Nhà nước cần tạo lập môi trường pháp lý bình đẳng, sau khi ban hành Luật thì cần có những Nghị định hướng dẫn một cách cụ thể. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tài trợ, hỗ trợ, quan tâm trong xây dựng và hoạch định các chính sách có định hướng, liên quan tới ngành Logistics. Thực hiện các văn bản dưới Luật nhằm hiện thực hóa bộ Luật Thương mại (chương trình Logistics).
Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thì cần hình thành cơ quan chuyên trách như lập Ủy ban quốc gia Logistics để gắn kết, thống nhất quản lý, tổ chức thực hiện những chương trình trọng điểm và phối hợp các ngành hiệu quả hơn.
Cần chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ sở hạ tầng liên hoàn, tạo điều kiện thông thoáng và hợp lý cho những nhà đầu tư có uy tín và năng lực trong lĩnh vực Logistics. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, việc chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào các vùng trọng điểm khơi luồng vận chuyển trong và ngoài nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghiệp Logistics.
Cần đầu tư nghiên cứu một cách bài bản về Logistics, dịch vụ Logistics và phổ biến kiến thức này cho các cơ quan và cán bộ có liên quan đến lĩnh vực này, tránh tình trạng hiểu không thấu đáo sẽ vận dụng sai, không hiệu quả. Để phục vụ cho nhu cầu trước mắt nên thành lập nhóm công tác để nghiên cứu và triển khai dự án lập” Trung tâm Logistics” tại các vùng kinh tế trọng điểm. Nhóm nghiên cứu có thể gồm cán bộ của Bộ Giao thông vận tải, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về Logistics, các chuyên viên thực tế về Logistics (trong và ngoài nước). Trên cơ sở các nghiên cứu và kiến nghị của các nhóm sẽ đề nghị Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc để thành lập các trung tâm Logistics trên cả nước sao cho hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan: Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, các địa phương, các Công ty…để triển khai xây dựng và khai thác các trung tâm Logistics, tránh bị tụt hậu so với khu vực và thế giới.
Đối với chính quyền địa phương, cần hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Công ty hoạt động Logistics trên địa bàn mình quản lý được hưởng những ưu đãi về đất đai, thuế, kho tàng, bến bãi một cách tốt nhất trong điều kiện hiện có của địa phương. Theo đó, chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan giải quyết các thủ tục hải quan, chính sách thuế theo cơ chế một cửa liên thông nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, tránh phiền hà cho các Công ty.
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các dịch vụ Logistics phát triển. Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ Logistics, đặc biệt là dịch vụ Logistics thương mại như: Dịch vụ vận tải, dịch vụ cảng và giao nhận, dịch vụ thông tin, dịch vụ tài chính phát triển.
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản Pháp luật điều chỉnh hoạt động của các lĩnh vực dịch vụ Logistics có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng và lành mạnh cho các Công ty kinh doanh dịch vụ Logistics thuộc mọi thành phần kinh tế.
Trong môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, mọi hoạt động của các Công ty kinh doanh dịch vụ Logistics được điều chỉnh thông qua hệ thống các văn bản pháp lý trong đó quy định đầy đủ, rõ ràng mọi vấn đề có liên quan đến phát triển dịch vụ Logistics ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có cơ chế giám sát việc thực hiện Pháp luật một cách có hiệu quả trong các Công ty kinh doanh dịch vụ Logistics.
Khi đã có một hành lang pháp lý thuận lợi, các Công ty có nghĩa vụ thực hiện đúng Pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hoạt động của mình, tránh hiện tượng độc quyền, cửa quyền hoặc lạm dụng những ưu thế về thị trường, giá cả, thương hiệu…
Tuy nhiên, để có được môi trường cạnh tranh công bằng, Chính phủ Việt Nam cần phải loại bỏ dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn những chính sách, biện pháp mà tự nó không phải là điều kiện tốt cho cạnh tranh quốc tế.
Muốn vậy, khi xây dựng hệ thống các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của các dịch vụ Logistics, Chính phủ cần tổ chức trao đổi, đóng góp ý kiến của các Công ty và các cơ quan quản lý. Có như vậy, tính thực tiễn và tính hiệu quả của các văn bản chính sách của Nhà nước được nâng cao.
- Cần từng bước thực hiện tự do hóa giao dịch các dịch vụ Logistics để tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế về phát triển dịch vụ Logistics.
Nhóm các dịch vụ Logistics bao gồm nhiều ngành và phân ngành dịch vụ khác nhau trong đó các dịch vụ giữ vai trò chủ chốt là: dịch vụ vận tải, dịch vụ cảng và giao nhận, dịch vụ dự trữ hàng hóa và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Đối với mỗi ngành và phân ngành dịch vụ khác nhau, Nhà nước có những chính sách, biện pháp khác nhau cho phù hợp với các cam kết khu vực và quốc tế.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, điện nước, nhà ga, bến cảng, hệ thống kho bãi) có vai trò hết sức quan trọng để các Công ty có thể thực hiện các dịch vụ Logistics nhằm đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Nhận thức được vấn đề nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã tích cực trong việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sá, cầu cống, hệ thống điện nước, kho bãi, nhà ga, bến cảng… Mặt khác, Chính phủ cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam được đánh giá là chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phục vụ việc lưu chuyển hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng trong khi khối lượng và giá trị hàng hóa tham gia quá trình này ngày càng lớn.
Vấn đề đặt ra là Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc đầu tư vốn để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin, tài chính, thương mại …để phục vụ lưu chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút vốn đầu tư từ các Công ty, cá nhân từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lưu chuyển khối lượng hàng hóa lớn phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất nhập khẩu trong điều kiện hội nhập và tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu.
Các cảng cá đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của ngành thủy sản cả nước. Với hạ tầng cơ sở hiện đại, được quản lý tốt, các cảng cá sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển nghề cá cả về số lượng và chất lượng, giảm thời gian các tàu đánh bắt lưu lại cảng, tăng khối lượng cung cấp và phân phối hải sản, đẩy nhanh tốc độ phát triển của các tàu cá lớn hơn và hiện đại hơn. Việc hoàn thiện công tác quản lý cảng cá sẽ giải quyết những vấn đề về môi trường mà Việt Nam đang gặp phải. Đồng thời từng bước đưa hoạt động của các cảng cá phát triển theo hướng hiện đại có sự quản lý của Nhà nước.
Để đạt được các mục tiêu đó, các cảng cá rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của ban ngành chính quyền địa phương trong việc nghiên cứu các mô hình quản lý các loại cảng cá và đưa các cảng cá đi vào hoạt động có hiệu quả cũng như có các chiến lược, chính sách thúc đẩy nghề cá phát triển.
Tôi xin kiến nghị một số ý kiến cụ thể như sau:
- Để xây dựng các cảng cá phát triển đồng bộ, tránh manh mún tự phát, Nhà nước cần phải có qui hoạch cụ thể việc xây dựng các cảng cá đi liền với việc quy hoạch khu dân cư nghề cá để hình thành các trung tâm nghề cá. Các trung tâm này phải có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, hệ thống đường giao thông thủy-bộ, hệ thống điện, nước,…Để việc quy hoạch có ý nghĩa thiết thực, Nhà nước cần phải đầu tư xây dựng được các cơ sở hạ tầng nhất định như: cầu cảng, chợ cá, hệ thống điện, cấp thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống đường xá giao thông, các công trình phục vụ dân sinh cho ngư dân như trường học, bệnh viện,…dành cho làng cá. Đây là công trình chi phí đầu tư lớn nên tư nhân thường không đủ khả năng tài chính để thực hiện. Còn các công trình khác Nhà nước nên để cho tư nhân và các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư trên cơ sở quy hoạch của Nhà nước.
- Các đơn vị trực tiếp quản lý cảng cá phải hoạt động dưới hình thức công ty, chịu sự điều tiết của Luật Công ty, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, để đảm bảo tính hiệu quả cao trong công tác tổ chức quản lý và khai thác cảng.
- Tại các cảng cá, thông qua chính quyền địa phương cần tổ chức các Hiệp hội ngư dân để bảo vệ quyền lợi ngư dân. Thông qua các Hiệp hội này, ngư dân được tổ chức và hướng dẫn hoạt động nghề cá theo đúng quy định của ngành, được hỗ trợ và bảo lãnh trong việc vay vốn để đóng mới tàu và hoạt động đánh bắt. Hiệp hội đóng vai trò như một pháp nhân trong việc tìm nguồn vốn và lập quỹ để hỗ trợ cho hoạt động đánh bắt cũng như hoạt động mua bán cá. Khi ngư dân được Hiệp hội bảo trợ và không phụ thuộc vào đầu nậu thì sản phẩm cá không bị ép giá và mới tổ chức được việc đấu giá hải sản. Điều này tạo tiền đề cho việc hình thành các chợ cá đấu giá ở các cảng.
- Chợ cá nằm trong cảng cá sẽ là nơi cung cấp thông tin và các số liệu thống kê làm cơ sở cho các chính sách, các giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cũng như của Trung ương trong việc phát triển ngành thủy sản cũng như các ngành kinh tế khác có liên quan, từ đó tạo điều kiện cho các chính sách, giải pháp này đạt hiệu quả cao. Thông qua chợ cá Ban quản lý tổ chức việc đấu thầu để hình thành giá cả mua bán hải sản, điều này vừa có lợi cho người bán lẫn người mua, tạo ra môi trường mua bán lành mạnh, khắc phục hiện tượng đầu nậu ép giá ngư dân bằng các thủ đoạn, hành vi trái Pháp luật như lâu nay vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi. Thực tế cho thấy người mua đa phần là các xí nghiệp chế biến hải sản không trực tiếp mua được nguyên liệu từ ngư dân mà thường thông qua 2,3 trung gian…
- Về hoạt động mua bán cá, các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cần quy định và tạo điều kiện cho các đầu nậu, các thành phần kinh tế đăng ký kinh doanh và được cấp giấy phép kinh doanh các mặt hàng hải sản vì việc này các đơn vị Nhà nước không thể làm nổi và đó là điều kiện tiên quyết để được hoạt động trong các chợ cá của các cảng. Hạn chế tình trạng các đầu nậu trở thành những người độc quyền trong thu mua và cung cấp hải sản.
- Để đảm bảo nguồn lợi hải sản và hiệu quả đánh bắt của ngư dân, Nhà nước cần tăng cường quy định các vùng đánh bắt trong năm, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về phương pháp đánh bắt và yêu cầu về mắt lưới. Điều này giúp cho chất lượng hải sản của các chợ được nâng cao và tránh cạn kiệt tài nguyên. Đồng thời
Nhà nước phải tính toán cấp phép cho việc đóng mới tàu thuyền trong phạm vi số lượng phù hợp, tránh lãng phí tài chính của ngư dân và xã hội.
- Nhà nước phải có quan điểm việc thu hồi vốn đầu tư xây dựng các công trình cảng không phải từ các hoạt động thu phí của cảng mà phải từ thu thuế của các thành phần kinh tế được hưởng lợi thông qua việc hoạt động tại cảng hoặc nhờ cảng mà họ hoạt động có hiệu quả.
- Để đảm bảo cho các cảng cá hoạt động có hiệu quả, đồng thời góp phần phát triển kinh tế của địa phương, phải hình thành được mối quan hệ giữa cơ quan quản lý cảng và các cơ quan chính quyền địa phương. Mối quan hệ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cảng hoạt động nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương. Đồng thời từ phía cảng cũng sẽ tác động tích cực đến các vấn đề quản lý của địa phương, giúp tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong vùng, ổn định tình hình an ninh trật tự. Bên cạnh đó mối quan hệ này sẽ tạo điều kiện cho 2 cơ quan quản lý có sự thống nhất trong việc triển khai các chủ trương chính sách để phát triển đối với ngành và địa phương.
- Có cơ chế tín dụng về ưu đãi vốn vay và lãi vay để cảng phát triển các cơ sở phục vụ hậu cần nghề cá.