Thanh tra, kiểm tra

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 42 - 43)

Theo quy định của pháp luật về thanh tra: “Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành” [21, Điều 3]. Mục đích của thanh tra là nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. [26, tr.696]

Ngân hàng Nhà nước với địa vị pháp lý là cơ quan quản lý chuyên ngành đối với thị trường vàng có thẩm quyền để sử dụng biện pháp này trong hoạt động quản lý. Thanh tra và kiểm tra là những công cụ quan trọng của quản lý nhà nước, là hoạt động mang tính chất hậu kiểm để có thể phân tích đánh theo dõi quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quản lý đề ra. Thanh tra, kiểm tra là sự xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật của tổ chức, cá nhân để phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên thị trường.

Thực hiện biện pháp này, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các báo cáo của các chủ thể kinh doanh định kỳ, hoặc theo yêu cầu khi cần thiết; kiểm tra sổ sách, tài liệu; so sánh, đối chiếu, đánh giá, xác minh… tài liệu, chứng cứ.

Trong đó, kiểm tra được thực hiện một cách thường xuyên, có hệ thống; thanh tra được thực hiện theo quyết định thanh tra của cơ quan có thẩm quyền dựa trên các căn cứ:

1. Kế hoạch thanh tra;

2. Theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; 3. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

4. Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng [21, Điều 38].

Kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra là cơ sở của việc xử lý vi phạm. Quyết định xử lý vi phạm phải phù hợp về thẩm quyền và căn cứ pháp lý. Trong trường hợp không đủ thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra các quyết định xử lý.

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 42 - 43)