Sự cần thiết quản lý thị trường vàng bởi Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 28 - 35)

1.1.4.1. Sự cần thiết phải quản lý đối với thị trường vàng

được thực hiện sâu rộng hơn vào mọi vấn đề kinh tế, xã hội, lĩnh vực của cuộc sống. Ở Việt Nam, thực tế đó cũng là phù hợp với thể chế chính trị - hành chính của nước ta khi Chính phủ thống nhất quản lý mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, có thể khẳng định rằng, về mặt lý thuyết quản lý Nhà nước đối với hoạt động của thị trường vàng là yêu cầu không thể không đặt ra. Mặc dù, kinh nghiệm tổ chức thị trường vàng trên thế giới cho thấy, có những quốc gia mà hoạt động của thị trường là tự do hoàn toàn. Tại Thụy sĩ, sàn vàng hoạt động không chịu bất cứ sự điều tiết nào của Chính phủ [13, tr.40]. Tuy nhiên, những đặc trưng của thị trường vàng Việt Nam cũng đã cho thấy, quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng là cần thiết:

Thứ nhất, trong giai đoạn thiếu vắng các quy định pháp luật điều chỉnh và sự quản lý của Nhà nước, thị trường vàng đã chứng kiến nhiều bất ổn, xuất hiện nhiều dấu hiệu của đầu cơ, lừa đảo, những hoạt động những lợi ích chính đáng không được bảo vệ… Xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN, trong đó có quy định: “Quyết định này điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối có hoạt động kinh doanh vàng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng” [25, Điều 1]. Các ngân hàng thương mại đã triển khai các hoạt động kinh doanh vàng đa dạng, tập trung vào việc tổ chức các sàn vàng trong khi chưa có quy định nào ghi nhận nội dung quản lý đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Hơn thế nữa, những biến động về giá trên thị trường vàng Việt Nam được đánh giá là không theo quy luật, không phù hợp với những diễn biến trên thị trường vàng quốc tế, mặc dù nguồn cung cho thị trường vàng trong nước đến từ hoạt động nhập khẩu. Như vậy, sự hỗn loạn trên thị trường vàng trong thời gian trước, một phần nguyên nhân của nó đến từ việc thiếu sự quản lý cần thiết từ phía Nhà nước.

Thứ hai, nhu cầu về vàng trong dân chúng là rất lớn, khi niềm tin vào vàng tăng cao trước sự mất giá của đồng tiền pháp định. Không chỉ có tiền đồng Việt Nam, mà ngay cả những đồng ngoại tệ mạnh như đô-la Mỹ cũng trượt giá rất mạnh nếu đem so với vàng. Ý nghĩa của vàng đối với nhu cầu tích trữ và đầu tư trong dân chúng xuất phát từ giá trị nội tại của vàng là điều không khó để nhận ra. Còn về phía thị trường vàng, nơi các giao dịch về vàng được diễn ra sẽ có vai trò gì trong đời sống xã hội. Trước hết thị trường vàng là nơi để kết nối các nhu cầu mua – bán vàng giữa các chủ thể với nhau, qua đó người tham gia vào thị trường có thể thỏa mãn các nhu cầu của mình về đầu tư, tích trữ hay đơn thuần chỉ là làm đẹp. Bản thân thị trường vàng không tạo ra giá trị cho vàng, tuy nhiên thị trường lại chính là nơi xác định giá trị của vàng thông qua các giao dịch. Vì thế, những thông tin về giá vàng thay đổi hàng ngày có tính nhạy cảm rất cao và dễ biến thành phản ứng đám đông tìm đến các điểm giao dịch mua, bán vàng. Phần đông trong số đó lại là những người thiếu thông tin, không có khả năng phân tích thị trường, khiến cho rủi ro của họ tăng cao khi thực hiện các giao dịch trên thị trường. Điều đó đã được chứng minh với diễn biến trên thị trường vàng một vài năm qua. Chính vì vậy cần đến sự quản lý của Nhà nước với công cụ pháp luật để điều chỉnh hoạt động trên thị trường vàng để bảo vệ những giá trị của thị trường đem lại cho các nhà đầu tư. Cụ thể hơn là đảm bảo cho các giao dịch mua – bán được thực hiện một cách thuận lợi nhất trên cơ sở của sự tự nguyện và công bằng. Bên cạnh đó, sự hiện diện và hoạt động của thị trường vàng còn thể hiện sự đảm bảo từ phía pháp luật với quyền cơ bản của công dân là quyền sở hữu – và trong trường hợp cụ thể là quyền sở hữu đối với vàng.

Thứ ba, thị trường vàng chỉ là một bộ phận của thị trường tài chính, cần thiết phải có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo cho dòng tiền phục vụ hoạt

động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu sở hữu vàng như một đảm bảo cho khối tài sản tích trữ là một nhu cầu chính đáng cần được pháp luật bảo vệ. Nhưng không chỉ đơn thuần giống như các loại hàng hóa đơn thuần khác, vàng còn đóng vai trò là một sản phẩm đầu tư. Vì lẽ đó, vàng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn – nguồn lực cho phát triển kinh tế. Ở một góc nhìn hẹp, lĩnh vực kinh tế quan tâm tới việc tận dụng các nguồn lực một cách có hiệu quả nhất cho hoạt động sản xuất. Từ góc nhìn đó, việc vàng thu hút quá nhiều nguồn vốn từ các khu vực khác trong nhiều trường hợp lại có tác động ngược không tốt đối với nền kinh tế. Duy trì hoạt động của thị trường vàng như thế nào để không xâm phạm quyền cơ bản của công dân nhưng kiểm soát được nó và giảm thiểu những tác động tiêu cực là điều không dễ dàng. Hoạt động trên thị trường vàng cũng phản ánh khá rõ nét tình hình của nền kinh tế vào mỗi một giai đoạn khác nhau. Vàng như đã biết là công cụ đầu tư và tiết kiệm hiệu quả sẽ nhận được nhiều sự quan tâm khi các tài sản khác không còn giữ được giá trị. Nhưng việc quay vòng đồng vốn trên thị trường vàng với hành vi đầu cơ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với thị trường vàng mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt của kinh tế xã hội do tính liên thông giữa thị trường này với các bộ phận còn lại trên thị trường tài chính. Những hành vi ấy, cho dù được thực hiện bởi các cá nhân đơn lẻ hay bởi các chủ thể kinh doanh vàng chuyên nghiệp (như các ngân hàng thương mại) đều là những hành vi cần kiểm soát, đảm bảo cho nguồn lực phục vụ các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng, phát triển kinh tế xã hội. Sự liên thông giữa thị trường vàng với các thị trường tiền tệ khác như thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán trong điều kiện bình thường sẽ tạo ra sự linh hoạt cho dòng vốn. Nhưng nó sẽ gây ra không ít trở ngại khi hệ thống này gặp phải vấn đề, điều đó cho thấy tính hai mặt của việc duy trì hoạt động của thị trường vàng trong nền kinh tế.

Cuối cùng, xuất phát từ vai trò của thị trường vàng với Chính phủ. Thị trường vàng không tồn tại và hoạt động một cách độc lập mà có sự liên thông với các thị trường tài chính khác. Xu thế của dòng tiền có thể nhanh chóng thay đổi trước những diễn biến của nền kinh tế. Thị trường vàng và các thị trường tài chính khác sẽ trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư khi họ nhận ra khả năng sinh lời từ các khoản đầu tư. Cùng với thị trường vốn và thị trường tiền tệ, những diễn biến trên thị trường vàng là bức tranh sinh động của nền kinh tế. Những dự báo từ thị trường vàng là một phần không thể thiếu cho việc hoạch định chính sách điều hành của Chính phủ. Vàng mặc dù đã được rút ra khỏi hệ thống thanh toán của nền kinh tế nhưng vàng sẽ luôn được đặt trong mối quan tâm của chính sách tiền tệ. Quy mô của kho dự trữ vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý cần duy trì ở mức độ nào, tương ứng với năng lực xuất khẩu là bao nhiêu là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của cơ quan quản lý. Với điều kiện của Việt Nam, nguồn cung vàng luôn phải lệ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài, thị trường vàng trong nước ít có cơ hội thể hiện được vai trò của mình cho lượng vàng bổ sung cho kho dự trữ vàng quốc gia. Tuy nhiên, với hệ thống ngân hàng được tổ chức theo mô hình hai cấp như hiện nay cùng cơ chế mua bán vàng với Ngân hàng Nhà nước, trong điều kiện cần thiết, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể huy động được lượng vàng lớn thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng phục vụ cho chính sách quản lý của mình.

1.1.4.2. Sự phù hợp để đặt thị trường vàng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước

Trong bộ máy các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Chính phủ, khó có cơ quan nào phù hợp hơn Ngân hàng Nhà nước để có thể được giao trọng trách quản lý đối với thị trường vàng. Ngay từ thời điểm đầu tiên khi Chính phủ mở ra cơ hội giao dịch về vàng trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã được giao

nhiệm vụ thay mặt chính phủ thực hiện hoạt động quản lý. Quyết định số 139- CT ngày 24/05/1989 về việc cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể,

hộ kinh tế cá thể kinh doanh vàng bạc, đá quý quy định: “Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm mở rộng kinh doanh vàng bạc, đá quý để đáp ứng nhu cầu của xã hội” [11, Điều 1]. Bên cạnh yếu tố lịch sử, sự cần thiết đặt thị trường vàng

dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước còn xuất phát từ những lý do gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một cơ quan trong bộ máy Chính phủ có vị trí pháp lý rất đặc biệt. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: “Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ” [20, Điều 2]. Với hai tư cách là Ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý chuyên ngành, nhiều nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương được thực hiện đan xen bởi các biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế. Không giống như các cơ quan quản lý thông thường khác, Ngân hàng Nhà nước có tư cách pháp nhân được pháp luật ghi nhận để tham gia vào các quan hệ kinh tế một cách đầy đủ. Điều đó đặc biệt quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết một cách nhanh chóng với các diễn biến phức tạp của nền kinh tế. Khi mà độ trễ của các quyết định mang tính hành chính thường ít đem lại hiệu quả, thì sự can thiệp vào thị trường một cách chủ động lại tạo cho chủ thể quản lý nhiều thuận lợi hơn. Trong tất cả các biện pháp can thiệp, Ngân hàng Nhà nước đều được xác định thực thi vì mục tiêu lợi ích chung của quốc gia, không vì mục tiêu lợi nhuận. Điều đó sẽ đem lại khả năng linh hoạt cho Ngân hàng Nhà nước trong vai trò quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự điều tiết cho một thị trường nhạy cảm như thị trường vàng.

Thứ hai, vàng là một cấu thành quan trọng trong kho dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Với vai trò là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc quản lý quỹ dự trữ ngoại hối nhằm đảm bảo về mặt giá trị cho lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm. Kiểm soát khối lượng tiền đồng Việt Nam trong lưu thông, đảm bảo khả năng thanh toán của tiền đồng Việt Nam và điều tiết lượng ngoại tệ cho nhu cầu thanh toán của nền kinh tế là những nội dung quan trọng nhất khi thực hiện chính sách này. Trên thực tế, các Ngân hàng Trung ương chính là những chủ thể tham gia rất thường xuyên trên thị trường vàng quốc tế với khối lượng giao dịch rất lớn. Với trữ lượng khổng lồ của kho dự trữ cũng như tiềm lực tài chính, Ngân hàng Nhà nước có khả năng để tạo ra một lực cung hoặc cầu đủ mạnh trong những trường hợp cần thiết để giữ ổn định thị trường, định hướng thị trường, giữ cân đối nền kinh tế hay bảo đảm lợi ích chính đáng của công dân. Cùng với địa vị pháp lý đặc biệt, việc quản lý kho dự trữ ngoại hối là một điều kiện thuận lợi tiếp theo cho Ngân hàng Nhà nước quản lý đối với thị trường vàng.

Thứ ba, mạng lưới hoạt động kinh doanh vàng hiện nay ở Việt Nam bên cạnh các cơ sở kinh doanh vàng nhỏ lẻ là các tổ chức tín dụng. Hệ thống các tổ chức tín dụng với hoạt động chủ yếu là các hoạt động ngân hàng được đặt dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong mô hình ngân hàng hai cấp của Việt Nam. Trong hoạt động của mình, các tổ chức tín dụng phải tuân thủ nghĩa vụ báo cáo với Ngân hàng Nhà nước định kỳ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Nội dung của các báo cáo đem lại cho Ngân hàng Nhà nước đầy đủ các thông tin về diễn biến trên thị trường để đem lại một bức tranh tổng thể của nền kinh tế. Đặc biệt khi thị trường vàng có tính liên hệ rất cao với các thị trường tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối đều là các

đối tượng quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một điều kiện rất thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước khi quản lý đối với hoạt động kinh doanh trên thị trường vàng trong nước.

Một phần của tài liệu Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật (Trang 28 - 35)