Cấp và thu hồi giấy phép đối với các chủ thể kinh doanh vàng

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 40 - 42)

Giấy phép đối dành cho các chủ thể kinh doanh là biện pháp quản lý thuộc về nhóm biện pháp mang tính chất tiền kiểm. Khác với hoạt động kinh doanh thông thường, được quản lý, cấp phép bởi cơ quan đăng ký doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với tính chất đặc thù của hoạt động vàng, phù hợp với phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động này được xếp vào nhóm kinh doanh có điều kiện. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đánh giá tính phù hợp của doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh vàng. Quyền năng cấp, thu hồi giấy phép của chủ thể kinh doanh vàng thể hiện rõ tính quyền uy trong hoạt động quản lý. Cấp và thu hồi giấy phép phải được thực hiện trên cơ sở của những quy định minh bạch, rõ ràng về điều kiện

kinh doanh và các trường hợp thu hồi giấy phép được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền.

Hoạt động cấp phép không chỉ đơn thuần là thực thi quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước khi cho phép một chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh. Cấp phép còn là sự ghi nhận của cơ quan quản lý về khả năng đáp ứng những điều kiện khắt khe của pháp luật, đảm bảo về mặt pháp lý cho những giao dịch của những chủ thể được cấp phép trên thị trường. Qua đó, còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác trên thị trường trước nguy cơ của rủi ro ngoài ý muốn. Hoạt động cấp phép còn bao hàm cả trường hợp giấy phép đối với từng nội dung của hoạt động kinh doanh, thường gọi là giấy phép con. Không phải trong mọi trường hợp, các chủ thể kinh doanh có thể được thực hiện tất cả các hoạt động kinh doanh, mà còn cần có sự phân loại rõ ràng, tùy thuộc mức độ phức tạp của từng hoạt động kinh doanh.

Thu hồi giấy phép là khả năng Ngân hàng Nhà nước bằng một biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động kinh doanh của một chủ thể xác định, đảm bảo cho trật tự quản lý. Trên cơ sở của quy phạm pháp luật rõ ràng, hoạt động thu hồi giấy phép nhằm loại bỏ những chủ thể kinh doanh không còn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, có những hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, thu hồi giấy phép còn đảm bảo thực thi chiến lược, kế hoạch đặt ra cho sự phát triển thị trường được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối khi vàng được coi là ngoại hối trong quá trình dịch chuyển, hoạt động xuất, nhập khẩu vàng cũng đòi hỏi sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Một trong những cách thức kiểm soát đem lại hiệu quả cao là thông qua giấy phép xuất, nhập khẩu vàng. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước không chỉ xác định được lưu lượng vàng để phục vụ cho những chính sách kinh tế vĩ mô mà còn quản lý chặt chẽ với

hoạt động kinh doanh vàng của đối tượng quản lý. Tuy nhiên, đây là một biện pháp quản lý mang tính hành chính, cần có cách thức triển khai phù hợp để không ảnh hưởng tới khả năng liên thông của thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới.

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 40 - 42)