Phương pháp điều chỉnh

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 46 - 49)

Phương pháp điều chỉnh là tổng hợp những cách thức mà pháp luật tác động đến các quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của bộ phận pháp luật làm cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước quản lý đối với thị trường vàng. Phương pháp điều chỉnh phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của nó.

Với lĩnh vực quản lý đối với thị trường vàng, là một nội dung quản lý hành chính nhà nước, đặc trưng rõ nét nhất của phương thức quản lý là mệnh lệnh – quyền uy. Được thể hiện trong hầu hết các mối quan hệ với đối tượng quản lý, phương pháp mệnh lệnh – quyền uy đem lại khả năng áp đặt ý chí của chủ thể quản lý là Ngân hàng Nhà nước. Quyền uy là phương tiện quan trọng để Ngân hàng Nhà nước buộc các đối tượng quản lý thực hiện theo các yêu cầu của mình.

Bên cạnh hoạt động quản lý nhà nước với tính chất bắt buộc đặc trưng, xu hướng nới rộng cách thức quản lý, chuyển giao quyền quản lý cho các tổ chức tự quản đang ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, xu hướng này còn đang ở những giai đoạn đầu tiên. Để bổ sung cho cách thức quản lý truyền thống, phương pháp điều chỉnh bình đẳng thỏa thuận cũng được áp dụng trong quan hệ của Ngân hàng Nhà nước khi tham gia các giao dịch trên thị trường.

Sự bổ sung của hai phương pháp điều chỉnh cơ bản vừa đảm bảo hoạt động quản lý hiệu quả, vừa đảm bảo khả năng điều tiết thị trường phù hợp với các chính sách phát triển chung của đất nước.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Thông qua tìm hiểu những vấn đề cơ bản về thị trường vàng và cơ sở pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng, luận văn đưa ra một số kết luận sau:

Thứ nhất, Thị trường vàng là nơi diễn ra các giao dịch mua, bán và trao đổi về vàng. Thị trường vàng bao gồm Thị trường vàng vật chất, trong đó vàng thỏi, tiền, trang sức được chuyển giao giữa các chủ thể trên thị trường; và Thị trường vàng giấy, có thể gọi là vàng chứng chỉ, trong đó bao gồm giao dịch được thực hiện với các loại chứng khoán tương ứng.

Thứ hai, thị trường vàng là một thị trường nhạy cảm, nhận được nhiều sự quan tâm và chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường vàng bao gồm: Yếu tố cung – cầu; Chính sách quản lý của Nhà nước; Chính sách tiền tệ; Các yếu tố khác như diễn biến của giá dầu thô trên thị trường quốc tế. Thị trường vàng là một bộ phận cấu thành của thị trường tài chính nói chung và có mối liên hệ mật thiết với các bộ phận còn lại của thị trường tài chính.

Thứ ba, hoạt động quản lý Nhà nước đối với vàng là phù hợp để được trao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bởi các lý do: Vị trí pháp lý đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước; Vàng là một cấu thành quan trọng trong kho dự trữ ngoại hối chính thức do Ngân hàng Nhà nước quản lý; Mạng lưới hoạt động kinh doanh vàng vốn chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ tư, cần xác định các nguyên tắc trong hoạt động quản lý cho một thị trường vàng phát triển lành mạnh, bao gồm: Một là, tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh trên thị trường vàng; Hai là, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và người tiêu dùng trên thị trường vàng; Ba là, đảm bảo sự điều tiết của Nhà nước đối với thị trường vàng.

Thứ năm, thực hiện nhiệm vụ quản lý, Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhiều kết hợp nhiều biện pháp quản lý: Xây dựng chiến lược, kế hoạch và pháp luật quản lý đối với thị trường vàng; Cấp và thu hồi giấy phép đối với các chủ thể kinh doanh vàng; Thanh tra, kiểm tra; và Tham gia thị trường vàng khi cần thiết

Thứ sáu: Cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước quản lý đối với thị trường vàng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mà Ngân hàng Nhà nước tham gia với tư cách cơ quan quản lý. Phương pháp điều chỉnh chủ yếu là phương pháp mệnh lệnh quyền uy, được hỗ trợ bởi phương pháp bình đẳng thỏa thuận khi Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường.

Chương 2

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG VÀNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VÀ THỰC TIỄN

ÁP DỤNG

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 46 - 49)