Phương hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý có vai trò rất quan trọng đối với Ngân hàng Nhà nước cũng như công tác triển khai các biện pháp quản lý thị trường vàng trong nước. Theo tiến trình vận động của thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước luôn được đảm bảo cơ sở pháp lý khi cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng của mình. Tuy nhiên, những quy định đó chưa khi nào xác định việc xây dựng một thị trường vàng phát triển là nhiệm vụ trọng tâm. Đó là lý do giải thích vì sao những quy định hiện nay cho dù được Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước ban hành đều mang đặc điểm của hoạt động điều hành nhưng chưa mang dấu ấn của những nguyên tắc pháp lý cơ bản. Kinh
nghiệm cho thấy, một thị trường phát triển lành mạnh không có nghĩa để thị trường phát triển tự do, nhưng cũng không thể chỉ bằng các giải pháp hành chính, nhất là thời điểm Việt Nam đang hòa nhập ngày càng mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới.
Chính sách quản lý của Chính phủ Việt Nam luôn coi vàng như một vấn đề của nền kinh tế. Vấn đề của nguồn lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, vấn đề của tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội và tỉ giá, vấn đề liên quan đến tính an toàn trong hoạt động ngân hàng. Phương hướng hoàn thiện quy định pháp luật cũng như công tác quản lý trong thời gian tới sẽ tiếp tục phải quan tâm tới những vấn đề kể trên, tuy nhiên cần bổ sung những phương hướng mới cho sự phát triển toàn diện của thị trường vàng, bao gồm:
Thứ nhất, góp phần từng bước thiết lập mô hình thị trường vàng hiện đại ở Việt Nam. Đặc trưng của thị trường vàng Việt Nam là một thị trường
phân tán với phương thức giao dịch đơn giản. Hệ thống các quy định hiện nay chỉ cho phép hình thành nên mô hình thị trường vàng vật chất, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của nền kinh tế. Để một thị trường vàng có thể phát huy đầy đủ chức năng của nó đòi hỏi một cơ sở vững chắc được thiết lập theo cơ chế tự quản được hỗ trợ bởi Chính phủ. Trong đó, bên cạnh hoạt động quản lý của nhà nước, cần nhấn mạnh vai trò của hai thiết chế: Sàn giao dịch vàng và Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam.
Với Hiệp hội kinh doanh vàng, cần tăng cường vai trò hỗ trợ thị trường của hiệp hội như một tổ chức có uy tín. Các biện pháp hỗ trợ thị trường cơ bản có thể kể đến như: Cung cấp thông tin, Cung cấp dịch vụ phân tích, đánh giá, xếp loại trên thị trường vàng, Cung cấp dịch vụ kiểm định hàng hóa giao dịch của thị trường vàng. Đối với sàn giao dịch vàng, cần thiết lập cơ sở pháp lý cho sự hình thành và hoạt động của mô hình sàn giao dịch vàng ở Việt
Nam – nơi diễn ra các giao dịch về vàng vật chất cũng như các sản phẩm tài chính phái sinh từ vàng. Qua đó hoàn thiện mô hình thị trường vàng với đầy đủ các bộ phận của nó thay vì chỉ dừng lại ở mức độ của thị trường vàng vật chất như hiện nay. Một tổ chức chuyên tập trung thiết lập không gian giao dịch về vàng có thể thiết lập giá cả tham chiếu cho cả thị trường, hướng tới ổn định giá cả, tăng cường tính minh bạch và tăng khả năng đánh giá về các yếu tố cung cầu trên thị trường. Sàn giao dịch vàng được thiết lập sẽ là nơi có khả năng thay thế Ngân hàng Nhà nước trong vai trò là người tổ chức thị trường bán buôn, giảm bớt áp lực của việc tham gia thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Mô hình này cần được nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường vàng phát triển trên thế giới cũng như sự thất bại của mô hình Tổng công ty kinh doanh vàng bạc đá quý Việt Nam trước đây.
Thứ hai, từng bước chuyển sang mô hình quản lý theo quy luật cung - cầu trên cơ sở liên thông, gắn kết với thị trường vàng thế giới. Quản lý theo
quy luật cung – cầu là đảm bảo khả năng tự điều tiết của thị trường vàng. Để thực hiện mục tiêu này, pháp luật phải tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc hình thành một thị trường vàng nơi có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng các giao dịch của mọi thành phần trong xã hội. Những nhu cầu này cần được đặt ở vị thế công bằng và trao cho chúng những quy chế pháp lý phù hợp với đặc điểm của từng bộ phận thị trường là khác nhau. Các hình thức kinh doanh vì thế cần được mở rộng theo phương thức xã hội hóa, tăng cường khả năng chọn lọc của thị trường. Dòng vàng nhập khẩu cần được khai thông, chuyển dần những biện pháp hành chính sang các giải pháp điều chỉnh cơ cấu xuất, nhập khẩu gián tiếp thông qua chính sách thuế.
Những lo ngại về nguy cơ mất cân đối có thể xảy ra đối với nền kinh tế và chính sách quản lý cũng là điều mà pháp luật cần quan tâm một cách thích đáng. Chính sự tồn tại của những nguy cơ đó không cho phép chúng ta nóng
vội. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trong đó có ví dụ của Trung Quốc, tiến trình tự do hoá thị trường vàng nên bắt đầu từ tự do hoá thị trường vàng vật chất, sau đó đến kinh doanh vàng tài khoản và cuối cùng là từng bước xoá bỏ kiểm soát đối với hoạt động xuất nhập khẩu vàng bằng biện pháp hành chính vốn được coi là biện pháp phi thuế quan tạo nên hàng rào thương mại trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Phương hướng này cũng hàm chứa những yêu cầu thay đổi trong cách thức quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chú trọng tới việc điều tiết chính sách tiền tệ và cải thiện môi trường vĩ mô, thay thế dần chính sách độc quyền bằng cách trao hoạt động kinh doanh vàng miếng cho thị trường. Nằm trong tổng thể các phương hướng cho hoạt động quản lý đối với thị trường vàng, đặc biệt song hành với chính sách mở cửa cho các hoạt động xuất, nhập khẩu, việc trao bộ phận thị trường vàng miếng để thị trường tự điều tiết sẽ không phải là quay trở lại cách thức quản lý trước đây từng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Thứ ba, huy động vàng trong dân chúng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Không thể phủ nhận vàng là tài sản có ý nghĩa rất lớn đối
với đời sống của người Việt Nam. Với thói quen tích trữ vàng, và ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có lượng vàng được nắm giữ bởi các cá nhân hàng đầu trên thế giới. Lượng vàng vật chất không được tái đầu tư, hơn nữa sự gia tăng nhu cầu tích trữ vàng cũng đòi hỏi một lượng tương ứng ngoại tệ cho nguồn cung vốn đến từ các hoạt động nhập khẩu. Chỉ có đưa được lượng vàng này đến với thị trường, mới có thể tận dụng được giá trị của nó cho các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động quản lý đã cho thấy, cần thiết phải tách hoạt động kinh doanh vàng khỏi nghiệp vụ kinh doanh của hoạt
động ngân hàng được bởi những rủi ro của nó. Cần chuyển từ huy động vàng sang hoạt động mua – bán vàng. Và để sự tham gia là tích cực, cần làm cho kênh đầu tư vào vàng với các giao dịch mua – bán trở nên hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Sàn giao dịch vàng tập trung, cơ chế pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, và các công cụ tài chính phái sinh có khả năng bảo vệ cho rủi ro là những ví dụ sinh động có thể học hỏi từ những thị trường vàng phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ ổn định, kiềm chế nguy cơ lạm phát cần được kết hợp để củng cố lòng tin của dân chúng vào tiền đồng Việt Nam, giảm bớt nhu cầu quá mức đối với vàng.
Thứ tư, phát triển thị trường vàng trang sức. Đây là định hướng quan
trọng làm cơ sở cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành các chính sách quản lý phù hợp và điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu vàng của Việt Nam nằm ở thị trường vàng trang sức. Vàng trang sức của Việt Nam có tiềm năng lớn cho sự phát triển, vấn đề nằm ở định hướng và hỗ trợ của chính sách từ phía nhà nước. Đáp ứng yêu cầu cho xuất khẩu, cần thiết lập lại hệ thống cơ sở kinh doanh vàng trang sức nhỏ lẻ để tạo thành một ngành công nghiệp hiện đại. Qua đó, không chỉ góp phần gia tăng thu nhập quốc dân mà còn là cơ hội gia
tăng việc làm trong nước.