Tham gia thị trường vàng

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 43 - 45)

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan phù hợp cho nhiệm vụ quản lý thị trường vàng bởi lợi thế trong việc tiếp nhận các thông tin và khả năng linh hoạt trước những diễn biến trên thị trường hơn bất cứ một cơ quan nào khác trong bộ máy của Chính phủ. Để quản lý một thị trường đầy biến động và nhạy cảm như thị trường vàng, sự bổ khuyết của những biện pháp can thiệp vào thị trường là đòi hỏi tất yếu cho bất cứ chủ thể nào được trao thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, tham gia như thế nào, mức độ và điều kiện cho sự can thiệp không thể được tiến hành một cách chủ quan, tùy tiện.

Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được đặt ra tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước không nằm ngoài mục tiêu vì lợi ích chung của quốc gia, không hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Theo đó, các biện pháp can thiệp vào thị trường phải hướng tới ổn định thị trường vàng trong nước và đảm bảo sự phát triển của thị trường phù hợp với định hướng chung của Chính phủ. Ổn định thị trường không đồng

nghĩa với việc cố định giá cả hàng hóa của thị trường một cách chủ quan. Ổn định thị trường là đảm bảo cho sự biến động về mặt bằng giá cả được kiểm soát và đảm bảo phù hợp với những diễn biến của nền kinh tế nói chung, phù hợp với quy luật cung – cầu. So với biện pháp cấp phép nhập khẩu vàng khi tình hình giá cả hàng hóa vàng biến động, việc Ngân hàng Nhà nước giao dịch trực tiếp với các tổ chức kinh doanh vàng sẽ tiết kiệm nhiều hơn về thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, sự điều tiết còn nhằm định hướng cho thị trường phù hợp với định hướng chung của Chính phủ. Bởi lẽ, thị trường vàng cũng chỉ là một bộ phận cấu thành của thị trường tài chính nói chung. Sự vận động của thị trường vàng vì thế không thể đi chệch ra khỏi sự vận động chung của nền tài chính quốc gia, và rất cần những điều chỉnh khi những dấu hiệu đầu tiên của sự chệch hướng xuất hiện. Cơ sở cho việc tham gia thị trường của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu này được thể hiện bởi các văn bản được Chính phủ ban hành, bao gồm: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; Các Nghị quyết của Chính phủ trong các kỳ họp thường kỳ trong năm.

Bên cạnh đó, sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo những giới hạn cơ bản khi tham gia vào thị trường vàng. Khác với các biện pháp quản lý mang tính chất hành chính, sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng nhằm điều tiết thị trường không dựa trên cơ sở của mệnh lệnh – thi hành. Khi thực hiện các giao dịch trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ trở thành một bên mua hoặc bán, là một bên của giao dịch dân sự. Do đó, quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng Nhà nước phát sinh từ giao dịch đó là ngang bằng với các chủ thể còn lại trên thị trường. Khả năng tham gia của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng cũng vì thế cần phải tôn trọng các nguyên tắc quản lý đối với thị trường vàng như đã được đề cập ở trên. Cuối cùng, đảm bảo cho sự tham gia là hiệu quả và tăng cường tính trách nhiệm,

cần quy định trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước như một yêu cầu bắt buộc trước Chính phủ và Quốc hội với các biện pháp can thiệp được áp dụng trên thực tế.

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 43 - 45)