Vai trò của ngân hàng Nhà nước là quan trọng trong việc điều tiết vĩ mô nền kinh tế trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng. NHNN cần tập trung chỉ đạo tốt một số nội dung sau để hỗ trợ sự tồn tại và phát triển của các ngân hàng thương mại:
Thứ nhất, nâng cao vai trò quản lý đối với sự phát triển chung của hệ thống ngân hàng thương mại. Ngân hàng nhà nước cần thực hiện tốt chức năng chủ yếu của ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của các ngân hàng, người cho vay cuối cùng, cơ quan điều tiết thị trường tiền tệ và trung tâm thanh toán, thực hiện các chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng với mục tiêu ổn định đồng tiền, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống ngân hàng. Thực hiện công tác tham mưu và điều hành chính sách tiền tệ một cách phù hợp và có hiệu quả để duy trì sản xuất thúc đẩy hoạt động nhập khẩu từ đó thúc đẩy dịch vụ thanh toán nhập khẩu ở các ngân hàng phát triển. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra một cách thường xuyên dịch vụ thanh toán nhập khẩu tại các ngân hàng để có thể sớm phát hiện nguy cơ tiềm ẩn, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.
Thứ hai, cần xây dựng các văn bản pháp lý thống nhất điều chỉnh hoạt động ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán nhập khẩu nói riêng. Chính phủ đã ban hành Pháp lệnh ngoại hối và hướng dẫn chi tiết để ngân hàng có căn cứ thực hiện rõ ràng cho hoạt động của mình. Về nội dung của pháp lệnh ngoại hối và các văn bản hướng dẫn trước đây của NHNN có vài điểm chưa thống nhất với nhau nên việc lựa chọn văn bản để áp dụng gây khó khăn cho ngân hàng trong dịch vụ thanh toán nhập khẩu. NHNN ban hành thêm các văn bản có liên quan đến vấn đề chuyển ngoại tệ, việc quản lý ngoại hối sao cho khi thực hiện các nghiệp vụ không bị
chồng chéo. Khi có sự sửa đổi, bổ sung NHNN cần thông báo đến các ngân hàng thương mại để NHTM cập nhật và thực hiện kịp thời.
Thứ ba, xây dựng cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với thị trường. Tỷ giá hối đoái có tính nhạy cảm cao, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động của đời sống kinh tế xã hội, trong đó có dịch vụ thanh toán nhập khẩu. Tỷ giá có thể thúc đẩy hoặc hạn chế hoạt động nhập khẩu. Vì vậy, NHNN cần xây dựng cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt. Việc điều hành chính sách tỷ giá phải tiến hành theo từng giai đoạn, ngân hàng Nhà nước chỉ can thiệp chính sách tỷ giá ở tầm vĩ mô trên thị trường ngoại hối để tỷ giá biến động có lợi cho nền kinh tế.
Thứ tư, hoàn thiện và phát triển thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. NHNN tham gia với tư cách là người mua - bán cuối cùng và can thiệp khi cần thiết. Việc các ngân hàng không đủ ngoại tệ để tiến hành thanh toán gây ra rủi ro không nhỏ cho dịch vụ thanh toán nhập khẩu. Chính vì vậy, việc mở rộng thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là điều kiện giúp ngân hàng thương mại mở rộng hoạt động kinh doanh ngoại tệ, thúc đẩy dịch vụ thanh toán nhập khẩu phát triển. Để mở rộng và phát triển thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, NHNN cần mở rộng đối tượng tham gia hoạt động vào thị trường này, đa dạng hoá các loại ngoại tệ, các hình thức giao dịch trên thị trường, giám sát thường xuyên các hoạt động của thị trường, quản lý quá trình mua - bán của các ngân hàng.