Nguyên tắc quản lý thị trường vàng

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 35 - 39)

Để thực hiện tốt chức năng quản lý, pháp luật phải tạo nên một môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động tự do kinh doanh phát triển, tạo cho mọi công dân có cơ hội kinh doanh theo pháp luật, bảo vệ các quyền sở hữu hợp pháp, các nguồn thu nhập hợp pháp. Mặt khác, pháp luật cũng tạo cơ sở để Nhà nước có thể thực hiện được vai trò người điều hành nền kinh tế thị trường, hướng nó phát triển theo các mục tiêu đã định, khắc phục, hạn chế những mặt trái vốn có của nền kinh tế thị trường. Pháp luật cũng phải là công cụ để Nhà nước kiểm soát các hoạt động kinh doanh, trừng trị mọi hành vi kinh doanh phi pháp, thực hiện sự công bằng trong sản xuất, phân phối. Đối với thị trường vàng, hoạt động quản lý có những yêu cầu khắt khe hơn so với các thị trường hàng hóa thông thường. Lý do của yêu cầu đó xuất phát từ đặc điểm riêng có của vàng, nhu cầu cao trong dân chúng và ảnh hưởng của việc lưu thông cũng như tích trữ vàng đối với nền kinh tế. Những yêu cầu kể trên đòi hỏi hoạt động xây dựng pháp luật phải xác định được những nguyên tắc cho hoạt động quản lý, đảm bảo tính thống nhất và toàn diện của hệ thống cơ sở pháp lý.

Nguyên tắc quản lý là những yêu cầu xuyên suốt đặt ra trong công tác quản lý thị trường. Nguyên tắc đảm bảo cho hoạt động quản lý được thực hiện một cách thống nhất, kể cả khi chưa có điều khoản quy định cụ thể trước thực tiễn phát sinh. Các nguyên tắc trong hoạt động quản lý thị trường vàng phải đảm bảo tính khái quát và phù hợp với định hướng phát triển một thị trường vàng hiện đại và lành mạnh ở Việt Nam. Ở đó, các nguyên tắc sau cần được ghi nhận và tôn trọng:

Một là, tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh trên thị trường vàng. Mỗi một thị trường hàng hóa đều có quy luật vận động riêng phù hợp với

đặc điểm của hàng hóa được giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên bất cứ thị trường nào xét về bản chất đều là nơi để diễn ra các giao dịch mua – bán giữa những chủ thể có nhu cầu tương ứng. Hay nói cách khác thị trường được hình thành dựa trên những nhu cầu mua – bán trao đổi hàng hóa. Vì lẽ đó, thị trường cho dù được hình thành theo cách thức như thế nào cũng cần phải tôn trọng các quan hệ giao dịch diễn ra tại thị trường. Pháp luật cần đảm bảo cho quyền tự do ý chí ấy không bị xâm hại từ bất cứ chủ thể nào, kể cả từ phía cơ quan đại diện cho Nhà nước. Thị trường vàng là một bộ phận của thị trường nói chung, là nơi diễn ra các giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Thị trường vàng trước hết được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Bộ Luật Dân sự Việt Nam 2005 đã khẳng định quyền tự do ý chí như một nguyên tắc: “Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vị phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Tiếp đó Bộ luật này quy định cụ thể hơn Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội” [4, tr.23]. Trên thị trường vàng, từ góc độ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, cần phải đảm bảo cho quyền tự do mua, bán vàng và các quan hệ phái sinh xuất phát từ quyền cơ bản đó là các quyền kinh doanh, cung ứng dịch vụ về vàng.

Quyền tự do kinh doanh, dịch vụ trên thị trường vàng cũng là một trường hợp cụ thể của quyền tự do kinh doanh. Tự do kinh doanh, đơn giản được hiểu là cá nhân, doanh nghiệp được phép thực hiện những hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm. Nguyên lý này từ trước đến nay vẫn được các cá nhân, doanh nghiệp hiểu như vậy và vận dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Kể cả đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sự tôn trọng từ phía pháp luật cũng cần được thể hiện một cách rõ ràng. “Quản lý

nhà nước không phải là giành thuận lợi cho cơ quan quản lý, mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn” là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ [10].

Tuy nhiên, quyền tự do mua, bán, kinh doanh trên thị trường vàng cũng giống như những thị trường khác cũng có những giới hạn. Nó không giải quyết được một cách thỏa đáng những mối quan hệ xã hội phức tạp ngày nay khi mà con người sống trong sự phụ thuộc lẫn nhau, khi mà vị thế kinh tế, xã hội của mỗi người không hoàn toàn ngang bằng... [4, tr.26] Pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự, nhưng những giao dịch này không được xâm hại tới lợi ích cộng đồng. Đó chính là lý do của những giới hạn theo quy định của pháp luật trong các quan hệ dân sự nói chung và quyền tự do mua, bán, kinh doanh vàng nói riêng. Với một lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm và có ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội cũng như chính sách kinh tế vĩ mô như kinh doanh vàng, việc phải đặt ra những giới hạn trên thị trường là điều cần thiết.

Hai là, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và người tiêu dùng trên thị trường vàng. “Nhà đầu tư” là những tổ chức, cá nhân tìm kiếm

lợi nhuận từ vàng, “người tiêu dùng” là những người thông qua các giao dịch mua – bán, trao đổi để sở hữu vàng không nhằm mục đích cụ thể là đầu tư. Hai nhóm đối tượng này về cơ bản có nhiều điểm tương đồng, chỉ khác ở mức độ và mục tiêu khi tham gia thị trường vàng. Chính các nhà đầu tư mới là những người làm nên phía cầu của thị trường vàng trong nước. Trên thực tế, đây là nhóm chủ thể với đa số là những người có rất ít lợi thế khi tham gia trên thị trường vàng. Họ ít có cơ hội nắm bắt thông tin đầy đủ trên thị trường, thiếu khả năng đánh giá, phân tích tổng hợp tình hình kinh tế nói chung và thị trường vàng nói riêng cùng năng lực tài chính hạn chế. Tính phức tạp của thị trường vàng đòi hỏi một cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư

trước những nguy cơ của rủi ro không xuất phát từ các yếu tố khách quan. Những rủi ro xuất phát từ vị thế yếu của nhà đầu tư trên thị trường trong khả năng nắm bắt thông tin, quy trình, thủ tục…, những rủi ro xuất phát từ xung đột lợi ích hay những rủi ro từ các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng tới chức năng phản ánh giá cả của thị trường là những rủi ro cần phải được loại trừ bởi công cụ pháp luật. Vì vậy, ghi nhận mục tiêu quản lý này như một nguyên tắc pháp lý cho các văn bản điều hành là một đòi hỏi cho một thị trường vàng phát triển lành mạnh.

Ba là, đảm bảo sự điều tiết của Nhà nước đối với thị trường vàng.

Trong một nền kinh tế hội nhập, khi mà sự tác động từ sự vận động của kinh tế thế giới chưa bao giờ rõ nét hơn, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó đặc biệt là các vấn đề về các thị trường hàng hóa trong nước. Chúng ta bắt đầu phải làm quen với khái niệm nhập khẩu lạm phát và những xu hướng toàn cầu. Chính những lý do đó đã góp phần không nhỏ đến tình trạng giá vàng tăng cao và sau đó sự vận động của chính thị trường trong nước đã dẫn đến những diến biến bất thường trong nhiều năm. Khi giá vàng tăng cao ảnh hưởng của nó tác động trở lại hiệu quả của chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn. Vàng đã không còn là vấn đề nhỏ của các nhà kinh doanh, mà đang thực sự trở thành một lực lượng thị trường có khả năng chi phối cả tiết kiệm, đầu tư, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Thị trường vàng với những diễn biến phức tạp của nó vì vậy cũng đòi hỏi một cơ chế điều tiết mạnh từ phía Nhà nước để đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô. Đảm bảo cho mục tiêu này được thực hiện một cách hiệu quả như một định hướng cho cả hệ thống quản lý, việc ghi nhận nó như một cơ sở pháp lý có hiệu lực cao là một yêu cầu cấp thiết cho thị trường vàng Việt Nam.

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 35 - 39)