
- Cần từng bước thực hiện tự do hóa giao dịch các dịch vụ Logistics để tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế về phát triển dịch vụ Logistics.
Nhóm các dịch vụ Logistics bao gồm nhiều ngành và phân ngành dịch vụ khác nhau trong đó các dịch vụ giữ vai trò chủ chốt là: dịch vụ vận tải, dịch vụ cảng và giao nhận, dịch vụ dự trữ hàng hóa và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Đối với mỗi ngành và phân ngành dịch vụ khác nhau, Nhà nước có những chính sách, biện pháp khác nhau cho phù hợp với các cam kết khu vực và quốc tế.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, điện nước, nhà ga, bến cảng, hệ thống kho bãi) có vai trò hết sức quan trọng để các Công ty có thể thực hiện các dịch vụ Logistics nhằm đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Nhận thức được vấn đề nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã tích cực trong việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sá, cầu cống, hệ thống điện nước, kho bãi, nhà ga, bến cảng… Mặt khác, Chính phủ cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam được đánh giá là chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phục vụ việc lưu chuyển hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng trong khi khối lượng và giá trị hàng hóa tham gia quá trình này ngày càng lớn.
Vấn đề đặt ra là Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc đầu tư vốn để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin, tài chính, thương mại …để phục vụ lưu chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút vốn đầu tư từ các Công ty, cá nhân từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lưu chuyển khối lượng hàng hóa lớn phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất nhập khẩu trong điều kiện hội nhập và tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu.
Các cảng cá đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của ngành thủy sản cả nước. Với hạ tầng cơ sở hiện đại, được quản lý tốt, các cảng cá sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển nghề cá cả về số lượng và chất lượng, giảm thời gian các tàu đánh bắt lưu lại cảng, tăng khối lượng cung cấp và phân phối hải sản, đẩy nhanh tốc độ phát triển của các tàu cá lớn hơn và hiện đại hơn. Việc hoàn thiện công tác quản lý cảng cá sẽ giải quyết những vấn đề về môi trường mà Việt Nam đang gặp phải. Đồng thời từng bước đưa hoạt động của các cảng cá phát triển theo hướng hiện đại có sự quản lý của Nhà nước.
Để đạt được các mục tiêu đó, các cảng cá rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của ban ngành chính quyền địa phương trong việc nghiên cứu các mô hình quản lý các loại cảng cá và đưa các cảng cá đi vào hoạt động có hiệu quả cũng như có các chiến lược, chính sách thúc đẩy nghề cá phát triển.
Tôi xin kiến nghị một số ý kiến cụ thể như sau:
- Để xây dựng các cảng cá phát triển đồng bộ, tránh manh mún tự phát, Nhà nước cần phải có qui hoạch cụ thể việc xây dựng các cảng cá đi liền với việc quy hoạch khu dân cư nghề cá để hình thành các trung tâm nghề cá. Các trung tâm này phải có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, hệ thống đường giao thông thủy-bộ, hệ