Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp cấp và

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 59 - 65)

hồi giấy phép đối với các chủ thể kinh doanh vàng

2.2.1. Quy định pháp luật

Là biện pháp quản lý hành chính đặc trưng và không thể thiếu đối với một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như kinh doanh vàng, cơ sở pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện biện pháp này được ghi nhận rõ ràng và đầy đủ tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Theo đó:

4. Ngân hàng Nhà nước cấp, thu hồi:

a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

b) Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. c) Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu.

d) Giấy phép mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định.

đ) Giấy phép đối với các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép [2, Điều 16].

Đối với riêng hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, Nghị định quy định chi tiết gồm các trường hợp:

1. Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6 Điều này và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng theo quy định tại khoản 7 Điều này.

2. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

4. Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

5. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong năm kế hoạch cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào năng lực sản xuất và báo cáo tình hình xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ của năm trước.

6. Doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng có nhu cầu nhập khẩu vàng do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

7. Doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được.

8. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp [2, Điều 14]. Có thể thấy, Nghị định 24 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự bao quát hầu hết với các hoạt động kinh doanh hợp pháp trên thị trường vàng. Bên cạnh đó, thẩm quyền cấp phép đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng cho thấy vị trí rất quan trọng của Ngân hàng Nhà nước như một van điều tiết duy nhất cho thị trường vàng trong nước. Không phải cho tới khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, chính sách kiểm soát chặt chẽ nguồn cung mới được đặt ra trong cách thức quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Ngay từ những văn bản đầu tiên của Chính phủ về quản lý đối với hoạt động kinh doanh vàng, thẩm quyền ấy đã được trao cho Ngân hàng Nhà nước. Sự kiểm soát ấy sẽ tạo điều kiện không thể thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý để điều tiết đối với thị trường tương tự như chính sách hạn ngạch áp dụng với các hàng hóa nhập khẩu cần hạn chế. Tuy nhiên, chính sách kể trên cũng hàm chứa hạn chế trong việc hạn chế tính liên thông giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế, dễ dẫn đến các hoạt động buôn lậu vàng vào thị trường trong nước.

2.2.2. Thực tiễn áp dụng

Thực tiễn quản lý với biện pháp cấp và thu hồi giấy phép đối với các hoạt động kinh doanh vàng luôn gắn liền với điều kiện mà pháp luật đòi hỏi khả năng đáp ứng của các chủ thể kinh doanh. Cho đến trước thời điểm Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật, những điều kiện cho hoạt động kinh doanh vàng là không quá khó khăn cho doanh nghiệp với các yêu cầu về cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn của người thợ chỉ được ghi nhận một cách định tính. Quy mô của cơ sở kinh doanh cũng không bị đòi hỏi quá khắt khe với số vốn cao nhất cho hoạt động kinh doanh vàng trang sức là 5 tỷ và hoạt động kinh doanh vàng miếng là 50 tỷ (theo quy định của Nghị định số 174/1999/NĐ-CP). Trên cơ sở đánh giá của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi cơ sở kinh doanh đóng trụ sở chính, giấy phép cho hoạt động kinh doanh vàng sẽ được cấp cho những chủ thể đáp ứng đủ điều kiện. Với cách thức quản lý đó, đã có hàng ngàn các cơ sở kinh doanh vàng nhỏ lẻ cùng hầu hết các tổ chức tín dụng tham gia vào thị trường. Các cơ sở kinh doanh vàng tập trung chủ yếu ở hai thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo con số thống kê được đăng tải trên website của Ủy ban nhân dân Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, số lượng cơ sở kinh doanh vàng đạt trên con số 3000 doanh nghiệp:

Theo thống kê, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ (TSMN), đến nay có 104 doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng TSMN đã được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng TSMN, tập trung chủ yếu các quận/huyện ngoại thành như Quận Thủ Đức, Quận 9, Huyện Củ Chi, Quận 5 (từ 7 đến 11 Doanh nghiệp), trong khi các

Quận nội thành như Quận 3, Quận 4, Quận 10, Quận Phú Nhuận, Quận Tân Bình, Quận Bình Thạnh... chỉ có khoảng từ 1 đến 3 doanh nghiệp [19].

Đến thời điểm Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, hoạt động kinh doanh vàng miếng được chú trọng đặc biệt. Chính phủ đã chỉ cho phép duy trì trên thị trường những doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính vững chắc với những điều kiện cụ thể về quy mô của doanh nghiệp để có thể thực hiện hoạt động kinh doanh vàng miếng. Theo đó, để có thể tham gia vào lĩnh vực này, chủ thể kinh doanh trước hết phải là doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, đã tham gia vào thị trường vàng trong vòng hai năm, đã nộp thuế cho hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong vòng 2 năm liên tiếp gần nhất và có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trở lên. Riêng đối với các tổ chức tín dụng, để kinh doanh vàng miếng điều kiện là các tổ chức tín dụng này có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng và có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trở lên. Trước khi thực hiện cấp phép và tổ chức hệ thống kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện khảo sát và đánh giá lại tình hình mạng lưới kinh doanh vàng trên cả nước. Nếu trước đây có khoảng 12.000 điểm kinh doanh vàng miếng, thì kết quả khảo sát của NHNN đã thu hẹp lại còn khoảng 8.000 điểm kinh doanh vàng, thuộc các thành phần khác nhau. [18] Với việc áp dụng những điều kiện mới, số lượng cơ sở kinh doanh vàng miếng đã bị thu hẹp về đầu mối, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước kiểm soát thuận lợi hơn với hoạt động này. Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho tổng cộng 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Tổng số điểm mà người dân có thể đến giao dịch vàng miếng khoảng gần 2.500 điểm (2.497 điểm) trên cả nước [18].

Có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép hình thành nên một mạng lưới cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn cả nước, tập trung ở các thành phố lớn. Trong mạng lưới này, chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực lớn cùng các ngân hàng được cấp phép thực hiện kinh doanh vàng miếng với những điều kiện khắt khe đã tập trung các đầu mối quản lý và thu hẹp không gian giao dịch trên thị trường. Các cơ sở kinh doanh vàng kể trên với phương thức giao dịch truyền thống của vàng trang sức và vàng miếng mới chỉ đáp ứng các nhu cầu của bộ phận thị trường vàng vật chất. Mặc dù Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã ghi nhận, nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn và triển khai trên thực tế, chưa có hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng nào được cấp phép.

Với nội dung quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu vàng, do Việt Nam là quốc gia phụ thuộc vào lượng vàng nhập khẩu nên hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu phản ánh qua biện pháp cấp phép đối với vàng nhập khẩu. Chính sách quản lý vàng nhập khẩu thay đổi theo từng giai đoạn là khác nhau, nhưng đều nằm trong xu hướng chung là rất hạn chế, chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp được cấp phép. Trong những điều kiện giá vàng trong nước có biến động tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu giới hạn nhằm ổn định thị trường. Ngược lại, khi thị trường vàng tương đối ổn định, hoạt động nhập khẩu vàng buộc phải ngừng do Ngân hàng Nhà nước không cấp hạn ngạch để tiết kiệm nguồn ngoại tệ chính ngạch cho các hoạt động nhập khẩu khác. Có thể thấy, hoạt động cấp phép nhập khẩu vàng ở trong thế bị động trước những diễn biến của thị trường. Mặc dù chính sách hạn chế nhập khẩu vàng nằm trong tổng thể các biện pháp ổn định nền kinh tế, tuy nhiên nó ẩn chứa những nguy cơ khó kiểm soát khác có thể nảy sinh. Theo ước tính, trước khi chấm dứt hoạt động sàn vàng và Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng thì mỗi năm

bình quân thị trường Việt Nam nhập khẩu 100 tấn vàng thì có tới 70 tấn vàng là nhập lậu, tương đương 3,5 tỷ USD. Để nhập vàng không chính thức và lách thuế nhập khẩu, các đối tượng buôn lậu đã thu gom ngoại tệ để mua vàng từ nước ngoài rồi mang về sản xuất và tiêu thụ trong nước nhằm hưởng chênh lệch giá. [29] Kể từ thời điểm Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực pháp lý, chính sách quản lý thị trường vàng miếng thực hiện theo nguyên tắc: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” [2, Điều 3]. Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, do đó nguồn cung vàng miếng duy nhất là Ngân hàng Nhà nước. So với cơ chế cấp quota nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp trước đây thì cơ chế mới đem lại sự chủ động trong quản lý giám sát cân đối cung cầu, diễn biến giá cả cũng như cân đối nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 59 - 65)