2.1.1 Lịch sử hình thành và phát triển của ngân hàng công thương Việt Nam:
Ngân hàng Công Thương Việt Nam (viết tắt là NHCT.VN) là một trong những NHTM Nhà nước lớn nhất của Việt Nam, thành lập năm 1988 và được Nhà nước xếp hạng là doanh nghiệp đặc biệt. Theo Quyết định số 196/QĐ-NHNN ngày 16/01/2008 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh của NHCT.VN được đổi thành Vietnam Bank for Industry and Trade, viết tắt là VietinBank (tên giao dịch cũ là Industrial and Commercial Bank of Viet Nam, viết tắt là Incombank).
NHCT.VN có hệ thống mạng lưới gồm 3 Sở Giao dịch, 02 Văn phòng đại diện, 01 Trung tâm đào tạo, 01 Trung tâm công nghệ thông tin, 138 chi nhánh, 158 phòng giao dịch, 144 điểm giao dịch, 287 quỹ tiết kiệm và hơn 800 “ngân hàng giao dịch tự động” (ATM) ở hầu hết các tỉnh, thành phố và trung tâm thương mại trong cả nước, luôn là địa chỉ thuận tiện và đáng tin cậy của cả người gửi tiền, người đi vay và người sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Ngoài ra, NHCT.VN còn là chủ sở hữu, cổ đông lớn của những công ty hàng đầu trên thị trường tài chính Việt Nam như: Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản, Công ty cho thuê tài chính VietinBank, Công ty liên doanh Bảo hiểm Châu Á-VietinBank, Công ty liên doanh cho thuê tài chính Quốc tế (VILC), Ngân hàng liên doanh Indovina, cổ đông lớn của NHTM cổ phần Sàigòn Công Thương… Với quy mô này, VietinBank trở thành một trong những Ngân hàng lớn nhất Việt Nam. VietinBank cũng đã thiết lập quan hệ đại lý với 735 ngân hàng trên toàn thế giới, là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Châu Á, thành viên của hệ thống thẻ Visa, Master và Hiệp hội tài chính viễn thông toàn cầu (SWIFT).
Trong suốt thời gian qua, VietinBank đã không ngừng cải tiến, hoàn thiện, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao công nghệ ngân hàng hiện đại nhằm đáp ứng tốt mọi yêu cầu của khách hàng và đảm bảo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào hoạt động; là ngân hàng có cơ sở hạ tầng, tiềm lực tài chính và đội ngũ cán bộ mạnh, chủ động với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các sản phẩm dịch vụ của VietinBank như: mở tài khoản, nhận tiền gửi tiết kiệm, cấp tín dụng ngắn, trung và dài hạn, cho vay hợp vốn, bảo lãnh, thanh toán quốc tế, chuyển tiền điện tử, chuyển tiền kiều hối, đã đưa và vận hành dịch vụ rút tiền tự động, phát hành thẻ Visa, Master…đã được đông đảo khách hàng lựa chọn. Đặc biệt là sản phẩm thẻ ATM của VietinBank đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng.
lNHCT.VN cũng đã đầu tư tín dụng và ký hợp đồng hợp tác toàn diện với một số ngành công nghiệp mũi nhọn, các tập đoàn và tổng công ty lớn như: ngành điện, ngành xi măng, ngành dầu khí, ngành đóng tàu, ngành dệt may, Tập đoàn Than và khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và khoảng 66 Tổng Công ty Nhà nước.
Các hình thức đầu tư tín dụng cũng ngày được mở rộng và phát triển như:
cho vay nội tệ, ngoại tệ, bảo lãnh, tài trợ xuất nhập khẩu, tín dụng thuê mua, tín dụng ủy thác, tín dụng theo dự án.
Với những kết quả đạt được, VietinBank xứng đáng nhận được nhiều giải thưởng lớn như: Giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt” cho sản phẩm thanh toán điện tử năm 2003; Giải thưởng ngân hàng có “Hoạt động xuất sắc trong thanh toán quốc tế 2003-2004 với tỷ lệ STP cao” do Citigroup trao tặng và giải thưởng “Thương hiệu mạnh Việt Nam” năm 2004, 2005 và năm 2006, trong đó năm 2005 và năm 2006 đạt Topten; giải thưởng “Sao vàng Đất Việt” năm 2004, 2005 cho thương hiệu VietinBank; Giải thưởng “Thương hiệu cạnh tranh năm 2006” do Cục Sở hữu trí tuệ trao tặng; Giải thưởng “Ngọn Hải Đăng” năm 2006 do Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ trao tặng; Giải thưởng “Cầu vàng” 2007 do Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ tổ chức bình chọn; Giải
“Cúp vàng thương hiệu và nhãn hiệu” năm 2007,…
Quá trình hình thành tổ chức bộ máy hoạt động của NHCT.VN có thể được chia thành 03 giai đoạn sau:
− Giai đoạn thứ nhất (từ tháng 7/1988 đến hết năm 1990): Trong giai đoạn này Ngân hàng Công Thương Trung Ương chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý như một Liên hiệp Xí nghiệp đặc biệt, các chi nhánh thực hiện chế độ hạch toán kinh tế độc lập.
− Giai đoạn thứ hai (từ tháng 1/1991 đến tháng 9/1996): Sau khi Pháp lệnh Ngân hàng có hiệu lực thi hành (10/1990), theo quyết định 402/CT ngày 14/11/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), NHCT.VN mới thực sự trở thành một Ngân hàng thương mại có chức năng kinh doanh tiền tệ. Mô hỡnh tổ chức kinh doanh được định hỡnh rừ: NHCT.VN là một phỏp nhõn thuộc sở hữu Nhà nước, thực hiện hạch toán kinh tế độc lập, có các chi nhánh là các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc.
− Giai đoạn thứ ba (từ tháng 9/1996 đến nay): Theo mô hình Tổng Công ty Nhà nước, NHCT.VN được quản lý bởi Hội đồng Quản trị, điều hành bởi Tổng Giám đốc, có các chi nhánh là các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc (chi nhánh cấp I).
2.1.2. Lịch sử hình thành và phát triển của Chi nhánh ngân hàng Công thương Phú Yên:( CN NHCT Phú Yên)
CN NHCT Phú Yên là một trong nhiều chi nhánh của ngân hàng công thương Việt Nam. Là ngân hàng thương mại quốc doanh có chức năng kinh doanh tiền tệ tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối với các thành phần kinh tế. Chủ yếu là trong lĩnh vực công thương nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện và dịch vụ… nhằm góp phần phát triển sản xuất và ổn định tiền tệ trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
CN NHCT Phú Yên trụ sở chính tại 236 Hùng Vương, Phường 7, TP Tuy Hoà, Phú Yên. Chi nhánh ra đời trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, nguyên trước đây là ngân hàng Nhà nước thị xã Tuy Hoà, trực thuộc Ngân Hàng
Nhà Nước thuộc tỉnh Phú Khánh, hoạt động theo mô hình ngân hàng 1 cấp. Nhiệm vụ chủ yếu là quản lý lưu thông tiền tệ - tín dụng huy động vốn theo cơ chế tập trung ( cho vay theo kế hoạch, cho vay theo thành phần đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh là chủ yếu).
Cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế, chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lí của nhà nước. Hệ thống ngân hàng cũng được đổi mới hoạt động và tổ chức cho phù hợp với tình hình kinh tế thị trường.
Theo quyết định số 53/HĐBT, tháng 9/1988 hệ thống ngân hàng chuyển từ ngân hàng 1 cấp thành ngân hàng 2 cấp: Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng chuyên doanh. Từ đó chi nhánh ngân hàng nhà nước Thị Xã Tuy Hoà hoá chuyển thành chi nhánh ngân hàng Công Thương thị xã Tuy Hoà trực thuộc ngân hàng Công Thương tỉnh Phú Khánh.
Tháng 7/1989 cùng với sự tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, chi nhánh ngân hàng Công Thương Phú Yên chính thức thành lập theo quyết định số 98/NH-QĐ ngày 1/7/1989 của tổng giám đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam.
Ngày 27/3/1993 CN NHCT Phú Yên được lập lại theo nghị định số 338/HĐBT của Hội đồng Bộ Trưởng. Ngân Hàng Công Thương Phú Yên đã phát triển mạnh mẽ, chuyển từ cho vay các đơn vị kinh tế quốc doanh là chủ yếu sang cho vay mọi thành phần kinh tế, tầng lớp dân cư, trở thành ngân hàng phục vụ cho toàn xã hội. Từ đó CN NHCT Phú Yên là một ngân hàng có uy tín lớn trong hệ thống ngân hàng trong địa bàn, thị trường hoạt động rộng khắp.
Từ một ngân hàng phục vụ cho mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư, cho vay nội tế sau đó mở rộng cho vay ngoại tệ và kinh tế đối ngoại, nguồn vốn cho vay chủ yếu là vốn của Nhà Nước phát hành trên kênh tín dụng, chuyển thành ngân hàng “ đi vay để cho vay” chi nhánh đã xây dựng và điều hành theo cách chủ động tiết kiệm, hiệu quả đối với nguồn vốn huy động từ cách tổ chức kinh
tế, thực hiện các chính sách lãi suất, huy động cho vay ( kinh tế ) linh hoạt để tạo nguồn vốn dồi dào cung ứng cho mọi nhu cầu tài chính của khách hàng.
Trong thời gian 13 năm qua chi nhánh đã đạt được những thành tựu đáng kể tạo được nhiều ấn tượng tốt đối với khách hàng. Chi nhánh không ngừng khai thác các điều kiện thuận lợi hiện có, khắc phục khó khăn tạo ra thuận lợi mới và luôn năng động.
2.2 Cơ cấu tổ chức Chi nhánh Ngân Hàng Công Thương Phú Yên