Mối quan hệ giữa thị trường vàng với các bộ phận còn lại của

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 27 - 28)

thị trường tài chính

Những đặc điểm của vàng đã làm cho vàng không chỉ đơn thuần là một loại hàng hóa, mà còn là một công cụ tích trữ, công cụ đầu tư, hay vẫn được coi là tiền trong nhiều quan điểm không chính thức. Chính vì lý do đó, thị trường vàng được gắn kết với thị trường tài chính trong nền kinh tế một cách tự nhiên, và là một bộ phận không tách rời của thị trường tài chính. Tác giả Frederic S.Mishkin có diễn giải: “Thị trường tài chính là thị trường trong đó vốn được chuyển từ những người hiện có vốn dư thừa sang những người thiếu vốn” [27, tr.35]. Theo ông Dương Hải Điền, “Thị trường vàng là một bộ phận quan trọng của thị trường tài chính, là nơi tập trung giao dịch mua bán vàng” [6, tr.100]. Mối quan hệ của thị trường vàng với những bộ phận còn lại của thị trường tài chính đòi hỏi sự quan tâm thích đáng từ phía pháp luật và hoạt động điều hành của Chính phủ để đảm bảo cho không chỉ một thị trường vàng mà đối với cả thị trường tài chính và nền kinh tế được vận hành một cách lành mạnh và hiệu quả.

Trong mối quan hệ với thị trường tín dụng, thị trường vàng có xu hướng diễn biến ngược chiều. Cũng giống như thị trường chứng khoán hay thị trường bất động sản, sự gia tăng nhu cầu trên thị trường vàng thường dẫn đến một lượng tăng của nhu cầu tín dụng. Trong khi đó, khả năng huy động vốn của các tổ chức tín dụng cũng ít nhiều bị giảm khi nguồn vốn được đưa vào thị trường vàng chưa kịp quay trở lại bổ sung cho nguồn cung trên thị trường tín dụng. Trường hợp ngược lại sẽ diễn ra khi nhu cầu của thị trường vàng bị giảm sút.

Trong mối quan hệ với thị trường ngoại hối, thị trường vàng có mối quan hệ rất chặt chẽ. Ở đó, vai trò trung tâm phải kể đến là Ngân hàng Nhà nước cùng kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình. Nhằm mục tiêu giữ ổn định giá trị đồng tiền, thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, cơ cấu của kho dự trữ ngoại hối có thể được điều chỉnh phù hợp với diễn biến của nền kinh tế. Khi đó, lượng vàng và ngoại tệ mạnh được điều chỉnh thông qua các giao dịch mua vào hoặc bán ra của Ngân hàng Nhà nước. Để mua vàng Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra ngoài một lượng tiền tương ứng. Việc tăng lượng cung tiền ra thị trường có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc giảm giá trị của đồng tiền được sử dụng. Trường hợp ngược lại xảy ra khi Ngân hàng Nhà nước bán ra lượng vàng trong kho dự trữ của mình. Ở Việt Nam, các giao dịch chủ yếu diễn ra theo chiều hướng Ngân hàng Nhà nước dùng ngoại tệ mua vàng từ thị trường quốc tế và sau đó cung cấp cho thị trường vàng trong nước. Với cách thức như vậy, có thể nhận ra thị trường vàng trong nước còn có mối liên hệ rất gần với những thay đổi trên thị trường ngoại tệ, và vấn đề về tỉ giá hối đoái.

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 27 - 28)